Cùng nông dân bàn cách làm giàu 29-8
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu 29-8

MC1: Kính chào bà con và các bạn! Rất vui khi lại được đồng hành cùng bà con và các bạn trong chuyên mục cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này.

Bà con và các bạn thân mến! Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối năm 2019, khu vực Bắc Trung Bộ tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

MC2: Để giành thắng lợi trong sản xuất vụ mùa, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với những bất thuận do thời tiết gây ra. Trong chương trình hôm nay sau phần thông tin NN chúng tôi sẽ cung cấp đến bà con một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu đầu mùa mưa. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.

THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP ( PTV Thay nhau đọc tin)

Tin 1

Vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đến thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, được Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị liên kết với bà con nông dân sản xuất theo quy trình phân bón hữu cơ Ong Biển.

 Theo đại diện công ty và Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ Thực vật tỉnh Quảng Trị, vụ hè thu 2019, Công ty đã kí hợp đồng liên kết sản xuất lúa hữu cơ với bà con nông dân HTX Phước Thị. Theo đó, công ty hỗ trợ toàn bộ phân bón Ong Biển và giống lúa với tổng trị giá gần 26 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch, công ty thu mua tại ruộng và trả tiền ngay cho bà con nông dân với giá 6 nghìn đồng/kg lúa tươi, cao hơn giá thị trường 20%. Vụ này, công ty liên kết với bà con nông dân Quảng Trị sản xuất 106 ha lúa hữu cơ, có năng suất trung bình từ 6 tấn/ha, riêng diện tích lúa hữu cơ ở HTX Phước Thị được 23 ha. Sau hai năm liên kết sản xuất lúa hữu cơ theo công nghệ phân bón Ong Biển, tổng diện tích lúa hữu cơ được triển khai thực hiện tại Quảng Trị gần 600 ha, được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là diện tích lúa để sản xuất gạo hữu cơ của công ty. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, đơn vị phát triển nông sản hữu cơ, nhất là lúa gạo, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sản xuất nông sản hữu cơ không chỉ góp phần cải tạo đất, tăng độ mùn, độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đồng ruộng, còn bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã làm được công việc có ý nghĩa, hỗ trợ không hoàn lại phân bón, giống và thu mua toàn bộ sản phẩm giá cao nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất bền vững.

          Tin 2:

 HỘI NGHỊ ĐẦU BỜ MÔ HÌNH SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO THEO HƯỚNG HÀNG HÓA

Vụ Hè Thu 2019, thông qua thỏa thuận trách nhiệm giữa BQLDA cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tổ chức và thực hiện chỉ đạo mô hình “ Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” tại xã Triệu Đông.

Mô hình được triển khai ở 2 Hợp tác xã Bích La và Nại Cửu, trên diện tích 60 ha, sử dụng giống lúa NA2 và HN6 với 367 hộ dân tham gia. Với việc sử dụng công cụ sạ hàng đã tiết kiệm 30kg giống/ha, sử dụng chế phẩm Tricotrec phân hủy gốc rạ, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cải tạo đất và sử dụng phân đơn để bón, việc bón phân đạm hạt vàng nhả chậm, giúp cây lúa hấp thu dinh dưỡng tốt, tránh mất phân do bay hơi và rửa trôi

Trong điều kiện vụ hè thu nắng hạn kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn lúa trổ bông, nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn thụ tinh, nhưng do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt bón phân hợp lý, nên ruộng ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Thông qua hội nghị đầu bờ bà con nông dân đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình mô hình, năng xuất ruộng mô hình đạt 58- 60 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 200-300kg. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường xã hội. Nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Từ kết quả của mô hình tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,  nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.  Mặt khác, thành công của mô hình sẽ giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời, điểm mô hình sẽ tiếp tục được quảng bá, nhân rộng để các địa phương khác học tập, áp dụng.

Tin 3:

 GIO LINH TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI, GIA TRẠI

Những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân Quảng Trị. Không chỉ mang lại giá trị thu nhập về kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động dôi dư. Cùng với đó huyện Gio Linh đang tập trung chỉ đạo các xã ở vùng gò đồi triển khai các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị bền vững, gắn với các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái  và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Hiện nay tại các xã vùng gò đồi huyện Gio Linh, ngoài việc phát triển cây công nghiệp cao su, tiêu, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhiều hộ gia đình đã tận dụng lợi thế tiềm năng đất đai, điều kiện tự nhiên để xây dựng các trang trại tổng hợp, phát triển chăn nuôi, theo dạng trang trại kinh tế tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài theo tiêu chí bền vững.

Cùng với các chính sách, chương trình, dự án đã hỗ trợ giống, xây dựng chuồng trại, vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi vùng. Mô hình trang trại vừa và nhỏ đã liên kết được giữa cơ sở sản xuất, các tổ nhóm của nông dân với doanh nghiệp mang lại hiệu quả khá. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, Chú trọng phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, trang trại, nâng cao số lượng và chất lượng đần gia súc, gia cầm, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi là 1 chủ trương đúng đắn và kịp thời của huyện Gio Linh trong bối cảnh cả tỉnh đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trên cơ sở nguồn tài nguyên đất đai hiện có, các xã cần tổ chức quản lý và khai thác 1 cách hiệu quả nhất, lựa chọn các loại cây trồng, con nuôi phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, đặc biệt xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ

Phòng trừ một số sâu bệnh trên cây hồ tiêu đầu mùa mưa

MC1: : Thưa bà con và các bạn! Hồ tiêu là 1 trong 6 cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Trong những năm qua cây hồ tiêu đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay tỉnh ta sắp bước vào mùa mưa,  là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây tiêu. Nhằm chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra,  Chuyên mục cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này chúng tôi xin hướng dẫn cho bà con Biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh gây hại trên cây hồ tiêu đầu mùa mưa.

MC2: Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 2.505 ha hồ tiêu. Mùa mưa năm 2018 diện tích nhiễm bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu là 183 ha, trong đó diện tích hại nặng là 2 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 10%. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng như: Đầu chóp rễ bị biến màu, có màu nâu nhạt hay màu nâu thấm nước, sau có màu nâu đen; Rễ bị thối và không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cây; Lá héo rũ nhanh, mép lá hơi co lại và trở nên vàng trước khi rụng; Sau khi lá rụng, quả bắt đầu nhăn nheo và khô đi; Mạch dẫn của cây bị bệnh thường bị thâm đen, có thể gây héo từng nhánh hoặc toàn cây.

Để phòng trừ kịp thời và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan trên diện rộng của dịch bệnh trên cây hồ tiêu trong mùa mưa, trong thời gian tới người nông dân trồng tiêu cần chú ý cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả.

Kỹ sư Phạm Thị Phương Thảo đến từ chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết 1 số cách nhận biết dịch bệnh trên cây hồ tiêu:

Băng ghi âm

 

MC1: Hiện nay, cây hồ tiêu tập trung chủ yếu ở 04 địa phương: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng trên 2.040 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện tại, hồ tiêu Quảng Trị chủ yếu sử dụng giống địa phương như tiêu Vĩnh Linh, tiêu Cùa Cam Lộ... Trong đó, giống tiêu Vĩnh Linh được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá là một trong năm giống tiêu có chất lượng hàng đầu Việt Nam, do đó, Quảng Trị cũng là nơi cung cấp giống tiêu cho một số địa phương trong cả nước. Hiệu quả từ cây hồ tiêu đã khẳng định đây là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” của người nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng như các địa phương trong cả nước, diện tích, sản lượng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị đã bị tác động rất lớn của dịch bệnh, giá cả, cây giống, phương thức canh tác... nên việc phát triển cây hồ tiêu có những khó khăn nhất định. Mặc dù Quảng Trị có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển cây hồ tiêu, nhưng cũng chính bị ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa nên cây tiêu dễ phát sinh dịch bệnh gây hại, nhất là các bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh do vi nấm, bệnh thối gốc rễ... làm thiệt hại nhiều diện tích hồ tiêu, có những năm diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh lên đến 1.000 ha, trong đó có gần 200 ha chết trên 70%... Điều đó đã gây hoang mang cho người trồng tiêu. Bước vào mùa mưa, bà con ngoài việc chú ý đến các triệu chứng bệnh thì còn nắm bắt các kỹ thuật để phòng trừ bệnh hiệu quả. Kỹ sư Phạm Thị Phương Thảo – Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết thêm:

Băng ghi âm

MC2: Với định hướng hồ tiêu là một trong 06 cây trồng chủ lực, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cơ cấu lại sản xuất cho cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, có chứng nhận, để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng tiêu. Đã chỉ đạo Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai nhân rộng một số mô hình bước đầu khá thành công như mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây hồ tiêu, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học chức năng MT1, SH1, chế phẩm Tricoderma, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như tưới tiết kiệm, hữu cơ, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ... Nhiều người trồng tiêu cũng đã áp dụng tưới nước tiết kiệm, tự động cho cây tiêu kết hợp với bón phân; một số vườn tiêu đã được thiết kế giải pháp chắn gió bão, thoát nước mưa... Hy vọng rằng với sự vào cuộc của các ngành chức năng và người nông dân trong việc chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trên cây hồ tiêu, bước vào mùa mưa năm nay cây hồ tiêu sẽ phát triển tốt, đạt năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhạc cắt

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG THÁNG 9

          MC1: Bà con và các bạn thân mến! Cùng với việc chú trọng phòng trừ dịch bệnh trong mùa mưa, bà con cũng cần chú ý đến lịch thời vụ và những việc cần làm trong tháng 9 để chăm sóc cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Sau đây là những việc cần làm trong tháng 9:

   MC1: Thứ nhất là công việc đồng áng bà con cần chú ý:

- Tập trung thu hoạch nhanh lúa Hè Thu, kết thúc thu hoạch vụ Hè Thu trước 5/9, "Thực hiện xanh nhà hơn già đồng".

- Thu hoạch sắn vùng thấp trũng.

- Tiếp tục thu hoạch đậu các loại.

- Trồng cây ăn quả, cây công nghiệp vùng đồng bằng, trung du và diện tích còn lại vùng Hướng Hóa.Triển khai gieo ngô vụ Đông trên chân ruộng cao ít bị ngập lụt.

- Trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cây công nghiệp, đặc biệt cây hồ tiêu, cao su, môn, từ, tía, ném.

MC2 Về  Chăn nuôi:

- Quản lý đàn GSGC. Tiếp tục tiêm phòng cho gia súc.

- Phòng chống bệnh cúm gia cầm H5N1, LMLM và các dịch bệnh khác trên gia súc, tai xanh ở lợn.

- Tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi chăn giữ, khu giết mổ, mua bán, chế biến gia súc, gia cầm.

MC1: Đối với nuôi trồng và khai thác Thuỷ sản bà con cần:

- Thu hoạch tôm, cá thịt để tránh lụt.

- Bắt đầu vỗ béo cá bố mẹ để cho đẻ vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 đối với loài trắm, chép; tháng 3, 4 đối với cá mè.

- Tiến hành thả tôm thẻ chân trắng trái vụ vùng bãi ngang.

- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm.

- Khai thác nghề lưới vây; lưới rê như: Thu, Ngừ, Chim, cá Hố, đằn, bùng nhùng; lồng bẫy ghẹ, ốc; lưới kéo ruốc(giã ruốc); lưới chụp mực. 

MC2: Về  Lâm nghiệp:

- Kiểm tra chất lượng vườn ươm, cây giống để xuất trồng.

- Hảm cây con trong vườn, dặm hom vô tính cây keo.

- Triển khai làm đất đào hố để trồng keo, và các loại cây khác.

- Phòng chống lụt bão cho vườn ươm và cây mới trồng.

MC1: Đối với Thuỷ lợi:

- Tổ chức thực hiện công tác PCLB, trực theo dõi tình hình lụt bão.

- Kiểm tra gia cố hồ, đập trước mùa mưa bảo.

- Tập kết dự trữ vật liệu để hộ đê, đập.

- Đối với trạm bơm sau khi kết thúc tưới vụ Hè Thu, tháo máy bơm đưa vào bảo dưởng (đối với vùng bị ngập lụt).

- Đối với các hồ đập nhỏ phải vệ sinh sạch sẽ đường, cửa tràn xả lũ.

- Xử lý những vị trí xung yếu để bảo đảm an toàn kênh mương, hồ đập trong mùa lụt bão.

- Tổ chức bàn giao công trình thủy lợi, đê điều đưa vào sử dụng.

- Theo dõi công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Chào cuối

 

 

         

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 27/08/2019 15:29 Lê Vĩnh Nhiên 12/09/2019 08:16
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà