TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm: Giới thiệu thơ của nhà thơ Võ Văn Hoa, các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 17h 30 ngày 25/9 chủ nhật, 14h30 ngày thứ hai ngày 26/9. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 25.9.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Đôi nét về nhà thơ Quảng Trị Võ Văn Hoa

+ Giới thiệu bài thơ “Chớp bể”của nhà thơ Võ Văn Hoa qua giọng ngâm của  nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan

+ Tãn văn “Thương ôi béng sắn quê nhà”

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1.Cách đây 20 năm, ngày 2/7/2002, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Huế (Đại học Huế) tổ chức Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)”. Đây là hội thảo đi đến kết luận khẳng định Nguyễn Văn Tường là vị đại quan yêu nước, có công lao trong sự nghiệp đấu tranh chống Pháp vào thế kỷ XIX.

Nhân kỷ niệm 20 năm Hội thảo này, ngày 11/9/2022, các nhà sử học tham gia Hội thảo cùng hậu duệ Nguyễn Văn Tường đã tổ chức hành hương đến với di sản Nguyễn Văn Tường. Đoàn đã đến quê hương của ông thăm viếng mộ và Đền thờ; đến Tân Sở, Cam Lộ viếng Đền thờ Vua Hàm Nghi, phối thờ hai Phụ chính Đại thần cùng các nghĩa sĩ Cần Vương. Đoàn đã có cuộc gặp mặt với lãnh đạo huyện Cam Lộ, một số sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, cùng nhau bàn giải pháp đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản lịch sử văn hóa của ông cha để lại.

2. Ngày 16/9/2022, ngày kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã vào Thành cổ Quảng Trị. Hành trang ông mang theo trong chuyến thăm các đồng đội của mình đã nằm lại Quảng Trị là cuốn tiểu thuyết của mình - Hương. 

Bên bến thả hoa bờ Nam Thạch Hãn, ông đã hoá vàng cuốn tiểu thuyết Hương ghi lại những thời điểm khốc liệt của chiến tranh, những câu chuyện về tình yêu, về lòng quả cảm, quật cường của người lính, như 1 cách tri ân các đồng đội mình đã nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị. Đã 50 năm trôi qua từ ngày Quảng Trị được giải phóng, thế nhưng hoài niệm về vùng đất gió Lào cát trắng vẫn còn mãi trong tâm trí của những người lính đã chiến đấu tại Quảng Trị những thời điểm khốc liệt nhất. Để cho thế hệ sau này, luôn nhớ về về sự hy sinh của bao lớp thế hệ đi trước, cho hoà bình và độc lập tự do ngày hôm nay.

                                                    Nhạc cắt

File ngâm bài thơ “ Chớp bể ” của Ngọc Lan.

MC: Quý vị và các bạn vừa nghe nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan ngâm bài thơ “Chớp bể” của thi sĩ Võ Văn Hoa.

Thưa quý vị. Nhà thơ Võ Văn Hoa là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Quê quán của anh tại Thi Ông, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị. anh đã ra mắt nhiều tập thơ, trong đó tiêu biểu có các tập như: Còn ta với mình, Vĩnh Định ơi ta về, Gió cuối mặt sông. Đất lửa xanh, Cỏ phiêu bồng. Chúng tôi xin được giới thiệu về nhà thơ Võ Văn Hoa qua bài viết sau của biên tập chương trình.

Chèn nhạc

Một buổi sáng đẹp trời đi lạc vào vườn thơ của Võ Văn Hoa, tha thẩn một hồi đến quên cả lối ra, rồi tự bảo, nhẩn nha thêm tí nữa, thêm tí nữa, cho đến khi chạng vạng, mới giật mình quay về với thực tại. Khu vườn mênh mông đó đưa tôi qua nhiều tầng cảm xúc khác nhau, dẫn tôi đến những địa danh khác nhau trên cả nước và gặp được rất nhiều người, từ những em bé mới chào đời, đến các cô thôn nữ miệng cười chúm chím, các O, các mệ, các chú, các nhà giáo, thầy thuốc và những người làm các ngành nghề khác nhau trên mọi miền tổ quốc.

Tôi tìm lại mình qua những miền quê mà tôi may mắn đi qua, đã dừng chân ở những vùng đất của miền quê hương Quảng Trị nắng, gió, mưa, bão, lụt lội. Tôi thấy tôi đi qua làng An Thơ, nơi có con sông Ô Lâu, tôi thường đi theo chị đi đò từ sông Mỹ Chánh về ở lại chơi đến chiều lại lên. Tôi thấy tôi dạo chơi qua các đình làng, xem các bé con đánh bi dưới cây ngô đồng. Tôi thấy tôi qua Bến Đá, Cam Lộ, Khe Sanh, Diên Sanh, Hải Thành không theo một trật tự không gian hay thời gian nào cả. Ký ức bềnh bồng, mênh mông khiến tôi trở nên mộng mị, và có một khao khát mãnh liệt muốn trở về lại trên mảnh đất ấy, để hoà mình vào thiên nhiên, nói chuyện với những người dân bình dị, sống ở đó một thời gian chứ không phải chỉ dạo qua như một người khách du lịch.

Đã có quá nhiều người viết về thơ của Võ Văn Hoa, có quá nhiều người họa thơ anh, ca ngợi vẻ đẹp trong thơ anh và phân tích thế giới thơ bao la của anh. Đặc biệt, thạc sĩ Bùi Như Hải đã có hai bài viết rất cặn kẽ, thấu đáo và ngùn ngụt cảm xúc về rất nhiều phương diện trong thơ Võ Văn Hoa qua hai bài “Ở Một Chân Trời Yêu Thương” và “Thế Giới Thơ Võ Văn Hoa”. Mọi người viết về anh với một lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc, một Tri Âm Các bề thế, một nhà thơ giàu lòng nhân ái, một nhà quản lý giáo dục được mọi người xung quanh ngấm ngầm yêu thương, qúy mến và nể trọng. Với tôi, thơ Võ Văn Hoa có thể được ví như một cô gái nhu mì, hiền lành và duyên dáng. Cái đẹp trong cô không làm các chàng trai phải lòng ngay cái nhìn đầu tiên, nhưng một khi đã tiếp xúc, khó ai có thể quên cô được, bởi vì cô không những dễ thương, trẻ trung, đằm thắm mà còn rất sắc sảo, thông minh và hài hước.Đó là một con người hiền lành, dễ mến không chỉ đối với riêng bạn thơ mà với bạn chi giao cũng như ai vừa từng lần đầu gặp gỡ với anh.

Phát lại bài thơ

Thưa quý vị, tiếp theo chương trình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả những tâm sự chân thành của nhà thơ Võ Văn Hoa qua cuộc trao đổi  với Biên tập viên Chương trình. Mời quí vị quan tâm đón nghe

                                             Nhạc cắt

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

Thưa quý vị.  và các bạn. Theo thời gian, bước chân người có thể lạc nơi viễn xứ, tuổi thơ ra đi chẳng quay về, đường nhựa thay cho đường đất, bê tông gạch hoa len lỏi vào tận gốc tre già, nhưng món ăn “béng sắn” (bánh lọc) quê hương luôn sống mãi trong tận cùng hơi thở. Đó là mùi vị của quê hương, mùi vị của mưa dầm tháng giá, mùi vị của tuổi thơ chân trần trên đường quê nâu bùn trăn trở tìm về trong tận cùng nếp nghĩ.

Mời quý vị cảm nhận hương vị quê nhà qua tãn văn “Nhớ ôi béng sắn quê nhà” của tác giả người Quảng Trị- Nguyễn Việt

Chèn nhạc

Mấy ngày nay trời mưa dông lành lạnh. Lòng bỗng nao nao nhớ món bánh lọc quê nghèo, món bánh của một tuổi thơ rất cũ, vẫn bền bỉ neo đậu trong hồn ta dẫu bước chân có dạt trôi về tất thảy những năm tháng xa nào.Món bánh lọc quê miềng, mà ta vẫn tha thiết gọi bằng cái tên rất đỗi thân quen là “béng sắn”. Chỉ bởi vì nó được làm từ bột sắn, thứ bột tinh quý giá được người dân sáng tạo ra suốt quãng đời giông gió trên miền đất mà khoai sắn luôn luôn nhiều hơn gạo cơm. Món “béng sắn” cũng vậy, vẫn bền bỉ cùng quê miềng suốt bao nhiêu tháng ngày đói rét, vẫn xuất hiện bên mâm cơm nhà ai mỗi chiều, mỗi sớm, mỗi tháng, mỗi năm. Món “béng sắn” ấm dạ ngày đói, có mặt bên mâm cơm ngày đoàn viên, theo giỏ xách ai đi về quê lạ, mang trong mình bao hồn hậu đất quê.

Béng sắn làm từ bột sắn, thứ bột được làm nên từ củ sắn (hay còn gọi là khoai mì).

Khối bột được nhồi bởi tay người làm bánh, khối bột nhồi thủ công ấy mới gắm gói những trông đợi, khấp khởi về một khối bánh ngon thơm dẻo mịn, thấp thoáng nỗi lo sợ bột không chín, bột tái rồi bột ướt, lúc đó sẽ cần những người o, người mệ giàu kinh nghiệm chữa cháy, để rồi trong cái vỡ òa sung sướng khi nhào nặn được một khối bột ngon sẽ chắt chiu hết những cay cực chốn quê nghèo.

Nhân bánh được chắt chiu từ những vị quê dân dã, có khi là món nấm meo băm nhỏ trộn với lạc rang. Dưới ngọn lửa riu riu, nấm meo, đậu phụng căng mình giữa tóp mỡ, ớt, tỏi, hành tăm, tiêu, ném. Tất cả làm nên cái vị cay rất riêng của miền quê Quảng Trị, vị cay cay nồng nồng thơm lừng cả gian bếp, mùi thơm của nhân bánh là mùi thơm mang cái vị rất riêng của con người xứ Quảng, mùi thơm nồng ấy tôi gọi nó là hồn quê. Bởi nó đã hóa thành huyết mạch rất riêng trong tâm khảm của bà con quê tôi, nhất là khi tụi nhỏ hí hửng ngồi chờ nhân chín, ngồi chờ nhân dư ra sau khi làm xong bánh, để được lấp đầy cái miệng tròn và cái bụng nhỏ đang sôi réo ùng ục khi mùi thơm theo gió tỏa lan. Nhân bánh ấy, cái vị rất riêng ấy, nó chắt chiu từ những cơ cực nơi miền quê đất đỏ tuổi thơ bên đồi bạch đàn nơi Gio Linh gió lào nắng rát. Vị mặn mòi của nhân bánh chắt chiu từ những cơ cực của mệ, của mẹ, của những người phụ nữ cả một đời gánh gồng lo toan. Gánh lấy quê hương trên bờ vai gầy, gánh cả đàn con đi qua giông gió.

Khối béng sắn sau khi được nhồi xong thì được chắt ra từng viên nhỏ, bàn tay nặn khối, vo tròn đều rồi mâm mê dàn mỏng ra. Bánh dàn tròn càng mỏng càng ngon, sau khi dàn bánh ra, ta gắp nhân bỏ vào giữa bánh, gập hai phía lại và dùng tay nặn dính các mép lại với nhau. Khéo léo hơn có thể dùng tay vân lại như hình vân của miệng sò, thậm chí có thể nặn thành hình cái mũ, hình mặt trăng, hình mũ tai bèo, hình cánh bướm. Bánh lọc (béng sắn) có một cái bụng nhân căng tròn và xung quanh gắn lại với nhau như hình mặt trăng lưỡi liềm, như căng đầy, nhân vàng rộm, thân trắng trong, dạt dào như tình mẹ cho ta, đang cho ta và mãi cho ta đến suốt đời cũng không vơi cạn. Những chiếc bánh tròn đều tăm tắp trắng trẻo ưỡn mình trong háo hức mong đợi của trẻ thơ.

Những chiếc bánh sau khi làm xong nếu được để trần như vậy thả vào nồi nước sôi luộc chín thì được gọi là bánh lọc trần. Còn nếu ta gói nó vào những chiếc lá chuối đã cắt ở góc vườn, lau sạch, hong nắng trưa cho giòn mềm thì được gọi là bánh lọc lá. Bánh lọc lá thường theo chân người đi khắp phương xa, mùi thơm của lá chuối, mùi thơm của béng sắn, tạo nên mùi hương đặc biệt là hồn quê mãi neo đậu trong tâm trí không bao giờ có thể cạn vơi. Đó là mùi vị của quê hương, mùi vị của mưa dầm tháng giá, mùi vị của tuổi thơ chân trần trên đường quê nâu bùn trăn trở tìm về trong tận cùng nếp nghĩ.

Theo thời gian, bước chân người có thể lạc nơi viễn xứ, tuổi thơ ra đi chẳng quay về, đường nhựa thay cho đường đất, bê tông gạch hoa len lỏi vào tận gốc tre già, nhưng món ăn “béng sắn” (bánh lọc) quê hương sẽ sống mãi trong tận cùng hơi thở. Đễ mỗi khi lạc bước giữa phố phường đông đúc, nghe tiếng “bánh lọc”, “béng sắn xứ miềng” lại nao lòng thổn thức, nhớ về nơi chốn thủy tổ, để ấm lòng hai tiếng “quê hương”.

Sau này được biết một số cách làm bánh lọc khác, làm từ bột sắn nước (như cách gọi của một số bạn bè ở Hải Lăng, Mỹ Chánh, giáp ranh với cố đô Huế), và cái “béng sắn” đó cũng ngon lành và thấm tháp hơn rất nhiều, trở thành món đặc sản “Bánh lọc Mỹ Chánh, bánh lọc Diên Sanh”, đang vươn xa đến mọi miền tổ quốc và nhất định sẽ cất cánh bay đến những đất nước khác trên bản đồ thế giới.  Để thêm yêu, thêm trân trọng cuộc sống hôm nay, bởi những sáng tạo mộc mạc ấy chính là minh chứng kì diệu cho sức sống vĩ đại, mãnh liệt vươn mình, chịu khó chịu khổ của người dân quê tôi. Như lũy tre hồn Việt, người dân ấy, quê hương này, non nước ấy, nghìn thu!.

Phần cuối phát lồng một đoạn ngắn bài hát “ Nhớ về Quảng Trị ” thơ Tạ Nghi Lễ, nhạc Nguyễn Tất Tùng, Vân Khánh hát.

 Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 20/09/2022 15:53 Lê Vĩnh Nhiên 21/09/2022 08:01

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà