TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm: Giới thiệu thơ của nhà thơ Võ Văn Luyến, Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Quảng Trị. Chương trình được PS vào lúc 17h 30 ngày 11/9 chủ nhật, 14h30 ngày thứ hai ngày 12/9. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 11.9.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tập thơ “Mật ngôn của biển” của nhà thơ Võ Văn Luyến

+ Giới thiệu bài thơ “ Mật ngôn” qua giọng ngâm của nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan

+ Tãn văn về dòng Ô Lâu huyền thoại

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

                                                 Nhạc cắt

1. Ngày 31 tháng 8 vừa qua, thị trấn Lao Bảo tổ chức ra mắt câu lạc bộ cồng chiêng thị trấn. Câu lạc bộ được thành lập từ 3 đội cồng chiêng trên địa bàn gồm khóm Ka Tăng, Khe Đá và Ka Túp.

Những năm qua, tại thị trấn Lao Bảo, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng được quan tâm, hỗ trợ rất lớn của các cấp, chính quyền địa phương. Sau khi thành lập, câu lạc bộ có 32 thành viên, trong đó có những người già giàu kinh nghiệm và cả những thanh niên trẻ mới được tiếp cận với cồng chiêng. Song tựu chung nơi họ là tình yêu, khát vọng muốn giữ giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

2. Sáng  5/9, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn, Tạp chí Cửa Việt tổ chức buổi giao lưu và trao tặng ấn phẩm tạp chí Cửa Việt cho học viên Lào đang theo học lớp Trung cấp Lý luận chính trị Khóa 11 tại Trường Chính trị Lê Duẩn.

Thực hiện Kế hoạch số của UBND tỉnh về công tác thông tin đối ngoại của tỉnh Quảng Trị năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tạp chí Cửa Việt xuất bản số Tạp chí chuyên đề “Chung dãy Trường Sơn” phát hành vào tháng 9/2022 với nhiều bài viết phản ánh đa dạng mối quan hệ hữu nghị trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan nói chung và Quảng Trị với các tỉnh bạn Lào nói riêng. Thông qua những bài viết được đăng tải trong tạp chí sẽ giúp cho học viên Lào hiểu biết sâu hơn quan hệ tốt đẹp của Việt Nam – Lào, giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững.

 

                                                Nhạc cắt

File ngâm bài thơ “ Mật ngôn” của Ngọc Lan.

(Trong các bài viết về tiếp theo, Kỹ thuật chèn nhạc vào giọng đọc Phát thanh viên)

MC: Quý vị vừa nghe nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan ngâm bài thơ “ Mật ngôn” của nhà thơ Võ Văn Luyến. Không phải ngẫu nhiên mà anh lấy tựa tập thơ mới nhất của mình là “Mật ngôn của biển”, mà đồ chừng Võ Văn Luyến bằng ngôn ngữ thơ, muốn giải mã những thao thức, trăn trở giữa bộn bề cái đa sự của thế sự…

Điều ấy được nhà thơ Võ Văn Luyến, cũng là nhà giáo đã từng đứng bục giảng 32 năm qua, tỏ bày trong suốt 101 bài thơ với 145 trang. Một nhà thơ đã vốn đa tình, tài hoa nhưng đôi khi qua facebook của anh, tôi chợt giật mình, vì có lúc 4, 5 giờ sáng anh đã dậy ngồi thu lu trong mùng, quấn chăn giữa mùa đông của miền đất Đông Hà (Quảng Trị) để… ngẫm sự đời. Và đời đến với thơ anh như một cuộc tao ngộ thấm đẫm tình thân ái. Anh viết về mẹ và cha, rồi đặt trang trọng ở đầu tập thơ với những dòng se sắt niềm thương yêu, nhớ nhung tưởng niệm: “Đêm nằm mơ. Mẹ gánh con đi dưới trời pháo sáng. Xót cây lúa năm mất mùa đại hạn. Chân quấn rạ khô vấp ngã mấy lần…” ( bài thơ: Con về bão giông). Niềm tưởng nhớ ấy, khi anh dâng lên hương hồn mẹ, khiến cho ai cũng liên tưởng rằng mình cũng đã có bao lần như thế. Mẹ là một bầu trời xanh vực dậy những mơ ước cho cuộc đời. Nhưng khi trở về, mẹ đã không còn nữa! Anh nghẹn xót trong tâm can, viết như gào lên với từng con chữ: “Mẹ ơi. Bốn mươi chín ngày khăn tang đầu con. Bốn mươi chín ngày thương nhớ nghẹn dòng. Bốn mươi chín ngày đường xa vạn dặm. Bốn mươi chín ngày con về bão giông”.

Còn với cha, Luyến nói bằng cả một sự kính trọng tôn thờ. Bài thơ Vĩ nhân của tôi, anh viết dường như trong một tâm trạng dằn lòng lại, nhưng cũng bộc phát một niềm tin yêu vô bờ bến: “Người lưng trần lấy nắng mưa làm áo. Lấy nồm nam quạt mát tháng năm. Lấy nghĩa nhân ghìm cương con tạo. Lấy nghìn xưa truyền lửa chim bằng”. Cái sự che chắn, truyền lửa cho con suốt cả một đời từ một người cha, bỗng dưng như tái hiện lại trong tôi, bởi một buổi tối nhiều gió ngồi ở căn sảnh rộng trên sân thượng của một nhà hàng ở TP.Đông Hà đã lung linh ánh điện, anh bỏ ly xuống và nói một câu: “Vĩ nhân của tôi là cha tôi!". Để rồi, với sữa mẹ lời cha, anh đi vào đời và càng ngày càng “chín” nhiều hơn với cuộc đời sâu thẳm, rộng dài.

Lại nữa, vì có vấp, dù là vấp cái sự tình tứ, cũng phải ngẫm. Nên chi Võ Văn Luyến đã ngẫm với cái sự Rỗng: “Rỗng cơn đau ánh chớp u minh/xanh nỗi buồn xa ngái/mưa niềm vui rồ dại/lênh đênh rỗng bước mùa/ngậm sương cỏ rỗng tóc thưa/trái trăng rỗng nhịp chuông chùa nhớ quên”. Khi đọc bài này, tôi chợt nghĩ có lẽ anh viết sau một cơn say chăng, bởi cái trống rỗng nhưng rất hồn hậu của một kẻ say… rất hiền! Rồi sau đó anh Vọng, anh Mơ, anh Hẹn rồi anh lại Ném. Những bung xung sự đời có lúc tươi rói, nhưng lại có lúc cằn cỗi quá khiến anh muốn quăng đi: “Ném lên ngọn cỏ/sương mật/nắng cúi nhặt/ném lời hứa/vào nụ hôn/lời hứa biến thành rỉ sắt” (bài thơ: Ném). Chỉ mấy câu mà đau như lúc hoạn nạn vận vào một cuộc tình gió đã mang đi, còn lại một mình ngồi giữa đồi xanh, mà rỉ máu vết thương lòng.

Cũng vì cái tựa tập thơ có phần bí ẩn, nên tôi cũng đã đi tìm, mà nghĩ như cùng có anh bên cạnh, để thấy cái trùng dương xa tít mặn mòi ấy hiện diện ra sao? Thì này đây, Võ Văn Luyến đã giấu kỹ trong một bài, với cái tứ rất lạ: “Khi những mật ngôn của người lắng trong tiếng thở/gió tấu khúc du miên dựng hứng khởi tay lá vẫy chào/mây nõn lắm trên bờ vai thiếu nữ/biển triều dâng nỗi nhớ cồn cào” (Mật ngôn). Cách xa đó đúng 100 trang, như một sự sắp đặt tình cờ, tôi bắt gặp một đảo Lý Sơn nồng nàn ẩn hiện, mà mỗi chữ của mỗi đầu câu làm thành tựa của bài thơ: “LÝ lẽ nào con tim chưa thấu nỗi/SƠN nhân tìm biển biếc bao đời/TRONG nỗi nhớ có dấu chân của cát/TA triều cường cùng con sóng chơi vơi”! (bài thơ: Lý Sơn trong ta).

Ngoài những sự đa tình, giấu trong chữ nghĩa của Luyến là cái đa sự, luận ngộ về sự đời, mà bất cứ nhà thơ đích thực nào cũng không buông bỏ được. Thơ, dù hiền lắm, vẫn ẩn chứa nỗi đau nào đó. Luyến đau thế này, tưởng nhẹ nhàng nhưng ngẫm thì không: “Có quên không/những rác rưởi cho trôi ra biển/giữ lại trong lành/đám mây rồi sẽ tan nhanh/nhưng từ đám mây kia những câu thơ trầm thống cất lên/bài bi ca thanh lọc tâm hồn/anh chờ trời sáng” (bài thơ: Mưa gõ tâm hồn). Như đầu bài thơ này anh nói rằng 2 giờ sáng trở giấc dậy “ngồi nghe mưa và gõ phím”. Cái lạnh trong lòng với mưa miền Trung, nghĩ đâu sá gì với những buốt lạnh sự đời mà anh đang muốn xua đuổi, mà nó cứ bám lấy như một nỗi-đau-ký-sinh không bao giờ trốn chạy trái tim đa cảm!

Nhưng nếu nói rằng thích bài thơ nào nhất trong tập thơ này, thì xin có một lựa chọn cho riêng mình. Đó là bài Đêm nghe tiếng mọt kêu. Bởi bài thơ này mang một sức nặng ẩn dụ, mà nếu không biết nhận diện tiếng đêm, trong thanh vắng, thì khó lòng mà viết xen lẫn bi-hài được vậy. Nhưng, có được cái tự khích tự trào ấy, các bạn thơ biết Võ Văn Luyến đã lăn lộn tích lũy tự cái ngày anh còn là một anh . lính nơi miền biên cương xa xôi vào những năm cuối thập niên 70 vắt sang thập niên 80 của thế kỷ trước. Và Nhà thơ Võ Văn Luyến vẫn vậy, với tâm tư đầy chất chứa nhưng luôn hiền hậu đi giữa cuộc đời”

Chia sẽ cảm xúc khi viết tập thơ “ Mật ngôn của biển”, nhà thơ Võ Văn Luyến tâm sự ( Trích Băng 1)

Khép lại bại viết về tập thơ “ Mật ngôn của biển” của Nhà thơ Võ Văn Luyến.  Mời quý vị và các bạn nghe lại bài thơ “Mật ngôn” của anh qua sự thể hiện của nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan

Kỷ thuật phát File ngâm bài thơ “ Mật ngôn”

                                                      Nhạc cắt

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật, Thưa quý vị. Dòng Ô Lâu trong xanh như ngọc, chia hai bờ Huế với Hải Lăng, là dòng sông gắn liền với bao niềm hoài cổ, bao nỗi niềm khắc cốt ghi tâm. Dòng Ô Lâu nuốt nước mắt nàng công chúa hoà thân vì nước, đâu đó giữa dòng này còn lưu luyến dáng hình nàng khi về với Chế Mân. Mời quý vị đến với dòng sông lịch sử và thơ mộng này qua tãn văn “ Một thoáng Ô Lâu” của tác giả Trần Hiền

 

Thu bàng bạc dạt trôi vào tháng chín. Nắng cuối ngày buồn như sương khói, mây trôi thênh thang, dòng sông cũng ngẩn ngơ ôm nước vào lòng. Những câu hò chiều vang lên dưới bến như trải nỗi nhớ thương ra thêm mênh mang mãi, tắm ướt mái chèo đang khua nhẹ giữa dòng trôi. Chiều loang nắng nhạt, trước khi tắt hẳn còn khẽ cúi mặt xuống hôn môi mềm lên bờ nhiều lá cỏ. Ta chạy xe thật chậm, ngỡ như lạc vào hoàng hôn của những năm xưa cũ. Mà ký ức chỉ còn là mảnh giấy hoen vàng nhiều vết xước, một nỗi nhớ, một lời hẹn với Ô Lâu bỗng thức dậy cựa mình. 

 

Dừng xe trên cầu Mỹ Chánh, nhìn dòng sông mênh mang chở nước, lòng ta chợt buồn lặng ngẩn ngơ. Bên dưới cầu là dòng Thác Ma, còn goị là Thu Rơi, Mỹ Chánh, xuôi về phía hạ lưu khoảng 1 cây số ta sẽ gặp dòng Ô Lâu quyện cùng dòng Thác Ma. Nắng cuối ngày xoa vào tầm mắt những mảng màu tối sáng, dòng sông loang nước, một vài chiếc thuyền trôi nhẹ trên sông. Ta đứng lặng giữa dòng người vội vã, ồn ã tiếng còi và tất bật những tiếng rao hàng rong cuối chợ, như thúc giục, như mời gọi, như thấp thỏm lắng lo vì bóng tối đã dần lan ra và tràn giăng khắp mọi nẻo. Ta thấy trong bóng chiều hình chàng trai chèo đò trên bến vắng, vọng mái chèo khua tiếng nước xa xăm. Ta nhớ Ô Lâu dòng sông hình chữ S, mỗi khúc đổi dòng là mỗi khúc đau quặn của tình riêng!

 

Dòng Ô Lâu trong xanh như ngọc, chia hai bờ Huế với Hải Lăng, là dòng sông gắn liền với bao niềm hoài cổ, bao nỗi niềm khắc cốt ghi tâm. Dòng Ô Lâu nuốt nước mắt nàng công chúa hoà thân vì nước, đâu đó giữa dòng này còn lưu luyến dáng hình nàng khi về với Chế Mân. Một Huyền Trân đổi hai châu Ô, Lý, bến Ô Lâu tiễn nàng một chiều mưa gió tơi bời không lau hết nước mắt cha già khóc gả con xa xứ.  Ô Lâu buồn hoàng hôn tím đẫm nước mắt tuôn. Xứ sở quê cha nàng khoá vào đáy mắt, chiều tắt xứ nhà bảng lảng lấp vùi bóng thuyền trôi. Ta thương Ô Lâu những khúc đoạn của dòng, như thương hết những trở trăn của dòng đời dâu bể. Có ai nói rằng, dòng sông cũng như đời người trôi...

 

Thượng nguồn Ô Lâu từ Trường Sơn hùng vĩ đổ về, bắt nguồn từ núi Truồi phía Tây Thừa Thiên kéo dài chừng 100 cây số, trên con đường ra Biển Đông đằng đẵng, Ô Lâu chảy qua địa phận Hải Lăng và Huế, trải qua nhiều khúc đụn đổi dòng. Từ xưa sông Ô Lâu được xem là cửa ngỏ giao thương của phía bắc cố đô, tàu thuyền qua Ô Lâu nhiều vô kể. Ô Lâu mang trên mình nhiều tên đất, tên làng, tên sông xưa cũ. Hai bên dòng Ô Lâu còn có những ngôi làng cổ, những ngôi nhà rường cổ kính, là chứng tích của một thời văn hiến cố đô như Phước Tích, Hội Kỳ, Mỹ Xuyên, Ưu Điềm, Câu Nhi,.... Ta nghe lời thì thầm từ sâu đáy nước như một kho chứng tích huyền sử khổng lồ đầy oai hùng và đẹp đẽ của cha ông từ thuở khai hoang mở rộng bờ cõi. 

 

Ta thấy trong bóng chiều của những năm 1980 bài hát Mùa xuân nho nhỏ được nhạc sỹ Trần Hoàn ngồi lặng bên phím đàn phổ nhạc. Bởi đó là tiếng lòng cuối đời của nhà thơ Thanh Hải, của người bạn chiến đấu ở phía bên kia bờ Ô Lâu. Ta nghe trong đó tiếng thơ mang mác trong nhịp phách tiền rất Huế vang vọng trên mỗi tầng sóng vỗ của dòng Ô Lâu ngàn năm tình tự. Một nhạc phẩm xúc động ra đời đã sống mãi đến muôn đời, là cộng hưởng của hai tâm hồn thơ nhạc ở hai bên bờ  sông Ô Lâu thương nhớ, người ở Phong Điền, người ở Hải Lăng. 

 

Lại thương trong bóng chiều cô lái đò bên sông vắng bên bến Ô Lâu. Cô yêu thương chờ đợi chàng trai vào kinh ứng thí đến héo mòn rồi chết. Ngày chàng quay lại tìm thì chỉ còn nấm mồ nhỏ trên bến sông đầy lá cỏ. Chàng ôm lấy nấm đất và khóc, những giọt nước mắt của chàng hoá thành những viên nước lóng lánh giữa dòng Ô Lâu. Lòng sông đau như cắt, nên lòng sông quặn thắt những khúc đụn, những xoáy nước, những phá đầm. Biệt khúc tình yêu những mùa thu lá trút vàng bến sông, như khắc ghi mãi những ân tình vẹn nguyên cùng năm tháng.

 

Ta thương Ô Lâu chỉ bởi cái tên ấy buồn quá. Cái tên gắn với câu ca vời vợi : ''Trăm năm lỗi hẹn con đò. Cây đa, bến cộ, con đò khác đưa". Có bản chép là " con đò khác lưa". Chữ "lưa" có lẽ càng buồn hơn nữa, lưa không phải trong "lưa thưa : ít ỏi", mà "lưa" trong từ địa phương của ngôi làng nhỏ nơi eo thắt miền Trung có nghĩa là "còn". Câu ca đó nếu dùng từ "lưa" thì sẽ càng da diết lời thương trách đầy xót xa đau đáu. Cây đa, bến cũ, con đò còn chăng? Hay đã phụ bạc, đưa một bóng hình khác trong mênh mông sóng nước? Đó là nỗi nhớ mong trong kiệt cùng thương nhớ, những hoài nghi giận dỗi, của những nỗi xa cách của mỗi chữ : chẳng - bao - giờ!

 

Để dòng Ô Lâu cứ chở nặng những nỗi niềm, chảy vào lòng người những nỗi âm trầm xót xa nghìn năm tuổi, soi bóng xuống dòng những dải quanh co buồn sóng nước. Ta thương Ô lâu hay ta thương những dấu chân cũ của chính mình, những dấu chân vội vã ta đến và ta đi trong một buổi chiều cách đây rất nhiều năm trước, gói gắm trong ký ức những câu thơ đứt gãy mất vần. Bỗng thương Ô Lâu như thương một đời người nhiều quanh co đụn khúc, sâu lắng vết tích của thời gian, dãi dầm bao thân phận của đời.

 

Chiều nay ta ghé lại chẳng phải vì có hẹn với Ô Lâu, chỉ vì bước chân ta hôm nay chênh vênh quá, dòng sông muộn gợi lại những tháng ngày xưa cũ. Một chiều thu bàng bạc cứ đau đáu cả lòng. Để thêm yêu những chắt chiu muôn thuở của hồn đất, của bước chân ngày xưa ta bé mọn, chỉ vì người mà yêu mãi một dòng sông!

Phần cuối phát lồng một đoạn ngắn bài hát “ Trở về dòng sông tuổi thơ” Lê Thu Uyên ( Quảng Trị) hoặc Anh Thơ hát

PTV: Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 08/09/2022 07:46 Lê Vĩnh Nhiên 08/09/2022 09:26

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà