Dọc đường văn nghệ 24/6
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 24/6 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Khi nhà thơ viết phê bình văn học" , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 24/6 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 28/6 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct tuần này là bài viết : Khi nhà thơ viết phê bình văn học của Xuân Dũng, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct, ct này do Việt Thanh bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

KHI NHÀ THƠ VIẾT PHÊ BÌNH VĂN HỌC.

                                                                            (Xuân Dũng)

Nhà thơ Võ Văn Luyến làm thơ thì đương nhiên rồi, nhưng anh còn là cây bút phê bình khi cho ra cuốn sách "Đối ngọn đèn khuya".

Một phần quan trọng cuốn sách phê bình giới thiệu tác phẩm thơ văn. Có thể nhận ra ở đây những cây bút từng sống và viết ở Quảng Trị như Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Chức, Trần Đình Thành, Lê Văn Hoan, Minh Tứ, Đức Tiên, Nguyễn Văn Trình, Võ Văn Hoa...  hay đã xa quê như Trần Xuân An, Võ Thị Như Mai...

Thi sĩ Nguyễn Văn Đắc từng nổi tiếng với bài thơ "Cái rốn" đầy cảm hứng nhân sinh đọng lại trong mắt nhìn của cây bút phê bình Võ Văn Luyến: "Tác giả biết dựng dậy cơn ngái ngủ đời người trên trò chơi bập bênh con chữ bởi sứ mệnh thi ca đòi hỏi sự trầm tư trong hồn nhiên, sự cay đắng trong ngọt ngào ...". Còn nhà thơ Trần Xuân An nhớ về cố hương bằng tâm cảm: "Nơi cho giọng nói chưa pha phách. Chốn yêu thương, về bỗng khóc ròng" (Tặng một người...) được đánh giá "Dù đi xa nhưng lòng vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Đấy là lúc tình cảm câu thúc để có được những câu thơ dung dị, thật lòng mà thấm thía, cảm động." . Con mắt phê bình của Võ Văn Luyến đã tinh tế nhận ra một Lê Thị Mây đầy nữ tính trong "Đám cỏ xanh" khi người yêu lỡ hẹn: "Qúa trình từ vô thức "bứt cỏ" đến hữu thức "đau cây" hóa ra có ngọn nguồn cơn nhói của tim. Đấy là nỗi thất vọng  có cái gì đe dọa hơn cả sự thất tín, bởi linh giác đánh động sự mất yên tĩnh (phụ nữ thường sợ những biểu hiện gợi cái mong manh, dễ vỡ)..."

Cảm nhận tập bút ký, phóng sự "Dòng sông ký ức" Võ Văn Luyến luận bình: "Có thể nói, Minh Tứ là cây ký có khả năng thâu tóm, lật xới sự kiện, làm nổi bật những vấn đề nóng hổi, xã hội quan tâm hay vấn đề xưa cũ nhưng tươi nguyên "chất sống" và lay thức tâm cảm người đọc. Còn khi chiêm nghiệm truyện ngắn Hòa Vang, tác giả phê bình gọi tên lối viết đó là "dòng ý thức phản huyền thoại". Và truyện ngắn "Sự tích ngày đẹp trời" viết lại câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thực ra là một phản đề văn chương, vì thế Võ Văn Luyến đã có lý khi  viết: "Thông điệp mà Hòa Vang muốn gửi tới  độc giả không như ngọn gió đi tìm sự đồng cảm mà là lời khẩn cầu về một lẽ công bằng cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc. Hơn cả chiêu tuyết, minh oan cho Thủy Tinh, nhà văn cố gắng làm thay đổi cái nhìn đơn giản một chiều, duy lý về nhân vật luôn bị xem là tội đồ đáng nguyền rủa." .

Dù còn đôi điều có thể cần phải bàn thêm về thơ tứ tuyệt; hay góp ý nên chọn lọc hơn đối với tác giả thơ, để tránh sự ôm đồm  trong một tập sách phê bình đúng nghĩa, thì người đọc tựu trung, vẫn đồng cảm nhiều và trân trọng lao động của cây bút Võ Văn Luyến. Độc giả trân trọng một cây bút nghiên cứu phê bình lặng lẽ và nghiêm túc, một mình đối ngọn đèn khuya, thức cùng trang văn để góp nhặt những gì đồng điệu.


 

 

        NHÀ VĂN NGỤY NGỮ VỚI CON THÚ TẬT NGUYỀN.

 

                                                                                                         (Xuân Dũng)

 

 

   Nhà văn Ngụy Ngữ tên thật là Nguyễn Văn Ngữ sinh năm 1947 tại làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông làm báo, viết văn từ trước năm 1975 ở miền Nam. Truyện ngắn tiêu biểu "Con thú tật nguyền" sáng tác trước năm 1975 được in trong tuyển tập truyện ngắn yêu nước, tiến bộ (1954-1975) của Nhà xuất bản Cửu Long năm 1986. Truyện ngắn này cũng đã được dựng thành phim điện ảnh cùng tên.

   Nội dung chính của truyện kể về một người lính chế độ cũ ở miền Nam trước năm 1975. Nhân vật tên Bình, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, xưng "tôi" là bạn của Bình. Bình cũng như nhiều thanh niên miền Nam lúc ấy, giữa thời binh lửa. Ở tuổi thanh niên, Bình vào dân vệ xã. Rồi bi phẫn vì người chị buộc phải bán thân nên đăng lính, chết trong một trận bị công đồn, xác được đưa về quê nhà.

   Một đoạn văn tê tái : " Cửa ngõ linh hồn. Thằng Bình sứt cũng có. Một linh hồn, một linh hồn bưng bít, hận thù. Hồn hắn có tìm về đây không? Mày có đang về đó không Bình? Thôi, dầu sao thì sự cũng rồi. Chết là hết, nếu có còn thì quên đi mày, sức đâu nữa, yên ngủ cho xong. Những đôi mắt trôi nổi quanh quất. Tiếng nói, tiếng khóc, tiếng gọi lao đao, vấn vít..."

  Và đoạn cuối cũng não nề thân phận : " Chị Nga nói trên cánh tay tôi, giọng thì thầm, khàn thấp.

-Giờ chị làm sao đây, chắc chết thôi.

-Chị cầu kinh đi, chị còn nhớ kinh chứ?

-Thế em?

-Em à, em ở lại đây...Không đi nữa.

   Chị Nga ngửng lên. Đôi mắt đỏ ngầu khuất sau làn tóc lòa xòa ướt rối và tiếng khóc như cơn mê đứt quãng, như một khúc hát lê thê trôi theo lời kinh trên dòng sông nước lớn".

   Một số nhà nghiên cứu văn học đã phân tích đến tính nhân văn của truyện ngắn này và đưa ra một số nhận xét như đã có sự giằng co về văn hóa, giữa truyền thống và phản truyền thống, hay nói cách khác tính nước đôi đối với quê nhà, một trạng thái phức tạp của chủ thể thuộc địa trong hoàn cảnh bị lệ thuộc; sự giằng co của việc lựa chọn con đường đi, xác định thân phận của mình và sự giằng co ra đi hay ở lại quê nhà...? Đó quả là những câu hỏi không hề đơn giản, tác động vào đời sống nội tâm nhân vật và tạo nên đường đi của số phận một con người, một bi  kịch của chiến tranh, hay nói đúng hơn là chịu hậu quả của chiến tranh.

  Về tính nước đôi thể hiện trong giọng điệu mơ hồ, phi lý và đặc biệt giọng trần thuật rất buồn và phức điệu, không chỉ là cái tôi trần thuật đơn nhất của nhân vật xưng "tôi", vì vậy câu chuyện đã thể hiện sâu sắc những giằng co và bế tắc của nhân vật, những hoài nghi và đỗ vỡ...

   Và đó là những thành công về mặt nội dung và nghệ thuật của một truyện ngắn tiêu biểu cho văn học miền Nam tiến bộ và yêu nước trước năm 1975.

   Ngụy Ngữ là một gương mặt văn xuôi có bản sắc riêng khi tạo dựng nên tác phẩm của mình.

  

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 19/06/2022 13:37 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:31
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà