Dọc đường văn nghệ 16/9
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường văn nghệ 16/9 Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Hoàng Phủ Ngọc Tường dọc đường văn nghệ " , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 16/9 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 13/9 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Hà biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: *Những người thực hiện ct: dọc đường văn nghệ xin kính chào quý thính giả. Mở đầu ct là bài viết đôi nét về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường dọc đường văn nghệ, bài của pv Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct là chấm phá đôi nét cảm xúc quê nhà qua một vài tác phẩm thơ Quảng Trị, bài của Xuân Nguyên, chúng ta cùng nghe. -Qúy thính giả vừa nghe ct do Việt Hà bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

                    ĐÔI NÉT VỚI HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ.

                                                                                                   (Xuân Dũng)

  

    Dọc đường văn nghệ nhà văn tài hoa và uyên bác Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người quê Quảng Trị đã có nhiều trang viết  bay bổng về văn nghệ sĩ từng có duyên nợ với xứ Huế.

    Bằng nỗi niềm văn-triết-sử bất phân, nhà văn-nghệ sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nâng niu xứ Huế, quê hương thứ hai của ông bằng bút ký “Sử thi buồn”, đó như một bài thơ văn xuôi nghe gần gụi với một “thánh ca” của người bạn tâm giao Trịnh Công  : “Phúc âm buồn”. Tiếp nối tuyệt bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, giai phẩm “Sử thi buồn” là một chương thật  quan trọng trong tổng phổ Sông Hương. Bắt đầu bằng một giả định địa chất chất khiến ai nấy rụng rời : "giả sử một ngày nào đó xứ Huế không còn Hương Giang thì mọi sự ra sao", để rồi câu chuyện dẫn dắt người đọc đến những mệnh đề hệ trọng của nhân sinh-văn nghệ. Văn nhân quả thực có con mắt xanh tinh tế trước dòng sông kỳ lạ này : “Sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng, nó thay đổi nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và đôi khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với những ai từng đánh bạn với nó, giống như màu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính màu xanh trở mình sau lũ mới lạ lùng, nắng vàng lạnh, và dòng sông vừa xanh trở  lại hôm qua, màu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào thiết tha khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi mình cũng chuyển sang màu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực...”

   Từ chuyện dòng-sông-nghệ-sĩ ngòi bút chấm phá những con- người- nghệ- sĩ. Những áng văn dù ngắn dài khác nhau về chí sĩ Phan Bội Châu, nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà văn Phùng Quán hay nhạc sĩ Văn Cao từng duyên nợ với dòng Hương đều khiến người đọc thấm thía cái mỹ vị của ngôn từ và cả những thâm sâu trí tuệ ẩn hiện đằng sau câu chữ. Đó là “Ông già Bến Ngự” : “Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Đông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười...”, hay nhà thơ Trần Dần đã khái quát màu tím sông Hương thành “nhân loại tím”; và thi sĩ Đoàn Phú Tứ nổi tiếng “màu thời gian tím ngát” như thể viết riêng cho dòng Hương đã hiện lên trong hồi ức của người thơ Hoàng Phủ : “ Qủa thực tôi đang đối diện với một đời nghệ sĩ tài hoa, đến bây giờ cốt cách vẫn chưa phai mờ. Tưởng lại gương mặt sầu buồn trải mấy mươi năm giữa xóm đê ven sông này, tôi kinh hãi nhận ra từ đáy ký ức vui buồn của ông, mải miết trôi đi một dòng sông tím ngát”.

  Lại thêm một quan sát và phát hiện của tác giả khi nói về chuyện uống rượu của chàng nghệ sĩ  cốt cách hào hoa- Tư Mã (Tương Như) thời nay-nhạc sĩ Văn Cao, trong một đêm trên phá Tam Giang : “Anh Văn Cao rất lạ, anh có thể uống rượu với mọi người bằng một tâm cảm bè bạn như nhau, nhưng sẽ nhất định từ khước và bỏ đi khỏi cuộc nếu buộc phải nâng chén   với một vài người nào đó mà anh nghi ngờ về nhân cách”. Đó không phải là thù tạc thông thường, không phải là đối ẩm giao bôi mà là chuyện đối nhân xử thế, cũng như dòng Hương không phải là vật thể thiên nhiên vô tri vô giác mà qua tâm sự của nghệ sĩ ngôn từ đã hiển hiện như một sông-người, một “nhân giang” trong cách nhìn Hoàng Phủ, và  đương nhiên cần phải được đối xử như với một con người.

   Và đó là những trang văn sâu sắc, tinh tế, đầy cảm xúc được thăng hoa từ nội tâm và bút lực Hoàng phủ Ngọc Tường.

                                           CẢM XÚC QUÊ NHÀ

 

                                                                                              (Xuân Dũng)

 

   Khi nói đến nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, nhiều bạn đọc, bạn viết hay nhắc hai câu thơ của ông : "Em ra giếng gánh nước trong/Còn tôi ra giếng để không làm gì" (Giếng). Giếng trong bài thơ ắt hẳn giếng làng và cô gái nếu không nhầm thì cũng là thôn nữ. Tình yêu quê nhà nhiều khi đơn sơ đến mức vô ngôn nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc.

        Làng quê trong thơ Võ Văn Luyến thường gắn liền với cảm thức dân gian. Motif  này thường xuất hiện khá nhiều trong thơ anh. "À ơi... mẹ hát ru con/Trăng qua song cửa, ngọn nồm thoảng đưa/À oi...cái nhớ còn lưa/Cái thương còn mặn, cái chờ còn mong/À ơi...cái bóng ru buồn/Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau/À ơi...cánh vạc về đâu/Khói sương chưa dễ phai màu thời gian/À ơi...Sợi nắng ở tim/Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?!/À ơi..."con trống gà vàng"/Cớ sao lại gáy vội vàng làm chi/Lời ru đọng giữa đêm khuya/Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm."  (Đêm Ái Tử nghe hát ru con). Bài thơ lấy cảm hứng và chất liệu đồng quê truyền thống, dùng cả phương ngữ Quảng Trị như "còn lưa" tạo nên một không khí ca dao, dân dã mà man mác thi vị quê nhà.

   Phan Văn Quang là nhà thơ quen biết có tác phẩm in ở miền Nam từ trước năm 1975. Anh đúng là thi sĩ đồng quê. Đề tài quê hương cả khi ở gần lẫn xa bao giờ cũng vang lên trong thơ những  thanh âm thật da diết, đậm đà. "Quê ngoại" là một bài thơ bảy chữ nhẹ nhàng và tinh tế, vuông vắn như chiếc bánh chưng xanh ngày tết và cô đọng mà có sức ngân vang như tiếng chuông vọng chùa làng : " Đầu năm trăm ngõ lòng thơm thảo/Đám trẻ xênh xang áo đủ màu/Hương cau man mác vờn hương bưởi/Tiếng cười đon đả hỏi thăm nhau/ Mẹ già bảy chục sương vào tóc/Bỏm bẻm trên môi đỏ miếng trầu/Mừng con lên tỉnh  thêm vài cháu/Buồn nghe kế rụng nửa vườn sau/ Chuối non bọc lấy dăm đòn bánh/Ấp ủ tấm lòng hương nếp thơm/Thơ ngây riêng gửi niềm quê cũ/Con đã qua sông mấy dặm đường/ Bao nhiêu hoa trái trong vườn chín/Con gái mẹ thích buổi thiếu thời/Nhớ ai- chờ mãi ba ngày tết/Áo dài hong lại nắng ba mươi".

   Lê Thị Mây là nhà thơ chuyên nghiệp cũng đã thành danh trên thi đàn khá lâu. Chị viết khá nhiều về Quảng Trị và có những tác phẩm được nhiều người đón nhận như : "Sông Hiếu", "Trở lại Đông Hà"... Bài thơ sau mặc dù nhắc đến đô thị nhưng hình tượng chủ đạo và cảm xúc gốc rễ vẫn là thương nhớ quê hương, hoài niệm chuyện lứa đôi vì chiến tranh mà dang dở. Tác giả cũng chính là nhân vật trữ tình trong bài thơ khi chân bước vào hiện tại mà hồn thì lại ngược về quá khứ xốn xang những ngậm ngùi, nuối tiếc. Bài thơ như một tiếng thở dài sau câu chuyện đại đoàn viên của dân tộc nhưng riêng phận người con gái thì chuyến đò tình duyên đã lỡ, để lại nỗi buồn trong suốt và sâu lắng, cứ âm vang dội vào gan ruột người đời một điệp khúc trầu cau:  "Mười ba năm trở lại Đông Hà/Bên sông HIếu vẫn ồn ào chợ búa/Bao cô gái bây giờ ru tình mẹ/Mà lá trầu còn xanh với người mua/Đã qua sông kể chi mấy chuyến đò/Sao còn đấy nỗi buồn trên bến đợi/Còn đấy cả sao lòng tôi tiếc nuối/Có một người thưở ấy hát vì tôi...Sông Hiếu ơi tháng giêng hẹn còn xuân/Mai còn nở dây dưa chiều rét ngọt/Vàng như nắng tôi ngờ vui mà khóc/Hai má hồng tay thương nhớ bàn tay/Thưở ấy người hẹn với lá trầu cay/Dù xế bóng chợ chiều tan vãn khách/Chút vôi hồng đỏ môi tôi thầm tiếc/Trách tôi".

nội tâm và bút lực Hoàng phủ Ngọc Tường.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 12/09/2022 15:59 Lê Vĩnh Nhiên 13/09/2022 10:47
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà