Dọc đường VN 22/7
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 22/7 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Đôi nét bút ký Nguyễn Hoàn" , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 22/7 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 26/7 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: *Những người thực hiện ct: dọc đường văn nghệ rất vui khi được gặp lại quý thính giả. Mở đầu ct sẽ là đôi nét về văn chương Trần Tuấn, bài của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. *Phần cuối ct là đôi nét về kịch cố nhà văn Xuân Đức về đề tài liệt sĩ, bài của Xuân Nguyên, chúng ta cùng theo dõi. *Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường văn nghệ, ct do Việt Thanh bt, được thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

                                        ĐÔI NÉT VĂN CHƯƠNG TRẦN TUẤN.

                                                                                                          (Xuân Dũng)

 

   Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn tên thật là Trần Ngọc Tuấn, quê ở Quảng Ngãi, anh hiện là trưởng văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Huế, nay là Đại học Khoa học Huế.

   Tôi còn nhớ vào một đêm thơ Huế đâu như vào năm 1990 thì phải, khi ấy nhà thơ Trần Tuấn mới ngoài hai mươi tuổi đã đọc bài thơ "Chợ Trời" mà đến giờ tôi vẫn nhớ được mấy câu:

   "Chợ trời không ở trên trời/ Chợ trời ở giữa lòng người bán mua/Em bao nhiêu giá cho vừa/Tôi nghèo không đủ tiền mua em về..." . Và hai câu kết cũng khá ấn tượng : " Chợ trời mà thế ư em?/ Bao giờ Trời biết mà đem chợ về !". Bài thơ gợi liên tưởng đến một thi phẩm của thi sĩ Nguyễn Binh là "Tiền và lá ". Ngay từ lúc ấy, đã chớm thấy một hồn thơ của  Trần Tuấn, nhưng đó chỉ là khởi đầu của một thi sĩ đích thực không ngừng tìm tòi đổi mới thơ mình.

   Sau này anh tiếp tục mạch thơ truyền thống mà có những câu thơ chất chứa ám ảnh của tâm linh như :"Em không về vắng một cuộc đưa dâu" đã thành tên của một bài báo của tác giả khác hoặc được nhắc khi nói đến sự hy sinh trong kháng chiến như địa chỉ Truông Bồn (Nghệ An).

  Nhưng Trần Tuấn không chỉ dừng lại trong sáng tạo với các thể thơ và cách cảm truyền thống, anh muốn bứt phá, muốn cách tân. Và tập thơ "Ma thuật ngón" ra đời năm 2008 như là một tuyên ngôn mới về thơ bằng chính sáng tác của mình, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong hành trình thi ca của Trần Tuấn. Tập thơ đã đoạt giải thơ "Bách Việt" năm 2009. Ban giám khảo nhận xét về tập thơ này : “Từng câu, từng chữ, từng bài ở Ma thuật ngón như chuyển động theo một giục gọi ngấm ngầm rằng đã đến lúc phải thay đổi cách viết, cách cảm, cách nghĩ về thơ một cách quyết liệt hơn nữa”.

  Năm 2013, anh lại cho xuất bản tập thơ mà tên gọi cũng rất ấn tượng : " Chậm hơn sự dừng lại" tiếp tục được dư luận chú ý vì khẳng định con đường thơ mà thi sĩ lựa chọn sau này.

  Thơ Trần Tuấn như là sự lay động của tiềm thức, vô thức và dĩ nhiên cả ý thức, tạo nên một trường liên tưởng vừa mơ hồ lại vừa cụ thể như gió, như không khí đầy những ẩn dụ, mờ nhòe, đứt gãy mà cũng rõ rệt, thường thấp thoáng những ẩn ức và nghịch lý...một phong cách hậu hiện đại của riêng Trần Tuấn. Đọc thơ Tuấn nhiều khi độc giả như lạc vào một cõi mộng du.

   trà đã tra vào ấmtôi lơ mơ nằm chờ

   (Đợi nước đang sôi)

  Nên gió của Trần Tuấn cũng vừa hiện thực mà lại vừa siêu thực, cảm giác như đang bước chân vào vòng tròn ma thuật của thi ca, nói không hiểu thì nghe thật phi lý, nhưng nói đã hiểu cả rồi thì e rằng còn phi lý hơn.

            KỊCH XUÂN ĐỨC VỀ ANH HÙNG LIỆT SĨ.

 

                                                                                                     (Xuân Đức)

 Nhà văn, nhà viết kịch Chu Lai có lần nhận xét rằng Quảng Trị là xứ sở trận mạc. Riêng với  nhà văn Xuân Đức thì chiến tranh cách mạng, trong đó có những câu chuyện và số phận liên quan đến liệt sĩ được nhà văn để tâm khắc họa.

   Chẳng hạn như vở kịch "Ám ảnh" hai bà mẹ có con ở hai chiến tuyến đối đầu và đều đã chiến tranh cướp đi sinh mệnh. Hai bà mẹ đều đau khổ vì mất con, cùng là người làng nhưng bao nhiêu năm sống trong hòa bình, thống nhất vẫn chưa thể thực sự gần nhau dù cả hai đều thiện chí. Có những hố sâu ngăn cách có thể vô hình nhưng có thực mà họ chưa thể vượt qua một sớm một chiều. Họ quan tâm đến nhau, thăm nhau cũng rụt rè, lén lút như thể mình làm một điều gì đó bất minh, không muốn người kia biết được. Có những uẩn khúc của lòng người không dễ giãi bày.  Rồi hai người mẹ giáp mặt nhau. Cả hai đều có những nỗi niềm đồng cảm, bởi cả hai đều là những người mẹ có trái tim của bậc sinh thành.

   Trong vở kịch dài "Chứng chỉ thời gian" ba nhân vật chính đều bước ra từ cuộc chiến khốc liệt. Hiền trước đó với Lưỡng là một đôi uyên ương. Sau khi Lưỡng hy sinh, trải qua tám năm Hiền mới lấy Phan làm chồng khi đứa con với Lưỡng đã lên tám tuổi. Sống với hiện tại khi cuộc hôn nhân không thể cơm lành canh ngọt. Hiền đã dằn vặt khi khấn vái Lưỡng :

" Anh Lưỡng ơi ! Người ta vẫn nói với em không ai chỉ sống bằng nỗi tiếc thương quá khứ. Nhưng em...em không sống nổi nếu như buộc phải quên hết tất cả những gì của hai mươi bốn năm qua.

   Hai mươi bốn năm qua thời gian thời gian dài hay ngắn ? Chớp mắt hay đằng đẵng, em cũng không còn phân biệt được nữa. Trước mắt em bây giờ cái gì cũng khác lạ. Tình người, lẽ sống, đạo đức, niềm tin, nỗi khát khao, niềm hy vọng, hầu như đã biến dạng thay hình..."

   Còn Lưỡng thì không phải đã hy sinh dù gia đình đã nhận bằng liệt sĩ. Nhưng khi anh trở về thì nhiều thứ trong cuộc sống hiện tại đã đảo lộn. Kể cả việc hiển nhiên là cần phải chứng minh mình đang sống. Lưỡng kêu lên :

" Không, tôi chỉ muốn có sự thừa nhận... (Hiền nhìn Lưỡng hoảng hốt). Phải, tôi đòi sự thừa nhận đó. Suốt hai chục năm qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi. Khi quê hương giải phóng, tôi đã mò về tỉnh. Nhưng tỉnh bận sáp nhập, về huyện, huyện cũng nhập to ra, về xã, xã cũng thay đổi tên họ để làm ăn lớn. Tổ chức bận bao nhiêu việc lớn, không ai xác nhận cho tôi. Họ động viên tôi cứ tạm bằng lòng với danh hiệu liệt sĩ, sau này có điều kiện sẽ truy cứu..."

   Đó cũng là một trong những khắc khoải thời hậu chiến, rất éo le khi người lính về lại giữa đời thường mà nhà văn Xuân Đức đã tái tạo bằng tác phẩm của mình.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 19/07/2022 21:01 Lê Vĩnh Nhiên 20/07/2022 17:27
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà