Khám phá thế giới: Những cảnh quan kỳ vỹ của thế giới - Sông Okavango - Phần 2
Danh mục
Khám phá thế giới
NỘI DUNG

KHÁM PHÁ THẾ GIỚI: NHỮNG CẢNH QUAN KỲ VỸ CỦA THẾ GIỚI

TẬP 3: SÔNG OKAVANGO – PHẦN 2

Hành tinh của chúng ta luôn luôn thay đổi. Mỗi năm, mùa màng cũng thay đổi và sự sống cũng từ đó biến đổi theo. Nhưng ở nhiều nơi, sự thay đổi diễn ra trên một quy mô rộng lớn, đến nỗi có thể thấy từ ngoài không gian. Trong chương trình này, chúng tôi sẽ tiết lộ 3 trong số những biến đổi kỳ diệu nhất. Quần đảo Svalbard - trong vòng vài tuần tới, vùng đất băng giá này sẽ ngập tràn sự sống. Đồng cỏ Okavango ở Châu Phi - một vùng đất khô cằn sẽ biến đổi thành một kỳ quan nước kỳ diệu. Và những khu rừng bí ẩn ở New England – lại như bùng nổ trước sự rực rỡ của sắc màu. Các sinh vật luôn tìm ra những cách đáng kinh ngạc nhất để có thể tồn tại….ngay ở những vùng đất thay đổi nhanh nhất trên hành tinh.

 

NHỮNG CẢNH QUAN KỲ VỸ CỦA THẾ GIỚI

 

Lòng chảo Kalahari - 2.5 triệu km² toàn cát và bụi cây. Sa mạc này trải rộng qua phía Nam của Châu Phi. Nhưng ngay trung tâm của nó có một con sông. Con sông này không bao giờ đổ ra biển. Mà mỗi năm lại gây lũ lụt một lần. Trong vòng 5 tháng, nước sẽ tràn lên một khu vực rộng lớn của Kalahari, biến nơi đây thành một xứ sở kỳ diệu. Châu thổ sông Okavango. Đây là câu chuyện về việc tự nhiên làm thế nào mà có thể biến đổi một vùng sa mạc rộng lớn trên thế giới trở thành vùng đất đa dạng vô cùng đặc biệt.

 

TẬP 3: SÔNG OKAVANGO – PHẦN 2

 

Tháng Năm - Tháng thứ hai của mùa lũ

 

Những bãi cát trông trơ trụi, nhưng nước chạm đến đâu thì điều kỳ diệu sẽ diễn ra đến đó. Chỉ trong vòng vài ngày, hàng tỉ sinh vật phù du nước ngọt bắt đầu tỉnh giấc và nở ra. Những sinh vật bé nhỏ này là các thành phần bí mật của cả vùng châu thổ. Là nền tảng cho cả chuỗi thức ăn ở khu vực này. Trong khi đó, tại những nơi có mực nước sâu hơn, một ngọn núi toàn bọt xuất hiện. Số lượng bọt đó là sản phẩm của đôi cá măng Châu Phi. Nổi tiếng là hung dữ, nhưng là cặp bố mẹ chăm sóc con rất cẩn thận. Ẩn mình an toàn bên dưới lớp bọt, hằng trăm quả trứng đang bắt đầu nở ra. Cá con vẫn tiếp tục bám vào lớp bọt đó cho đến khi đủ lớn. Và thời điểm này, vùng châu thổ cung cấp cho chúng rất nhiều thức ăn. Những con cá măng bé nhỏ này cùng với hơn 70 loài khác bơi ở các vũng nước nông, nơi được ví như là một bát súp đầy dinh dưỡng chứa nhiều phù du. Trong phút chốc, bầu trời đặc kín những bầy chim. Đây là một trong những màn biểu diễn tuyệt đẹp nhất của thiên nhiên Châu Phi. Chúng là những kẻ di cư đến đây. Và tại sao chúng lại quyết định dừng chân ở đây?? Bởi nơi nào có nước, thì nơi ấy sẽ có nhiều cá. Mỗi loài chim đều có một cách riêng để bắt cá. Một con Hạc Mỏ Yên Ngựa thọc mạnh vào con mồi. Còn loài Cò thìa Châu Phi có thiết bị hoàn hảo để lọc lấy những mẫu thức ăn nhỏ nhất. Loài diệc đen dùng đôi cánh để tạo thành mái vòm che trên mặt nước. Nó dùng bóng râm đó để dụ bầy cá chạy đến trú ẩn. Những loài chim khác lại tấn công trực tiếp từ trên cao. Một con chim bói cá. Dài 25cm, nó là loài chim bay lượn tìm mồi lớn nhất thế giới. Bay lơ lửng trên không mất rất nhiều năng lượng, nên chúng cần bắt được số cá nặng bằng ¼ trọng lượng cơ thể mình mỗi ngày. Giữ yên đầu như vậy và bay cách mặt nước khoảng 10m, nó quan sát mọi chuyển động bên dưới. Rồi bắt đầu lao nhanh xuống. Nếu bị cá phát hiện, chim bói cá cũng có thể dừng cuộc tấn công lại để giữ sức. Nếu không, nó vẫn tấn công và lao thật nhanh xuống. Rất đáng giá cho nỗ lực đó. Việc bay lượn giúp chúng đi săn giữa những đồng cỏ - nơi có nhiều thức ăn – trở nên dễ dàng hơn. Con chim giết mồi bằng cách đập vào đầu nạn nhân. Nhưng trước khi ăn, nó phải chỉnh cho con cá hướng đầu về trước, nếu không sẽ bị các vây đâm vào cổ họng.

 

Tháng sáu – Đã ba tháng từ khi mùa lũ đến. Độ mở rộng của lũ: 50%

 

Trong một vài tháng, một dạng sống khác cũng quan trọng với vùng châu thổ sẽ trồi lên mặt nước. Hằng chục loài cỏ thủy sinh, cói và bông súng. Vào lúc bình minh, hoa súng bắt đầu nở để thu hút ong và ruồi đến thụ phấn. Và khi chiều xuống, các hoa súng nở ngày khép lại, và đến hoa súng ban đêm. Những bông hoa súng nở về đêm mở những cánh hoa tuyệt đẹp của nó….. vừa đủ sáng để dụ lũ côn trùng dưới ánh trăng. Những bông hoa súng nước nở rộ giữa sa mạc Kalahari. Đó có lẽ là phép màu tuyệt vời nhất của vùng châu thổ. Và điều đó nhờ vào sự kiện này. Thiên nhiên đã tìm ra một cách độc đáo để giữ nước ở vùng châu thổ trong lành và chứa ít các muối độc. Bí mật của nó nằm ngay dưới những hòn đảo này. Những ngọn cây trên đảo đóng vai trò như một cái bơm, hút nước từ đầm lây xung quanh. Và khi làm như vậy, lượng muối có trong nước sẽ bị giữ lại trong đất cát trên đảo. Bằng cách tách muối ra khỏi nước, người ta quan niệm những hòn đảo này như là những quả thận, loại bỏ chất thải từ trong máu. Chính bằng cách này, các hòn đảo đã giữ nước của vùng châu thổ luôn trong lành và có khả năng nuôi dưỡng nhiều sự sống.

 

Khi mặt trời chiếu xuống vùng đất, hơi nước bốc lên khắp mọi nơi, cho ta thấy rằng nước đã bao phủ cả đồng cỏ này. Đó là sự chuyển mình, làm thay đổi cục diện giữa loài đi săn và con mồi. Bầy linh dương đỏ xuất hiện với số lượng lớn, đang tìm kiếm món ăn yêu thích…..đó là những cỏ thủy sinh thân mềm. Nhưng một con linh cẩu đang hy vọng hưởng lợi từ sự chủ quan của lũ linh dương. Nó chỉ cần tiến đến gần hơn một chút nữa. Đã đến lúc phải chạy rồi. Linh dương có những bộ móng guốc lớn, chó phép chúng có thể bật nhảy thật nhanh qua các vùng nước nông, đó là lợi thế lớn hơn so với bất kỳ kẻ đi săn nào. Sự thích nghi đó giúp bảo vệ linh dương trong thời gian có lũ.

 

Trong một thời gian ngắn, các loại cỏ thủy sinh mọc khắp mọi nơi và để băng qua nước sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng quanh những đồng cỏ ngập nước, là các con đường đi qua đám lau sậy. Và đây là kẻ đã tạo ra những con đường đó – loài hà mã. Là loài ăn cỏ, nên hà mã vẫn thường ủi những đường đi trên đồng cỏ. Khi làm vậy, nó vô tình tạo ra một con kênh. Và không chỉ có hà mã mới tìm đường đi bằng lối đó. Ở phía bắc của châu thổ, Sinabe chèo xuống đi qua những đám cây rậm rạp. Để đi được, anh phải nhờ đến sự giúp đỡ từ linh hồn của dòng sông.

 

“Tôi nói với Người là: "Chúng con là con cháu của Người. Hãy mở đường cho chúng con. Thế rồi những bụi cây biến mất và dần dần con đường mở ra. Rồi có một giọng nói cất lên: "Con có thể đi được rồi".”

 

Sâu trong đám lau sậy, anh phát hiện ra một kênh nước do hà mã tạo ra. Đó là một con đường để đánh cá, một chỗ rất thích hợp để giăng lưới. Làng của Sinabe nằm bên bờ của đồng cỏ ngập nước. Gia đình anh biết rằng, miễn là vùng châu thủ còn ngập nước, họ sẽ chẳng bao giờ thiếu thức ăn. Anh hun khói con cá để bảo quản được lâu, dành cho những ngày không bắt được cá. Trong lúc đó, cả gia đình anh ngồi đan những chiếc giỏ bằng cói lấy từ cánh đồng ngập nước. Vào cuối năm, họ sẽ dùng chúng để bắt cá.

 

Tháng Bảy – Nước lũ về được 4 tháng. Độ bao phủ của lũ: 80%

 

Đến tháng 7, vùng trung tâm châu thổ, vùng thảo nguyên từng một thời khô hạn giờ đây đã trở thành một thế giới nước xanh tươi. Nhưng sự thay đổi này có ảnh hưởng kỳ lạ đối với khỉ đầu chó. Mỗi con có một điệu bộ đi rất ngộ ngĩnh. Tất cả đều như vậy, ngoại trừ con non trên bụng mẹ đang ướt sủng. Có vẻ như bầy khỉ đầu chó không thích ở dưới nước cho lắm. Hoặc là chúng đang lo sợ thứ gì dưới đó. Cá sấu có mặt khắp nơi. Đối với cả đàn khỉ, vùng châu thổ ngập nước này không hề có luật lệ, nhưng mối nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn cá sấu, đã xuất hiện. Đó là những con khỉ đầu chó đực sống đơn độc. Do lãnh thổ trên đất liền bị thu hẹp đã khiến những con đực sống đơn độc này đụng độ với các đàn khỉ. Chúng phải chiến đấu để giành lấy vị trí đầu đàn. Nếu kẻ lạ mới đến chiến thắng, nó có thể sẽ giết bầy khỉ con và giao phối với các con cái. Con đực đầu đàn phải luôn cảnh giác trước bất kỳ mọi đối thủ. Để sống sót, điều quan trọng là nó phải thể hiện quyền lực của mình. Những kẻ xâm lược buộc phải đuổi đi.

 

Khi cả vùng châu thổ ngập nước, sự căng thẳng ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi. Ngay cả bầy hà mã cũng vậy, khi mà các lãnh thổ dưới nước của chúng được mở rộng một cách đáng kể. Giờ đây, xuất hiện một đối thủ trẻ tuổi. Một con hà mã đực sống ở đây khịt mũi để cảnh báo. Các đấu thủ tuyên bố chủ quyền trên hồ nước bằng cách dùng đuôi rải phân khắp nơi. Chúng ngáp để khoe vũ khí – là đôi răng nanh to lớn. Đầu tiên, một cuộc kiểm tra sức mạnh. Con đực già hơn tạm thời rút lui. Những con hà mã cái đang háo hức chờ đợi kết quả. Chúng sẽ chỉ giao phối với con đực nào chiến thắng trong cuộc đấu. Con đực chủ nhà bắt đầu phản công quyết liệt. Hà mã thường đánh nhau nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí là chiến đấu cho đến chết. Cuối cùng là một cú khóa đầu mạnh mẽ - là đòn quyết định của con đực già - đẩy lùi kẻ xâm lược khỏi lãnh địa của nó. Như vậy, con đực chủ nhà coi như đã vượt qua thử thách trở thành bố của lứa hà mã con năm sau. Con hà mã đực trẻ đã bị thương khi rút lui, nó đã bị đối thủ tấn công vào một bên sườn. Nhưng ít ra nó cũng đã được những con chim Oxpecker chăm sóc vết thương. Chúng sẽ ăn tất cả những gì có thể gây nhiễm trùng. Đau nhưng cũng đáng giá, nó phải sống sót để chuẩn bị cho một cuộc chiến khác.

 

Tháng Tám – Đã 5 tháng từ khi nước lũ đến. Phạm vi nước lũ bao phủ: 100%

 

Vào tháng tám, nước lũ cuối cùng cũng chảy đến vết nứt ở phía nam châu thổ, với mực độ tối đa. Okavango giờ là vùng châu thổ lớn nhất thế giới. Cả vùng châu thổ được kết nối bằng những kênh nước. Các vùng đồng cỏ ngập nước, hồ nước và những con kênh sâu hơn được dòng Okavango bồi đắp. Hằng tỉ con cá bơi đến vùng nước này, giờ đang lớn rất nhanh. Vợ cùng con cái của Sinabe đã sẵn sàng để bắt chúng bằng những chiêc giỏ đan được. Cá chó sẽ biến thành một bữa ăn ngon lành.

 

Tại dòng sông mẹ, điều gì đó kỳ lạ thỉnh thoảng diễn ra. Mặt nước như đang sôi lên. Đó là cá trê, đang nổi lên nước để hít thở. Và chúng tập trung ở đây thành đàn lên đến hàng triệu con. Trước khi nước lũ rút đi, chúng trở lại vùng đất đi săn của mình, là các vùng khó bị săn bắt của chúng ở châu thổ, ẩn mình dưới các con kênh sâu. Dưới đám cây cói, chúng đi săn những con cá nhỏ hơn. Các đàn diệc bạch cũng tham gia bữa yến tiệc. Không có kẻ nào an toàn trong sự hỗn loạn này. Bầy đại bàng ăn cá Châu Phi lao xuống nước và bắt những con cá trê. Hàng triệu con cá được vỗ béo ở các đồng cỏ ngập nước đã mang lại sự sống về cho dòng sông đã cung cấp nước cho chúng. Bằng hết khả năng của mình, trận lũ đã tạo ra những ốc đảo rộng lớn trên sa mạc - một xứ sở thần tiên. Đó là vùng nước trong như pha lê rộng 10,000km², thu hút mọi loài động vật từ khắp nơi trên sa mạc Kalahari khô cằn. Nhưng dòng nước này sẽ không bao giờ đổ ra biển, trong thời gian tới, chúng sẽ bốc hơi hay đơn giản là thấm vào lớp cát của sa mạc Kalahari, khi vùng châu thổ Okavango từ từ trở lại với hình ảnh của một thảo nguyên cằn cổi như trước.  

File đính kèm: khung-canh-ky-vi-tren-the-gioi-3-p2.docx
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thiện Quốc Huy 13/05/2019 16:12 Nguyễn Thiện Quốc Huy 13/05/2019 16:12
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà