sắc màu văn hóa - Đời sống
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, Bên cạnh đó, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Danh nhân Quảng Trị: Trương Đình Hội” được phát sóng vào lúc 10 h 30 , 17h  ngày 8  tháng 10 năm 2022 và 17 h ngày thứ ba 12/10/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 8/10/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 10 h 30, 17 h ngày thứ 6 và 17 h ngày thứ ba hàng tuần.

Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, Bên cạnh đó, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị “ Danh nhân lịch sử văn hóa Quảng Trị: Trương Đình Hội, các tiểu mục tiếp theo của chương trình sẽ tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của Quảng Trị. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

 

MC: Kính thưa quý vị, tìm hiểu và phân tích kỹ một lễ hội dân gian ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị quả là không dễ. Dù Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa nhưng qua hai cuộc chiến tranh, nhiều kiến trúc văn hóa vật chất như: đình, chùa, miếu mạo bị tàn phá nặng nề cái còn cái mất. Cái còn thì đã rêu phong hoang phế, hoặc là những kiến trúc mới được xây dựng lại trong những năm gần đây. Những lễ hội dân gian gắn liền với đình, chùa, đền miếu do vậy cứ bị mai một dần đi, mặt khác dù nhu cầu văn hóa tinh thần của đời sống tâm linh là lớn nhưng đời sống hiện tại còn gặp muôn vàn khó khăn chế ngự nên lễ hội có tính quy mô, rầm rộ ít được diễn ra.

Kính thưa quý vị và các bạn. Làng Nại Cửu, thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ xưa,làng có nhiều lễ hội như: Lễ thành hoàng, lễ hạ canh, lễ hạ ương, hội thi cày đất khô, hội thi kéo co, thi bơi trãi, hò giả gạo…Tuy nhiên qua nhiều thời gian và hoàn cảnh sống có những đổi thay nên đã dần dần mất đi chỉ còn lại một lễ hội đáng chú ý hơn cả là lễ hội Kỳ yên (hoặc là Cầu an hay siêu yên) được dân làng Nại Cửu duy trì hàng năm tại đình làng Nại Cửu vào ngày rằm tháng bảy.

1.     Vài nét về lịch sử làng Nại Cửu:

Từ thế kỷ 14, 15. Để mở mang bờ cõi, nhà Trần đã kêu gọi dân chúng ở phía Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An, một số ít người Nam Định) vào khai khẩn vùng đất mới.
Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành lần thứ 2. Nhiều chiến binh sau cuộc “Chinh Tây” thắng lợi đã lưu lại vùng đất mới khai khẩn lập ấp, tiếp tục đưa thêm con cháu vào hiệp lực tạo nên làng Nại Cửu. Qua 18 thế hệ kế tiếp nhau mà qua gia phả của 6 họ: Lê, Nguyễn, Hoàng, Võ, Phan, Trần còn lưu trữ thể hiện một bề dày lịch sử với một quá trình phát triển mạnh mẽ tạo nên cộng đồng Nại Cửu như hôm nay.


Làng Nại Cửu có vị trí địa lý Bắc giáp ba làng: Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam( đồng thuộc xã Triệu Đông), Nam giáp hai làng:  Thâm Triều, An Tiêm (xã Triệu Tài và xã Triệu Thành), Đông giáp 2 làng:  Anh Tuấn, Tả Hữu (xã Triệu Tài), Tây giáp 3 làng: Cổ Thành, Hậu Kiên, Bích Khê (Thuộc xã Triệu Thành và xã Triệu Long). Lần tìm gia phả các Họ có thể thấy được nhiều vị đổ đạt làm quan qua các triều đại phong kiến cho đến ngày nay,  trở thành niềm tự hào của hậu thế.


Trải qua trên dưới 500 năm tồn tại và phát triển, đất và người Nại Cửu của 18 thế hệ kế tiếp nhau đã chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, bền gian, kiên nhẩn, tương thân, tương ái, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm để xây dựng và bảo vệ quê hương và đất nước. Đó là một truyền thống quý báu đáng tự hào và trân trọng của người dân làng Nại Cửu. Truyền thống này chính là xuất phát từ tác động của những sinh hoạt văn hóa lễ hội, của tính hiếu học đúc kết nghìn đời mà ta đang đề cập ở trên lễ hội Kỳ yên ở đình Nại Cửu.

Lễ hội kỳ yên ở Nại Cửu đình thực chất là sinh hoạt văn hóa nhằm thỏa mãn khát vọng tinh thần, là cầu mong cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, là niềm tôn kính hướng về trời đất, hướng về các vị anh hùng có công với nước, các vị khai khẩn lập làng, các vị khai canh, các vị khoa bảng làm rạng danh tổ tiên. Đình Nại Cửu ngày xưa không chỉ là nơi tế tự, hành lễ mà còn là trụ sở để các vị nhân sĩ, trí thức hội họp bàn định kế sách ích nước lợi nhà. Từ ngôi đình làng này, bao thế hệ người dân Nại Cửu đã hun đúc được hồn thiêng của ông cha, nguyên khí trời đất, tinh hoa của văn hóa làng được đúc kết qua các tấm gương hiếu học, tiếp tục đóng góp nhiều công lao cho đất nước.
Như đã nói lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu diễn ra ngày rằm tháng bảy hàng năm.  Ngày xưa ban tế lễ gọi là ban “Đại hào tộc biểu”, thường gồm các lý trưởng, các tộc trưởng, trùm xóm. Ngày nay ban tế lễ gọi là hội đồng gồm các trưởng họ, đội trưởng sản xuất tiến hành họp để tổ chức các bước lễ và phân công người phục vụ lễ,
Lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu cứ ba năm mới tế to một lần còn các năm khác thì tế thường (tế chay), lễ vật cũng đơn giản chỉ là hương, hoa, trầm, trà, rượu, hoa quả mà thôi. Ngày xưa sau đêm lễ có rất nhiều trò chơi như thi thổi cơm, thi đua thuyền, thi chọi trâu, hội thi chọi gà, hội thi kéo co, thi bơi trãi, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô…
Hội thi thổi cơm dành cho phụ nữ có con nhỏ dưới một năm tuổi. Người phụ nữ này là đại diện xuất sắc đã qua vòng sơ tuyển của xóm. Trước lúc đi vào cuộc thi, ban tổ chức vạch sẳn một vòng tròn cho từng người (đường kính vòng tròn khoảng một mét), chính giữa tâm vòng tròn có cắm một cọc. Người ta dùng một sợi dây dài hơn một mét buộc một đầu vào cọc, còn đầu kia buộc vào một con cóc khoẻ. Bước vào cuộc thi, người phụ nữ một tay vừa bồng con dại đang khóc vì đói sữa, tay kia giữ cho con cóc không nhãy ra khỏi vòng tròn, đồng thời tiến hành thổi một nồi cơm nếp ở trong niêu đất đun bằng rạ (sau này thì bằng bã mía). Người nào nấu xong nồi cơm nếp chín trước mà con cóc không nhãy ra khỏi vòng tròn, người đó thắng cuộc. Hội thi này thể hiện tính đảm đang, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ trong việc nội trợ gia đình.
Hội thi đua thuyền thì gồm một xóm một chiếc ghe trang trí kiểu thuyền rồng. Mỗi thuyền gồm chín thanh niên mạnh khoẻ, quen sông nước, trong đó có một thuyền trưởng cầm lái, còn lại tám người cầm bơi chèo. Trang phục của các đội không giống nhau, tuỳ theo sở thích thiết kế. Khi nghe tiếng trống, các đội dàn hàng ngang từ điểm xuất phát bước vào cuộc đua. Ai về đích trước thì thắng cuộc.

Hội thi chọi trâu thì chọn khoảnh đất bằng phẳng có dựng hàng rào bao quanh kiên cố. Những con trâu được chọn vào cuộc đấu là những con trâu đực to khoẻ, bộ sừng vuốt hình vòng cung được chuốt nhọn ở đầu sừng. Khi nghe tiếng lệnh, hai chủ trâu sẽ thả trâu của mình ra đấu trong ba hiệp; trống thúc liên hồi, tiếng cổ vũ náo nhiệt, để kích thích sự hăng máu của chúng. Con trâu nào thắng hai hiệp thì thắng cả trận, nếu hoà hai hiệp đầu thì vào chung kết.
Hội thi chọi gà cũng lắm công phu. Trước ngày vào hội, các chủ gà thường săn sóc gà chọi rất kỹ lưỡng cho nó ăn, tẩm bổ chế độ cao, dùng rượu có pha mã tiền nắn bóp đầu, ức và đôi chân, cựa gà được vuốt nhọn và thường có những cuộc đấu tập dợt để rèn cho nó tính can đảm, khả năng chịu đòn cao. Thể lệ thi đấu cũng đơn giản, một vòng tròn được vạch ra, hai chú gà đấu ở vòng tròn đó, con nào ra khỏi vòng coi như thua.
Bên cạnh những hội thi trên có một số hội thi khác như thi kéo co, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô… nhưng ngày nay do hoàn cảnh sống có những đổi thay nên những trò chơi ấy không được duy trì nữa, và chúng tôi không thể kể hết ra đây được. Đây quả là điều đáng tiếc vì những cuộc thi này không chỉ nhằm giải trí, giải toả những mệt nhọc sau những ngày tháng lao động vất vả của người dân mà còn là sự giao lưu trí tuệ, tình cảm con người, cố kết thêm mối quan hệ cộng đồng bền vững.
Lễ hội Kỳ Yên trước hết là một tín ngưỡng, thể hiện niềm khát vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Nó cũng phản ánh một đời sống tâm linh hết sức phong phú của dân làng Nại Cửu đúc kết thành một chữ đạo với tất cả ý nghĩa nhân bản nhất của từ này: thành kính, hướng vọng về tổ tiên, về cội nguồn khởi phát làng, biết ơn những vị anh hùng có công với quê hương, đất nước, kính trọng và sùng bái những vị khoa bảng mang lại tiếng thơm muôn thưở làm rạng danh hậu thế. Lễ của làng chắc chắn sẽ thấm sâu vào máu thịt từng con người biến thành chữ lễ trong bản thân họ, một phẩm chất không thể thiếu được trong “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) mà đạo đức học phương Đông đã dạy.
Hơn thế nữa, lễ hội Kỳ Yên này còn là một sinh hoạt văn hoá tinh thần lành mạnh làm phong phú thêm bản sắc con người làng Nại Cửu giúp họ vững tâm hơn trước sóng gió cuộc đời, chống lại một cách có hiệu quả nguy cơ của những sản phẩm văn hoá độc hại, tư tưởng lai căng sùng ngoại, lối sống thực dụng từ trong mặt trái của cơ chế thị trường. Bỏ phần này

Bổ sung phần chữ đỏ này : Ông Trần Quang- nguyên Chánh thah tra Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Quảng Trị, quê làng Nại Cửu, người luôn danh thời gian tâm huyêt nghiên cứu lịch sử văn hóa của làng chia sẽ ( Trích băng)
Đất nước ta ở vào giai đoạn đổi mới toàn diện, đang ở trong quá trình mở cửa, giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới thì vấn đề khôi phục và giữ gìn một lễ hội dân gian với tất cả những yếu tố tích cực của nó là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhân bản và đó chính là một trong những cách để bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ Kỳ Yên ở đình Nại Cửu hàng năm cứ được diễn ra, từ đây biết bao con người của thôn làng Nại Cửu đã thành danh trên nhiều lĩnh vực và hàng năm vào ngày rằm tháng bảy dù ở đâu, bận rộn công việc gì cũng đều cố gắng tìm về cuội nguồn, thắp nén nhang cầu nguyện trước bàn thờ tổ tiên. Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta. Vì thế, đứng về phương diện văn hoá học, lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nại Cửư là nên duy trì và phát triển những yếu tố tích cực của nó, vì đó là niềm tin, niềm khát vọng hết sức trong sáng của dân Nại Cửu và cũng rất phù hợp với đường lối văn hoá mới của Đảng và Nhà nước ta.

                                                    Nhạc cắt

Chợ Đình Bích La là lễ hội độc đáo, một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 03 Tết Nguyên Đán tại chợ Đình Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong.

Làng Bích La lâu nay vốn được biết đến là đất địa linh nhân kiệt, đồng đất nơi này đã nuôi lớn bao bậc danh nhân, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng...Truyền thống tổ chức chợ đình của người Bích La có từ thuở xa xưa. Hẳn chẳng ai còn nhớ dấu mốc trọng đại ấy, nhưng nay phiên chợ này đã định danh là một nét văn hóa riêng biệt dành cho làng Bích La, thậm chí còn là một niềm tự hào đối với tỉnh Quảng Trị. Chợ chỉ họp một đêm duy nhất trong năm và chỉ bắt đầu vào lúc nửa đêm (đêm mùng 2 đến sáng 3 Tết âm lịch).

Tương truyền rằng, thuở dựng làng lập ấp, những bậc mở cõi của làng Bích La đã biết xây đình, trước đình có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết âm lịch, dân làng Bích La lại tề tựu về đình làng để thắp hương, tri ân những bậc tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống an lạc. Cứ mỗi lần như vậy, rùa vàng lại nổi lên mặt nước như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy... Nhưng bỗng một năm, khi hương nến đã được thắp lên mà rùa vàng vẫn không thấy tăm dạng, nhiều vị chức sắc trong làng cho đó là điều chẳng lành. Quả nhiên, đó là năm mà người Bích La “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô khô quắt lại”, đời sống cơ cực trăm bề… Từ năm sau, dân làng Bích La đã tự bàn bạc nhau sau khi thắp hương ở đình làng vào rạng sáng mùng ba Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Người đốt đuốc, người khua chiêng múa trống, người hò hét để gọi cho bằng được “ngài rùa thần” nổi lên, ban phát “phúc, lộc, thọ” cho dân làng. “Chuyện được kể từ đời này sang đời khác lâu dầu đã trở thành một sự thật hiển nhiên đóng đinh trong tâm khảm mỗi người” - một cụ cao niên của làng Bích La nói.

Rồi điều tưởng như ngẫu nhiên kia cũng trở thành lệ, từ buổi ban sơ nặng tính tâm linh, chợ đình Bích La cũng từ đó mà thành tự bao giờ… Để rồi, trong đêm xuân âm lịch, giữa không khí Tết quê đang tỏa lan khắp xóm làng, không chỉ người dân Bích La mà cả du khách thập phương đã kéo về mảnh đình làng này “đi chợ”. Đêm Bích La như đêm trắng, mọi người dập dìu nhau, dạo qua những gian hàng đang bày bán những sản vật được làm nên từ bàn tay nông dân lam lũ, cùng “mua may, bán rủi”…Vào ngày lễ, dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng thắp hương khấn lễ đầu năm và trẩy hội. Chính từ sự hội ngộ đầu năm đông đúc và mong ước cầu tài, cầu lộc, cầu sự bình yên, làm ăn may mắn nên đã hình thành nên lễ hội chợ đình Bích La và trở thành lễ hội truyền thống của làng.

Hiện nay, lễ hội chợ đình Bích La được chia thành 3 phần rõ rệt. Phần “lễ” bao gồm các nghi lễ tâm linh, phần “hội” với nhiều trò chơi dân gian và cuối cùng là phần “chợ”. Có khi phần “chợ” lại diễn ra trước cả phần “lễ” vì từ chiều mùng 2 Tết, người dân đã bày biện tại các gian hàng, các sản vật quanh đình để chào mời khách. Khi màn đêm buông cũng là lúc chợ vào phiên. Cũng cần phải nói rằng, người làng Bích La đã dành những thứ tốt nhất, đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. Đó có thể là mớ rau tươi còn thơm mùi đất, dăm ba bó chè xanh ngắt còn đẫm sương đêm, những buồng cau chi chít quả hay giản đơn là dưa, cà, mắm muối. Nhưng hết thảy đó, phải là sản vật do chính người Bích La làm ra, phải được tạo nên từ đồng đất hương hỏa của mảnh làng này. Hầu như họ không mang hàng đến đây để bán kiếm lời, vậy nhẽ nào khách thưởng lãm, ghé “phiên chợ văn hóa” này lại mặc cả? Đây như một thế giới khác, mọi người đều nở nụ cười thân thiện. Điều này lý giải vì sao lễ hội một đêm này mỗi năm thu hút chừng 4 vạn lượt khách đến kiếm tìm lộc vận…

Người dân làng Bích La vốn siêng năng, cần cù, chất phác, hiền hòa và hào phóng là thế. Phải chăng nhờ hưởng được nhân quả tốt đẹp của những đức tính này mà làng Bích La có tỉ lệ con em đỗ đạt cao ở tỉnh Quảng Trị? Và Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là một người con ưu tú mảnh đất làng Bích La.

Phát bài hát “ Triệu Phong ta về”

    Kỹ thuật bỏ Lời xướng tiểu mục “Nghệ thuật và cuộc sống”

                                                  Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị và các bạn, theo yêu cầu của thính giả nghe đài muốn tìm hiểu thêm về khoa cử và hành trạng về một nhân vật lịch sử người Quảng Trị quê ở Triệu Đông- Triệu Phong- đó là ông Trương Đình Hội, người đã từng tham gia phong trào cần vương chống Pháp và đã xả thân vì nước. Trong chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cuộc trao đổi nói chuyện của nhà báo Việt Hà- Đài PTTH Quảng Trị với ông Nguyễn Hoàn- Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Quảng Trị. Mời quý vị cùng lắng nghe ( trích băng)

Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Điểm đến Quảng Trị”

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Sắc màu văn hóa- Đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Kinh thưa Quảng Trị, tại Quảng Trị có những ngôi chùa làng nằm sâu trong những làng quê, tĩnh mịch thẳm sâu. Nhưng ở đó chứa đựng những câu chuyện không chỉ giáo lý về nhà Phật mà còn là nơi gửi gắm những tình cảm, tâm linh của người dân quê hiền lành. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ đưa quý vị đến với một ngôi chùa làng như thế.

Nhạc Thiền Phật giáo

 Nằm giữa không gian thoáng đãng giao hòa của cỏ cây hương đồng gió nội, ngôi Hồng Khê Tự trầm mặc với thời gian, an nhiên một cõi vô thường. Tuy nhiên sau cái khiêm nhường mà trang nghiêm này là một cổ tự đã góp phần tạo nên mạch nguồn văn hóa, như tên gọi vốn đang có của không chỉ người dân nơi đây mà còn với Phật Giáo Quảng Trị

Ngôi Hồng Khê tọa lạc ở đầu làng Bích Khê, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ bao đời nay, ngôi chùa làng này gắn liền với đời sống bình dị và mặc nhiên đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân làng Bich Khê. Từ xa xưa cho đến ngày hôm nay, ngôi chùa ngoài lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật biểu trưng đường nét hoa văn dân tộc ra, nó còn có nhiều chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp sự hướng thánh thiện cho con người. Ấy vậy nên người dân Việt dù đi đâu về đâu, sau khi chọn vùng đất làm nơi sinh cơ lập nghiệp thì đều xây dựng cho mình một ngôi chùa.

"Chùa làng, phong cảnh Phật" thật sự đã trở thành nét đẹp văn hóa của làng xã, là nơi neo giữ tấm lòng mọi người Việt Nam. Tùy theo điều kiện khác nhau để phụng lập ngôi tự thiện lớn hay nhỏ. Ngôi chùa với tên gọi gắn liền với đổi thay hương hiệu và vận mệnh của người dân nơi ấy. Ngôi Hồng Khê này cũng vậy, trải qua bao cuộc bể dâu để hôm nay mặc khải với mây trời và an yên một chốn thiền định.

 Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê, cho biết ( trích băng 1)

Làng Bich Khê thuộc phủ Triệu Phong xưa kia ra đời trong bối cảnh gắn liền công cuộc mở mang bờ cõi, khai hoang, khẩn nghiệp của các dân binh người Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông. Gắn liền với quá trình tụ cư của làng Bích Khê, đã dần hiện hữu những cơ sở tín ngưỡng ban đầu, phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân. Chùa Hồng Khê cũng ra đời từ thời gian đó. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa do binh đao loạn lạc, ngôi Hồng Khê tự đã có vị thế của ngày hôm nay.

Hệ thống chùa mới được thiết trí như giống nhiều ngôi chùa khuôn hội khác trong vùng với dạng kiến trúc đặc trưng. Ngôi Chánh điện phía trước có một tiền điện cho các tín hữu hành lễ, phía sau chánh điện là nơi thờ Tổ sư gọi là Tổ đường.  Nhìn về phía trước ta thấy các mái đao chùa được thiết kế theo kiểu đầu rồng thời Lê. Riêng chính giữa mái thay vì hình rồng chầu mặt nguyệt như ở các đình làng thì ở đây là hình tượng bánh xe luân hồi trong đạo Phật kết hợp với đầu rồng. Có thể coi đây là sự giao thoa tín ngưỡng giữa các tôn giáo rất độc đáo.Bài Trí ở ngôi Chánh điện cơ bản giống các ngôi chùa ở Quảng Trị, Phía ngoài cửa 2 bên có các vị hộ Pháp, trong Chánh điện, trên cùng có tượng Tam Thế và các tượng Di đà Tam Tôn, Di Lặc, Quan Âm…Chữ Hồng Khê tự được ghi trang trọng khi chúng ta bước vào tiền điện chàu.

Với bề dày lịch sử văn hóa của một vùng quê thuần nông lâu đời, chùa Hồng Khê dẫu trải qua những khó khăn nhất định nhưng cho đến nay vẫn còn lưu giữ những pháp khí cổ cũng như những tấm bia đá được nhà chùa cũng như bà con dân làng Hồng Khê trân quý.

Trên tường trước chánh điện gần lầu chuông và lầu trống của chùa có 02 bức bia ký bằng đá thanh. Theo Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng trong một lần đi điền dã tại đây, khẳng định đây là một trong cổ vật mà ít các chùa Quảng Trị hiện đang có. Hai tấm bia là những tư liệu quý giá về những lần tái kiến, trùng tu sửa chữa chùa, qua đó chúng ta biết được lịch sử hình thành và phát triển của một ngôi chùa làng. Tấm bia thứ nhất được tạo lập vào năm Thiệu Trị thứ 3 ( 1843), bia đá thứ hai được tạo lập vào năm Thành Thái thứ 6 ( 1894), tuy nhiên tiêu đề của hai tấm bia đều ghi như nhau “ Nam Mô Phật”.

Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê, cho biết ( Trích băng 2)

Đặc biệt, hiện chùa Hồng Khê hiện còn lưu giữ một bảo vật pháp khí, đó là cổ chuông. Như chúng ta thấy đây thì chuông cổ này có ghi niên đại đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 23 ( tức là vào năm 1742).  Chuông được đúc rất tinh xảo và công phu, các Hán tự trên thân chuông được thợ đúc chạm khắc bằng tay khác với các chuông hiện tại là đúc chìm một lần. Đây là một điểm độc đáo của các chuông cổ xưa còn sót lại trong các chùa trên cả nước.                                             

 ( Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê. Chia sẽ ( Trích băng 3)

Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra những Nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Chùa Hồng Khê cùng với những di vật hiện đang có, cùng với lịch sử hình thành và phát triển đã tạo nên bức thủy mặc về một vùng đất thấm đẫm sự hòa quyện giữa đạo pháp và hồn dân tộc. Và như tên gọi rất đẹp của mình, mạch nguồn Hồng Khê sẽ không thôi ngừng nghỉ, chảy mãi đến ngàn năm sau.

Thiếu thời lượng kéo dài Nhạc Thiền Phật giáo

NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 05/10/2022 09:57 Lê Vĩnh Nhiên 05/10/2022 10:18
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà