Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 Tạp chí văn nghệ chủ nhật 24.7.2022

Trích: Bài ca không quên

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà cả nước hướng về Ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7 với tấm lòng biết ơn sâu sắc lớp lớp cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ. Đặc biệt, trong dòng chảy văn học NT Việt Nam qua các thời kỳ, người lính luôn là hình ảnh trung tâm chiếm giữ một vị trí quan trọng trong sáng tác của các văn nghệ sỹ nhiều thế hệ.

Trích

PTV: Kính thưa Quý vị! Cứ mỗi tháng 7 hàng năm về, những giai điệu khắc họa chân dung của những người con vì đất nước, vì Tổ quốc đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương lại vang lên. Nổi bật và có sức lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ nhất có thể kể đến khúc tráng ca Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu; là bài hát Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn; là ca khúc Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến; là nhạc phẩm Cỏ non Thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền. Trong những ngày tháng 7 lịch sử với thật nhiều cảm xúc, chúng ta hãy cùng lắng lòng mình để sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc qua những Giai điệu tháng 7 sau đây.

Trích: Màu hoa đỏ

Như trang nhật ký của người lính, ca khúc Màu hoa đỏ là sự ghi nhớ về sự hy sinh “rực lửa” bằng những ca từ và giai điệu hết sức sâu lắng và xúc cảm của nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu:

Có người lính

Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính

Mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về

Dòng tên anh khắc vào đá núi

Mây ngàn hóa bóng cây che

Chiều biên cương trắng trời sương núi

Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…

Đó là người chiến sĩ đã lên đường, ra trận theo tiếng gọi của non sông và tuổi tên đã thành vĩnh cửu trên đá núi, trên từng tấc đất biên cương của Tổ quốc

Việt Nam ơi ! Việt Nam !

Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con

Việt Nam ơi ! Việt Nam !

Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn

Để có bài ca Màu hoa đỏ được hát lên trong mỗi tháng 7, nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhạc vào bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sau những lần cùng ôn lại những kỷ niệm ở chiến trường, nhớ về những đồng đội kẻ còn người khuất và đặc biệt tiếc thương những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường do chính mình chôn cất mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vì thế, thơ và nhạc của ca khúc Màu hoa đỏ là cách để nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trả nợ về tinh thần với những đồng đội đã hy sinh.

Với những nét nhạc sâu lắng của nhạc sĩ Thuận Yến, mỗi khi ca sĩ thể hiện cất tiếng hát, nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đều cảm thấy như mình đang gặp lại các đồng đội cũ. Không chỉ với giai điệu và hình ảnh về người lính, ca khúc Màu hoa đỏ còn thể hiện hình ảnh một người mẹ vĩ đại với tầm vóc lớn: Mẹ của người lính-Mẹ Tổ quốc. Và với tinh thần đó, bài hát Màu hoa đỏ đã đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng trong năm 1994.

Trích màu hoa đỏ

Cũng trong những ngày tháng 7, giai điệu tha thiết của bài hát Cỏ non Thành Cổ của nhạc sĩ Tân Huyền lại vang lên nhiều hơn trên Đài Truyền hình và sóng Phát thanh hướng về ngày Thương binh liệt sĩ. Đặc biệt, ca khúc Cỏ non Thành Cổ không chỉ gợi nhắc một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử mà còn là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của, những người đang được hưởng cuộc sống hòa bình trên đất nước Việt Nam nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng. Khi tỉnh Quảng Trị được lập lại vào năm 1989, ngành Văn hóa của tỉnh mời các nhạc sĩ về xây dựng chương trình cho Đoàn Ca Múa Nhạc của tỉnh mới được thành lập. Những ngày đầu làm công việc sáng tác ở Thành cổ Quảng Trị, nhạc sĩ Tân Huyền thấy chỉ toàn cỏ là cỏ, ngồi hàng giờ trên cỏ mà không tìm được “tứ” để viết nhạc vễ những hy sinh mất mát rất to lớn của chiến sĩ Quân Giải phóng ở Thành Cổ Quảng Trị. Rồi một sớm mai, nhạc sĩ đã gặp câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập khi ấy đang ngồi làm việc ở Tòa soạn Tạp chí Cửa Việt sát bên Thành cổ Quảng Trị: “Cỏ lên xanh đẹp thế này nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống. Có khi chỉ lật nhẹ lớp đất là có thể bắt gặp ngay hài cốt ở dưới…". Với một sự xúc động mạnh mẽ ùa đến sau câu nói đó, cái tứ của bài hát Cỏ non Thành Cổ đã bật ra: Cái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất. Chưa ở đâu như ở Thành Cổ Quảng Trị, cỏ xanh non thế, đẹp đến thế và phất phơ trong gió như trong những ca từ của bài hát.  Đây cũng là tác phẩm mà nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác trong hoàn cảnh gia đình của ông có người em trai đi bộ đội, chiến đấu ở miền Nam và từ ngày người em đi, chiều nào người mẹ già của ông cũng đứng tựa cửa ngóng trông con nhưng em trai của ông đã không bao giờ trở về nữa nên trong những ca từ “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ/ Khi chồng con không trở về” có hình ảnh người mẹ già của ông.

Trích: Cỏ non thành cổ

Cũng với cảm hứng sáng tác về những con người đã hy sinh vì độc lập và tự do của đất nước, ca khúc Dòng sông hoa đỏ của nhạc sĩ Võ Thế Hùng ngợi ca những liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị trong mạch sáng tác theo chủ đề hoài niệm, tri ân. Với chất liệu dân ca Quảng Trị, nhạc sĩ Võ Thế Hùng đã rất thành công khi ca khúc Dòng sông hoa đỏ làm người nghe có cảm giác bài hát như lời ru của người mẹ Việt Nam và cũng là tiếng khóc của những người mẹ Việt Nam mấy mươi năm ròng trông ngóng mà chưa thấy bóng con về nên trong bài hát có nước mắt, có tiếng khóc nhưng không hề bi lụy mà rất bi hùng và lãng mạn như một khúc tráng ca:

À ơi, ơi à. Bao năm qua sông Thạch Hãn đầy vơi như lòng mẹ khôn nguôi thổn thức.

Bao năm qua dưới chân Thành Cổ, các anh hùng tuổi hai mươi ngã xuống.

Hồn quyện gió mây, máu hòa Thạch Hãn.

Khi người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy mãi những dòng sông. Ôi dòng sông mang phù sa người lính, tươi mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu.

Trích: Dòng sông hoa đỏ; ST: Võ Thế Hùng

Những bài hát về sự hy sinh vì Tổ quốc của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam luôn được cất cao vào mỗi tháng 7 hàng năm như những nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, là âm vang của sự tri ân vô bờ bến đối với những con người đã xả thân, quên mình vì nước, vì dân.

Trích

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó có hình tượng người lính là một trong những mảng đề tài lớn trong văn học - nghệ thuật.  Hàng trăm câu chuyện cảm động về tình quân dân, tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ được văn nghệ sĩ thể hiện đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại như: văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, âm nhạc, múa… Với họa sỹ gạo cội Thế Hà- người từng chứng kiến những mất mát, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc nên hơn ai hết ông rất thấu hiểu và xúc động…Bằng cái nhìn nhân văn của người nghệ sỹ, họa sỹ Thế Hà cũng khắc họa chân dung người lính trong thế giới nghệ thuật của mình với những tình cảm thiêng liêng. Trong chương trình hôm nay, chúng ta hãy cùng nghe những chia sẽ của ông về chủ đề người lính trong các sáng tác của mình qua phần trò chuyện cùng BTV Ánh Tuyết.

1.     Thưa họa sỹ Thế Hà, những ngày này cả nước đang hướng về kỷ niệm 75 năm ngày TBLS 27.7 với rất nhiều hoạt động tri ân. Với họa sỹ Thế Hà, ông có những cảm xúc đặc biệt nào trong những ngày tháng 7 này ạ?

2.     Vâng! Những tình cảm vô cùng xúc động. Và phải chăng chính từ câu chuyện đời thực của bản thân đã giúp ông khắc họa hình ảnh người lính một cách chân thực và sinh động hơn trong các tác phẩm của mình phải ko ạ?

3.     Thưa họa sỹ Thê Hà, sáng tác về chủ đề người lính luôn mang lại nhiều cảm xúc cho văn nghệ sỹ. Với họa sỹ Thê Hà, ông có cách thể hiện riêng nào về hình tượng người lính ạ?

4.     Thưa ông,  có ý kiến cho rằng: để sáng tác về hình tượng người lính thật xúc động thì phải là những người từng đi qua chiến tranh, từng chứng kiến nhiều câu chuyện thời chiến mới có thể cảm nhận hết được. Ông nghĩ  sao về điều này ạ?

5.     Vâng! Có thể nói sáng tác về hình tượng người lính đã được các thế hệ nghệ sỹ gạo cội thể hiện rất thành công. Vậy, theo ông vì sao những tác phẩm hay về hình tượng người lính trong thời bình vẫn còn hiếm hoi?

Xin cảm ơn họa sỹ Thế hà với cuộc trò chuyện hôm nay và chúc ông sẽ có nhiều sáng tay hay và ý nghĩa trong thời gian đến.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng hằng ngày chúng ta vẫn được nghe những câu chuyện xúc động về hành trình đi tìm đồng đội của những người Cựu chiến binh. Đó cũng là một trong những ngọn nguồn thẩm mỹ và là chất liệu sáng tạo của nghệ thuật thơ ca đương đại khi phản ánh về đề tài này. Với ý nghĩa đó, bài thơ “Lời ru hài cốt ngủ trên lưng” của cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ giúp con người biết ơn với sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của người lính.  Chúng ta hãy cùng nghe bài viết: Hình tượng người lính và đồng đội trong bài thơ Lời ru hài cốt ngủ trên lưng của CTV Bội Nhiên.

Bao năm ngủ dưới đất sâu

Giờ xin ngủ tiếp dưới bầu trời xanh

Đường xa ru giấc gập ghềnh

Sườn non dằng dặc bồng bềnh mây trôi

Ngay từ khổ thơ đầu tiên, hình ảnh Lời ru hài cốt ngủ trên lưng đã tạo được hình tượng nghệ thuật mang tính khái quát về cuộc sống của những liệt sĩ không mộ bia vừa được đồng đội tìm thấy. Trở thành đối tượng phản ánh của nghệ thuật, tìm thấy đồng đội là một hiện thực cụ thể được cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc lĩnh hội trực tiếp bằng tình cảm và lý trí của mình với những cảm xúc đặc biệt:

Ước gì mây đỡ làm nôi

Gió đưa làm quạt sông trôi lặng thầm

Để bạn yên giấc ngàn năm

Lời ru xin tặng khúc nằm trên lưng.

Những câu thơ chan chứa yêu thương, trân trọng, nâng niu như lấp lánh ước mong và ngân nga lời ru ấm áp vỗ về hài cốt và linh hồn mà với cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc đã thành đồng chí chung câu quân hành trong những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và từng cùng nhau súng bên súng đầu sát bên đầu, đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

Với lời ru xin tặng khúc nằm trên lưng, cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc đã khắc họa cho người đọc hiểu được ý nghĩa và công việc tìm đồng đội mà quân và dân Việt Nam thực hiện trong mấy mươi năm qua. Trong mối quan hệ giữa cá nhân mình với đồng chí giờ đã là hài cốt đang được mình đưa về quê nhà, cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc tái hiện một cách sáng tạo những chặng đường hành quân, những ngày chiến đấu hào hùng và gian khổ của quân giải phóng:

Lại đi qua lại cánh rừng

Một thời binh lửa đã từng địu nhau

Suối sâu ru giấc qua cầu

Nửa mây nửa nước nửa sầu phong rêu

Sườn non giấc ngủ cheo leo

... Bom rung đạn giật nắng mưa một thời.

Đạt được tính tạo hình trong việc diễn tả cảm xúc của cựu chiến binh khi ru hài cốt ngủ trên lưng là một thành công của Bùi Nguyên Ngọc. Kết hợp sức biểu cảm của những câu thơ đưa đồng đội đi qua những cánh rừng, những con suối, những sườn non... hình ảnh hài cốt ngủ trên lưng là điển hình tuyệt đẹp của hành động nhân có ý nghĩa tri ân đồng đội đã hy sinh của cựu chiến binh Việt Nam. Chính giá trị ấy của tư tưởng thẩm mỹ và hình tượng nghệ thuật đã làm sự xúc động và tình cảm mà Lời ru hài cốt ngủ trên lưng khơi gợi càng sâu sắc, càng chân thành. Đằng sau những hiệu ứng thẩm mỹ đó là sức mạnh lớn lao của tình đồng chí, nghĩa đồng đội và vai trò xã hội của lao động nghệ thuật mà cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc đã tự nguyện đảm nhận.

Trong một sự thôi thúc mạnh mẽ xuất phát từ mong muốn tìm thấy đồng đội của mình đã hy sinh vì độc lập, tự do và hòa bình, thống nhất của đất nước, của nhân dân, những cựu chiến binh như Bùi Nguyên Ngọc đã không nguôi đặt ra câu hỏi và từng ngày trả lời cho câu hỏi các đồng chí đang ở đâu trong lòng đất Mẹ sau những lần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lời ru hài cốt ngủ trên lưng vì vậy mà giàu sức biểu cảm tạo hình, đã khắc họa một cách sống động đặc trưng của hình tượng nghệ thuật người chiến sĩ đã hy sinh vì nước vì dân đang trở về với đồng bào, đồng chí trong tình yêu thương và lòng biết ơn sâu nặng.

Bạn ơi xin ngủ giấc say

Xương gầy trên tấm lưng gầy có đau?

Lời ru hài cốt ngủ trên lưng có sức hấp dẫn bằng nhịp sinh học của người đang sống gần như đã hài hòa với người đã hy sinh. Đây là những con người mà lý tưởng và hành động của họ có mối quan hệ với sự đổi thay của đất nước từng làm nên sức mạnh hơn cả đạn bom của một quân đội anh hùng đã viết tiếp những trang sử chói ngời chiến công hiển hách của dân tộc. Chính sự hài hòa mang bản chất tinh thần đó đem đến trong cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc nỗi luyến tiếc ngậm ngùi:

Ngày mai bạn tới đất sâu

Chẳng còn địu bạn dưới màu trời xanh.

Tứ thơ độc đáo của Lời ru hài cốt ngủ trên lưng xâm nhập vào chiều sâu cảm xúc của người đọc bằng nét kể và nét cảm cộng hưởng nhau rất tài tình của cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc và chính quan điểm nhân văn trong tác phẩm là yếu tố giúp bài thơ mang lại niềm vui và nâng cao tâm hồn con người trong quá trình nhận thức hiện thực. Trong thực tại của hành trình đi tìm đồng đội, lời ru hài cốt ngủ trên lưng là một biểu tượng của tình cảm đạo đức bên trong hành động và tinh thần của những cựu chiến binh nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung giữa những ngày tháng hòa bình hôm nay.

Trích bài hát: Đồng đội tôi

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Bến Hải - Một con sông lớn của tỉnh Quảng Trị, chảy từ tây sang đông dọc theo Vỹ tuyến 17 của những năm tháng cắt chia đôi miền Nam Bắc. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất bờ nam của con sông lịch sử này đã chứng kiến sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sỹ,đồng bào, trong đó có những chiến sỹ du kích xã Trung Hải bám đất giữ làng với niềm tin sắt son vào một ngày nước nhà thống nhất. Chúng ta cùng đến với ghi chép của nhà báo Việt Hà có tựa đề:

DU KÍCH BỜ NAM SÔNG GIỚI TUYẾN

Từ trước và sau Mậu Thân 1968 cho đến ngày quê hương Gio Linh hoàn toàn giải phóng vào ngày 2/4/1972, vùng đất dọc theo bờ nam sông Bến Hải, đặc biệt vùng đất xã Trung Hải, giáp với căn cứ Dốc Miếu- Một cứ điểm then chốt trong tuyến hàng rào điện tử Macnamara luôn là vùng đai trắng.Sau thắng lợi Đồng khởi đầu năm1966,khi cờ cách mạng tung bay khắp vùng giới tuyến, địch đã lập hàng rào điện tử McNamara, mở các trận càn lớn, dồn ép dân địa phương vào trại tập trung Tân Tường,Cam Lộ, trong đó có đồngbào 06 thôn thuộc xã Trung Hải, huyệnGio Linh, tinh Quảng Trị.

Trước tỉnh hình đó, Huyện ủy Gio Linh đã chi đạo xã Trung Hải kiện toàn lại các trung đội du kích để chốnglại sức mạnh quân sự cũng như kế hoạch của địch. Lúc này, mỗi thôn của xã Trung Hải gồm Xuân Hòa, Hải Chữ, Xuân Long, Xuân Mỵ, Cao Xá, Bách Lộc đều hành lập một trung đội du kích, trung đội có 30-35 người, chia thành 03 tiểu đội. Bên cạnh đó, còn có một trung đội du kích cơ động tập trung nhằm chi viện kịp thời cho các thôn cũng như tăng cường cho các xã bạn khi tham gia đợt chiến dịch.

Căn cứ quân sự Dốc Miếu xưa hiện nay nằm trên trục Quốc lộ 1A,  thuộc xã Phong Bình, Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.Căn cứ Dốc Miếu là một căn cứ với các hệ thống hiện đại nhưng nó đã dần đần bị quân ta vô hiệu hóa. Bộ đội địa phương cùng dân quân du kích thường xuyên tập kích địch, với phương châm “vây- lấn- đánh- tỉa”.Ông Trần Viết Lào, quê ở thôn Hải Chữ,nguyên Phó xã đội du kích Trung Hải là du kích đầu tiên của xã bắn rơi máy bay địch. Trong một lần đưa bộ đội chủ lực vào Nam, chỉ với 02 băng đạn AK, ông đã hạ gục một máy bay trực thăng khi đang truy sát quân ta giữa đồi cát. Sau chiến công này ông được trao tặng Huân chương Giải phóng hạng ba. Ông kể lại những ngày tháng hào hùng ấy “ Ngoài việc chống càn của địch ra vùng Trung Hải thì các tiểu đội du kích xã Trung Hải tăng cường cho xã Gio Lễ có nhiêm vụ vây đánh căn cứ Dốc Miếu. Ban đêm các tổ 3 người dùng cối cá nhân, máy bắn bom áp sát hàng rào rồi bắn vào căn cứ địch. Ban ngày các tổ “độn thổ” tại chỗ và tiếp tục bắn tỉa. Cứ liên tục như vậy đã gây áp lực tâm lý sợ hãi cho giặc”.

Ông Trương Đức Hai, quê ở thôn Hải Chữ, Trung Hải, là người đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông lớn lên trên vùng quê Trung Hải anh hùng, là một du kích địa phương ông cùng với đồng đội tham gia các cuộc đọ súng quyết liệt với quân thù. Ký ức chiến tranh của ông ăm ắp nhiều lần vào sinh ra tử ở vùng giới tuyến cho đến vùng đông của huyện Gio Linh, vùng căn cứ Quán Ngang, Dốc Miếu, Cồn Tiên khói lửa. Kể về giai đoạn cùng du kích Trung Hải chống địch, ông chia sẽ  “ Với tình yêu quê hương và tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ nên anh em du kích không quản khó khăn gian khổ, sẳn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, quyết tâm bám đất giữ làng không cho quân địch càn vào các thôn Trung Hải”.

Ngày 1/4/1972 du kich Trung Hải cùng các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt tiến công địch giải phóng hoàn toàn huyện Gio Linh.

Kết thúc chiến tranh, du kích Trung Hải đã tham gia đánh 435 trận, diệt trên 1.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 63 máy bay, 25 xe tăng. Dân quân du kích xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 2/12/1973.

Trong những năm tháng chiến tranh hào hùng ấy,đã có hàng trăm du kích đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Tại xã Trung Hải, ngoài nghĩa trang của xã, các thôn đều có các nghĩa trang riêng.  Những người nằm dưới mộ hẳn rất tự hào vì đã dâng hiến dòng máu thanh xuân của mình cho độc lập và tự do và thống nhất nước nhà.

Về vùng Giới tuyến năm xưa sau nửa thế kỷ quê hương được giải phóng, bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa đứng trầm mặc với thời gian là những tươi mới của làng quê. Và lịch sử vẫn miệt mài khắc ghi những câu chuyện hào hùng của dân tộc. Trong đó có những người lính không quân hàm, không phiên hiệu đơn vị nhưng đã một thời cầm súng, dũng cảm, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Để cho thế hệ mai sau luôn nhớ và tự hào về những người du kích năm xưa ấy.

Trích bài hát: Quảng Trị

PTV: Chào cuối

 

 

 

 

 

 

 

Chú thích duyệt

Biên tập viên lưu ý các bài hát liên quan bản quyền ( Trừ bài của Thế Hùng, nếu tác giả cho phép)

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 19/07/2022 22:17 Lê Vĩnh Nhiên 20/07/2022 09:48

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà