SỨC KHỎE ĐỜI SÔNG
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG

 

SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG

2-6-2021

H: Quý vị và các bạn đang đến với CM SKĐS của Đài PTTH QT. Thưa quý vị! Vào mùa hè, độ ẩm không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi,... bùng phát. Trẻ em trở thành đối tượng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu kém. Chính vì vậy, phụ huynh cần lưu ý đến các bệnh thường gặp vào mùa hè cho con trẻ để có biện pháp phòng tránh và xử trí an toàn. Chuyên mục SKĐS tuần này, mời quý vị cùng tìm hiểu về nội dung trên.

Nhac cắt

Thưa quý vị! Mùa nắng nóng đã đến, người lớn với sức đề kháng tốt còn cảm thấy khó chịu với những ngày nhiệt độ lên tới 40 độ. Chính vì thế, trẻ em  với sức đề kháng yếu là một trong những đối tượng dễ mắc nhiều bệnh nhất vào mùa hè. Sau đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè.

Tiêu chảy cấp: Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột, có thể do trẻ sơ sinh rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu dưỡng chất, bị dị ứng thức ăn, dị ứng với sữa…Trẻ đi đại tiện có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày), đau bụng, buồn nôn hay nôn,…

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch oresol, truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tiêu chảy bạn hãy mang đến ngay cơ sở y tế hoặc các bệnh viện để các bác sĩ tư vấn và chữa trị.

Cách phòng tránh: Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo vệ sinh ăn uống, thực phẩm an toàn sạch sẽ, nấu chín, bú sữa mẹ và ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng, tiêm chủng phòng sởi, vacxin phòng tiêu chảy do Rotavirus. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1

Phỏng vấn:

2. Sốt virus: Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh). Trẻ có thể phát ban hay gặp nhất là do virut Rubella sởi gây ra. Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi. Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên, cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng, nên cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

3. Bệnh tay -  chân - miệng: Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, dễ lây lan thành dịch làm nhiều người mắc. Bệnh do coxsackie virus A16 gây ra. Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày, trẻ bắt đầu bị sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn đến tử vong ở trẻ. Vì vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên cần phải cách ly trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị hợp lý.

Cách phòng tránh: Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Hãy tạo thói quen này cho trẻ làm hàng ngày, đảm bảo chế độ ăn chín, uống sôi, cho trẻ ăn khoa học, không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ. Mọi đồ dùng cần phải sạch sẽ và hợp vệ sinh, lau sạch đồ chơi, những bề mặt trẻ tiếp xúc hàng ngày để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, khi nghi ngờ có mầm bệnh hoặc nơi có mầm bệnh không cho trẻ tiếp xúc…Bác sỹ Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1

Phỏng vấn:

4. Sốt xuất huyết: Bệnh do muỗi đốt mang virut bệnh sốt xuất huyết gây ra. Dấu hiệu đầu tiên là trẻ bị sốt trong 7 ngày trở lại, không ho, không sổ mũi, không tiêu chảy, trên người nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Các nốt tròn, nhỏ như vết muỗi cắn nhưng khác ở chỗ khi căng ra những điểm này không biến mất. Trẻ có thể đau bụng ở hạ sườn phải, chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu. Nặng hơn, trẻ có thể bị truỵ tim mạch (sốc): tay chân lạnh, người lừ đừ, kêu mệt. Triệu chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm của đợt sốt. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra khi có các dấu hiệu trên.

Cách phòng tránh: thường xuyên tắm cho trẻ và vệ sinh thân thể cho trẻ, khi ngủ phải mắc, vệ sinh giường cho trẻ thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết, phun thuốc diệt muỗi theo đúng khuyến cáo,…

5. Viêm màng não:  Viêm màng não là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống và thường do vi khuẩn HI, phế cầu, mô cầu hoặc do virut, kí sinh, nấm gây ra. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi. Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, quấy khóc, nôn trớ. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm… Vì thế, nhiều bà mẹ rất dễ nhầm trẻ bị viêm họng, viêm phổi hoặc tiêu chảy… và tự điều trị, không hề nghĩ đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh nguy hiểm viêm màng não. Bệnh viêm màng não có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Vì thế, khi trẻ có bất cứ một dấu hiệu bệnh lý nào (dù chỉ là ho, sốt, chảy mũi) cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những bệnh nguy hiểm.

Cách phòng tránh: rửa tay sạch, hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh, tăng cường miễn dịch cho trẻ, tiêm phòng vắc xin: hiện đã có các vắc xin cho HIB, phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virus. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa nội 1 – Bệnh viện Nhi đồng 2

Phỏng vấn:

6. Ngộ độc thức ăn: Trong thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là trong môi trường học đường. Triệu chứng chính của ngộ độc thức ăn là tiêu chảy, đi kèm với nôn ói. Tình trạng nôn ói có thể kéo dài khoảng 1 ngày, trong khi tiêu chảy thường kéo dài lâu hơn, thậm chí là 1 tuần hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải các triệu chứng sau: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng…

Cách phòng tránh: cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Nhắc nhở trẻ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi bên ngoài.

7. Rôm sảy:  Do thời tiết nóng lực, gây nên hiện tượng nổi mụn nhọt, rôm sảy và các mẩn ngứa đỏ ở trẻ nhỏ và các trẻ sơ sinh. Trong khi trẻ không được chăm sóc tốt đặc biệt là vấn đề vệ sinh ngoài da kém như việc tắm trẻ tại nhà, rôm sảy sẽ phát triển thành mụn mủ có khi còn thành nhọt, có nguy cơ bị viêm da mãn tính, nặng hơn còn tiến triển thành viêm cầu thận cấp rất nguy hiểm.

Cách phòng tránh: Thường xuyên tắm bé tại nhà và vệ sinh cho bé, đưa trẻ vào nơi thoáng mát, lau khô mồ hôi, tắm rửa hoặc ít nhất cũng thay quần áo khác sạch sẽ hơn, cho trẻ uống nước, không bôi phấn rôm trên da trẻ vì phấn rôm sẽ làm bít tắt đường thoát mồ dẫn đến ứ đọng mồ hôi tạo ra nhiều rôm hơn.

Bệnh ở trẻ thường có triệu chứng thầm lặng và tiến triển nhanh đòi hỏi phụ huynh cần phải phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của trẻ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.                                                                                    

Nhạc cắt

Thưa quý vị! Phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ là việc làm quan trọng và cần thiết vì mùa hè đến, trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh. Dưới đây là những biện pháp phòng tránh bệnh cho trẻ vào mùa hè mà các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cần chú ý và thực hiện.

1.Phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ bằng chế độ ăn uống hợp lý: Trong thực đơn ăn uống hằng ngày của trẻ, cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng như sau: Chọn thực phẩm đủ chất đạm, đường, rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế cho trẻ ăn các chất béo có nguồn gốc động vật,Đảm bảo thực đơn có đầy đủ các vitamin: A,C,E, B12, đồng, kẽm, axit folic…Cho trẻ uống đủ nước từ 1 – 1.5 lít/ngày (bao gồm cả sữa, nước lọc, nước trái cây…)

2.Chế độ sinh hoạt khoa học giúp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ: Hằng ngày chế độ sinh hoạt của trẻ phải được cha mẹ đảm bảo thực hiện khoa học đồng thời hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách để giúp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ.Cho trẻ rửa tay nhiều lần trong ngày bằng nước rửa tay, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi… vì vi khuẩn rất dễ tấn công cơ thể non yếu của trẻ.Không mớm cho trẻ ăn, bởi khi đó cha mẹ đã vô tình lây truyền bệnh cho trẻ.Mỗi trẻ phải có khăn mặt, khăn tay hay các dụng cụ ăn riêng. Đồ chơi của trẻ cần được lau sạch sẽ hằng ngày.Nhà cửa phải thông thoáng, lau dọn sạch sẽ bằng chất tẩy rửa hằng ngày. Cho trẻ nằm màn, kể cả ban ngày để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết trong mùa hè. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa nội 1 – Bệnh viện Nhi đồng 2

Phỏng vấn:

3.Chế độ vận động: Vận động tốt cho quá trình phát triển thể lực của trẻ, đồng thời cũng giúp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ. Tuy nhiên thời tiết nóng bức của mùa hè, cha mẹ cần chú ý đến những việc như sau:Không nên để trẻ chơi ngoài trời nắng nhất là vào buổi trưa và xế chiều. Không để trẻ chơi quá lâu dưới phòng điều hòa có nhiệt độ thấp. Khi chơi trẻ ra nhiều mồ hôi làm ướt áo, cần thay cho trẻ ngay để không bị nhiễm lạnh gây viêm đường hô hấp. Không cho trẻ tắm ao, hồ, sống quá lâu mà không có sự giám sát của người lớn.

4.Chế độ ngủ nghỉ hợp lý giúp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ: Nên để trẻ ngủ đủ 8 – 10 tiếng/ngày vừa tốt cho sức khỏe vừa đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh toàn diện. Vì khi ngủ là thời gian não hoạt động mạnh giúp trẻ tăng trưởng tốt hơn. Cha mẹ không nên để trẻ hoạt động quá nhiều, vì buổi tối khi ngủ trẻ dễ bị giật mình, thức giấc khi ngủ. Khi ngủ không để điều hòa ở nhiệt độ thấp quá 27 – 28 độ C, không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ, dễ khiến trẻ cảm lạnh.

5. Tiêm chủng đầy đủ: Cha mẹ cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ vào mùa hè để phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi khi hệ miễn dịch còn non yếu.Thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Trên đây là những biện pháp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ vào mùa hè mà các bậc phụ huynh cần biết để ngăn chặn những nguy cơ gây bệnh xuất hiện ở trẻ, đảm bảo trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Chúc quý vị cùng gia đình có một mùa hè an toàn và khỏe mạnh! Cm SKĐS tuần này xin tạm dừng tại đây. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 31/05/2021 15:42 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà