Cùng nông dân làm giàu
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
Kính chào bà con và các bạn! Rất vui khi được đồng hành cùng bà con và các bạn trong chuyên mục cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này. Chương trình hôm nay sau phần thông tin nông nghiệp chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con một số mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng tự nhiên vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Phần cuối chương trình mời bà con và các bạn tìm hiểu về hiệu quả của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.
Nhạc cắt
Thông tin nông nghiệp ( Thay nhau đọc tin )
1. TRIỂN KHAI TIÊM PHÒNG VỤ THU CHO ĐÀN GIA SÚC GIA CẦM 
Với mục đích quản lý tốt đàn gia súc, gia cầm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong thời gian này tất cả các địa bàn trên toàn tỉnh Quảng Trị đang triển khai tiêm phòng vụ Thu cho đàn gia súc và gia cầm. 
Nhằm tạo miễn dịch chủ động đối với dịch bệnh, đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm, cán bộ chính quyền các cấp và các ngành có liên quan về công tác phòng bệnh cho vật nuôi theo quy định của Luật Thú y. Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh các Trạm chăm nuôi thú y các huyện sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị để có kế hoạch triển khai phù hợp với địa phương. Theo đó, các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng bao gồm: Tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng và bệnh Tụ huyết trùng cho trâu, bò. Tiêm phòng bệnh Dịch tả lợn, bệnh Tụ huyết trùng, tai xanh ở lợn; vắc xin dại chó….. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra và quản lý giám sát dịch bệnh, gia súc, gia cầm tới thôn, xóm, hộ. 
Được biết hiện nay nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm không chỉ xảy ra trên gia súc, gia cầm mà còn lây sang người, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tiêm phòng triệt để cho đàn vật nuôi. Chính quyền địa phương cần  tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh và ý nghĩa của việc tiêm phòng để người dân chủ động thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm nhằm phát triên chăn nuôi hiệu quả, bền vững và góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
2. CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG CẠN THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ảnh hưởng của của biến đổi khí hậu, đặc biệt tình trạng thiếu nước tưới đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, tác động không nhỏ đến sự phát triển của cây trồng. Vì vậy, việc chuyển những diện tích đất không chủ động nước tưới sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế, có thể nói là giải pháp hợp lý tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả. 
Thực hiện việc chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, vụ Hè Thu và Thu Đông 2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với diện tích chuyển đổi hơn 600 ha đất lúa thiếu nước sang các hình thức sản xuất và cây trồng khác. Theo đó, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhiều địa phương đã tích cực chỉ đạo các hợp tác xã, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Nhiều nông dân đã chủ động mở rộng diện tích trồng cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước trong vụ Hè Thu, với hình thức sản xuất một vụ lúa - một vụ đậu, lạc, ngô. Việc chuyển đổi cây trồng này không những mang lại hiệu quả cao về kinh tế mà còn đạt nhiều hiệu quả xã hội như tiết kiệm nước tưới từ 75 đến 80% so trồng lúa, chống hoang hóa đất nông nghiệp do bỏ vụ, tăng độ phì cho đất, hạn chế dịch hại, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 
Thực tế những năm qua, sản xuất ở địa phương khi hạn hán diễn ra nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nguồn nước tưới dẫn đến tình trạng mất mùa, nông dân vừa mất công chăm bón, vừa mất chi phí đầu tư. Trong khi đó, nếu thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp người dân chủ động và an toàn trong sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn trong điều kiện thiếu nước tưới. Để ứng phó với hạn hán, việc lựa chọn giống cây trồng cạn phù hợp để chuyển đổi là rất cần thiết, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả. Ngoài việc tăng hiệu quả kinh tế, các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn còn có thu nhập ổn định hơn, kể cả trong điều kiện khô hạn kéo dài. Trong những năm đến các mô hinhg này cần được khuyến khích, nhân rộng, nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Nhạc cắt
Mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên 
Trải qua hơn 50 năm, với cuộc cách mạng nông nghiệp, bằng cách ứng dụng kỹ thuật trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nền nông nghiệp đã làm đạt được những kết quả vượt bậc, bằng chứng là bất chấp những khắc nghiệt của thời tiết, con người vẫn đạt được năng suất sản lượng nông nghiệp rất cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc canh tác không theo đúng quy trình kỹ thuật, quá chú trọng về mặt số lượng mà quên đi chất lượng. Việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV đã dẫn đến sự tàn phá môi trường, gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và đặc biệt gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, tổ chức tầm nhìn thế giới tại Triệu Phong đã hỗ trợ cho bà con nông dân xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên, đây là mô hình đầu tiên được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ở nước ta, ngày càng bộc lộ những tồn tại của nền sản xuất nông nghiệp kém bền vững, đất đai ngày càng suy thoái, môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trong những tồn tại đó là việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không hợp lý làm sản phẩm đầu ra không đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch. Xuất phát từ những hạn chế đó, xu hướng canh tác nông nghiệp tự nhiên đang ngày càng được quan tâm.
Canh tác nông nghiệp tự nhiên do Tiến sỹ người Hàn Quốc Cho Han Kyu phát kiến từ 1967. Triết lý của canh tác tự nhiên là tôn trọng tự nhiên ,dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất trồng, nguồn nước làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp.
Tại Quảng Trị, Nhằm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp, tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện Triệu Phong đã hỗ trợ cho bà con nông dân xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên, đây là mô hình đầu tiên được triên khai thí điểm trên địa bản tỉnh .
Ông Đào Văn Đức- Trưởng dự án Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong cho biết:
Băng ghi âm
Trong thời gian vừa qua được sự tài trợ của Chương trình “02 cây, 02 con” cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác các mô hình nông nghiệp từ Trạm khuyến nông huyện Triệu Phong, gia đình chị Hoàng Thị Gái ở thôn An Trú xã Triệu Tài huyện Triệu Phong đã tiến hành thử nghiệm các mô hình canh tác tự nhiên trồng rau và chăn nuôi gà, lợn theo phương pháp tự nhiên, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh được người nông dân tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, tỏi… Mặc dù không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng vườn rau của chị phát triển xanh tốt, rất ít sâu hại. 
Chị Hoàng Thị Gái – thôn An Trú, xã Triệu Tài, Triệu Phong chia sẻ:
Băng ghi âm

Hiện nay trên địa bàn huyện Triệu Phong có 70 hộ tham gia mô hình canh tác tự nhiên do tổ chức tầm nhìn thế giới hỗ trợ. Nguyên tắc của việc canh tác này là dùng các dưỡng chất truyền thống của các hạt, vi sinh vật bản địa (gọi tắt là IMO), để cho cây trồng phát triển tự nhiên, dựa theo đặc điểm và tính chất khí hậu của vùng và những gì con người can thiệp vào hệ sinh thái chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt sản lượng tốt nhất. Mặc dù phương thức canh tác này đòi hỏi người dân bên cạnh việc tuân thủ chính xác các yêu cầu về kỹ thuật thì cần có sự sự tỉ mỉ, kiên trì tuy nhiên qua gần 1 năm triển khai người nông dân đã tiếp thu và ứng dụng tốt các kỹ thuật khoa học và đã làm được điều đó. 
Chị Nguyễn Thị Hà – thôn Đồng Bào, Triệu Sơn, Triệu Phong nói:
Băng ghi âm

Chị Nguyễn Thị Lộc – Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Triệu Phong chia sẻ thêm:
Băng ghi âm

Với sự hỗ trợ rất thiết thực từ chương trình của tổ chức Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong, bà con nông dân ở Triệu Phong đã bước đầu hình thành nên mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên với rất nhiều ưu điểm so với phương pháp canh tác nông nghiệp hiện nay.  Từ thực tế sản xuất,  có thể nhận thấy những lợi ích canh tác tự nhiên mang lại là rất lớn, giảm chi phí đầu vào nguyên liệu, tận dụng nâng cao hiệu quả sử dụng các chất thải nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, tạo ra các sản phẩm sạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Chẳng hạn như, theo kết quả tính toán đối với việc trồng lúa chi phí giảm 50-70 %, sản lượng tăng 40% trên 7000 m2 ruộng lúa, tăng thu nhập sản xuất từ lên đến 90 %. Tuy nhiên, việc canh tác tự nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: canh tác rất tốn nhân công và thất thoát trong quá trình bảo quản và xử lý giống..
Ông Đào Văn Đức- Trưởng dự án Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong cho biết thêm về những định hướng trong thời gian tới:
Băng ghi âm

Có thể khẳng định, trước nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường hiện nay, việc phát triển các mô hình canh tác nông nghiệp sạch  nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng là việc hết sức cần thiết và quan trọng.  Canh tác nông nghiệp tự nhiên không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp hạn chế ô nhiễm về dư lượng thuốc BVTV ra môi trường, đồng thời với phương thức canh tác này có thể giữ đến 40% lượng CO2 trong đất đồng nghĩa với giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đây là một yếu tố quan trọng đối với giảm thiểu những tác động từ hoạt động sản xuất nông nghiệp lên môi trường góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường và là giải pháp thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu giai đoạn hiện nay. Hi vọng rằng trong thời gian tới, mô hình canh tác tự nhiên sẽ được nhân rộng và phát triển trên địa bàn tỉnh.
Nhạc cắt
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT LÚA THEO HƯỚNG HỮU CƠ
Thưa QV & CB! Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm tạo ra những sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người, góp phần cải tạo đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái. Vụ Hè Thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Đến nay mô hình đã cho những kết quả rất khả quan, vừa qua Trung tâm đã tiến hành hội nghị đầu bờ để đánh giá mô hình.
Mô hình được triển khai trên diện tích 10 ha tại HTX Thủy Ba Tây, sử dụng giống lúa HN6. Tham gia mô hình gồm có 60 hộ. Ruộng mô hình áp dụng là ruộng ở mức độ trung bình, ruộng chuyên sản xuất 2 vụ lúa. Mô hình triển khai đã áp dụng theo quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng công cụ sạ hàng; sử dụng phân bón hữu cơ Quế lâm và 100% hộ tham gia mô hình sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma. Mô hình không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học; chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa. Ông Lê Văn An, Thôn Thủy Ba Tây xã Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh chia sẻ:
Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng Quế Lâm, kết hợp với phân chuồng và vôi, nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng, … cùng sinh sống trên ruộng lúa. Sử dụng phân ủ hữu cơ tận dụng được nguồn phân chuồng, phân xanh hạn chế được rác thải hữu cơ, nạn ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Qua qua trình triển khai cho thấy, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, cứng cây không bị đỗ ngã khi gặp mưa giông. Lượng phân bón cho các đợt bón thúc giảm lại nên chi phí đầu vào thấp hơn. Năng suất cuối vụ của mô hình 51 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Ông Nguyễn Văn Lâm,  GĐ HTX Thủy Ba Tây - Vĩnh Thủy – Vĩnh Linh – Quảng Trị cho biết:
Băng ghi âm
Mô hình triển khai đã có tác động lớn trên cả 3 mặt sản xuất, kinh tế và xã hội. Ngoài tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, việc triền khai mô hình đã nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững, đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Thành công của mô hình là căn cứ để các địa phương khác học tập, áp dụng.

Chào cuối

 
File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 19/08/2019 09:31 Lê Vĩnh Nhiên 20/08/2019 07:03
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà