CÙng nông dân làm giàu 25-4
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu 25-4

Quảng Trị phát triển kinh tế vùng gò đồi

MC1: Kính chào QV & Bà con! Bây giờ là 15 phút dành cho chương trình cùng nông dân bàn cách làm giàu của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và bà con thân mến! Quảng Trị có hơn 370 nghìn ha diên tích vùng gò đồi và vùng núi, chiếm 70% diện tích đất toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp khuyến khích các địa phương và người dân phát triển kinh tế vùng gò đồi, nhất là khai thác tiềm năng đất đai sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, phát triển kinh tế trang trại… tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng nông thôn mới ở vùng cao.

MC1: Hiệu quả kinh tế gò đồi đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân. Với sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp cũng như sự năng động của mỗi một hộ dân, kinh tế vùng gò đồi ở Quảng Trị đang thực sự góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng một cách bền vững. Trong chương trình cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này chúng tôi xin chuyển đến QV & bà con một số mô hình phát triển kinh tế vùng gò đồi mang lại hiệu quả cao ở các địa phương. Trước khi đến với những nội dung này, Mời QV & bà con nghe những thông tin nông nghiệp đáng chú ý.

Nhạc cắt

Trang tin: ( thay nhau đọc tin )

Tin 1: Chuyển giao mô hình nuôi cá leo thương phẩm đầu tiên ở Quảng Trị

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chuyển giao mô hình nuôi cá leo thương phẩm cho hộ gia đình ông Nguyễn Duy Tuấn ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.

Mô hình nuôi cá leo thương phẩm được triển khai thực hiện trên diện tích 2 ngàn mét vuông với 4 ngàn con cá giống. Tổng mức kinh phí trên 40 triệu đồng. Trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ ban đầu cho gia đình ông Tuấn 50%.  Cá leo là loại cá nước ngọt, khả năng thích nghi tốt với sự biến đổi của môi trường, có những ưu điểm vượt trội so với các loại cá khác, như: dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, có thể nuôi trong ao hồ, lồng bè, chỉ sau 2,5 - 3 tháng thả nuôi đã có thể xuất bán ra thị trường. Như vậy trong một năm có thể thả nuôi nhiều lứa. Giá thu mua cá leo thương phẩm dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, có thể đạt từ 150.000 - 160.000 đồng/kg vào mùa cao điểm.

 

Ngoài hỗ trợ nguồn giống, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn chuyển giao khoa học kĩ thuật để hộ gia đình ông Tuấn thả nuôi cá leo thương phẩm theo đúng quy trình, đạt hiệu quả. Cá leo thương phẩm là đối tượng nuôi mới cho giá trị kinh tế cao và lần đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ chuyển giao mô hình trên địa bàn tỉnh.

 

Việc áp dụng mô hình nuôi cá leo thương phẩm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình, nhất là đối với những địa phương có tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy hải sản, góp phần chuyển đổi vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cho bà con nông dân.

Tin 2: Đánh giá dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ vụ đông xuân 2018-2019

Sở Nông nghiệp & PTNT vừa tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ vụ đông - xuân 2018 - 2019. 

Vụ đông - xuân 2018 - 2019 là vụ thứ tư thực hiện biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT và các địa phương với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam) về việc hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ. Qua 4 vụ đã thực hiện gần 500 ha lúa trên địa bàn các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, sản lượng lúa tươi thu được gần 3.000 tấn, tổng thu nhập của mô hình gần 24 tỉ đồng, lãi toàn mô hình là 13 tỉ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 96 - 110 triệu đồng.

          Vụ đông - xuân 2018 - 2019, có 6 hợp tác xã, tổ hợp tác kí kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích thực hiện là 105,9 ha. Công ty Đại Nam hỗ trợ 100% phân bón, thu mua sản phẩm lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá 6.000 đồng/kg (giống lúa RVT). Đặc biệt hỗ trợ 100% phân bón, bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa tươi giống lúa mới ST 24 với kinh phí 26 triệu đồng/ha, áp dụng hình thức này tại HTX Long Hưng (Hải Phú), HTX Đại An Khê (Hải Thượng), HTX Mỵ Trường (Hải Trường) của huyện Hải Lăng, HTX Đại Hào (Triệu Đại), huyện Triệu Phong. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT cùng với Công ty Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi - Ong Biển tiếp tục mở rộng diện tích liên kết gạo hữu cơ Quảng Trị, đồng thời xúc tiến để xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị.

 

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới các ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong quy trình sản xuất và cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ liên kết để mở rộng sản xuất trong các năm tiếp theo, đặc biệt là đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu, nhất là khâu cấy, bón phân. Tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa sạch, chất lượng cao theo hướng hữu cơ trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin 3: ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN CẢI THIỆN NÔNG NGHIỆP CÓ TƯỚI (WB7).

Vừa qua, sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã có buổi làm việc với ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi về việc triển khai các hoạt động của dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tại tỉnh Quảng Trị.

Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới thực hiện tại tỉnh Quảng Trị do ngân hàng thế giới tài trợ gồm 3 hợp phần chính đó là: hỗ trợ cải thiện quản lý tưới; nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới; hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với Biến đổi khí hậu. Qua hai năm thực hiện, sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp tại 6 mô hình CSA thâm canh cây lúa với tổng diện tích đất canh tác 109,55 ha, 12 mô hình thâm canh cây trồng cạn lạc, ngô, đậu xanh với diện tích 87,83 ha và phát triển nhân rộng trên cây lúa với tổng diện tích 1.652,71 ha

Tại buổi làm việc đoàn đã tiến hành trao đổi thảo luận, và tiến hành đi tham quan thực địa tại một số điểm triển khai hoạt động dự án để giám sát, đánh giá quá trình thực hiện dự án. Mục tiêu của đoàn làm việc trong lần này là rà soát tiến độ thực hiện và những kết quả đạt được trong 6 tháng qua; xác định các vấn đề vướng mắc, khó khăn và đưa ra các giải pháp để hỗ trợ toàn diện các hoạt động của dự án. Trao đổi và thống nhất kế hoạch thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện của hợp phần 3 hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với Biến đổi khí hậu.

Nhạc cắt

Gio Linh thực hiện nghị quyết về “Phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi,

miền núi”

Thưa QV & CB! Để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi phía Tây, Đảng bộ huyện Gio Linh đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-HU về “Phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi, miền núi”. Nhờ vậy, tiềm năng, thế mạnh kinh tế gò đồi của các xã vùng núi, vùng gò đối của huyện Gio Linh đã được khai thác có hiệu quả; dần mở ra hướng chuyên canh về cây, con cho giá trị thu nhập cao.

Vùng gò đồi, miền núi phía Tây của huyện Gio Linh (Quảng Trị) có tổng diện tích tự nhiên  gần 34.400 ha, chiếm 78% diện tích của toàn huyện. Với lợi thế đất đai, phần lớn là đồi núi, có đất đỏ ba dan, thuận lợi cho việc phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày.  Đến nay, ngành nông nghiệp toàn vùng đã đem giá trị sản xuất đạt khoảng 1.327 tỷ đồng, chiếm 39,8% toàn huyện. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đây. Ông Lê Phước Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Gio An cho biết:

PV: Ông Lê Phước Hiếu, PCT UBND xã GioAn ( Hiệu quả KT – XH của xã khi thực hiện NQ)

Nhờ phát triển kinh tế vùng gò đồi, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát được đói nghèo mà còn vươn lên giàu có.... Đến nay, vùng gò đồi miền núi huyện Gio Linh đã hình thành hơn 100 trang trại tổng hợp với thu nhập từ 100 đến 350 triệu đồng mỗi năm.  Huyện Gio Linh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng trồng, đồng thời tiến hành chuyển đổi những diện đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày; từ một số vùng, diện tích chăn nuôi, trồng trọt chuyên canh hiện đã mang lại giá trị thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha.  Ông Trần Văn Quảng, chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết:

PV: Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio ( NQ hiệu quả và định hướng…)

Với quan điểm phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế của huyện, Gio Linh đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8,03%/năm, trong đó nông, lâm, thủy sản trên 6,7%. Theo đó, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện nói chung và người dân vùng Tây Gio Linh nói riêng tập trung  chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, gắn với chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh/.

Nhạc cắt

Triệu Ái Tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kiểu mẫu ở vùng gò đồi

Thưa QV&CB! Cách đây hàng chục năm về trước, khi chưa tìm được loại cây trồng chủ lực phù hợp thì người dân vùng gò đồi xã Triệu Ái tập trung trồng cây sắn. Ngay sau khi có chủ trương, nghị quyết của Huyện ủy Triệu Phong về phát triển kinh tế vùng gò đồi, cộng với tinh thần không cam chịu đói nghèo của người dân Triệu Ái đã góp phần từng bước hình thành mô hình kinh tế hiệu quả cao với các cây trồng chủ lực như tiêu, chè và thanh long.  

Cách đây khoảng 10 năm về trước, trên khu vườn rộng khoảng 01 ha của gia đình ông Hoàng Tôn ở thôn Ái Tử, xã Triệu Ái quy hoạch trồng sắn. Thực tế, năng suất và giá trị mà cây sắn mang lại cho gia đình không cao. Sau một lần trồng thử nghiệm giống chè Mỹ Chánh và ông đã bén duyên với giống chè nổi tiếng này. Với niềm đam mê làm vườn sẵn có, ông Tôn từng bước thuần hóa giống chè này trên chân đất gò đồi Triệu Ái và thực sự ông đã thành công. Ngay sau cây chè, ông Tôn tiếp tục thử nghiệm với giống tiêu Vĩnh Linh và cũng đã thành công bước đầu. Sau hơn 10 năm cần mẫn, kiên trì, đến hôm nay 300 góc chè đã cho thu hoạch năm thứ 8; 200 góc tiêu cho thu hoạch năm thứ 4. Mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, mang lại cho gia đình nguồn thu gần 150 triệu đồng. Ông Hoàng Tôn, thôn Ái Tử xã Triệu Ái huyện Triệu Phong chia sẻ thêm:   

Ông Hoàng Tôn, thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Trích tiếng)   

(Trồng cây tiêu vào tháng 8 âm lịch hàng năm sẽ vô phân, tháng 9 âm lịch tiêu ra hoa, ra trái. Cây tiêu mang đến hiệu quả kinh tế cao. Gia đình có nguyện vọng trồng thêm một số nữa.)   

Được biết, phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển các loại cây trồng phù hợp, cho giá trị kinh tế cao đã được bà con nông dân xã Triệu Ái thực hiện nhiều năm nay. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được trên 30 mô hình kinh tế đa cây, mỗi mô hình có diện tích trung bình từ 0,3 đến 0,5 ha, với mức thu nhập dao động từ 130-150 triệu đồng mỗi mô hình. Mới đây, xã Triệu Ái đã có kế hoạch cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình kiểu mẫu kèm theo chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con mở rộng phát triển mô hình. Hiện xã Triệu Ái đã xây dựng được hơn 30 mô hình, tập trung vào các cây trồng chủ lực như cây tiêu, chè, thanh long. Thu hập bình quân mỗi mô hình từ 130-150 triệu đồng. Chúng tôi có chính sách hỗ trợ cho bà con cải tạo vườn tạp, có cơ sở mở mang diện tích…

Bám sát nghị quyết của Huyện ủy Triệu Phong, xã Triệu Ái đã và đang có những hướng đi phù hợp nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi. Từ đó, hình thành nét đặc trưng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng thời, tạo đà thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu Ái./.   

Chào cuối:

Quý vị và bà con thân mến! Có thể nói, diện tích vùng đất đỏ bazan, vùng gò đồi Quảng Trị không lớn nhưng đây là vùng tiềm năng để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, các địa phương đã tập trung đầu tư khai thác đúng thế mạnh của cây trồng nên cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Những vườn cam cho quả ngọt trên các vùng gò đồi ở Hải Lăng, Những trang trại tổng hợp ở Triệu Phong, Gio Linh, những vườn cao su mang lại hiệu quả cao trải dài ở các địa phương cho thấy hướng đi đúng đắn và những nỗ lực của cán bộ và nhân dân để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Hy vọng rằng thời gian tới sẽ có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở các vùng gò đồi của Quảng Trị.

Chương trình cùng nông dân bàn cách làm giàu cũng xin được khép lại tại đây, cảm ơn QV & bà con đã quan tâm lắng nghe. Chương trình do... thực hiện, xin chào và hẹn gặp lại vào thứ 5 tuần sau.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 23/04/2019 15:05 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà