Tạp chí Dân tộc Tháng 9
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI – THÁNG 9

MC: Kính chào đồng bào và các bạn. Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi Tạp chí Dân tộc và miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung chính sau :

-         Công tác xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên ở huyện Miền núi Hướng Hóa

-         Đẩy mạnh phát triển dự án trồng rừng ở vùng biên giới

-          Phần cuối chương trình là ghi nhận Hiệu quả kinh tế cây giạc đen ở Đakrông. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

MC: Kính thưa đồng bào và các bạn, Tại Kỳ họp thứ 6, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua Đề án đầu tư xây dựng phòng ở công vụ giáo viên vùng khó trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đề án, đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông công lập ở các vùng khó khăn trên địa bàn có đủ phòng ở công vụ cho giáo viên.  Phóng sự sau ghi nhận công tác xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó ở huyện Hướng Hóa kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi :

Huyện Hướng Hóa một trong những địa phương nhận được sự quan tâm của toàn ngành về xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Trong đó có nhà ở công vụ. Việc xây dựng nhà công vụ góp phần giúp đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Thực tế nhiều năm qua, cán bộ, công chức cấp xã, giáo viên miền núi đi làm việc, giảng dạy đi lại xa gia đình rất cần nhà công vụ. Nhất là dịp đầu năm học mới công tác vận động học sinh đến trường cần ở lại vào buổi chiều, tối để thuận lợi đi vận động con em. Thực tế cho thấy, tại điểm trưởng Pa Lọ xã Thanh, so với trước đây khi nhà ở công vụ được hỗ trợ xây dựng đã tạo nên sự thay đổi rõ nét trong công tác giáo dục ở địa phương.

Ông Hồ Văn Đồng

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

“ Cơ sở vật chất của nhà trường ơer đây cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em địa phương. Bây giờ có thêm nhà ở công vụ nữa nên rất vui mừng phấn khởi cho thầy cô cũng như con em địa phương. Vì có nơi nghỉ ngơi thầy cô đỡ đi lại xa xôi vất vả, có thêm thời gian và điều kiện để chăm sóc học trò, nhất là công tác vận động học sinh đến trường. Nhờ đó ở điểm Pa lọ này trước đây tình hình học tập của con em rất khó khăn, mà nay 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học đầy đủ, các em rất chăm ngoan và hào hứng đến trường, điều này khiến cho phụ huynh cũng như địa phương rất phấn khởi.”

Nhà công vụ Pa Lọ được xây mới với 4 phòng ở, có đầy đủ trang thiết bị thiết yếu, đáp ứng phục vụ nơi ăn chốn ở cho khoảng 10 giáo viên. Toàn bộ kinh phí xây dưng công trình là 1 tỷ đồng. Đây là công trình được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị kết nối kêu gọi đầu tư và trao tặng nhằm chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị trong công tác dạy học, đặc biệt từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở công vụ cho giáo viên tại các huyện miền núi. Tuy nhiên,chỉ tính riêng ở xã Thanh có đến 5 điểm trường trải đều khắp các bản làng thì chỉ có duy nhất điểm trường Pa lọ có đủ điều kiện để giáo viên nghỉ lại, còn nhiều điểm khác thực trạng thiếu nhà ở công vụ vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, nhất là dịp đầu năm học mới.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trung

Trường Tiểu học Thanh – Hướng Hóa – Quảng Trị

“Tôi vào đây công tác, việc vận động học sinh rất khó. Nhất là qua 3 tháng nghỉ hè nề nếp của các em thay đổi, đầu năm chúng tôi phải đi vận động từng gia đình phụ huynh để cố gắng vận động các em đi học đều đặn rất mong sự phối hợp của gia đình để kết quả được tốt. Vì chúng tôi có gia đình ở xa vào vùng bản công tác nên mong muốn có nhà công vụ ở để thuận lợi khi đi lại. Vì vận động học sinh phải về đến bản làng, đi buổi trưa, buổi tối mới gặp được các em. Vì vậy mong muốn có được nơi ở tốt hơn để làm tốt nhiệm vụ”

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng hơn 3.000 cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục đang công tác tại các vùng miền núi khó khăn, trong đó có gần một nửa có nhu cầu nhà công vụ. Tình trạng giáo viên phải ở trong những căn nhà tập thể tạm bợ vẫn còn phổ biến. Việc chưa an cư đã tác động đến đời sống và hoạt động dạy học của các thầy giáo, cô giáo. Cùng với đó phần lớn nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng đã lâu, nhiều nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng cần phải nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, nhiều điểm trường dù có nhà ở công vụ thì cũng khó đáp ứng được nhù cầu thực sự cần của giáo viên khi đến công tác.

Thầy giáo Trần Lương Châu

Trường Tiểu học Thanh – Hướng Hóa – Quảng Trị

“ Tôi công tác xa nhà, lên vùng bản dạy học luôn mong muốn bám bản lâu dài để công tác. Tuy nhiên ở đây hiện tại khó khăn nhà ở công vụ cho giáo viên, rất nhỏ và chật hẹp so với nhu cầu. Một phòng 42 m2 nhưng chúng tôi ở đến 8-10 người, rất là khó khăn cho nên mong muốn có được nhà công vụ để ở lâu dài, yên tâm công tác và giảng dạy”

          Công tác giáo dục vùng khó luôn có nhiều khó khăn thách thức, đội ngũ cán bộ, giáo viên công tác ở đây luôn nỗ lực động viên nhau vượt qua, xác định mục cao đẹp với sự nghiệp trồng người nơi vùng khó để luôn đoàn kết , cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bước vào năm học mới 2022 – 2023, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, mỗi cán bộ giáo viên vùng khó không ngừng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn đảm bảo dành điều kiện tốt nhất cho học sinh.

 

Nguyễn Thị Thủy

Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Thanh – Hướng Hóa – Quảng Trị

“ Đầu năm mọi công tác dạy và học ở Trường TH Thanh đã rất sẳn sàng. Nhà trường có 600 học sinh, phân bố ở 5 điểm trường. Bước vào năm học mới với nhiều cải cách việc dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới nên nhà trường rất cố gắng để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên hiện nay trường gặp rất khó khăn vì thiếu nhà ở công vụ. Một số điểm trường, Nhà trường vận dụng sử dụng nhà ở công vụ để làm việc nên cán bộ, giáo viên ở xa không có nơi nghỉ trưa, nghỉ tối.  Hiện chỉ có một điểm duy nhất là Khu vực Pa lọ đã có nhà công vụ điều này tạo thêm điều kiện rất tốt để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác. Vì vậy, mong rằng trong thời gian tới nhà trường sẽ được quan tâm nhiều hơn vấn đề này”     

Trong thời gian qua, phần lớn các trường học đã tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án và ngân sách địa phương, tập trung xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho việc dạy và học, nhất là xóa phòng học tạm, phòng học mượn. Đồng thời đã xây dựng 1.144 nhà ở công vụ cho giáo viên nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng; tình trạng giáo viên phải ở trong những căn nhà tập thể tạm bợ vẫn còn phổ biến; việc chưa “an cư” đã tác động đến đời sống và hoạt động dạy học của các thầy giáo, cô giáo. Cùng với đó phần lớn nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng từ năm 2008 đến nay, nhiều nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng cần phải nâng cấp, sửa chữa. Theo thống kê chưa đầy đủ, nhu cầu toàn tỉnh hiện cần khoảng 533 nhà ở công vụ cho giáo viên, trong đó Hướng Hóa 195 nhà, Đakrông 170 nhà.

Ông Nguyễn Thanh Quang – Chủ tịch Công đoàn Ngành giáo dục Quảng Trị

Theo đề án, đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông công lập ở các vùng khó khăn trên địa bàn có đủ phòng ở công vụ cho giáo viên. Tổng số phòng dự kiến xây dựng là 399 phòng với mức kinh phí đầu tư xây dựng đề án ước gần 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện địa phương đang tập trung nguồn vốn để xóa phòng học mượn, phòng học tạm nên nhà công vụ cho giáo viên chưa được triển khai. Hy vọng rằng, cùng với sự nổ lực của các cấp ngành, đơn vị địa phương, sự chung tay của toàn xã hội trong thời gian tới vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó sẽ được quan tâm nhiều hơn, đảm bảo điều kiện thuận lợi đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng khó yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ cao cả với sự nghiệp trồng người ở miền tây Quảng Trị ./.

Nhạc cắt

Đẩy mạnh phát triển dự án trồng rừng ở vùng biên giới

MC: Thưa đồng bào và các bạn, Chống sạt lở bờ sông dọc tuyến biên giới và giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đó là mục tiêu của Dự án “Một triệu cây xanh” do Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị phối hợp với UBND xã Xy, Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Câu lạc bộ Hoa tình nguyện đã và đang triển khai. Đem lại hiệu quả bước đầy rất đáng phấn khởi. Những cánh rừng phát triển xanh tốt đang ngày càng được nhân rộng nhiều hơn bởi chính người dân các bản làng. Kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi phóng sự sau :

Ông Pả Xing một trong những người đầu tiên ở xã Thanh huyện Hướng Hóa tham gia dự án trồng rừng dọc sông Sê Pôn do Đồn Biên phòng Thanh triển khai thực hiện. Với gần 1 ha diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả dọc sông Sê Pô ông Pả Xing đã mạnh dạn đăng ký tham gia trồng rừng tràm. Nhờ chịu khó học tập kỹ thuật trồng cây lâu năm, tích cực chăm sóc nên diện tích rừng tràm của gia đình ông phát triển rất tốt. Hiệu quả đáng ghi nhận về mặt kinh tế phải 2-3 năm sau mới thu hoạch nhưng trước mắt toàn bộ diện tích rừng tràm này đã ngăn chặn việc sạc lỡ vào mùa mưa đến, điều này có ý nghĩa rất lớn giúp các hộ dân trồng chuối, hoa màu gần đó bảo vệ được thành quả sản xuất. Trên diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả trước đây giờ đã thay thế rừng tràm xanh tốt, hứa hẹn mang lại những nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Phỏng vấn ông  Pả Xing – xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Tham gia trồng rừng bản thân rất phấn khởi, vì diện tích này trồng cây không hiệu quả mùa mưa đến hàng năm đất cát trôi hết nên không có cây chi phát triển tốt được. Khi trồng cây tràm bên ngoài thì giữ được đất nên trồng cây chuối, cây ngô đều hiệu quả, gia đình tôi rất phấn khởi ).

Cũng như gia đình ông Pả Xing , 8 hộ dân tham gia trồng rừng tràm ở giai đoạn 1 đều rất phấn khởi với thành quả bước đầu. Dọc sông Sê Pôn đoạn đi qua xã Thanh giờ đây là bạt ngàn màu xanh của những rừng tràm, rừng chuối của bà con. Đây là kết quả tác động của gần 3km rừng tràm được Đồn Biên phòng Thanh hỗ trợ bà con trồng để chống sạt lở dọc sông Sê pôn đoạn qua địa bàn xã từ năm 2020. Nếu như trước đây diện tích trồng chuối dọc ven sông thường xuyên bị ngập úng, cây gãy đổ nhiều thì nay trên 90% cây sống và trổ buồng tốt. Bà con nhân dân địa phương rất phấn khởi khi tình trạng cây hư hỏng đã được khắc phục, năng suất ngày càng tăng. Điều phấn khởi hơn là việc trồng rừng tràm chống sạt lở không chỉ giúp diện tích cây chuối hiệu quả hơn mà qua đó còn tạo thêm công ăn việc làm cho bà con vào những lúc nhàn rỗi. Việc tham gia phát thực bì, chăm sóc cây tràm cũng giúp bà con tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng trọt, quan tâm đến việc làm vườn, phát triển kinh tế…nhờ đó kỹ năng phát triển sản xuất cũng được nâng cao, hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều thay đổi so với trước đây.

Phỏng vấn : Anh Hồ A Giỗ

Thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

(Năm 2020 bà con được nhận hỗ trợ giống cây tràm để chống sạt lỡ , chống trôi đất. Đa số bà con rất mong muốn được tham gia trồng, bước đầu đã phát triển tốt, bà con rất phấn khởi. Phần lớn diện tích của bà con trước khi trồng rừng là trồng cây hoa màu nhưng do đất sễ ngập úng, mùa mưa bị sạt lỡ mạnh nên khu vực này trồng không hiệu quả. Từ khi tham gia dự án trồng rừng bà con có thêm kỹ thuật trồng trọt, biết chăm sóc cây trồng từ đó chăm sóc cây cối cũng như làm kinh tế hiệu quả hơn)

Có được kết quả đáng ghi nhận như hiệu nay phải nói rằng trong quá trình triển khai dự án cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng đã tích cực đến từng hộ dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con để triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức kết nối các đơn vị cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây …Không chỉ chú trọng phát triển tốt rừng tràm mà thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăm nuôi các cán bộ, chiến sỹ biên phòng thường xuyên lưu ý vai trò của việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với người dân , giúp bà con nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc làm kinh tế hộ gia đình để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.

Phỏng vấn : Trung tá Mai Phương Trình

Chính Trị viên Đồn Biên phòng Thanh, Hướng Hóa Quảng Trị

 “ Là đơn vị công tác tại địa bàn biên giới, căn cứ tình hình thời tiết những năm trước đây, nắm rõ tình hình phát triển sản xuất của bà con trên địa bàn, nhất là khu vực dọc tuyến sông Sê Pôn tình trạng sạt lỡ hàng năm cao nên đơn vị đề xuất thực hiện dự án trồng rừng. Có thể nói, việc triển khai bước đầu có những khó khăn, tuy nhiên chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân. Với mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất của bà con, đồng thời góp phần chống sạt lỡ mỗi khi mùa mưa bão về. Với ý nghĩa đó, chúng tôi đã triển khai thực hiện và nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của bà con địa phương. Theo dự kiến là trong thời gian tới khi đảm bảo các điều kiện thuận lợi, chúng tôi tiếp tục triển khai dự án ở giai đoạn tiếp theo.

 Đồn Biên phòng Thanh quản lý, bảo vệ 31,192km đường biên giới nằm hoàn toàn trên sông Sê Pôn, tiếp giáp với nước bạn Lào. Sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10-2020, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, hoa màu của người dân canh tác bị cuốn trôi, mất trắng. Vì vậy Dự án “Một triệu cây xanh” do Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị triển khai với những hiệu quả bước đầu đã đến hi vọng về việc thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc Vân Kiều nơi đây đồng thời góp phần thiết thực trong thực hiện mục tiêu phòng chống, giảm  nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Phỏng vấn : Trung tá Mai Phương Trình

Chính Trị viên Đồn Biên phòng Thanh, Hướng Hóa Quảng Trị

( Để đảm bảo cây giống cấp cho đúng đối tượng, cho những hộ dân có đất ở ven sông cán bộ chiến sỹ của Đồn cũng như chính quyền địa phương từ xã đến thôn và các hộ dân được hưởng lợi, chúng tôi rà soát đến tận hộ dân, có hướng dẫn cụ thể về cách thức trồng cây, vị trí nên trồng ở đâu…vừa làm mẫu, vừa hướng dẫn cho bà con để bà con biết trồng và chăm sóc cây. Cụ thể tràm trồng như thế nào sẽ sống, cách chăm sóc tỉa cây, nhất là khi thu hoạch đợt 1, thì sau khi chặt cây, gốc sẽ nảy mầm. Người dẫn sẽ tỉa bớt, chỉ để lại 1 nhánh to, khỏe nhất và sau 3 năm lại có thể thu hoạch lượt mới. Làm như vậy, khoảng 3 mùa mới phải trồng lại. Vừa làm vừa hướng dẫn để người dân làm theo, cứ như vậy thì phát triển được rừng cây như hôm nay)

Việc phát triển rừng tràm dọc ven sông Sê Pôn ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn mang ý nghĩa chống sạt lở bờ sông biên giới. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh hiệu quả phát triển cây trồng trong giai đoạn 1, trong thời gian tới, Đồn Biên phòng Thanh tiếp tục kêu gọi thực hiện các giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tiếp tục trồng 500.000 cây và giai đoạn 3 sẽ trồng 320.000 cây còn lại. Có thể thấy, dự án “Một triệu cây xanh” là sự đồng hành mang màu sắc rất riêng của những người lính Biên phòng với đồng bào Vân Kiều ở xã Thanh, xã Xy huyện Hướng Hóa. Cũng như nhiều dự án phát triển kinh tế vùng biên giới, đó không chỉ là những chương trình phát triển kinh tế xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững mà hơn thế đó là sự gắn bó tình quân dân nơi biên giới, là tâm huyết mà người lính mang quân hàm xanh gửi đến bà con dân bản cũng như góp phần để đơn vị làm tốt hơn nhiệm vụ của mình nơi biên cương của Tổ quốc.

HIỆU QUẢ  PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY LẠC ĐEN Ở  ĐAKRÔNG

Mc: Thưa đồng bào và các bạn, Từ một sự khâu nối tình cờ, Cơ sở phát triển cây nông nghiệp và dược liệu của anh Trần Huy, ở thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông đã được Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp lựa chọn để triển khai sản xuất thí điểm giống lạc đen CNC1. Đây là mô hình sản xuất giống lạc đen đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua vụ sản xuất đầu tiên, dù gặp nhiều điều kiện bất lợi do thời tiết, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, hứa hẹn nhiều triển vọng khi triển khai nhân rộng trong vụ mùa tới. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương. Kính mời Đồng bào và các bạn cùng theo dõi phóng sự sau :

 Giống lạc đen CNC1 được anh Trần Huy xã Triệu Nguyên huyện Đakrông trồng thử nghiệm đầu tiên trong vụ Hè Thu năm nay (2022). Qua thu hoạch, giống Lạc đen CNC1 cho năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với giống lạc thường hiện nay. Bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho loại cây trồng mới này trên mãnh đất chiến khu Ba Lòng. Đây là năm đầu tiên anh Trần Huy trồng giống Lạc đen CNC1 trên mãnh đất canh tác của mình. Bước đầu trồng thử nghiệm lại cây trồng “lạ” này, anh Trần Huy vừa lo lắng nhưng cũng hy vọng tính khả quan của cây trồng mang lại. Sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm, đến nay giống lạc đen bước vào vụ thu hoạch đầu tiên vụ Hè thu. Theo anh Trần Huy cho biết, giống cây lạc đen CNC1 đã cho năng suất cao, cây phát triển tốt, chống chịu cao các loại sâu bệnh và thích ứng với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất nơi đây. 1 sào trồng cây lạc đen CNC1 cho năng suât từ 270 – 300kg/1 sào. 

*PV: Anh Trần Huy, Thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên huyện Đakông

( Hiệu quả trồng cây Lạc đen cao gấp 2 lần so với lạc giống cũ, giá trị dinh dưỡng cao gấp 6 lần lạc bình thường vì vậy trồng giống lạc đen đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều, bà con nông dân cũng rất phấn khởi).

Giống lạc đen CNC1 có đặc điểm khác biệt với các giống lạc thường đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay là vỏ hạt màu tím sẫm nên gọi lạc đen (giống lạc thường trồng phổ biến hiện nay có vỏ hạt màu hồng nhạt). So với giống lạc thường, lạc đen CNC1 thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội như dạng hình cây gọn, thân đứng, phát triển khỏe. Lá của lạc đen có màu xanh đậm, ra hoa đậu quả tập trung, quả to, chắc, tỉ lệ hạt/củ trên 70%, ít bị nhiễm sâu bệnh hại... Đặc biệt, chất lượng của giống lạc đen có giá trị trong y học.

So với các giống lạc hiện đang sản xuất phổ biến ở nhiều địa phương thì giống lạc đen CNC1 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn, cây phát triển khỏe. Tuy cách trồng và chăm sóc gần như các giống lạc thông thường nhưng lạc đen cho năng suất ước đạt 35 tạ/ ha, cao hơn giống lạc thông thường từ 15 - 20%. Đặc biệt, lạc đen rất được thị trường ưa chuộng, giá thu mua cao hơn các loại lạc khác đến 15%.

Hiện nay, xã Triệu Nguyên có hơn 100ha canh tác cây đậu lạc VL14, đây là cây mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Triệu Nguyên nói riêng và vùng chiến khu Ba Lòng nói chung. Mỗi sào đậu lạc VL14 cho năng suất 250- 270kg. Trị giá 1 kg đậu lạc nhân VL14  hiện nay có trị giá 60. 000 -70.000 đồng/1kg. Nhưng với giống lạc đen CNC1 cho năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với giống lạc thường hiện nay. 1 kg nhân giống lạc đen CNC1 có trị giá khoảng 200 ngàn đồng khi bán ra thị trường trong giai đoạn này. Cây Lạc đen CNC1 không những cho năng sâu cao, thời gian canh tác rút ngắn mà còn mang lại giá trị về mặt y tế.

*PV Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên

( Đối với cây lạc đen này do cơ sở anh Huy làm chủ đã trồng thử nghiệm vụ Đông Xuân 3 sào và cụ Hè Thu trồng thử nghiệm là 5 sào. Qua thực tế chúng tôi thấy năng suất đạt cao hơn so với lạc truyền thống. Đặc biệt giống lạc này có điều kiện phát triển phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng sơn lâm nói riêng và ở Triệu Nguyên nói chung nên mang lại năng suất khá cao. Vì vậy trong định hướng thời gian tới vụ Đông Xuân 2022 – 2023 chúng tôi sẽ tăng diện tích trồng giống cây này lên khoảng 1 ha)

Mặc dù đây lần đầu tiên giống lạc đen CNC1 do anh Trần Huy trồng thử nghiệm vụ Hè Thu nhưng đã cho thấy tính hiệu đáng vui mừng cho người nông dân. Thành công bước đầu của mô hình anh Trần Huy đã mở ra nhiều triển vọng cho hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hàng hóa của địa phương, thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng giống cây trồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Triển vọng sẽ trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới của địa phương.

Thành công bước đầu của mô hình sản xuất lạc đen của anh Trần Huy trên địa bàn xã Triệu Nguyên đã mở ra nhiều triển vọng cho hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng hóa của địa phương, thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng giống cây trồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

MC: Đồng bào và các bạn vừa theo dõi Tạp chí Dân tộc và Miền núi Quảng Trị cảm ơn đồng bào và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin kính chào và hẹn gặp lại.

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Việt Thanh 15/09/2022 10:36 Lê Vĩnh Nhiên 15/09/2022 15:57
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà