Sức khỏe và đời sống 18 8 2019 – Xuất huyết tiêu hóa và những điều cần biết
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : ính chào quý vị và các bạn! Thúy Hằng và Như Quỳnh rất vui khi gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục sức khỏe và đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chuyên mục được phát trên tần số 92,5Mhz, quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn Thúy Hằng này, có bao giờ bạn nghe về việc ai đó bị xuất huyết tiêu hóa chưa, riêng tôi thấy hiện tượng này ngày nay đang khá phổ biến mà tôi nghĩ nếu không kịp thời phát hiện thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tính mạng nữa. Vâng, đúng rồi chị Như Quỳnh ạ, xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm do rất nhiều nguyên nhân. Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Đó là hiện tượng máu nuôi dưỡng tại ống tiêu hóa chảy ra khỏi mạch, đi ra ngoài hoặc vào trong lòng mạch. Từ đó sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình, đối với đường tiêu hóa trên bệnh nhân thường có biểu hiện nôn ra máu, với đường tiêu hóa dưới bệnh khó nhận biết hơn với các biểu hiện âm thầm mà bệnh nhân ít để ý tới, song biểu hiện đặc trưng nhất là đi ngoài phân đen. Điều này rất khó nhận biết, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Phần cuối chương trình, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn 1 số thông tin cần biết về bệnh loãng xương, nguyên nhân và biểu hiện. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

Sức khỏe và đời sống 18 8 2019 – Xuất huyết tiêu hóa và những điều cần biết

Kính chào quý vị và các bạn!

 Thúy Hằng và Như Quỳnh rất vui khi gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục sức khỏe và đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chuyên mục được phát trên tần số 92,5Mhz, quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn

Thúy Hằng này, có bao giờ bạn nghe về việc ai đó bị xuất huyết tiêu hóa chưa, riêng tôi thấy hiện tượng này ngày nay đang khá phổ biến mà tôi nghĩ nếu không kịp thời phát hiện thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tính mạng nữa.

Vâng, đúng rồi chị Như Quỳnh ạ, xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm do rất nhiều nguyên nhân. Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Đó là hiện tượng máu nuôi dưỡng tại ống tiêu hóa chảy ra khỏi mạch, đi ra ngoài hoặc vào trong lòng mạch. Từ đó sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình, đối với đường tiêu hóa trên bệnh nhân thường có biểu hiện nôn ra máu, với đường tiêu hóa dưới bệnh khó nhận biết hơn với các biểu hiện âm thầm mà bệnh nhân ít để ý tới, song biểu hiện đặc trưng nhất là đi ngoài phân đen. Điều này rất khó nhận biết, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Phần cuối chương trình, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn 1 số thông tin cần biết về bệnh loãng xương, nguyên nhân và biểu hiện.  Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

Nhạc cắt

Bài 1 – Chia sẻ của bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa

 Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội và ngoại khoa nguy hiểm, thường gặp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê ở nước ta, cứ 100.000 người lại có từ 50 – 150 người bị xuất huyết tiêu hóa mỗi năm, tỷ lệ này đang ngày một tăng. Nhiều bệnh nhân, không hề có biểu hiện trước nhưng khi đã xuất huyết đều phải nhập viện để cấp cứu. Bài viết sau của PV Nguyên Bảo giới thiệu với quý vị và các bạn về chia sẻ của một số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa hiện đang điều trị tại bệnh viện. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Đến khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy khá nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện điều trị. Do nhiều nguyên nhân khi bị xuất huyết đường tiêu hóa, những phần lớn, các bệnh nhân đều phải nhập viện cấp cứu khi tình trạng bệnh đã nặng và gây đau bụng giữ dội. Ông Nguyễn Anh Hùng, ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ chia sẻ, ông không có hiểu hiện đau bụng, đau dạ dày trước đó. Tuy nhiên, sau khi cơ thể gây nôn đã làm cho ông phải nôn hết thức ăn, sau đó là nôn ra nước. Trong thời gian từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau ông đã nôn ra máu và bụng đau quằn quại buộc phải về viện cấp cứu. Khi về đến nơi, sau khi làm các thủ tục thăm khám, ông được bác sỹ chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa phải nằm viện điều trị. Điều đáng nói là ông Hùng không hề có biểu hiện đau dạ dày, đại tràng hay đau đường tiêu hóa trước đó. Ông Nguyễn Anh Hùng, ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ chia sẻ thêm:

Trích băng:

Còn với anh Trần Đăng Đức ở phường 5, thành phố Đông Hà cũng đã nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa. 5 ngày nằm điều trị chỉ truyền nước và không được ăn bất cứ một loại thức ăn nào, anh vẫn không hiểu tại sao mình bị xuát huyết tiêu hóa. Bác sĩ chẩn đoán anh bị xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên, trước đó, anh không hề có biểu hiện bị đau dạ dày. Chỉ khi đau bụng quằn quại, anh mới vào viện để cấp cứu. Là người rất quan tâm đến sức khỏe, anh Đức biết những biểu hiện của bệnh đau dạ dày và cách để phòng bệnh đau dạ dày, nhưng lâu nay anh vẫn không thấy mình có biểu hiện gì là đau dạ dày để dẫn tới xuất huyết tiêu hóa. Anh Trần Đăng Đức ở phường 5, thành phố Đông Hà chia sẻ thêm:

Trích băng:

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hơp bị xuất huyết tiêu hóa đang điều trị tại bệnh viện. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, mỗi nguyên nhân có cách xử trí và điều trị khác nhau. Dấu hiệu nhận biết như thế nào và cách điều trị ra sao, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn trong ít phút nữa. Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình.

Nhạc cắt

Bài 2 – Biểu hiện và cách xử trí khi bị xuất huyết tiêu hóa

Thưa quý vị và các bạn! Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu báo hiệu tình trạng tổn thương nghiêm trọng trong đường tiêu hóa. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh cần nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục dứt điểm. Đây là tình trạng máu trong ống tiêu hóa chảy từ thực quản tới hậu môn, bệnh thường thể hiện bằng 2 hình thức chủ yếu là ói ra máu và đi cầu ra máu.Theo thống kê của Bộ Y tế tỉ lệ mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa là nam 60%, nữ là 40%. Nam giới bị nhiều hơn chủ yếu là do sử dụng rượu, bia, thuốc lá và ăn uống không điều độ. Biểu hiện và cách xử lý khi bị xuất huyết tiêu hóa là như thế nào, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng nghe chia sẻ của bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Khi bị xuất huyết tiêu hóa, chủ yếu là do các nguyên nhân do viêm loét dạ dày hành tá tràng: Tình trạng viêm loét do lạm dụng thuốc chống viêm, kháng sinh hoặc uống nhiều rượu bia.  Nguyên nhân này chiếm 40% các nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa; bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ là những bệnh lý dẫn tới tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Một số trường hợp xuất huyết tiêu hóa xảy ra đột ngột do người bệnh uống phải dung dịch kiềm hoặc acid, người bệnh đang trong tình trạng căng thẳng, stress quá độ. Nguyên nhân khác do tổn thương khác ở đường tiêu hóa (u tá tràng, u dạ dày, hội chứng Mallory - Weiss), chảy máu ở ruột non (do lao, túi thừa Meckel, các loại u), chảy máu ở ruột già, ở hậu môn và từ đường mật. Một số dấu hiệu báo trước như đau dữ dội vùng thượng vị, cơn đau xuất hiện đột ngột, đặc biệt là ở người viêm loét dạ dày, tá tràng; khi thời tiết thay đổi tự nhiên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, lợm giọng, buồn nôn và nôn. Bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chia sẻ thêm:

Trích băng:

Một số triệu chứng xuất huyết tiêu hóa lâm sàng như nôn ra máu. Đây là triệu chứng thường gặp của ở người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa. Tùy theo vị trí và mức độ chảy máu mà tính chất nôn khác nhau. Màu sắc: đỏ tươi, màu hồng do lẫn dịch tiêu hoá hoặc màu nâu sẫm.Tính chất máu nôn ra có thể máu tươi ra ngoài mới đông, có thể thành cục (bằng hạt ngô, hạt lạc), có thể chỉ là các gợn đen như hạt tấm lẫn với thức ăn hoặc dịch nhầy. Hoặc đi ngoài ra máu hoặc phân đen. Khi quan sát sẽ thấy đại tiện ra máu và phân có màu đen do lẫn máu. Đại tiện ra máu do tĩnh mạch trong ống tiêu hóa bị áp lực quá mức gây giãn, vỡ và chảy máu.Bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết thêm:

Trích băng:

Một trong những triệu chứng thường gặp nữa là hoa mắt, chóng mặt, người yếu ớt, xanh xao. Nhiều trường hợp xuất huyết tiêu hóa bị mất máu quá nhiều sẽ dẫn tới ngất xỉu, tụt huyết áp, khó thở,… rất nguy hiểm. Khi thấy các dấu hiệu nghi của xuất huyết tiêu hóa, hay khi dù chưa có bằng chứng nhưng bệnh nhân thấy: đau vùng thượng vị, đau bụng khi dùng thuốc có hại cho dạ dày, xanh xao, hoa mắt, chóng mặt... cũng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.

Nhạc cắt

Bài 3 - Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.

Xương bình thường cần các khoáng chất canxi và phosphate để tạo thành. Nếu cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống, việc hình thành các mô xương và xương có thể bị ảnh hưởng. Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng năm 20 tuổi. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương. Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm: Lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động; Thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả; Có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi; Giới tính: nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới; Lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già, cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn. Bà Ngô Thị Lành, ở thành phố Đông Hà, bị loãng xương nhiều năm nay dẫn đến mắc thêm nhiều bệnh khác liên quan đến xương khớp. Bà Lành cho biết:

Trích băng:

Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.

Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành. Tình trạng mất xương (hay còn gọi là giảm mật độ xương) do bệnh loãng xương thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã. Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng. Đau nhức đầu xương: một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau nhức các đầu xương, người bệnh sẽ cảm thấy mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân. Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ. Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người. Đối với những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp,… Tiến sĩ- Bác sĩ Ngô Tiến Minh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

 

Loãng xương xảy ra khi xương mất dần canxi, khiến xương bị xốp, yếu và trở nên dòn và dễ gãy hơn. Nhiều người thường chủ quan với bệnh loãng xương do bệnh diễn tiến chậm theo thời gian, tuổi tác. Đến khi người bệnh cảm thấy đau, nhức trong xương là bệnh đã trở nặng, lúc đó người bệnh mới khám và dùng thuốc điều trị thì khó có cơ hội phục hồi do hệ xương trong cơ thể đã bị hao mòn quá nhiều. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành. Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý phổ biến, chỉ xếp sau các bệnh lý tim mạch. Hiện nay có khoảng 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương./.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 16/08/2019 10:55 Lê Vĩnh Nhiên 19/08/2019 09:24
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà