Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

 

Tạp chí dân tộc ngày 27.11.22

PS1: Bảo tồn văn hóa cồng chiêng gắn với đời sống cộng đồng

 

PTV: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang đón xem Tạp chí Dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Trong 30 phút ngày hôm nay, mời đồng bào và các bạn cùng đến với một số nội dung sau: Bảo tồn văn hóa cồng chiêng gắn với đời sống cộng đồng. Tiếp đó là phóng sự: “Em Vui” và sự đổi thay trên những bản làng.  Nội dung cuối cùng là ghi nhận của phóng viên về: Phục dựng lễ hội mừng lúa mới của người Vân Kiều. Sau đây mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết của chuyên mục.

PTV: Thưa đồng bào và các bạn. Cồng chiêng được đồng bào các dân tộc xem như là báu vật, là biểu tượng cho quyền lực linh thiêng. Giữ hồn cồng chiêng cũng chính là gìn giữ sợi dây “thanh âm huyền bí” trong các nghi lễ truyền thống, lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương, giữ bản sắc văn hóa của đồng bào...Do vậy, bao năm nay, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các nghệ nhân ở bản làng đã có trách nhiệm, bảo ban nhau giữ gìn, nâng niu trân quý cồng chiêng. Thời gian đi qua, cuộc sống hiện đại đang diễn ra với sự xuất hiện của nhiều loại nhạc cụ mới đã làm cho thế hệ trẻ mai một với văn hóa, nhạc cụ truyền thống, song bằng niềm đam mê của mình, những lớp người cao tuổi vẫn đang kiên trì gìn giữ và truyền dạy những tiếng cồng, nhịp chiêng, điệu múa... cho thế hệ mai sau. Bởi, mỗi tiết mục cồng chiêng với những giai điệu trầm hùng và khoáng đạt, trữ tình và nồng nàn từ các loại nhạc cụ sẽ góp phần chuyển tải ước mong cho mùa màng được tươi tốt, cho bản làng thêm yên vui, cho tình yêu đôi lứa nhân đôi niềm hạnh phúc của cộng đồng dân tộc Vân Kiều.

Từ bao đời nay cồng chiêng được xem là tài sản quý giá và là nét văn hóa, mang ý nghĩa tâm linh. Việc có nhiều cồng chiêng hiện diện trong nhà một phần nào thể hiện được sự sung túc của gia đình đó trong bản làng. Cồng chiêng mua về được các nghệ nhân “chỉnh chiêng”, gò và gõ lại từng chiếc để cho âm thanh phù hợp, ngân vang. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị, thường được người dân sử dụng tại các lễ hội truyền thống hoặc sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước như lễ hội Ariêu Ping (cải táng), Prúc bor (cầu mùa), cúng lúa mới, mừng làng mới, cưới hỏi, ma chay... Cồng chiêng tại các lễ hội góp phần thắt chặt và gắn kết mối quan hệ cộng đồng của người dân, được dùng diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và gắn liền với sinh hoạt, lao động. Trong không gian các lễ hội này, mỗi cá nhân sẽ sử dụng một nhạc cụ và tiết tấu riêng, được kết hợp tổng thể thành một giai điệu. Nhưng nhiều năm trở lại đây, từ nhu cầu thực tế về kinh tế khiến người dân dần xa rời các hoạt động văn hoá cộng đồng mang nét truyền thống của địa phương, vì thế việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại các huyện miền núi đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Hầu hết thanh niên sinh ra và lớn lên không biết đánh cồng chiêng, ngại tham gia các lễ hội nên sinh hoạt văn hóa cồng chiêng bị mai một dần. Trước thực tế đó, vừa qua, được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, vừa qua, Phòng VH Thông tin huyện Hướng Hóa đã tổ chức lớp dạy cồng chiêng cho bà con trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

 

Ông Hồ Hanh

Thôn Bản 7, Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Tôi trước đây có biết đánh cồng chiêng nhưng sau đó một thời gian không chơi nên quên dần. Giờ đây nghe tin có lớp dạy nên tôi đã tham gia học với mong muốn đánh được cồng chiêng, vì đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Tôi cũng vận động bà con cũng như thế hệ trẻ đi học để góp phần giữ gìn các loại nhạc cụ truyền thống.

 

Tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị, nam và nữ đều được sử dụng cồng chiêng tại các lễ hội. Cồng chiêng của đồng bào sử dụng chủ yếu có hai loại. Cồng chiêng được đánh bằng tay hoặc bằng dùi. Dùi được làm từ gỗ và có thể bọc mềm một đầu bằng vải để tạo âm tiết khác nhau khi đánh vào cồng chiêng. Tại các lễ hội trong năm, tùy vào ý nghĩa và nội dung của sự kiện mà cồng chiêng có giai điệu, âm tiết và bước múa khác nhau. Âm tiết của cồng chiêng hòa cùng hợp âm những nhạc khí khác, kết hợp tiếng hò reo của không gian tại lễ hội tạo nên không khí phù hợp với nội dung của lễ hội. Người dân ở đây cho biết, có thời điểm một chiếc cồng chiêng trị giá bằng một con trâu. Tùy vào chất lượng và âm của cồng chiêng mà giá trị thực tế còn cao hơn. Trong những năm gần đây dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập trong nước và quốc tế diễn ra mạnh mẽ khiến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao bị ảnh hưởng, trong đó văn hóa cồng chiêng.

 

Chị Hồ Thị Trúc

Khóm Khe Đá, Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Khi tôi biết tin có lớp dạy cồng chiêng, tôi đã tham gia lớp học. Ban đầu học cảm thấy khá khó khăn nhưng sau được các nghệ nhân dạy thì tôi đã quen dần. Bà con đến học rất vui và phấn khởi, những người đã biết đánh trống thì giờ qua học đánh chiêng, thôi sáo…giờ đây tôi mong muốn bản thân sẽ đánh được một loại nhạc cụ nào đó để góp phần giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Từ nhu cầu thực tế về kinh tế khiến người dân dần xa rời các hoạt động văn hoá cộng đồng mang nét truyền thống của địa phương, vì thế việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại các huyện miền núi đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Hầu hết thanh niên sinh ra và lớn lên không biết đánh cồng chiêng, ngại tham gia các lễ hội nên sinh hoạt văn hóa cồng chiêng bị mai một dần.Trong 15 năm trở lại đây, thế hệ trẻ hầu như không biết đến văn hóa cồng chiêng. Một số hộ dân đã bán cồng chiêng trong nhà vì mục đích mưu sinh, hiện chỉ còn sót lại một số bộ cồng chiêng ở các dòng họ với mục đích thờ cúng. Một số bộ cồng chiêng hiện tại bị mất âm, không có khả năng sử dụng. Qua thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa & Thông tin tại huyện Hướng Hóa có 4 đội cồng chiêng được thành lập và hoạt động: xã Axing (nay là xã Lìa); khóm 6 thị trấn Khe Sanh; bản Khe Đá; bản Ka Tăng. Đạo cụ và nhạc khí được sử dụng biểu diễn chủ yếu là cồng chiêng, khèn bè, tù và, trống, chập chọe...

 

Anh Hồ Văn Hồi

Trưởng câu lạc bộ cồng chiêng Khóm 6 thị trấn Khe Sanh

Đọc dịch: Bản thân là một nghệ nhân, vừa qua, Phòng Văn hóa thông tin huyện mời chúng tôi tham gia giảng dạy cho các bà con trên địa bàn huyện về cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Tôi thấy rát vui mừng vì bản thân được truyền dạy cho những người yêu thể loại nhạc cụ này, bà con cũng hăng hái và say mê để học. Không những nam giới mà ngay cả nữ giới cũng tham học, đó là một điều hết sức phấn khởi. Tôi cũng như các nghệ nhân mong muốn rằng, thế hệ trẻ cũng sẽ yêu thích và say mê loại nhạc cụ truyền thống này, vì nó là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một quá trình chọn lọc, lưu giữ và kế thừa, mang tính tất yếu. Vì thế hoạt động bảo tồn phải gắn với việc phát huy nhằm tạo động lực cho giá trị văn hóa cồng chiêng của địa phương phát triển, đi vào ý thức trong sinh hoạt đời sống của người dân. Để thực hiện tốt những công việc này yêu cầu các cấp chính quyền và ban ngành phải cùng vào cuộc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc tiếp tục nhấn mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, gắn với tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại.

 

Bà Nguyễn Thị Huyền

Trưởng phòng Văn hóa & thông tin huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Để thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa, chúng tôi đã tổ chức lớp dạy cồng chiêng. Mục đích là để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình để có định hướng bảo tồn và phát triển. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Tạo môi trường để giao lưu, học hỏi giữa các Câu lạc bộ trên địa bàn huyện, từ đó cũng tạo ra môi trường để thực hành lại những gì đã học.

Tháng 6 năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 1450/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2030. Đề án ra đời trong thời điểm hiện tại mang tính thiết thực, giúp cho việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị hiệu quả hơn. Bà Nguyễn Thị Huyền- Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này trên địa bàn huyện còn khá khiêm tốn, chưa huy động hiệu quả được nguồn vốn từ cộng đồng, xã hội hoá để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng. Việc đưa cồng chiêng trở thành nếp sống trong đời sống cộng đồng, trong phát triển du lịch còn gặp khó khăn và trở ngại. Hiện nay ở miền Tây Quảng Trị đã bắt đầu có nhiều hình thức du lịch. Nguồn thu từ chính tiềm năng địa phương sẽ giúp đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa của mình.

Trong những năm qua huyện Hướng Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện. Việc làm này đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cũng như vật chất cho nhân dân, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Với đặc trưng văn hóa của mình, cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô của huyện Hướng Hóa đã góp phần làm đa dạng nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà quan trọng hơn là những giá trị ấy thấm đẫm vào các thế hệ tiếp nối để kế thừa và phát huy.

PS2: “EM VUI” VÀ SỰ ĐỔI THAY TRÊN NHỮNG BẢN LÀNG

Thưa đồng bào và các bạn! 1 trong những mục tiêu của ngành giáo dục và toàn xã hội là làm sao các trẻ em vùng dân tộc thiểu số tại những huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrong của Quảng Trị được tiếp cận và cải thiện nhận thức về quyền trẻ em, tăng cường giáo dục tri thức cũng như nâng tầm hiểu biết của các em về nạn tảo hôn, phòng chống nạn buôn bán người và tạo môi trường tương tác lành mạnh trên môi trường mạng cho các em. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai mà. Để từ các bản làng, những học sinh Vân Kiều, Pako nơi miền Tây Quảng Trị sẽ tích lũy nhiều tri thức, đổi thay quê hương mình.

Không khí hào hứng, sôi nổi với những lời phát biểu, thắc mắc được giải đáp ngay tại hội trường là những điều diễn ra tại “Diễn đàn đối thoại với chính quyền địa phương” của Hội đồng trẻ em, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi gồm hơn 30 em học sinh người Vân Kiều có độ tuổi từ 10 – 24 tuổi huyện Hướng Hóa ngày hôm nay. Tại diễn đàn, từ những trao đổi, thảo luận cùng lãnh đạo điạ phương, ban giám hiệu nhà trường và cha mẹ học sinh, các em có thêm kiến thức về quyền trẻ em, quyền về lao động việc làm, quy định pháp luật về tảo hôn và mua bán người, môi trường lành mạnh tương tác trên không gian mạng … Để có thêm kiến thức, sự tự tin, rèn luyện khả năng phản biện, lắng nghe, trở thành hạt nhân lan tỏa tốt trong cộng đồng.

Em Hồ Thị Hằng

Xã Húc – Hướng Hóa – Quảng Trị

Đọc dịch: Khi tham gia chương trình Em vui em hiểu được về phòng chống nạn tảo hôn, phòng chống về nạn mua bán người, em cảm nhận rất ý nghĩa.

Không chỉ trao đổi trực tiếp tại diễn đàn, thời gian qua, trong khuôn khổ chương trình dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc buôn bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” hay còn được gọi là dự án “Em Vui” được tổ chức Plan International tài trợ từ năm 2020, hơn 3000 trẻ em tại 7 xã huyện Đakrong gồm A Bung, A Ngo, Tà Rụt, Tà Long, Đakrong, Hướng Hiệp, Mò ó và 8 xã huyện Hướng Hóa gồm Pa Tầng, A Dơi, Lìa, Xy, Thuận, Húc, Thanh, hướng Lộc đã được tham gia nhiều chương trình bổ ích như đối thoại, cuộc thi kiến thức, thi vẽ tranh, chụp ảnh, viết câu chuyện, thi kịch bản tiêu phẩm  … Cùng với kho tàng kiến thức trên website, ứng dụng điện thoại và các kênh mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Instagram, Twitter) thân thiện, dễ sử dụng đã góp phần giáo dục, giúp các em có thể tự tin ứng phó và phòng chống tảo hôn, mua bán người.

Bà Hoàng Thị Lan

Trưởng phòng Dân tộc – UBND huyện Hướng Hóa

Đọc dịch: Qua chương trình Em vui nó không nhũng bổ ích vì có các hình ảnh trực quan sinh động, gặp gỡ các ban ngành, nhiều đối tượng nên các em tiếp cận được nhiều phía. Có những vấn đề chưa biết thì các em đã mạnh dạn hỏi để hiểu rõ vấn đề hơn. Qua chương trình Em vui các em vừa biết, vừa hiểu và nhớ lâu hơn những gì mà mình đã được học.

Bà Deborah Vaisano

Cán bộ chương trình Plan Bỉ

Đọc dịch: Với Plan International Bỉ và Liên minh Châu Âu, việc thực hiện dự án Em vui tại Hướng Hóa, Quảng Trị rất quan trọng – bởi nơi đây có đông người Vân Kiều sinh sống và tỷ lệ tảo hôn cao. Việc cần thiết là các em học sinh ở đây cần được trao quyền và có các kỹ năng và kiến thức phù hợp để bảo vệ bản thân khỏi nạn tảo hôn và buôn bán người. Tới và được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của dự án, tôi thấy rất vui mừng khi các em đã tự tin nói chuyện, trao đổi nhiều vấn đề với chính quyền địa phương. Điều đó rất, rất đáng khích lệ. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Dự án sẽ sẽ tiếp tục tạo thêm cơ hội để các em học sinh, chính quyền và thầy cô giáo cùng nhau đẩy lùi nạn tảo hôn và buôn bán người, để các em học sinh có 1 tương lai tươi sáng)

Thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và phòng chống nạn tảo hôn, nạn buôn bán người là điều được các sở ban ngành Quảng Trị quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình thiết thực, hiệu quả, tin tưởng rằng, trên những bản làng nơi rẻo cao Quảng Trị, những trẻ em Quảng Trị sẽ được thực hiện quyền của mình, ngày ngày đến lớp với muôn vàn những khát khao về tương lai tươi đẹp.

PS3: Thưa đồng bào và các bạn! Lễ hội Mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Vân Kiều vùng cao Quảng Trị. Lễ hội thường được tổ chức vào những tháng cuối năm, đó là thời gian đã xong mùa vụ, người Vân Kiều sẽ làm lễ mừng lúa mới, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt. Lễ hội là dịp để dân làng quây quần, chia sẻ niềm vui được mùa, hưởng thành quả lao động, và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho vụ mùa tiếp theo mưa thuận, gió hòa. Với ý nghĩa muốn giới thiệu cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng đã tổ chức tái hiện lại Lễ hội mừng lúa mới theo nghi lễ truyền thống. Đây cũng là điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị.

 

Để phục vụ cho việc phục dựng lại lễ hội Mừng lúa mới, Ban tổ chức đã thiết kế tái hiện hoàn chỉnh một nương lúa rẫy đã chín, hình ảnh các chàng trai cô gái Vân Kiều đang cùng nhau lên nương tuốt lúa. Sau khi mang lúa về những người phụ nữ Vân Kiều sẽ cùng nhau phơi khô rồi sàng giã để làm nên hạt gạo dâng lên thần linh. Mặc dù chỉ mang tính ước lệ, thế nhưng những hình ảnh phục dựng như thế này đã phần nào giúp cho du khách hiểu hơn về quy trình thu hoạch và chế biến một loại cây lương thực lâu đời của người Vân Kiều.

Từ xưa đến nay, cây lúa rẫy luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Cuộc sống gần gủi với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh, cho họ những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng được đủ đầy.

Nghi lễ được bắt đầu từ việc tuốt lúa trên nương của các chàng trai cô gái Vân Kiều. Từ nương rẫy những hạt lúa đem về nhà ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, lúa sẽ được bà con đem phơi khô, sảy, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc mẩy nhất. Sau khi lúa đã được phơi khô, làm sạch, sẽ được cho vào cối lớn bằng gỗ để giã. Với đôi bàn tay khéo léo, nhưng cũng không kém phần mạnh khỏe, rắn chắc, những người phụ nữ Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những hạt gạo thơm nồng. 

 

Đến với lễ hội từ rất sớm, già làng Hồ Ta Ơn không thể dấu hết niềm vui của mình vì được chứng kiến lại nghi lễ truyền thống của đồng bào mình. Là người đảm nhiệm vai trò quan trọng nhất trong lễ hôi, già làng Hồ Tà Ơn sẽ tự tay mình kiểm tra lễ vật, đọc các bài văn khấn cổ, thực hiện các bài cúng với đầy đủ nghi thức của đồng bào mình. 80 mùa nưỡng rẫy đi qua, với già đây là lần đầu tiên thấy một mùa lúa mới no đủ như thế này.

 

Già làng Hồ Tà Ơn

Thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Mấy năm nay do mưa lũ, do đại dịch nên bà con không tổ chức được, hôm nay thấy vui mừng vì văn hóa truyền thống của bà con không bị mất đi. Trong đời sống tinh thần của bà con, mừng lúa mới là lễ quan trọng nhất trong năm. Thần Lúa chính là linh hồn của vạn vật, vì thế nên đây cũng chính là vị thần được tôn thờ nhất. Vì thế nên cứ tới khoảng cuối tháng 10 hoặc sau Tết âm lịch, bà con lại tổ chức để họ tôn vinh hạt lúa của thần đã ban cho.  Đồng thời là dịp bày tỏ lòng biết ơn với các thần khác gồm nhiều các hoạt động, bao gồm lễ cúng trời đất, cúng thần sông, suối, mưa, sấm và mùa màng. Lần tổ chức này mặc dù là phục dựng lại lễ hôi của đồng bào thế nhưng về cơ bản các bước thực hiện lễ cúng đã diễn ra theo đúng trình tự, tính linh thiêng của lễ hội không bị mất đi. Đặc biệt lần tổ chức này có rất đông du khách tham gia, như thế này nhiều người sẽ biết đến văn hóa của đồng bào Vân Kiều chúng tôi.

Theo các bậc cao niên ở bản, lễ mừng lúa mới bắt nguồn từ câu chuyện của một gia đình nghèo khó, quanh năm thiếu cái ăn, cái mặc. Cuộc sống của họ cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi cha mẹ hai anh em qua đời vì đói. Những người dân trong bản cũng chung cảnh đói nghèo, quanh năm phải vào rừng sâu đào cây củ về sống qua ngày. Không cam chịu sống trong cảnh đói nghèo, người con cả quyết tâm đi xa tìm kiếm lương thực để cuộc sống no đủ hơn. Hơn một năm sau, người anh trở về với bản làng và mang theo một thứ lương thực ngon hơn ngô khoai sắn đó là những hạt lúa rẫy.

Từ đó dân làng được ấm no, không còn phải vào rừng đào củ mài, rễ cây như trước nữa. Sau này, người dân trong bản lại tổ chức lễ mừng lúa mới để tưởng nhớ công lao của tiền nhân và các vị thần linh.

 

Ông Hồ Thanh Xuân

Thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

 

Từ đời ông, đời cha đã có lễ hội lúa mới. Tất cả lương thực khi mà thu hoạch rồi nếu chưa cúng lúa mới thì chưa được đem ra dùng. Tức là làm gì cũng phải biết ơn cha ông. Hồi trước, cúng lúa mới ít nhất cũng phải tổ chức 1 ngày 1 đêm. Có rượu cần, sáp ong đốt nến, mời tất cả bà con trong bản cùng đến ăn uống vui vẻ. Lần này bản Chênh Vênh được chính quyền xã, phòng Văn hóa huyện tổ chức phục dựng và trình diễn lễ hội, bà con vui lắm, thứ nhất là được tổ chức trang trọng các bước trong lễ cúng lúa mới, bà con trong làng đã được cảm ơn thần linh, cảm ơn trời đất, cầu mong cho vụ mùa sau mưa thuận gió hòa; lễ hội này được nhiều du khách ghé thăm, nhiều người sẽ biết đến đến những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào chúng tôi.

Người Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, họ tin vào các thần linh huyền bí, trong đó có thần lúa Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất, không chỉ cứu vớt loài người trong các trận lũ lớn mà còn mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho các dòng tộc. Ngày nay, lễ mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Già làng là người điều hành phần lễ và khấn nguyện để cảm ơn thần linh, trời đất đã cho vụ mùa bội thu. 

Trong lễ cúng không thể thiếu món bánh được làm từ nếp, mè đen và muối, loại bánh dẻo dai thể hiện sự gắn kết bền chặt. Chính vì vậy, lễ mừng lúa mới còn là dịp để gắn kết mọi người, các thành viên trong gia đình, bản làng với thế giới tâm linh. Đây còn là dịp để người Vân Kiều bày tỏ sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên theo quan niệm vạn vật hữu linh vốn tồn tại từ bao đời nay.

 

Ông Hồ Văn Quý

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Năm này thực sự rất phấn khởi, bà con báo cáo năm nay lúa được mùa. Và đây là dịp để bà con ngồi ôn lại truyền thống. Đồng thời từng dòng họ, từng gia đình phát huy truyền thống để gìn giữ nét đẹp văn hóa người Vân Kiều. đặc biệt trong dịp tổ chức này, chúng tôi được lãnh đạo huyện và các Phòng, ban cấp huyện đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều về kinh phí cũng như công tác tổ chức để hoàn thiện một chương trình phục dựng lễ hội Mừng lúa mới. qua lần tổ chức này chúng tôi có cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc cũng như giói thiệu về tiềm năng, lợi thế về du lịch cộng đồng của địa phương.

 

 

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều và Pa Ko ở miền núi Quảng Trị là một trong những lễ hội văn hóa, tín ngưỡng độc đáo ít nơi nào có được. Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới, là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc anh em dọc theo dãy Trường Sơn. Lễ mừng lúa mới đối với đồng bào Vân Kiều cũng quan trọng giống như dịp Tết của miền xuôi. Với chức năng và nhiệm vụ của đơn vị mình, Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Hướng Hóa đã nỗ lực hết sức tổ chức phục dựng lại lễ hội Mừng lúa mới, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện; đồng thời tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa của Lễ hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa.

 

Bà Nguyễn Thị Huyền

Trưởng Phòng VHTT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Lễ hội lần này được dàn dựng và thực hiện bởi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa với sự tham gia của 30 nghệ nhân xã Hướng Phùng. Lễ hội đã tái hiện lại tất cả phong tục mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều trên miền Tây Quảng Trị. Thông qua lễ phục dựng muốn giới thiệu cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều, đây cũng là điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Hướng Hóa, Quảng Trị.

 

Có thể hình thức tổ chức khác nhau tùy theo từng nơi nhưng chung quy lại vẫn là tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã đem hạt thóc về cho dân bản, là ngày hội để gắn kết toàn thể mọi người. Cũng như trong cuộc sống thường ngày, đồng bào Vân Kiều Pa Ko luôn có một tinh thần đùm bọc, nhường cơm xẻ áo cho nhau. Đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn từ bao đời nay. Chính vì vậy, việc phục dựng gìn giữ lễ hội này nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào nơi đây. Lễ phục dựng đã đem lại nhiều ấn tượng cho du khách xa gần khi lần đầu tiên chứng kiến. Sau khi thưởng ngoạn những nghi thức cúng tế, phần ẩm thực tại chỗ với những món đặc sản bản địa cũng làm du khách khó quên, mang mãi dư âm ngọt ngào của núi rừng Trường Sơn.

Giữa núi rừng Chênh Vênh, giai điệu Tà Oải cùng ngân nga với sáo Ong như cầu mong với đất trời sẽ có thêm những vụ mùa no ấm. Những chàng trai cô gái Vân Kiều tiếp tục lên nương rẫy gìn giữ hạt thóc mà tiền nhân để lại.

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 23/11/2022 21:43 Lâm Thị Hạnh 30/11/2022 07:56
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà