TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm: Giới thiệu thơ của nhà thơ Hoài Quang Phương, Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Quảng Trị. Chương trình được PS vào lúc 17h 30 ngày18/9 chủ nhật, 14h30 ngày thứ hai ngày 19/9. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 18.9.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tập thơ “Mặt phẳng long tôi” của nhà thơ Hoài Quang Phương

+ Giới thiệu bài thơ “ Mặt phẳng long tôi”và “ Ngày mùa” qua giọng ngâm của 02 nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan - Thanh Thủy

+ Tãn văn “ Mùa vàng”

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

                                                    Nhạc cắt

 

1. Để nghệ thuật bài chòi - vốn là di sản độc đáo, ấn tượng gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân miền Trung - không rơi vào nguy cơ mai một, nhiều nghệ nhân ở các câu lạc bộ (CLB) bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang âm thầm lan tỏa tình yêu về nghệ thuật bài chòi cho các em học sinh.

Với các nghệ nhân làng Ngô xá Thanh Lê, các em học sinh sẽ là thế hệ trẻ kế cận, tiếp nối để lan tỏa, phát triển trò chơi dân gian bài chòi sống mãi với thời gian. Đến nay, CLB bài chòi của làng Ngô Xá Thanh Lê đã lên đến 145 thành viên với đầy đủ mọi lứa tuổi tham gia. Đã tạo ra một sân chơi văn hóa vừa truyền thống, vừa mới lạ, hấp dẫn nên ngày càng thu hút được nhiều người dân trong làng và các địa phương khác đến chơi. CLB bài chòi của làng Ngô Xá Thanh Lê cũng đã tiến hành đào tạo, hướng dẫn cho 30 em học sinh ở làng Ngô Xá Thanh Lê.

 

2. Tối 9/9, Nhà Thiếu nhi tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục  và Đào tạo TP. Đông Hà tổ chức chương trình trung thu năm 2022 với chủ đề “Vầng trăng cho em”

Tham gia chương trình, các em thiếu nhi đã được hoà mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của đêm hội trăng rằm với nhiều hoạt động sôi nổi như: thi biểu diễn lồng đèn, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, xem biểu diễn múa lân sư rồng và phá cỗ trung thu. Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức đã trao tặng 30 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho 30 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

 

 

                                                  Nhạc cắt

File ngâm bài thơ “ Mặt phảng  lòng tôi” của Ngọc Lan.

(Trong các bài viết về tiếp theo, Kỹ thuật chèn nhạc vào giọng đọc Phát thanh viên)

MC: Quý vị vừa nghe nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan ngâm bài thơ “ Mặt phẳng lòng tôi ” bài thơ nằm trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Hoài Quang Phương. Nhà thơ Hoài Quang Phương là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Tên khai sinh là Nguyễn Quang, Quê quán của ông tại Vĩnh Thái, Vĩnh Linh Quảng Trị. Ông đã ra mắt nhiều tập thơ như: San hô trắng, Ngôi nhà hạnh phúc, Lữa mùa đông, Sáng nguồn, Lục bát, Bác Hồ của chúng ta, Vầng trăng của biển và mới đây 2019 có tập thơ Mặt phẳng lòng tôi. Chúng tôi xin được trao đổi đôi nét về tập thơ này của ông.

CHÈN NHẠC

Có thể nói so với các tập thơ trước đây thì có thể coi tập “ Mặt phẳng lòng tôi” có một tiếng nói ;ạ. Nói lạ, là bởi ngay từ nhan đề của tập thơ, ta đã liên tưởng đến thế giới phẳng. Cuộc đời sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ thực chất là những ngày lao động cực nhọc, lao tâm, khổ trí, có khi không chỉ viết bằng trí mà cả mồ hôi.

Nhưng lại quen, vì mặt phẳng của nhà thơ được trải rộng, lòng rộng và “lượng trời” không chật, cởi mở, cả đau đớn lẫn hạnh phúc: Em về mặt phẳng lòng tôi dịu lại/ Chân rửa bụi đường/ Tiếng sóng êm đềm thủ thỉ/ Em tắm ánh trăng (bài thơ Mặt phẳng lòng tôi). Đó đây, ta thấy Hoài Quang Phương không ngại đến với siêu thực, đi tìm cái đẹp trong cái thiếu hài hoà, cái ngọt ngào trong cay đắng cái lý tính trong cái phi phi lý tính. Viết về biển, ông có những câu thơ có thể chiêm nghiệm được về thân phận con sóng, nổi lòng của biển, ánh trăng đêm biển động, xác sóng tơi bời sau cơn bão dữ… thực ra là nói số kiếp chìm nổi, đa đoan của con người.

Có hàng trăm nhà thơ, nếu không nói nhiều hơn, vận dụng thi pháp ẩn dụ khi nghĩ về biển, đứng trước biển. Những hình tượng thơ của họ đã trở thành môtíp gắn liền với âm nhạc thì không nhiều. Hoài Quang Phương đến sau, nhưng ông cũng trăn trở tìm kiếm những biện pháp tu từ trực giác về trăng và biển: Con thuyền em chở trăng thanh xuân/ Trăng vỡ nát chìm trong biển động (bài thơ Đêm biển).

Hoài Quang Phương là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Trị, bắt đầu sáng tác từ đầu những năm 70. Ông đã viết nhiều về đề tài: quê hương Quảng Trị anh hùng và thân thương. Trong tập thơ Mặt phẳng lòng tôi có ít nhất trên dưới 10 bài về miền Trung và nhiều bài cảm tác về thủ đô Hà Nội. Ông xao động trước sóng gió Cửa Tùng, sông Hiếu chảy giữa lòng thành phố, xứ cát, hồ Tích Tường, chợ phiên Cam Lộ, suối ngọt Cam Tuyền, rau “rờng” Trường Sơn, gió Lào rát mặt v.v… Mỗi bài đối với ông là một kỷ niệm màu xanh, một dấu chân ký ức thời gian. 

Trong số những bài cảm tác về thời gian tôi thích bài Sợi hương xuân (tr. 68). Khổ thơ ngắn, gọn, chỉ ba khổ thơ mà nói được cái bâng khuâng, rạo rực của lòng người khi xuân về: Biết là xuân sẽ đến/ sau cuống là mùa đông/ bụi mưa vàng óng ánh/ rắc xuống ngày xanh non. Biết mùa xuân về lại/ đếm một vòng thời gian/ quên rồi năm tháng cũ/ sao còn ngân tiếng

Thơ Hoài Quang Phương có thiên hướng thơ trí tuệ hay chí ít là hành trình đi tìm chất trí tuệ. Người ta thường có định kiến: Đã là trí tuệ thì thơ dễ đi theo con đường thuần lý, thậm chí khô khan. Thật ra ở những nhà thơ lớn chất trí tuệ không khước từ tính trữ tình cái tĩnh không đối lập cái say. Chế Lan Viên là nhà thơ có xu hướng trí tuệ, nhưng ai bảo ông không phải là nhà thơ trữ tình khi đọc Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão!? 

Mỗi một nhà thơ giống như mỗi con ong khôn ngoan biết đi hút mật ngọt ở các loại hoa về xây tổ ấm thơ ca cho cộng đồng. Nhà thơ lấy thi hứng ở bất cứ hiện tượng nào trong thiên nhiên, trong xã hội, nhưng khi bài thơ đã ra đời thì không còn của riêng anh (chị) nữa, mà là của xã hội, của trăm nghìn thị hiếu khen - chê khác nhau. Được khen, không vì thế mà cao ngạo; bị chê không vì thế mà trách cứ, chán nản. Hiệu quả của sự khen - chê nằm ở tài năng trước hết là lòng thành, đức khiêm và lý tưởng thẩm mỹ mà nhà thơ theo đuổi. Tôi nghĩ, Hoài Quang Phương đã ý thức điều đó khi ông cho công bố tập thơ Mặt phẳng lòng tôi./.

 

Thưa quý vị và các bạn “ Chúng tôi đã nhận được sự chia sẽ của nhà thơ Hoài Quang Phương về sáng tác của ông, mời quý vị cùng lắng nghe ( Trích Băng 1)

                                             Nhạc cắt

Kỷ thuật phát bài ngâm thơ “ Ngày Mùa”

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

Thưa quý vị. Quý vị vừa nghe bài thơ “Ngày mùa” một sáng tác của thi sĩ trẻ Quảng Trị: Nguyễn Việt qua giọng ngâm của nghệ Sĩ Ngâm thơ Thanh Thủy. Thưa quý vị.  với nhà nông thì hạt thóc luônđược ví như hạt ngọc nhà trời. Có thể nói trong cuộc đời của mình, cây lúa được hiến mình đến tận cùng. Từ những hạt thóc chín đẫy nảy mầm sẽ trở thành những cây mạ non xanh ngát. Khi lớn lên hạt vàng trĩu xuống cũng là lúc con người gặt về cơ man nào là thóc, phần thân lá được phơi khô thành rơm. Mời quý vị đến với khung cảnh ngày mùa qua tãn văn “ Mùa vàng” của tác giả Trần Hiền

Tôi thường gọi mùa gặt là mùa vàng. Bởi sắc vàng tràn ngập nơi nơi. Đó là sắc vàng tơ của nắng hè đang buông mình bung tỏa. Điểm giữa thênh thang muôn ngàn sợi nắng là những chiếc nón lá đang mải mê đứng giữa mùa vàng, mồ hôi rơi rơi, bàn tay thoăn thoắt cầm liềm gặt hái. Cánh đồng lúa chín vàng rộm trải dài đến tận triền đê, bãi cỏ, điểm xuyết trên đó vài chiếc máy cắt đang hăng say làm việc trong sự tất bật của mùa màng. Thả ánh nhìn đến bao la, ta còn thấy trong đáy mắt là sắc vàng óng của từng đụn rơm phơi mình giữa thôn xóm đồng nội, phơi dày đường quê xóm nhỏ. Cả làng quê bừng dậy trong niềm vui thu hoạch, tiếng cười tiếng nói rộn rã khắp chòm xóm. Ta như nghe trong lòng niềm hân hoan kỳ lạ, cố hít hà hương thơm lúa mới, nghe xót xáy thấm dần trong da dẻ, nghe nắng cháy trên từng bàn tay mỏng, vẫn thoăn thoắt với người, hốt từng nạm thóc rơi.

 

Bỗng chợt nhớ ngày xưa, khi chưa có máy gặt như bây giờ. Ông bà tôi thường dậy từ rất sớm, khi trời còn mờ sương chưa tỏ mặt người, đó là khoảng khắc mát mẻ nhất trong ngày. Ông bà o chú cùng nhau gặt lúa rồi bó lại thành những bó lúa to tròn lẳn. Ba tôi sẽ lấy đòn xóc xóc hai đầu hai bó thật to và gánh trên vai đưa vào sân phơi. Đòn gánh cong ưỡn mình trên bờ vai gầy đen bóng, hai bó lúa rung rinh nhịp nhàng trên từng bước chân đi. Mồ hôi cứ túa ra khắp mặt khắp người, mặn mòi cay cay cả khóe mắt.Khi bó lúa đưa vào máy tuốt, từng thân rơm sau khi được tuốt hạt sẽ bay lên phấp phới, bụi bay khắp nơi xa xót, nhưng không giấu được niềm vui ngày mùa dâng lên trong đáy mắt những người nông dân ngày ngày tảo tần một nắng hai sương trên đồng khuya hôm sớm. Tôi thích nhất là được nhảy múa bên những cọng rơm vàng, những cọng rơm mà bà sẽ bện thành những chiếc chổi to chổi nhỏ, như bện từ những gian khó bao năm chất chứa về.

 

Hôm nay máy cắt đã về trên từng thửa ruộng, đã thay cho bao năm ròng cúi mặt cong lưng, chiếc máy ấy vừa cắt vừa tuốt sẵn thành những bao lúa đầy. Những chiếc xe máy đã đợi sẵn sẽ nườm nượp chở lúa về sân phơi, từng hạt ngọc trời tròn căng ưỡn mình trong nắng. Nhưng không khi nào tôi có thể quên được bao mùa nắng rát, bao mùa nồm thổi, hanh hao gió lùa. Bàn tay tảo tần nhịp nhàng lưỡi hái, cho mùa vui rộn rã vang trong lòng. Nắng sẽ cháy trên từng khoảnh ruộng, bàn chân trần rát bỏng mỗi sớm trưa. Và trên mỗi nẻo đường quê, vẫn sẽ còn đâu đó dáng hình những chuyến xe trâu, tre bò, kéo sau mình nó bao bó lúa vàng tươi, dưới bóng tre già vẫn sẽ rì rào bao câu hò mênh mang diệu vợi.

 

Có thể nói trong cuộc đời của mình, cây lúa được hiến mình đến tận cùng. Từ những hạt thóc chín đẫy nảy mầm sẽ trở thành những cây mạ non xanh ngát. Khi lớn lên hạt vàng trĩu xuống cũng là lúc con người gặt về cơ man nào là thóc, phần thân lá được phơi khô thành rơm. Rơm ủ ấm chuồng trại, rơm đốt trở thành phân xanh. Rơm làm thức ăn cho trâu bò khi giá lạnh. Rơm làm mồi nhen lên bếp lửa quê sớm hôm ấm nồng. Những hạt ngọc trời khi được gặt về, phơi rộm dưới nắng giòn rồi thổi tách lép. Sau đó sẽ được người nông dân đổ đầy vào bao và cất lên chạn hoặc trong sập gỗ. Đến khi cần thì những bao vàng ấy sẽ được lấy xuống và đem đi xay thành gạo. Hạt thóc chín được xay xát sẽ thành những hạt gạo béo mẩy, trắng tinh, thơm nồng mùi cơm mới. Vỏ trấu được dùng làm chất đốt nơi bếp lò, làm chỗ ủ ấm, làm tổ cho gà mẹ đẻ trứng,... Cám được làm thức ăn cho lợn, bò, gà... Lớp cám trắng tinh sau cùng còn được các chị gái lấy về đắp mặt sạch da.

 

Ngày xưa người ta xay gạo bằng cối xay gạo. Trong mông lung của trí tưởng tượng, tôi thường nhìn thấy trong chiều nhá nhem tối hoặc bên ánh đèn dầu liu điu, hình bóng người xưa đứng níu hai tay lên cao. Một chân sẽ đặt trên bàn cối còn chân kia đặt vào đuôi cần giã. Mỗi nhịp chân đạp,  đuôi cần giã sẽ lún sâu xuống hố. Đầu chày cũng vì thế mà được nâng lên cao rồi tự rơi xuống cối. Tiếng giã đều đều, những giọt mồ hôi rơi rơi, đầu chày xát mạnh vào gạo, gạo lăn tròn xát hột nọ vào hột kia cho đến khi tróc hết vỏ. Vỏ nát thành cám, những hạt gạo trắng ngần ra, mình mẩy tròn đầy, kiêu hãnh, thơm lành.

 

Ngày trước, mỗi khi xay gạo xong, các bà các mệ thường bày ra cơ man nào là dần, sàng, rổ, rá. Tôi thường ngồi chăm chú nhìn đôi tay nội tôi sảy đều chiếc sàng nhỏ để lắng nghe tiếng hạt gạo rơi rào rào xuống chiếc dần tre. Những vỏ trấu mỏng được sàng lại riêng, bụi cám bay lên đậu trên tóc bà như nhuộm bạc. Chỉ còn những hạt gạo trắng ngần vừa bước qua một hành trình dài đầy đau đớn nhọc nhằn của đời lúa. Ông tôi thường gọi tên những hạt gạo thơm thảo ấy là những hạt ngọc trời: ngọc quý trời ban. Tuổi ấu thơ, chẳng hiểu vì sao tôi thích nhất là được ngồi ngắm bà sàng lúa. Cảm giác ấy như là hành trình đãi cát tìm vàng. Chính là dao có mài mới sắc, gạo có sàng mới ngon. Không phải chỉ là vì tránh trong miếng cơm nhai vội có lẫn những viên sỏi làm mẻ răng. Không hẳn chỉ là vì bát cơm trắng tinh thơm ngát bỗng lại vướng lẫn những hạt trấu khô. Đó như là cảm giác được gột rửa giữa một sớm tinh khôi thanh lành.

 

Nhưng đứa con trưởng thành, không chỉ từ công sinh thành, còn có công dưỡng dục. Trong công dưỡng dục, khó nhất chính là chỉ ra điểm yếu để sửa tâm, sửa tính, sửa mình. Vậy mới nói, cây cối vươn lên vẫn phải trải qua sự đào thải khốc liệt của tự nhiên. Hạt gạo trắng ngần phải vượt qua giã sàng mấy bận. Một bài văn có thể đẹp đẽ, cần nhất chính là sự gột rửa tinh tế từ “công dưỡng dục” của những bậc tri nhân, tri giao. Mỗi bài văn là một đứa con tinh thần mà mỗi câu văn chính là huyết mạch. Sinh ra nó, bản thân đã vì yêu mà nghĩ nó trọn vẹn, đã thương nó bằng tình thương máu thịt và có phần cuồng luyến. Nhìn ra chỗ khiếm khuyết của nó cũng khó như bảo người mẹ nhìn ra cái xấu của đứa con mình dứt ruột sinh thành.

 

Bản thân có thể tự mình sửa một câu văn cũng khó như tự mình cắt đi những huyết mạch ban đầu, ấy nên vẫn là nhờ tay người sàng gạo, nhờ trí người biên soạn mà thành. Những tác phẩm được chắp cánh, không chỉ là từ đôi tay người sáng tạo, đó còn là từ tâm trí những văn sĩ tri giao. Sống trên đời, ngọc không giũa không thành đồ đẹp. Một bài văn, cũng như một con người, nếu hoang sơ mà phóng túng, hẳn không thành một “hạt ngọc thơm”.

Tôi lại tưởng như có thể sờ nắn được vết đau của gạo khi bung ra từ chiếc vỏ áo vàng rộm kia. Sự trưởng thành trong đời, nếu không có những lần “lột vỏ kén” liệu có thể tỏa nắng ươm tơ. Bất giác trong tâm thức hiện ra những câu thơ của Bác :

 

“Gạo đem vào giã bao đau đớn.

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.

Sống ở trên đời người cũng vậy.

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

 

Trong mắt tôi lại dàn trải mênh mông sắc vàng của lúa, của nắng, của rơm. Lại nghĩ đến những hạt ngọc trời, để thêm yêu những những hạt ngọc đời!

 

Phần cuối phát lồng một đoạn ngắn bài hát “ Tình ca trên lúa” Hoàng Thi Thơ

 Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 11/09/2022 16:32 Lê Vĩnh Nhiên 12/09/2022 07:14

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà