Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

 

Tạp chí dân tộc ngày 28.8.2021

 

(Chung tay giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống; Nghĩa tình miền biên giới Sa Trầm- A Xóc; Hướng Hóa Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mô hình chuyên canh cây ăn quả)

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang theo dõi Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin mời đồng bào và các bạn cùng đến với một số nội dung sau: Chung tay giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã A Bung, huyện Đakrông; Nghĩa tình nhân dân hai nước Việt Lào miền biên giới Sa Trầm- A Xóc; thời lượng còn lại chúng tôi có phóng sự Hướng Hóa Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mô hình chuyên canh cây ăn quả.

 

Sau đây là nội dung chương trình.

NHẠC CẮT

 

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn! Người Pa Kô - Vân Kiều sinh sống trên địa bàn huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) từ lâu đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đã có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm bị mai một, sản phẩm làm ra không có người mua. Tuy nhiên, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Pa Kô - Vân Kiều đã được khôi phục và phát triển. Huyện Đakrông hiện có 3 xã chuyên dệt thổ cẩm, trong đó 2 xã chuyên dệt trang phục truyền thống của người Pa Kô và 1 xã chuyên dệt trang phục truyền thống người Vân Kiều. Mang họa tiết, hoa văn độc đáo, thể hiện sự hồn nhiên, bình dị như chính bản chất hiền hòa, đáng yêu của những con người sống trên dãy Trường Sơn, các sản phẩm thổ cẩm của người Pa Kô - Vân Kiều đang dần được nhiều người ưa chuộng. Bây giờ, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi phóng sự ngay sau đây.

Chung tay giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

 

Là một nghề truyền thống của bà con vùng cao sinh sống trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây. Đã có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm bị mai một, sản phẩm làm ra không có người mua. Tuy nhiên, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Pa Kô - Vân Kiều đã được khôi phục và phát triển.

Xã A Bung, huyện Đakrông được biết đến như "cái nôi" của ngành dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô. Vào nhiều năm trước, những khung cửi bị mạng nhện phủ đầy. Giờ đây, khung cảnh ấy được thay thế bằng hình ảnh của các chị, các mẹ đang trò chuyện, những cánh tay thoăn thoắt bên những khung dệt. Những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc được dệt nên bằng sự cần mẫn, chăm chỉ của các mẹ, các chị, góp phần giữ gìn bản sắc riêng của người Pa Cô-Vân Kiều được truyền lại từ bao thế hệ cha ông. Chính vì vậy, nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp để dùng trong cuộc sống và sinh hoạt, nó còn chứa đựng cả linh hồn của người Pa Cô từ bao đời gửi gắm vào đó. Huyện Đakrông hiện có 3 xã chuyên dệt nghề thổ cẩm, trong đó, hai xã chuyên dệt trang phục truyền thống của người Pa Cô và một xã chuyên dệt trang phục truyền thống của người Vân Kiều. Xã A Bung có nghề dệt thổ cẩm phát triển nhất huyện. Xã hiện có 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm của người Pa Cô với sự tham gia của 25 phụ nữ ở các thôn A Bung, Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ty Nê…Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã A Bung nhiệm kỳ 2015-2020, với quyết tâm giữ gìn, phát huy nghề truyền thống. Từ năm 2018, toàn bộ công chức xã A Bung đã may đồng phục thổ cẩm để mặc vào mỗi ngày thứ 2 đầu tuần trong giờ hành chính và các dịp Lễ, Tết. Cách làm này đã góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy ngành dệt truyền thống phát triển…

Chị Nguyễn Thị Hiếu

Thôn Ty Nê, A Bung, Đakrông, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Bản thân tôi đã biết dệt cách đây khá lâu, tôi được mẹ dạy cho cách dệt vì đây là nghề truyền thống của cha ông mình. Ban đầu mới học dệt tôi cảm thấy rất khó bởi vì phải ngồi hàng giờ đồng hồ, rồi sử dụng chỉ nhiều màu, sử dụng cả những công cụ dệt mà mình chưa quen tay. Sau này khi đã học được, tôi lại trở nên yêu thích nghề này. Tôi cũng đã dạy lại cho con gái của mình để sau này con tôi có thể dệt được tấm thổ cẩm đẹp, vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa của bà con chúng tôi.

Để dệt nên một tấm vải đẹp, các chị, các mẹ phải mất từ 3-5 ngày, rồi phải mất thêm 2-3 ngày cắt may mới hoàn thiện được nên một bộ trang phục như ý. Mỗi tấm vải là kết quả của sự chắt chiu biết bao mồ hôi, công sức và tình cảm của người làm ra nó. Trang phục truyền thống người Pa Cô, Vân Kiều thể hiện sự chất phác, hồn nhiên, bình dị với núi sông như chính bản chất hiền hòa, đáng yêu của những con người sống trên dãy Trường Sơn. Trang phục của người đàn ông có màu sắc sặc sỡ, nhiều hoa văn. Trang phục của người phụ nữ lại có màu đen và được tô điểm bởi những hoa văn điểm xuyết nhẹ nhàng. Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều quan niệm rằng, mỗi bộ trang phục đều mang trên mình ý nghĩa và sinh mệnh riêng thể hiện điều mà người mặc muốn nói. Đó là sự e ấp, thẹn thùng của cô gái đang tuổi thanh xuân muốn chọn chồng, kén rể; là của người phụ nữ địu con lên rẫy, làm nương; của chàng trai trẻ khoác trên người rực rỡ trong mùa lễ hội, hay những tối hẹn hò dưới trăng với tục đi sim; cũng có thể là của những cụ ông, cụ bà đang ngồi bên hũ rượu cần lắc lư theo điệu nhạc của tiếng đàn Ta Lư, hay điệu dân ca Cha Chấp, A Dên, Tà Oải… trong những ngày hội làng. Những bộ trang phục ấy luôn có mặt trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời mỗi người Pa Cô, Vân Kiều và theo họ suốt cuộc đời.

Chị HỒ THỊ THƠN

Thôn Ty Nê, A Bung, Đakrông, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Từ khi biết dệt thổ cẩm, tôi đã dêt được nhiều chiếc áo rất đẹp. Đó là những bộ trang phục của người Vân Kiều – Pa Kô chúng tôi. Được mặc vào những dịp quan trọng như: Lễ hội, lễ cưới hoặc những dịp trọng đại khác. Tùy vào trang phục của nam hay của nữ để có những hoa văn trang trí khác nhau. Con gái thì hoa văn và đính đá nhiều hơn của con trai.

Chị HỒ THỊ CHƯA

Thôn Cu Tài 1, A Bung, Đakrông, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Nghề dệt là nghề truyền thống của địa phương nên tôi đã biết dệt cách đây 14 năm rồi. Mấy năm trước, những khung cửi bị gác lên chái bếp bởi không tìm được đầu ra cho những tấm vải dệt kỳ công. Chúng tôi đã rất buồn và cứ nghĩ rằng sau này có lẽ sẽ không còn thấy thế hệ trẻ mang trên người những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình nữa. Rất may, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề dệt truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Nhờ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông để lại, chúng tôi không chỉ tạo ra được thu nhập cho gia đình mà còn thỏa mãn đam mê và gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau. Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện quảng bá hơn nữa để nghề ngày càng phát triển.

Về Đakrông hôm nay, những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống được người lớn, trẻ nhỏ mặc bất cứ nơi đâu. Đó có thể là hình ảnh thấp thoáng xa xa bên những mái nhà sàn hay trên nương, trên rẫy; là màu áo đồng phục rực rỡ được khoác trên mình học sinh trong trường học hay màu áo trầm tối nghiêm túc được khoác trên mình của các cán bộ công chức xã… Trang phục thổ cẩm ngày càng phổ biến, đi vào cuộc sống trong cộng đồng, chứ không chỉ xuất hiện trong các lễ hội của dân tộc như A Riêu Ping, lễ mừng lúa mới, cưới hỏi…

Hiện nay khung dệt của bà con chủ yếu được làm từ thanh tre, ống nứa. Cách làm, công cụ thủ công nên sản phẩm tạo ra không được nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã còn hạn chế, chủ yếu là khăn, mặt chăn, mặt gối, riềm chăn đệm... Do vậy cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để hộ gia đình ở các làng nghề mua sắm, cải tiến khung, thoi, lược, dệt... giúp cho người lao động tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ðồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu mối phát triển làm nòng cốt tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo đà cho các làng nghề phát triển ổn định và bền vững, duy trì và phát triển nguồn lao động làm nghề.

Chị HỒ THỊ UỐT

Đọc dịch: Tôi cũng như các chị em ở đây mong muốn có được nguồn vốn để mua nguyên liệu dệt thổ cẩm. Hiện nay, do thiếu nguồn vốn nên chị em chúng tôi gặp nhiều khó khăn, só lượng tấm vả dệt ra không được nhiều như trước. Chúng tôi rất mong được sự quan tâm của chính quyền địa phương, của Đnarg và Nhà nước để chúng tôi phát huy và giữ gìn được nghề truyền thống của địa phương mình từ bao đời nay.

Để bảo vệ, giữ gìn nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Đakrông đã kêu gọi các tổ chức, dự án nước ngoài quan tâm, hỗ trợ để phát huy, khai thác lại các tiềm năng, lợi thế có sẵn của nghề. Hiện nay, nhiều cơ quan đoàn thể của huyện Đakrông đã sử dụng các sản phẩm dệt để may đồ trang phục công sở, lễ hội và phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Với sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền và bà con, nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ hồi sinh, ngày càng phát triển.

Anh HỒ A RON

Phó Chủ tịch UBND Xã A Bung, Đakrông, Quảng Trị

Đọc dịch: Riêng nghề dệt thổ cẩm thì chính quyền địa phương rất chú trọng. Đặc biệt là giữ gìn được bản sắc văn hóa của người Vân Kiều – Pa Kô. Bên cạnh đó, để tồn tại và phát huy bản sắc đó thì chúng tôi đề xuất cấp trên có chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ cho tổ dệt thổ cẩm ở xã  A Bung. Nghề dệt này chúng tôi cũng đã đăng kí chương trình OCOP, mỗi xã mỗi sản phẩm. Chúng tôi hi vọng nhận được sự quan tâm của cấp trên để tạo động lực phát triển nghề dệt thổ cẩm của địa phương.

Thực tế cho thấy, nghề dệt thổ cẩm đang dần được khôi phục mạnh mẽ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân cũng như góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc đồng bào Pa Cô. Tuy nhiên hiện tại chính quyền và người dân A Bung đang gặp một vấn đề là thiếu sự hỗ trợ về mặt kinh phí sản xuất và đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. đồng bào Pa Cô và chính quyền địa phương đang rất mong chờ sự vào cuộc một cách tích cực hơn của các cơ quan chức năng và chính quyền cấp trên để nghề dệt phát triển ổn định và bền vững.

 

Dẫn 2:

 

Thưa đồng bào và các bạn. Nhân dân hai bản Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị và bản A Xóc, cụm bản III, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có mối quan hệ dòng tộc, thân tộc gắn bó mật thiết từ lâu đời. Và nghĩa tình ấy càng thêm sâu nặng từ sau khi hai bản tổ chúc kết nghĩa tháng 31/3/2017.Từ đây, tình nghĩa anh em thủy chung đã được nâng lên một tầm cao mới, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.

NGHĨA TÌNH HAI MIỀN BIÊN GIỚI SA TRẦM- A XÓC

 

Sau khi kết nghĩa, hiệu quả rõ nhất là nhận thức của cán bộ và nhân dân hai bản về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước được nâng lên rõ rệt. Nhân dân tự giác chấp hành nghiêm các quy chế kết nghĩa đã được cam kết; nắm và tự giác thực hiện tốt Hiệp định về biên giới giữa Việt Nam và Lào. Những vụ việc nãy sinh trên tuyến biên giới đã được các lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân hai bên cùng trao đổi, bàn bạc, giải quyết thấu tình đạt lý trong phạm vi thẩm quyền, theo đúng hiệp định, quy chế biên giới hai Nhà nước đã ký kết và pháp luật của mỗi bên, cũng như tôn trọng phong tục tập quán của nhau.

Thông qua hoạt động kết nghĩa đã góp phần thúc đẩy phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản” đi vào hoạt động có hiệu quả cả bề rộng lẫn chiều sâu. 15 năm qua, nhân dân hai bản đã phối hợp các lực lượng chuyên trách mỗi bên tổ chức 20 đợt, với gần 350 lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua đó góp phần ổn định trật tự trị an khu vực dân cư hai bên biên giới; tình trạng xuất nhập cảnh, xuất nhập biên trái phép, xâm canh, xâm cư, kết hôn hai bên biên giới trái pháp luật đã giảm rõ rệt

Chia nghọt sẻ bùi, tối lửa tắt đèn có nhau là truyền thống tốt đẹp được chính quyền, nhân dân hai bản Sa Trầm và A Xóc luôn gìn giữ, phát huy. Trong quá trình kết nghĩa, tùy vào khả năng, điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, hai bản với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Ba Nang đã có nhiều sáng tạo trong cách giúp nhau như: Hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông sản phẩm trở thành hàng hoá trao đổi trên thị trường.

Hoạt động kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã tạo ra môi trường an ninh ổn định tại địa bàn vùng biên để người dân hai bản yên tâm lao động sản xuất, cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no. Từ khi mô hình kết nghĩa được triển khai, việc phát triển kinh tế tại địa bàn càng thêm thuận lợi. Một trong những hiệu quả tích cực từ mô hình này là việc người dân hai bên biên giới mở rộng diện tích trồng rừng, sắn, đưa nhưng loại cây trồng này trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá, đời sống kinh tế của nhân dân hai bản không ngừng được cải thiện.

Ông Hồ Văn Bảy

Trưởng bản Sa Trầm, xã Ba Nang, Đakrông

Khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra, hai bản sẵn sàng giúp đỡ nhau; cũng như khi mùa màng thất bát, kỳ giáp hạt, hai bên san sẻ cho nhau từng hạt gạo, củ khoai trên tinh thần lá rách ít đùm lá lách rách nhiều. Trong đợt bão lũ năm 2020, trên địa bàn hai xã đã bị thiệt hại nặng nề. Đồn Biên phòng Ba Nang cùng nhân dân hai bản Sa Trầm và A Xóc đã cùng nhau đóng góp hàng trăm ngày công lao động để sửa chữa, khắc phục 4 km đường bị sạt lở do mưa bão gây ra.

Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền, nhân dân bản Sa Trầm, xã Ba Nang đã kịp thời hỗ trợ các lực lượng bảo vệ biên giới bạn Lào và nhân dân bản A Xóc nhiều tấn gạo, 250 chăn màn và các nhu yếu phẩm khác.

Ông Hồ Văn Nâng

Trưởng bản A Xóc, Cụm bản III, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan- Lào.

Thời gian qua, những tình cảm của chính quyền, nhân dân bản Sa Trầm và lực lượng Bộ đội Biên phòng dành cho nhân dân bản A Xóc chúng tôi rất chân thành và quý giá. Chúng tôi rất phấn khởi vì qua công tác kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới càng thêm gắn bó yêu thương hơn và có điều kiện để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Sau gần 15 năm thực hiện, mô hình “Kết nghĩa bản- bản hai bên biên giới” đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hai bên biên giới; phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của mỗi nước. Quần chúng nhân dân là tai mắt, là cánh tay nối dài của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên giới. Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng  Bộ đội Biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, Đồn Biên phòng Ba Nang đã phối hợp các lực lượng chức năng của địa phương và bạn Lào phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng xuất nhập biên trái phép, các vụ việc gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phụ trách.

Thượng tá Lê Hồng Sơn

Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị

Những năm qua, Đồn Biên phòng Ba Nang đã chia ngọt sẻ bùi với nhân dân bạn bằng những việc làm thiết thiết và đậm tính nhân văn như nhận đỡ đầu, chăm sóc 01 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn của bản A Xóc trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng.Ngoài ra, nhân những ngày lễ, Tết và đầu năm học mới, Đồn Biên phòng Ba Nang đã trao tặng bút, vở và các nhu yếu phẩm khác. Qua đó, góp phần giúp em viết tiếp ước mơ đến trường và vun đắp tình anh em Việt - Lào ngày càng bền chặt.

Hàng năm, Quân y Đồn Biên phòng Ba Nang và ngành Y tế địa phương đã tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tư vấn về sức khỏe, vệ sinh môi trường cho nhân dân bản A Xóc của nước bạn Lào.

Trạm xá Quân dân y kết hợp từ lâu đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân hai bên biên giới. Ngoài ra, lực lượng Quân y đã giúp đỡ bạn kinh nghiệm và các phương pháp tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng chống các dịch bệnh như sốt rét, dịch sốt xuất huyết.

Trong các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền, chính quyền, nhân dân hai bản Sa Trầm và A Xóc đã tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, cũng như phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt nhiều nội dung bổ ích. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân hai bên biên giới.

Ông Hồ Văn My

Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Xã Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

Thực tiễn sau 15 năm kết nghĩa giữa bản Sa Trầm và A Xóc đã chứng minh là chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới; có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào việc xây đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

 

Dẫn 3:

Thưa quý vị và các bạn! Năm 2021, xã Tân Thành đã triển khai phương pháp tưới tiết kiệm nước với mô hình thí điểm công nghệ tưới nhỏ giọt cho vườn chuyên canh cây ăn quả tại địa phương. Đến nay, mô hình thí điểm đã cho kết quả khả quan. Không chỉ giúp tiết kiệm nước tưới, công nghệ tưới nhỏ giọt còn giúp người nông dân tiết kiệm một phần không nhỏ chi phí đầu tư sản xuất.

Hướng Hóa Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mô hình chuyên canh cây ăn quả

Năm 2021, mô hình được chính quyền địa phương kêu gọi, kết nối công ty cổ phần điện gió Phong Liệu hỗ trợ 50.000.000 đồng để xây dựng hệ thống. Gần 1 năm nay, trên diện tích 4,2ha vườn cây ăn quả với 1.000 cây mít thái, 200 cây ổi Đài Loan, 150 cây vú sữa, 150 cây chôm chôm, nhãn, vải cùng nhiều loại cây khác của hộ gia đình ông Nguyễn Phương ở thôn An Tiêm, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa áp dụng mô hình thí điểm với phương pháp tưới nhỏ giọt. Sử dụng phương pháp tưới này đã tiết kiệm được khoảng 60% công tưới so với cách tưới truyền thống như trước đây; đồng thời, công bón phân và lượng phân hữu cơ cần bón cho cây ăn quả cũng được tiết kiệm đáng kể. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí đầu tư ban đầu, mô hình đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 120 đến 150 triệu đồng.

Ông NGUYỄN PHƯƠNG

Thôn An Tiêm, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa:

Nội dung nói về sự khác nhau giữa phương pháp tưới nước truyền thống và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt…

Qua tìm hiểu thực tế, sau gần 1 năm triển khai, mô hình thí điểm phương pháp tưới nhỏ giọt ở xã Tân Thành đến nay đã cho kết quả khả quan. Theo tính toán bước đầu cho thấy, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể cho năng suất cao hơn từ 30 đến 40% so với phương pháp tưới truyền thống. Qua thực tế cho thấy khả năng thu, trữ nước tại chỗ kết hợp với phương pháp tưới nhỏ giọt vừa có thể giải quyết hiệu quả bài toán khó khăn về nguồn nước tưới vừa là giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm các loại cây ăn quả ở địa bàn xã.

Bà NGUYỄN THỊ BÌNH

Chủ tịch xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa:

Nội dung nói về thuận lợi của xã Tân Thành khi phát triển mô hình chuyên canh cây ăn quả và định hướng trong thời gian tới…

Tân Thành có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc hình thành và mở rộng để phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mô hình chuyên canh cây ăn quả tại địa phương hiện nay là hướng đi đúng đắn, sáng tạo. Mô hình tưới tiết kiệm nước đã phát huy các tiềm năng về nguồn lực tự nhiên và nguồn nhân lực trên địa bàn xã đồng thời nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

CHÀO CUỐI

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 25/08/2022 13:57 Lê Vĩnh Nhiên 26/08/2022 07:38
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà