Dọc đường VN 10/6
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 10/6 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Hồ Sĩ Bình:miệt mài trang văn" , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 10/6 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 14/6 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. Ptv dẫn: -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, là bài viết "Hồ Sĩ Bình miệt mài trang văn" của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct chúng ta cùng cảm nhận đôi nét về danh họa Lê Bá Đảng, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct, ct này do Việt Thanh bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

             HỒ SĨ BÌNH: MIỆT MÀI TRANG VĂN.

                                                                                         (Xuân Dũng)

 

  Hồ Sĩ Bình là nhà văn người Quảng Trị, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, định cư Đà Nẵng. Anh hiện là Phó trưởng Chi nhánh NXB Hội Nhà văn Việt Nam tại Miền Trung và Tây Nguyên.

   Trong thời buổi điện khí hóa toàn cầu mà còn có kẻ cứ muốn thắp ngọn đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn thì hẳn đó là một văn nhân không mấy giống người, biết nuôi dưỡng tâm thế hồi cố và giàu có hoài niệm. Nếu không thì tự sự được mấy hồi. Và dù kể gì, đi đâu thì cố hương Quảng Trị vẫn âm ỉ, phập phồng như bấc ngọn đèn dầu vẫn cháy đến trọn đời trong tim người du tử.

   Nhà thơ Võ Văn Hoa ở Quảng Trị cảm nhận (băng)

   "Mùa cá rải đồng bãi Diên Sanh"  là bút ký xốn xang mùa lũ, kết bằng một bài thơ tặng bạn Lê Hải, một nét mới trong văn xuôi Hồ Sĩ Bình. Nhà văn nhắc đến miền đất thường được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười" của Hải Lăng (Quảng Trị), nơi vùng trũng với nhiều sông suối, mà thủy đạo chính là sông Ô Lâu, cá tôm, cả vị nấm tràm đắng đầu lưỡi, nhưng ai đã ăn một lần thì không dễ nguôi quên.

   Cả ngôi làng ngày xưa gọi là Đại Xã Trường Sanh và bữa cơm quê nhiều ớt làm cay mắt những người về lại nơi cố xứ khi tóc đã pha sương..."Bữa cơm mà thím dọn cho đứa cháu ở xa về , chao ơi là khó nói, một soong cá lúi kho quẹo, cá chỉ bằng ngón tay cái mà trứng thì nưng nức báo ngậy đậm mùi quê kiểng, lại dạt dào tâm can. Bạn và tôi xa quê lưu lạc lận đận xứ người mấy chục năm nên khi trở lại dù chỉ là món ăn đơn sơ nhưng hình như chỉ có ở miền gió Lào cát trắng sau những ngày mưa lũ, lòng bỗng dâng lên một mỗi cảm hoài xa vắng khi nghĩ về mẹ mình đã không còn nữa, và những bữa cơm mẹ nấu ngày mưa gió..."

   Thời gian tâm tưởng thường gắn liền với thì quá khứ tạo nên những vòng sóng liên hồi khi người trong cuộc thả hòn đá kỷ niệm làm xao động sông nước quê nhà ký ức, gợi nên xúc động tận tâm can những mối giao hòa. "Chuyện của bạn "cũng làm rưng nước mắt" tôi, đơn giản vì mẹ sinh anh ra nơi ấy/nên đi đâu anh cũng muốn về trong câu thơ của ai đó. Thật ra có khác gì, đi đâu cũng là mối cảm hoài ấy, hoàn cảnh và không gian ấy, cũng là lưu linh lạc địa về quê cũ, tôi thật sự xúc động, thơ đến khi nào không hay:

...Ta về trời đất nghiêng nghiêng nhớ

   Đăm đắm nhìn sông chợt thật thà

   Đôi khi muốn quên đời nhiễu sự

   Tìm lại nương mình nhánh sông xa."

   "Thắp ngọn đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn..." là câu chuyện cảm động và thành kính về một người anh bên dòng Thạch Hãn. Một người áo vải phong trần, sách vở đọc thiên kinh vạn quyển mà cốt cách như là đạo sĩ, xem nhẹ cả chuyện công hầu khanh tướng, huống chi sự lập ngôn. Nhưng yêu, yêu tận cùng quê hương bản quán, coi đó là đạo làm người máu thịt.

   "Đêm đó là đêm cuối cùng uống rượu cùng anh.

   Dù không nói ra, nhưng tôi chưa gặp một người nào yêu thương và gắn bó suốt đời với dòng sông quê nhà như anh. Về thắp hương cho anh rồi một mình ra sông. Nhớ anh, rót một ly rượu đầy rài xuống dòng sông bên chỗ anh ngồi. Vẫn thế, mưa bụi bay bay, mênh mông sông dài, hoang lạnh hoàng hôn, giang phong ngự hỏa không có gì thay đổi, chỉ vắng một chỗ ngồi để ai đó Thắp ngọn đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn".

   Bút ký của anh ngày một miên trường...

 

                    NHÀ HỌA SĨ THIÊN TÀI.

 

                                                                                               (Xuân Dũng)

 

   Nhắc đến hội họa Quảng Trị và Việt Nam trong thế kỷ 20, không thể nào thiếu tên tuổi danh họa Lê Bá Đảng.

  Nếu có dịp chúng ta sẽ xem những thước phim tư liệu quý giá, những hình ảnh danh họa Lê Bá Đảng (1921-2015) lúc sinh thời khi ông ở nước ngoài hay khi về thăm quê hương xứ sở. Lê Bá Đảng sinh ở làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông bị Pháp đưa đi làm lính thợ ở châu Âu trong thế chiến thứ hai. Và ông đã tham gia đoàn quân chống phát xít, định cư ở Pháp. Rồi từ một người lao động bình thường, bằng tài năng lớn và khổ công rèn luyện,  khám phá ông đã trở thành một họa sĩ bậc thầy.

  Chuyện ông gắn bó với quê hương đất nước thì có nhiều, chỉ xin kể một vài. Có một bức ảnh quý ghi lại một khoảnh khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị Phongtennoblo trong tình cảnh đất nước dầu sôi lửa bỏng. Người đứng bên phải cạnh Hồ Chủ tịch chính là ông Lê Bá Đảng của hơn 60 năm trước. Cũng như về sau này trong chiến tranh vệ quốc sau năm 1954 ông đã có nhiều đóng góp giúp đoàn ngoại giao để dành thắng lợi trong hiệp định Paris 1973. Nói qua như thế để hiểu rằng hễ là người yêu nước thương nòi thì dù cho ở tận chân trời góc bể, trái tim vẫn luôn cùng nhịp đập với đồng bào nước Việt.

   Ông đã đi xa trong một hành trình miên viễn, để lại cho đời một tài sản nghệ thuật lớn lao vô giá. Hành trình nghệ thuật của ông là con đường khai sáng những chân trời mới, bắc một nhịp cầu vững chải và ngoạn mục nối liền hai phía Đông-Tây của nhân quần. Danh họa này đã kết hợp nhuần nhị tư duy phương Đông và kỹ thuật phương Tây trong sáng tác của mình, ông đã khai sáng một hướng sáng tác mới được thế giới công nhận mang tên đồ họa Lê Bá Đảng (Lebadang graphic).

   Hiện tượng Lê Bá Đảng chói sáng khiến người ta tìm hiểu, khám phá ông, nhìn nhận và đánh giá ông, người đã khai phá và để đời một thuật ngữ mới trong hội họa hiện đại, đó chính là đồ họa Lê Bá Đảng. Điều này càng có ý nghĩa ngay ở Paris, “kinh đô ánh sáng”, chiếc nôi của những trào lưu, trường phái mới mẻ trong văn học nghệ thuật  thế giới phương Tây.

   Trong ngôi nhà nơi quê cũ, nhìn đâu cũng thấy đầy ắp một không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng. Từ bình phong, cổng nhà cho đến khu vườn như vẫn còn đọng lại ánh mắt và tâm hồn của người nghệ sĩ. Một người đã sống gần trọn đời người ở phương Tây mà vẫn có cách cảm, cách nghĩ của Việt Nam, vẫn nằm lòng âm dương, ngũ hành, vẫn nhớ những điều quê kiểng nhất. Và ông đã tái tạo bằng nghệ thuật, thứ nghệ thuật vừa hiện đại, đa tầng, đa nghĩa lại vừa cụ thể, gần gụi với cảm thức Á Đông. Tất cả những hình ảnh toát lên từ ngôi nhà của ông, từ những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc đều mang  vẻ bình dị, an nhiên mà vẫn ánh lên  sắc thái trí tuệ và sang trọng. Đó chính là cái khác người và hơn người của danh họa Lê Bá Đảng, nó đã chinh phục công chúng phương Tây vốn thiên về kỹ thuật biểu hiện và khán giả phương Đông vốn coi trọng cảm xúc, cốt lõi tâm tình.

   Ngoài ngôi nhà hương hỏa ở Bích La Đông, còn có một không gian Lê Bá Đảng cũng rất quan trọng ở Việt Nam, đó là Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng ở cố đô Huế, nằm ở 15-Lê Lợi bên bờ sông Hương, con đường đẹp nhất của thành phố Huế.

   

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 04/06/2022 17:19 Lê Vĩnh Nhiên 13/06/2022 09:46
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà