Quảng Trị du kí
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Trong Quảng Trị du kí tuần trước, chúng ta đã cùng nhau có những trãi nghiệm thú vị với hành trình khám phá những miền quê trên mãnh đất Quảng Trị thân thương, cùng với những trãi nghiệm về sự độc đáo của ẩm thực quê nhà. Trong chương trình hôm nay, hãy cùng chúng tôi đến với những địa điểm mới và tìm hiểu những điều thú vị nơi đây.

Thưa quý vị và các bạn! Năm 2022, dấu mốc 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022). Ngần ấy thời gian đã trôi qua, nhưng sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vẫn vang mãi bản hùng ca bất tử trong lòng chiến sỹ, đồng bào cả nước.

81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị không chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử mà nó đã trở thành bài học lớn, một bài học giá trị mà cha ông ta đã hun đúc nên từ máu xương, từ lòng quả cảm và tình yêu nước nồng nàn, để hôm nay, Thành Cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng thiêng liêng, biểu tượng Hòa bình trong lòng mọi người dân đất Việt. Hãy cùng QTDK đến với Thành cổ Quảng Trị qua bài viết của CTV Khánh Huyền các bạn nhé.

Thành Cổ Quảng Trị - Biểu tượng của Hòa bình

Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, chỉ cách quốc lộ 1A 2km về phía bắc, cách sông Thạch Hãn huyền thoại và linh thiêng 500m về phía đông. Thành có chu vi 2.080m, tường cao 4,29m, chân tường dày 12,75m. Thành có các cửa tiền, hậu, tả, hữu xây hình vòm cuốn, trên có vọng lâu. Bên ngoài thành là hào bao quanh, sâu 3,4m, rộng 34,85m. Trong thành có các công trình kiến trúc như: Hành cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, dinh lãnh binh, ty phiên, ty niết, kho thóc, nhà lính...

Trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng mô phỏng là ngôi mộ tập thể. Công trình được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn các liệt sĩ. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Trên tầng lưỡng nghi gồm hai nửa âm và dương, tượng trưng giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, giữa người sống và người chết. Ngay nửa phần âm là một cây hương cao 8,1m được ví như “Đèn thiên mệnh” để chuyển tải linh hồn các liệt sĩ về cõi vĩnh hằng.

Đài tưởng niệm có tổng cộng 81 bậc đi lên Đài, cây hương cao 8,1m, xung quanh tầng lưỡng nghi có 81 bức phù điêu là 81 tờ lịch ghi từng ngày một của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, theo chiều ngược kim đồng hồ, bắt đầu là ngày 28-6, cuối cùng là ngày 16-9-1972.

Em Linh Châu, một bạn trẻ ở thành phố Đông Hà cho biết, với các bạn bè đến với Quảng Trị, nơi mà Linh muốn dẫn các bạn đến đầu tiên là Thành Cổ Quảng Trị, nơi hơn một vạn người con ưu tú của đất nước đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nơi minh chứng rõ nhất cho tinh thần chiến đấu kiên cường để bảo vệ từng tấc đất của quê hương.

Trích tiếng

50 năm sau sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, những dấu tích của chiến tranh đã không còn hiện diện trên mảnh đất này. Nhưng những giá trị lịch sử về truyền thống cách mạng, những chiến công hiển hách, tinh thần đấu tranh quả cảm, anh dũng của quân và dân ta trong sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vẫn hiện hữu như một điều tất yếu. Chính vì thế, Thành Cổ Quảng Trị có một sức hút hết sức mãnh liệt đối với du khách. Chỉ cần đặt chân đến Thành Cổ Quảng Trị, du khách như được sống lại khí thế hào hùng một thời của dân tộc Việt Nam. Ông Phan Văn Minh một du khách đến từ Bắc Giang cho biết:

Trích tiếng

Trong Kế hoạch tổ chức Lễ hội hòa bình lần thứ nhất tại tỉnh Quảng Trị, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị là một địa điểm chính tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm 2022. Chọn Thành Cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng hòa bình là niềm mong mỏi của chiến sỹ, đồng bào và Nhân dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Bởi trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2 đã hứng chịu 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosma, Nhật Bản. Ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa. Trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Chính vì vậy, giờ đây, Thành Cổ Quảng Trị trở thành nấm mồ chung của những chiến sỹ, đồng bào trên mọi miền Tổ quốc. Ông Cao Huy Hùng một du khách khi ghé thăm Thành cổ Quảng Trị đã chia sẻ:

Trích tiếng

50 năm sau sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Nhắc đến Thành Cổ Quảng Trị hôm nay không còn nhắc đến những nỗi đau chiến tranh mà thay vào đó là nhắc đến những giá trị của hòa bình, giá trị của ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam, giá trị của tình yêu nước nồng nàn đã hun đúc nên một biểu tượng của Hòa Bình – Thành Cổ Quảng Trị.

 

*****

Thưa QV&CB! Bánh hộc làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là một đặc sản truyền thống nổi tiếng thường chỉ xuất hiện trong những ngày Tết cổ truyền. Bánh vừa có vị ngọt bùi của gạo nếp đồng làng, thanh tao của đường cát lại vừa thơm phức mùi gừng, mùi lạc. Ai một lần được thưởng thức bánh hộc rồi thì không thể nào quên được. Đây cũng là món ngon mà QTDK muốn giưới thiệu đến QV&CB trong chương trình QTDK hôm nay.

Những ngày này, về làng Mai Xá Chánh, chúng ta mới thấy được cái không khí khẩn trương, cái rộn ràng cửa làng nghề khi vào vụ tết. Những âm thanh nổ lụp bụp từ chảo rang nếp, tiếng chày đóng bánh…khiến cho long người thêm háo hức, muốn được thưởng thức món quà quê này.

Bánh hộc được làm bằng gạo nếp rang bung với cát nóng rồi sảy sàng thật kỹ, phơi sương, tẩm nước đường được cô thắng, gừng tươi giã nhỏ và đậu lạc rang. Các đặc sản này được trộn lại với nhau, rồi cho vào một cái hộc hình chữ nhật được làm bằng gỗ. Sau đó, phải cần một người khỏe mạnh dùng một cái chày gỗ giống dụng cụ của người thợ mộc cứ giả xuống cho các nguyên liệu bánh kết dính chặt với nhau đến khi đầy hộc. Thường thì mất từ 15 đến 20 phút mới đóng xong một hộc bánh.

Theo ông Trương Văn Thắng, một người làm bánh có tiếng trong làng thì để có một chiếc bánh học ngon thì khi thưởng thức bánh vừa ngọt bùi của vị gạo nếp đồng làng, hòa quyện cùng vị đường, lại vừa thơm mùi gừng, mùi lạc,

ông Trương Văn Thắng cho biết thêm:

Trích tiếng

Dù mùa bánh hộc rất ngắn, chỉ diễn ra mười ngày trước Tết nên các hộ làm bánh ai cũng cố tận dụng khoảng thời gian này để đảm bảo các đơn hàng đã đặt. Trong rất nhiều món bánh mứt dọn tết cho khách, hầu như ở nhà nào của xã Gio Mỹ cũng có món bánh học, món bánh quê đã đi vào kí ức của biết bao người, và mỗi lần ăn bánh, dường như ai cũng có cảm giác tần ngần, lưu luyến và cứ mong đợi mùa Xuân năm sau sớm đến. Ngày nay, bánh kẹo tết rất tiện dụng và đa dạng nhưng truyền thống làm bánh hộc của dân làng không bao giờ mất mà luôn được con cháu các thế hệ nối tiếp giữ gìn như một đặc ân của trời đất được cha ông dày công làm ra để dâng lên ân đức tổ tiên trong những ngày Tết.

 

Chào kết

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 25/01/2022 09:46 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:36
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà