Tạp chí DT&MN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DTMN ngày 5.3

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau: Mở đầu chương trình là phóng sự: Thay đổi phương thức hỗ trợ để giảm nghèo bền vững. Tiếp đến là ghi nhận về công tác nâng cao khám chữa bệnh ở huyện Đakrông. Phần cuối chương trình là phóng sự: Hiệu quả mô hình nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi ở huyện Hướng Hóa. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

 

Thay đổi phương thức hỗ trợ để giảm nghèo bền vững

 

Thưa đồng bào và các ban! Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với các giai đoạn trước, đặc biệt việc áp dụng đánh giá theo tiêu chuẩn đa chiều có thể khiến số lượng hộ nghèo, cận nghèo các địa phương tăng lên. Áp lực về nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo cũng vì thế mà tăng theo. Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc hỗ trợ gì cho người nghèo, cách thức hỗ trợ thế nào để thật sự hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 14,93%. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo gồm 26.961 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo: 9,14% (16.512 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 5,79% (10.449 hộ). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, có người do hoạn nạn, ốm đau, thiên tai, dịch bệnh, già cả neo đơn không còn sức lao động; có người thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, chưa biết cách tính toán nên đầu tư sản xuất thua lỗ, mất cả vốn, đặc biệt vẫn còn một bộ phận có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nên không muốn thoát nghèo. Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, khả năng của mỗi người khác nhau nên cần có sự hỗ trợ khác nhau.

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và dịch vụ đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng lực và cải thiện các kỹ năng cần thiết để phục hồi và duy trì sinh kế cho các hộ dân, đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh trao sinh kế cho chị em bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19. Để triển khai dự án được thuận lợi, ngay từ khi thực hiện, Tổ chức Care và  Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã được hưởng lợi tổ chức họp dân, bình xét tiêu chí các hộ để đưa vào danh sách cũng như khảo sát nhu cầu, mong muốn hỗ trợ của người dân, từng nhóm khảo sát đã đến tận các thôn, bản, tìm hiểu thêm về đời sống của bà con, cách thức hỗ trợ cần thiết và hiệu quả để người dân có thêm động lực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Nhận giống cây trồng và các con nuôi như gà, ngan …là phương án được rất nhiều hộ dân lựa chọn bởi nó phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của hộ gia đình và có tình lâu dài.

Bà Hồ Thị Hai

( Gia đình tôi lựa chọn nuôi đàn gà vì trước đây cũng đã có nuôi rồi, rất dễ chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Tôi sẽ cố gắng phát triển đàn gà thật tốt để có kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình và chuyện học hành của con cháu)

Sau nhiều năm thực hiện, chính sách giảm nghèo bền vững đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê. Điều đó một phần là nhờ cách tiếp cận giảm nghèo bền vững hơn, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không. Chính cách làm này đã giúp người dân phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo.

Tại xã A Ngo, huyện Đakrông, mỗi hộ tham gia mô hình nuôi dê quay vòng sẽ tự chọn mua con giống, hội phụ nữ trả tiền trực tiếp cho người bán với số tiền là 4 triệu đồng/hộ. Nếu các hộ chọn mua con giống có giá trị cao hơn so với định mức quy định, phần chênh lệch các hộ phải đóng góp thêm, ngược lại con giống có giá trị thấp hơn so với định mức thì phần còn lại gửi cho các hộ để hỗ trợ xây dựng chuồng trại hoặc mua thức ăn. Cách làm này thực sự mang lại hiệu quả, bởi người dân biết được nguồn gốc con giống, có cách thức chăm sóc phù hợp để phát triển con nuôi của gia đình mình.

Anh Hồ Vai

Xã A Ngo, Đakrông, Hướng Hóa

( Từ con dê được nhận để nuôi quay vòng, gia đình tôi đã phát triển thêm đàn dê và chăm sóc tốt để trang trải mọi chi phí trong gia đình, Tôi mong muốn được hỗ trợ để phát triển thêm đàn lợn, cải thiện kinh tế để đảm bảo đời sống)

Chị Hồ Thị Thu Nhường

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa

( Hoạt động dê quay vòng ở địa bàn Hướng Hóa thì ở một số xã đã có sự phát triển tốt, từ quay vòng ở đối tượng thứ nhất chuyển sang nhiều đối tượng tiếp theo, chị em phát triển quay vòng có sự theo dõi, giám sát lẫn nhau và cùng nhau chăm sóc để đàn dê phát triển tốt hơn trong thời gian tiếp theo)

Để giúp bà con thoát nghèo một cách bền vững, những năm qua, ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ có điều kiện, người dân, các tổ chức cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện các chương trình giảm nghèo đã giúp xóa bỏ tư tưởng "trông chờ, ỷ lại". Nhờ đó, người dân cũng phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong việc giảm nghèo cho chính mình và xã hội.

Trao “cần câu” hay trao “xâu cá” - thay đổi phương thức hỗ trợ cho người nghèo là vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Tại Quảng Trị, đã có một số địa phương triển khai mô hình hỗ trợ thoát nghèo bước đầu mang lại hiệu quả như mô hình thí điểm hỗ trợ 30 hộ dân người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Mò Ó, A Ngo, Hướng Hiệp của huyện Đakrông thoát nghèo bền vững. Việc ràng buộc, hỗ trợ có điều kiện bằng cam kết thoát nghèo của đối tượng thụ hưởng đã hạn chế phần nào tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiệu quả của cách làm này được khẳng định khi các hộ được hỗ trợ đều đã thoát nghèo. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa được nhân rộng do thiếu kinh phí thực hiện. Cũng thực hiện chính sách giảm nghèo, tại 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh, sau nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo không mang lại hiệu quả, huyện chuyển sang hình thức hỗ trợ theo nhu cầu của hộ dân. Việc lựa chọn hộ để hỗ trợ không chỉ dành cho người nghèo như trước mà vẫn dành một số mô hình hỗ trợ cho hộ có nhu cầu, tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thao

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị

(Mô hình chăn nuôi bò hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ mua bò nái sinh sản bình quân một hộ 3 con với tổng số 12 con, ngoài ra có một mô hình trồng tái canh cây cao su cho 17 hộ nghèo trong toàn xã Vinh Hà, đến tháng 9  huyện đã cấp kinh phí, mua giống, hỗ trợ phân bón cho bà con, hiện nay tất cả 17 hộ đã hoàn thành việc trồng cây cao su, qua kiểm tra cho thấy các hộ dân đã thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc. Hy vọng rằng dự án này với chương trình dài hơi xóa nghèo bền vững của xã Vĩnh Hà thì cây cao su sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân xã Vĩnh Hà nói chung)

Ngoài hộ nghèo, cận nghèo còn có cán bộ xã, thôn, bản hoặc hộ có điều kiện được lựa chọn tham gia xây dựng mô hình điểm. Việc tự mình lựa chọn xây dựng mô hình mang tính tiên phong trong chuyển dịch kinh tế, không phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước để chủ động sản xuất sẽ truyền cho những người khác khát vọng, ý chí vươn lên. Đây là cách làm mới rất cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Dù có nhiều phương thức hỗ trợ nhưng để phát huy hiệu quả bền vững cần tìm hiểu cụ thể từng hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng của đối tượng thụ hưởng. Để làm tốt điều này, cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể ở địa phương bởi họ gần dân, sát dân, hiểu điều kiện của từng hoàn cảnh cụ thể nên sẽ hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Việc đầu tư các dự án xóa đói, giảm nghèo cần hình thành cơ chế hỗ trợ vốn theo hướng kịp thời hỗ trợ cho địa phương làm tốt, cắt giảm đối với địa phương làm chưa tốt để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng

PCT Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

( Một trong những kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện dự án cũng như hỗ trợ sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số vùng núi, điều đầu tiên là phải xác định đúng nhu cầu thực tế của địa phương, đối tượng hưởng lợi phải được công khai, minh bạch,  đặc biệt là phát huy được vai trò của người dân, chủ động trong việc triển khai sinh kế của mình một cách bền vững, hỗ trợ những kiến thức KHKT giúp bà con, bên cạnh hỗ trợ về vật tư đầu vào thì quan tâm đến kiến thức KHKT và kế hoạch sản xuất kinh doanh cho bà con. Cần có sự phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như triển khai trong hệ thống hội phụ nữ cơ sở. Có như vậy thì việc triển khai dự án phục hồi sinh kế cho bà con ở địa phương mới đem lại hiệu quả thiết thực)

 

Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn cần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm sản xuất cũng như cách sử dụng, quản lý vốn vay hoặc số tiền thu được từ mô hình đã đầu tư một cách phù hợp, bền vững nhằm tránh nguy cơ tái nghèo. Cần có chính sách khuyến khích người nghèo vươn lên phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình hợp tác xã, tăng cường liên kết hộ nghèo với doanh nghiệp...Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sinh kế đơn lẻ của từng hộ gia đình, cần cân nhắc mở rộng phạm vi hỗ trợ các nhóm hộ liên kết cùng sản xuất một sản phẩm với quy mô lớn hơn, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, sạch cung cấp cho thị trường mang đến hiệu quả bền vững, lâu dài.

 

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở huyện Đakrông

Thưa đồng bào và các bạn!Quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp… là những giải pháp quan trọng mà Trung tâm Y tế huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện có hiệu quả thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhờ đó, tỉ lệ người dân đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngày càng tăng, mức độ hài lòng về chất lượng khám, chữa bệnh được đánh giá cao.

Những năm qua, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc thiểu số luôn được huyện Đakrông quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn nên chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao. Để chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền và Trung tâm Y tế huyện Đakrông đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách đồng bộ; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với BHXH để thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh; nâng cấp điều kiện phục vụ bệnh nhân ở các khoa lâm sàng; cung cấp chế độ ăn cho bệnh nhân nghèo. Các khoa lâm sàng tiếp nhận bệnh nhân đã chỉ định cấp cứu, điều trị kịp thời; phát triển y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của người dân; lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng, nâng cao sức khỏe với khám, chữa bệnh; phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và cấp cứu tại cộng đồng…

Bác sỹ Đinh Quang Nhật

GĐ Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Quảng Trị

(Thời gian vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, trung tâm y tế đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương kịp thời khống chế được dịch bệnh cũng như các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó các chương trình mục tiêu y tế quốc gia chúng tôi cũng đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, một số chỉ tiêu trước đây chưa đạt cũng được xây kế hoạch, thay đổi phương pháp, cách làm nên các vấn đề như nhà xí hợp vệ sinh, dân số được cải thiện, đưa vào một số dịch vụ mới để cải thiện hơn nữa chất lượng chăm sóc người bệnh)

Bà Hồ Thị Mun năm nay đã ngoài 80 tuổi, tuổi già, thường hay đau ốm nhưng nhà xa trạm y tế, vấn đề đi lại khó khăn nên thời gian qua, mỗi khi bà bị bệnh, trạm y tế xã Mò Ó luôn cử đội ngũ bác sỹ đến tận nhà để thăm khám và cấp phát thuốc. Sự quan tâm, tận tình chăm lo sức khỏe của đội ngũ y bác sỹ ở trạm y tế xã đã được người dân ghi nhận, họ yêu thương những người khoác áo blouse trắng và yên tâm hơn về vấn đề sức khỏe của bản thân.

Bà Hồ Thị Mun

Xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

( Bác sỹ ở trạm rất nhiệt tình, tôi đi lại khó khăn nên họ đã đến tận nhà để thăm khám rồi tuyên truyền cho mình các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đảm bảo vệ sinh môi trường để phòng chống các dịch bệnh như dịch tả, thương hàn. Cám ơn các bác sỹ đã quan tâm đến đời sống và sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già)

Theo thống kê từ trạm y tế xã Mò Ó, mỗi năm đơn vị đã khám, chữa bệnh cho hơn 2000 lượt người, bên cạnh đó, trung bình mỗi năm trạm y tế tổ chức hơn 50 lượt về thôn bản để truyền thông công tác phòng chống dịch bệnh, dân số, kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí…Để làm tốt công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, trạm y tế xã đã chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ của ngành, nếu trước đây một số bệnh nặng thường phải vượt tuyến thì nay rất ít, việc xử lý bước đầu được thực hiện tốt hơn ở cơ sở, giúp bà con giảm bớt các chi phí khi phải điều trị xa.

Bà Hồ Thị Hoa

Thôn Đồng Đờn, Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

( Bà con ở đây được các y, bác sỹ trong trạm quan tâm rất nhiều. Mình đau cái chi cũng đến trạm y tế xã để khám, đến đây các bác sỹ rất tốt, họ tận tình khám bệnh, cho thuốc để uống, rồi tuyên truyền cho mình biết về các biện pháp phòng trừ dịch bệnh như rửa tay trước khi ăn uống, vệ sinh nhà của sạch sẽ, không nuôi gia súc trong nhà, nhờ thế mọi người ít bị bệnh hơn trước)

Bà Lê Thị Kim Liên

Trạm trưởng trạm y tế xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị.

( Trạm y tế trước đây cơ sở vật chất chưa được khang trang, cơ sở xuống cấp, trang thiết bị chưa đầy đủ, từ năm 2019 được sự quan tâm của cấp trên và các dự án đầu tư xây dựng cho trạm dãy nhà 2 tầng đầy đủ các phòng chức năng để hoạt động và cũng bổ sung thêm một số trang thiết bị và máy móc để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó đội ngũ y, bác sỹ cũng nỗ lực về tận thôn, bản tư vấn cho người dân để người dân hiểu được vấn đề khám chữa bệnh ở trạm y tế để người dân yên tâm khi khám chữa bệnh tại trạm)

Là một huyện miền núi, biên giới với gần 80% là đồng bào Vân Kiều – Pa Cô; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Những năm trước đây, công tác khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là người nghèo, dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Khi ốm đau đồng bào không đến cơ sở y tế mà thường tự tìm cách chữa trị một phần do tập tục lạc hậu, một phần khác do hoàn cảnh gia đình không đủ tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống cơ sở y tế xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được tăng cường cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn, chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh ngày một nâng lên. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh giúp đồng bào yên tâm đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Chị Hồ Thị Tám

Thôn Ra Lu, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

(Khi đến khám ở trạm y tế mình rất yên tâm. Cán bộ y, bác sỹ đón tiếp rất niềm nở, họ hỏi thăm bệnh tình, nếu bệnh nhẹ thì uống thuốc, nếu bệnh nặng thì ở lại điều trị truyền thuốc hoặc tiêm, mình kêu đau là có bác sỹ đến liền)

Anh Lê Quốc Tuấn

Trạm trưởng trạm y tế xã Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị

 

( Về công tác chuyên môn thì hằng năm lực lượng cán bộ y tế được sự quan tâm của ngành y tế và lãnh đạo trung tâm y tế huyện tập huấn về việc đào tạo, tập huấn công tác chuyên môn, đề án 1816 chuyển giao kỹ thuật từ trên về và bắt tay chỉ việc nên anh em tự nâng cao và tự học hỏi thêm. Còn về trang thiết bị, cơ sở vật chất về phía kinh phí mà nhà nước trang cấp thì trung tâm y tế huyện cũng như lãnh đạo có một số hỗ trợ về cơ sở vật chất để công tác khám chữa bệnh ở trạm được nâng cao)

     Với những giải pháp thiết thực trên, đến nay huyện Đakrông có 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; t lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; tỉ lệ tiêm chủng mở rộng hằng năm đạt trên 95% với 10 loại vắc xin; 100% trạm y tế xã, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%…Để tiếp tục làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới huyện Đakrông tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Bác sỹ Đinh Quang Nhật

GĐ Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Quảng Trị

( Ngay từ đầu năm chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hội nghị để giao chỉ tiêu đến các địa phương, trong đó các chương trình mục tiêu y tế, dân số chúng tôi đặt trọng tâm. Về công tác khám chữa bệnh sẽ nâng cao các dịch vụ, các chuyên khoa mà trước đây chúng tôi chưa thực hiện được như tai mũi họng, mắt…Về công tác phòng chống dịch bệnh, chúng tôi luôn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát từ cộng đồng để phát hiện sớm các dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân)

     Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi; khám, chữa bệnh cho người nghèo. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và nâng cao sức khỏe cho người dân…

 

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH NHÓM CHA MẸ TỪ 0 ĐẾN 10 TUỔI

Thưa đồng bào và các bạn! Lâu nay, với quan điểm ‘Trời sinh voi, trời sinh cỏ’, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, trẻ em tự thích nghi với cuộc sống và lớn lên.  Để thay đổi nhận thức của các ông bố, bà mẹ người đồng bào, mô hình ‘Nhóm cha mẹ từ 0 –10 tuổi” đã được thành lập, từ đó góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ cho các bậc phụ huynh nơi miền Tây Quảng Trị.

Một tháng một lần, các thành viên nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi tại thôn Thanh Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa tổ chức sinh hoạt định kỳ. Tại đây, các các ông bố, bà mẹ được gặp gỡ, trao đổi các kiến thức mình áp dụng trong thời gian qua để nuôi dạy con cái, đồng thời được các tình nguyện viên hướng dẫn các kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc và phát triển trẻ dựa vào các mốc phát triển từ 0-10 tuổi cũng như tổ chức thăm các hộ gia đình có con nhỏ. Từ đó, các chị em cùng được hỗ trợ cách chế biến dinh dưỡng, hướng dẫn chăm trẻ theo các mốc thời gian khác nhau, đặc biệt là gia đình trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Các hoạt động này đã góp phần tăng cường sự học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con giữa các thành viên một cách hợp lý và khoa học.

Chị Hồ Thị Xuân

Xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Tham gia nhóm từ năm 2020, tôi đã được các chị trong nhóm hỗ trợ và chia sẻ rất nhiều các kiến thức chăm sóc con sao cho khoa học, hợp lý và phù hợp với điều kiện gia đình. Từ cách chế biến thức ăn, chăm con hàng ngày đến những dấu hiệu đau ốm tôi đều được các chị chia sẻ. Con tôi sức khỏe tốt, nhanh nhẹn và hoạt bát, tôi rất vui.)

Từ năm 2021 đến nay, xã Thanh đã phát triển được 10 nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi với gần 260 thành viên tham gia các hoạt động. Vượt qua những khó khăn ban đầu trong quá trình thay đổi nhận thức của các ông bố, bà mẹ người đồng bào dân tộc thiểu số với quan niệm ‘Trời sinh voi trời sinh cỏ”, cho đến nay, các mô hình nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi đã hoạt động thường xuyên, liên tục với sự tham gia đều đặn của các thành viên để cùng tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Chị Hôc Thị Phức

Chi hội phụ nữ thôn Thanh Ô, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Chị em tham gia nhóm từ năm 2020 đến nay cũng đã có một số chị em, cha mẹ thay đổi về cách nuôi dạy con, họ biết cách giữ gìn  khi mình có thai, biết con mình khi sinh ra được chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều ở biên giới cũng làm quen với cách nuôi dạy con hiện đại, sau thời gian bú mẹ, tập cho con ăn dặm)

Những năm đầu đời của trẻ là những năm đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, sự nâng cao kiến thức, kỹ năng, quan tâm hơn về giáo dục thể chất, tinh thần cho trẻ trong nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi tại các huyện miền núi sẽ góp phần rất lớn, để đảm bảo trẻ em nơi đây có sự phát triển tốt và phù hợp, góp phần tạo nền tảng tốt về dinh dưỡng, kiến thức cho sự phát triển của các em. Thông qua mô hình“ nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi” nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ sống an toàn, lành mạnh, không có trẻ em bị bạo lực, không có trẻ em bị xâm hại và bị ngược đãi, không để trẻ em lao động sớm và thất học. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp cho chị em cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, đặc biệt là hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức cơ bản, từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cũng như kỹ năng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ, để trẻ phát triển toàn diện.

Chào kết.

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 01/03/2023 15:19 Lê Vĩnh Nhiên 03/03/2023 14:48
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà