Dọc đường VN
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Đỉnh cao sáng tác của kịch Lưu Quang Vũ" , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 3/6 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 7/6 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct chúng tôi muốn giới thiệu một đỉnh cao sáng tác của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ, bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct là bài viết "Người nghệ sĩ khát khao sáng tạo" của Xuân Nguyên, chúng ta cùng theo dõi. Qúy thính giả vừa theo dõi ct, ct này do Việt Thanh bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

         ĐỈNH CAO SÁNG TÁC CỦA NHÀ VIẾT KỊCH LƯU QUANG VŨ.

                                                                                              (Xuân Dũng)

 

   Nhà văn, nhà thơ,  nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ (17/4/1948-29/8/1988) là hiện tượng sân khấu đặc biệt thời kỳ đầu của Đổi Mới. Ông được nhà nước truy tặng giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật: giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000. Trong gia tài tác phẩm của ông bên cạnh những sáng tác sân khấu nổi tiếng mang tính thời sự nóng hổi như "Tôi và chúng ta" có một vở kịch để đời mang tên "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt" đã được công diễn rất nhiều lần trong và ngoài nước, đem lại thành công vang dội.

   Chắc nhiều người Việt không xa lạ gì với truyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

    Chuyện là thế này : Trương Ba        vốn người lương thiện lại có biệt tài chơi cờ tướng,  đã có bận đánh với với tiên cờ Đế Thích khi ông nhà trời này cải dạng xuống hạ giới, hai bên gặp nhau cũng kỳ phùng địch thủ. Đáng lẽ Trương Ba chưa phải lìa trần nhưng vì hai vị tiên quyết định sự chết của con người là Nam Tào và Bắc Đẩu chấm ẩu vào sổ trời nên Trương Ba mới phải hồn lìa khỏi xác. Biết chuyện Đế Thích thương tình nhưng cũng chỉ còn nước cho Trương Ba được sống bằng cách nhập hồn vào anh hàng thịt vừa mới chết. Thế là tồn tại một người hồn nọ, xác kia. Mọi chuyện giữa hai bà vợ, con cái và xóm làng từ đấy mà sinh ra rắc rối, oan khiên với đủ chuyện bi hài.

    Mượn xác anh hàng thịt để sống, hồn Trương Ba không thể thanh thản. Cuối cùng sau bao nhiêu dằn vặt, suy tư ông đã có một quyết định kinh người: phải chết thêm lần nữa, lần này thì không thay đổi. Ông dốc lòng với tiên cờ Đế Thích  để ông tiên còn ít nhiều lương tri này giúp mình chết vĩnh viễn. Trương Ba nói : “Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống như thế này còn khổ hơn cái chết. Sống thế này mới thực là chết. Sẽ không còn một kỷ niệm tốt lành nào về Trương Ba nữa, không còn Trương Ba nữa. Còn lấy lý lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường thẳng được.

    Trương Ba đã chết thêm lần nữa. Mở đầu vở kịch là cái chết, kết thúc cũng là cái chết của chính một người. Đọc xong, xem xong ta thấm thía cái hay của vở kịch thấu đáo tình người, lẽ đời của. Người đọc, người xem hồi hộp, phẫn uất, xót xa nhưng không hề tuyệt vọng, không đánh mất lòng tin vào chính con người, vào chính cuộc đời này.

    “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch sâu sắc, hấp dẫn, với nhiều tầng nghĩa đan xen, hoà quyện vào nhau rất đỗi tự nhiên và chân thực. Tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề hết sức quan trọng và bức thiết đối với nhân gian: vai trò người cầm quyền đối với số phận con người, số phận quần chúng; tinh thần và vật dục, hồn và xác, nội dung và hình thức, sống và chết. Xin nói thêm không phải bỗng nhiên mà vở kịch này khi luu diễn nhiều nước trên thế giới lại được khán giả ngoại quốc hoan hỉ đón nhận, bởi tác phẩm đã chạm được tới những vấn đề sâu thẳm và hệ trọng nhất của cõi nhân sinh, những câu hỏi lớn vừa mang tính thời sự lại vừa mang tính vĩnh cữu của chung nhân loại.   Tất cả bằng sáng tạo tài tình “bình cũ, rượu mới” của Lưu Quang Vũ  đã lồng vào nhau, nâng nhau lên để ánh lên hào quang tên tuổi của một tài năng thực sự độc đáo.

    Với tất cả những thành công trác việt, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là đỉnh cao sáng tác khác lạ trong gia tài kịch đồ sộ  của một nhà viết kịch tài ba và xứng đáng để đời, lưu danh  hậu thế.

 

                     NGƯỜI NGHỆ SĨ KHÁT KHAO SÁNG TẠO ...

 

                                                                                                 (Xuân Dũng)

                              

 

   Chúng tôi đến nhà họa sĩ Trương Đình Dung ở thành phố Đông Hà vào một ngày nắng đẹp như đang độ xuân thì. Người họa sĩ vẫn miệt mài với những đường nét sắc màu của mình, hầu như ít khi thấy anh rảnh rỗi, khi lao động nghệ thuật với anh như khí trời hít thở, như cơm ăn nước uống hàng ngày.

      Và cuộc đời vẫn cứ đi lên theo nhịp bước thời gian, không gì có thể đổi thay theo cách mà nhiều người thích gọi là hiện thực khách quan cho dù chặng đường đã qua có lắm buồn vui, với lắm thác ghềnh. Đó là chính là bản chất của của cuộc đời xưa nay vẫn vô thủy vô chung.

   Anh vẽ bìa số tết cho tạp chí Cửa Việt, vẽ minh họa cho hàng chục tờ báo và tạp chí trong cả nước, rồi vẽ tranh bằng năng lượng sáng tạo dồi dào được các nhà sưu tập ưa chọn. Các mùa trong đó có mùa xuân hiện hữu trong tác phẩm của anh, từ những gì anh quan sát, thu nhận và suy ngẫm. Và đó là cả một quá trình sáng tạo như bản chất tươi mới của mùa xuân sáng tạo.

*Họa sĩ Trương Đình Dung, nói (băng)

  Những phút anh đi dã ngoại, ngắm nhìn đất trời cũng là một cách người nghệ sĩ đối thoại với thiên nhiên, với con người, được sống nhiều hơn trong một cuộc đời, được nhìn ngắm, cảm nghiệm để khai thông sáng tác. Cuộc sống thì như dòng chảy không ngừng nghỉ, cứ trôi đi theo cách của mình, không đợi chờ ai, còn người nghệ sĩ thì phải nắm bắt lấy những khoảnh khắc hình ảnh bên ngoài để chạm khắc cho tác phẩm của mình.

      Như anh đã tâm sự là rất nhiều khi anh mang tâm trạng vẽ là để trả nợ, trả nợ quê hương, trả nợ cuộc đời, trả nợ nhân gian với muôn vạn ân tình khó lòng nói hết. Như motif (mô típ) sen trở thành một ám tượng trong tranh của anh cũng là hiện thân cho quê nhà Quảng Trị, dù mỗi lần xuất hiện thì hoa sen lại có vẻ khác nhau qua cách nhìn và đặc biệt là cách cảm của người họa sĩ. Hay địa đạo Vịnh Mốc, một chứng tích lịch sử thật sự ấn tượng của người dân Vĩnh Linh đã thôi thúc anh sáng tạo để trả nợ nguồn cội sinh thành nơi quê cha đất tổ.

    Họa sĩ là người năng động, khát khao làm việc và dễ thích nghi nên cũng không gò mình vào một bút pháp, chất liệu cụ thể nào mà thường là tùy cơ ứng biến, tùy theo đề tài và cảm xúc mà tìm cách thể hiện cho thích hợp. Bởi vậy tranh của anh cũng đa thanh, đa sắc, sinh động và mang hơi thở sự sống như chính cuộc đời này. Kể cả khi anh tái hiện địa đạo Vịnh Mốc như một thử thách khắc nghiệt thời chiến giữa lằn ranh sinh tử thì nụ cười trẻ thơ nhi nhiên vẫn hình tượng chủ đạo quán xuyến tinh thần của bức tranh, một cách nhìn tươi mới, lạc quan, tạo nên thần thái của một họa phẩm có vẻ sơ giản về đường nét nhưng mới lạ về bố cục và tư tưởng nghệ thuật.

    Trong nhiều bức tranh khác của họa sĩ Trương Đình Dung, có cảm giác chất uy-mua ẩn chứa trong tác phẩm, thấp thoáng nụ cười của người sáng tác, một nụ cười có chút gì hài hước như thể đang muốn chuyện trò với người thưởng lãm. Phải chăng đó là duyên riêng trong tranh Trương Đình Dung khiến nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tranh của anh được nhiều nhà sưu tập lựa chọn và anh là họa sĩ sống được bằng nghề,  bằng tác phẩm, một điều không dễ trong thời buổi hiện nay kể cả với nhiều người hoạt động nghệ thuật ở các thành phố lớn.

 

                                   

 

 

 

 

                                           

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 30/05/2022 10:36 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:29
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà