Dọc đường văn nghệ 29/7
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường văn nghệ 29/7 -Ptv dẫn: *Những người thực hiện ct: dọc đường văn nghệ rất vui được gặp lại quý thính giả! Mở đầu ct, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, chúng ta cùng nghe bài : Mỹ Thủy-miền tưởng niệm của Xuân Dũng. *Phần cuối ct, mời quý vị cùng thăm lại với một mảnh đất chịu nhiều hy sinh, đau thương mất mát, đó là lũy thép Vĩnh Linh qua bài viết sau của Xuân Nguyên. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường VN, ct này Việt Thanh bt, với sự tham gia thực hiện của... thân ái chào tạm biệt. -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Miền tưởng niệm" , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 29/7 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 2/8 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe.

Tùy bút

                                        MỸ THỦY: MIỀN TƯỞNG NIỆM.

                                                                                         (Xuân Dũng)

   Vụ thảm sát ở Mỹ Thủy năm 1948 là một trong những tội ác diệt chủng dã man nhất mà quân đội Pháp gây ra trên đất nước Việt Nam.

   Thương tiếc những người dân yêu nước, một lòng trung trinh với cách mạng và kháng chiến, nhà thơ Quảng Trị Dương Tường đã viết bài thơ “Tiếng hàng dương Mỹ Thủy” vào năm 1949. Những câu thơ thác lời cây dương làng biển thống thiết và căm hờn vang lên như những hồi chuông tưởng niệm những đồng bào đã khuất :”Ta, cây dương Mỹ Thủy/Kể lể thù năm xưa/Lời thấm vào xương tủy/Vang ngân dài muôn thu…Muôn đời sau dằng dặc/Có khuây hận thù xưa/Ta gởi trời vi vút/Thương xót đến bao giờ”.

   Tôi vẫn còn nhớ đến một tác phẩm văn học về làng quê Mỹ Thủy đọc thời bao cấp đang tuổi học trò. Trong kháng chiến chống Mỹ tên tuổi anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm đã được biết đến nhiều. Nhà thơ Thu Bồn chỉ ghé qua huyện  Triệu Hải  ít ngày mà đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết hai tập “Dưới đám mây màu cánh vạc” tái bản đến mấy lần, được dịch giả Xô viết dịch sang tiếng Nga. Cuốn sách này được nhiều người ưa thích bởi yếu tố kỳ ảo được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật hợp lý, tạo nên một tác phẩm khá thành công theo ý kiến của nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Ông còn cho rằng vì tác giả là con đẻ của chiến tranh nên khi gặp câu chuyện anh hùng Trần Thị Tâm, dù chỉ qua thực tế sáng tác vài ngày, Thu Bồn vẫn viết nên một cuốn tiểu thuyết khá đầy đặn về một người con gái kiên cường, bất khuất của quê hương Quảng Trị, ấy là nhờ vốn sống, kinh nghiệm sống của mình qua chiến tranh. Nhiều trường học, đường phố ở Quảng Trị mang tên người liệt nữ Mỹ Thủy như là một chứng chỉ tâm linh uống nước nhớ nguồn.

   Mới đây tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương xã Hải An để tìm hiểu và có thể tái hiện một hoạt động văn nghệ dân gian độc đáo nơi đây, đó là màn múa tập thể thường được diễn xướng vào lễ hội, nhất là mùa xuân, có tên “Thiên hạ thái bình”. Thật tuyệt vời tên gọi này khi bày tỏ khát vọng cao quý  và vĩnh hằng của loài người! Thái bình, thịnh trị  đời nào mà chẳng cần và ai mà chẳng muốn.

   Và hôm nay khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, một khu kinh tế động lực được khởi đầu từ năm 2015 đến năm 2035 có  tầm nhìn đến năm 2050 đang chuyển động. Làng quê Hải Lăng trong đó có Mỹ Thủy cũng đang đứng trước vận hội mới chuyển mình. Làng biển Mỹ Thủy, nước mắm Mỹ Thủy, truyền thống Mỹ Thủy rồi cảng Mỹ Thủy sẽ là những danh xưng đã và đang mang lại nhiều niềm tin và hy vọng cho quê nhà đang vượt khó đi lên. 

LŨY THÉP VĨNH LINH: GÓC NHÌN VĂN NGHỆ.

(Xuân Dũng)

Cùng với Hà Nội, Tây Bắc thì Quảng Trị là miền đất nhà văn Nguyễn Tuân dành nhiều tâm huyết như thể một hành giả văn chương. Ông có đến cả chục bài ký viết về quê hương Quảng Trị, nhất là vào khoảng thời gian nước non chia cắt, không cho đôi chân của một nhà văn ưa xê dịch trên núi sông tươi đẹp của mình, để người nghệ sĩ thèm đi ấy quay quắt với những bài ký như rút ruột gan mình: “Cầu ma”, “Sông tuyến”...

Rồi khi lớn lên làm nghề báo, tôi lại được biết đến làng nghệ sĩ Tùng Luật nổi tiếng tài hoa, người Thủy Ba được vua gọi trẩy kinh bắt cọp vang danh thiên hạ, Vĩnh Hoàng cả làng nói trạng đến nỗi nhà thơ trác việt và hùng biện Chế Lan Viên đã tự hào đem khoe tận châu Âu trong thời khói lửa.

Một ngày hè đầy nắng, tôi về với Thủy Ba, gặp người dũng sĩ cuối cùng bắt cọp Nguyễn Đăng Hạp của vùng quê này. Ông ngồi kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa có thật mà hương vị cứ như là cổ tích. Đúng là miền đất lạ lùng! Có vậy mới kết tinh nên một nghề độc nhất vô nhị trong thiên hạ, ấy là nghề bắt cọp. Sống với thiên nhiên khắc nghiệt, với ác thú dữ dằn thì người Vĩnh Linh mới có thể trui rèn đến vậy và khí chất mới luyện thành sắt thép. Ông hào hứng đọc vè Thủy Ba bắt cọp:

Mồng sáu sắc hạ vua ra/Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền/Đò vô tận ải Thừa Thiên/Dữ ma độc nước không yên chăng là.../ Thủy Ba đứng dậy cho đều/Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy...”.

Nhìn cụ già đã bạc cả tóc râu, tôi hình dung ra thời tráng niên oanh liệt của những người làm nên huyền thoại chế ngự cả chúa sơn lâm. Chính phẩm chất kiên cường như vậy sau này mới làm nên thành đồng Tổ quốc, dựng nên lũy thép Vĩnh Linh giữa những ngày đất nước nguy nan nhất, khi sự sống và cái chết trong bom đạn chỉ mỏng manh như sợi tóc.

Có những con người gắn bó với Vĩnh Linh để lại trong tôi nhiều dư vị khó quên, ví như đạo diễn, NSND Xuân Đàm. Nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng này tuy không phải quê ở Vĩnh Linh nhưng làm rể đất này và chính ông đã phát hiện và bồi dưỡng tài năng NSUT Kim Quý. Xuân Đàm không chỉ là người chồng mà còn là đồng nghiệp, người thầy của nghệ sĩ Kim Quý, người đã có công đào tạo một diễn viên sân khấu quê Vĩnh Linh được cả nước biết tiếng. Ông là người có vẻ ngoài giản dị, dễ mến nhưng đó chính là một tài năng kịch nghệ hiện đại tiêu biểu của Việt Nam.

Tôi tâm đắc với một đánh giá của đồng nghiệp ông khi nhận xét sân khấu Xuân Đàm giàu chất thơ. Đó quả là một nhận xét tinh tường. Khi tôi hỏi về điều này, nghệ sĩ Xuân Đàm đã hào hứng chuyện trò về Aristote, về các trường phái kịch nói phương Tây hiện đại và nhấn mạnh khởi thủy của nghệ thuật chính là thơ, mọi ngành nghệ thuật khác dù muốn hay không đều ít nhiều chịu ảnh hưởng nó. Và với chất thơ, sân khấu sẽ được thăng hoa. Tất nhiên đó là sở trường và phong cách của ông-đạo diễn Xuân Đàm.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 22/07/2022 13:03 Lê Vĩnh Nhiên 22/07/2022 16:27
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà