dọc đường VN 23/9
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường văn nghệ 23/9 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, ct có nội dung chính :"Quê hương qua bút ký " , và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 23/9 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 27/9 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Hà biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: *Những người thực hiện ct pt : dọc đường văn nghệ xin kính chào quý thính giả! Mở đầu ct nhân tìm hiểu bút ký sáng tác về quê hương, pv Xuân Dũng có bài viết sau, mời quý vị và các bạn theo dõi. *Phần cuối ct là ghi nhận quê nhà đã thành cảm hứng cho thi ca, bài của Xuân nguyên, chúng ta cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct : dọc đường văn nghệ, ct này do Việt Hà bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

                         LÀNG QUÊ QUA BÚT KÝ QUẢNG TRỊ.

                                                                                                  (Xuân Dũng)

   Làng quê là cảm hứng cho nhiều cây bút ký Quảng Trị.

   Y Thi là cây bút chuyên viết ký và khảo cứu văn hóa dân gian Quảng Trị. Trong những tác phẩm của mình mà anh ưng ý có bút ký tên gọi ngân lên như một câu thơ cổ "Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay...".

   Đây là bút ký của anh về làng Mai Xá nổi danh của vùng quê Gio Linh (Quảng Trị)

, có họ Trương vào hàng danh gia vọng tộc, hết lòng yêu làng, yêu nước, có "Bà mẹ Gio Linh" bi tráng đã sống mãi trong ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Duy. Bằng giọng văn trầm hùng và thành kính, Y Thi đã kể khá rõ ngọn ngành của một dòng tộc đã tận hiến nhân tài vật lực cho quê hương đất nước, là những chiến sĩ can trường hiếm có,  khắc họa thần thái những bà mẹ dũng khí có một không hai đã nén nỗi đau mất con, cầm túi đi lấy đầu liệt sĩ bị quân thù thảm sát man rợ. Bài ký kết thúc như một sực tỉnh văn chương giữa đêm khuya rừng Sác làng Mai huyền hoặc : "...Giật mình tiếng vạc kêu sương. Tôi bừng tĩnh dậy giữa đêm trăng vằng vặc, quạnh hiu. Trên cao kia, mấy trắng ơ hờ, mây trắng bay. Mây sà quán chợ, mây qua đình làng. Mây trắng ngập bến đò ngang, mây rung rừng Sác, mây rung tán bàng. Vần vũ áng mây trắng lốp, lúc bay bổng, lúc la đà chơi vơi mặt nước và bất chợt phủ lên ngôi đình làng Mai như hai ngọn núi. Tôi tỉnh người ra, có ai đó thì thầm bên tai câu nói đã lâu của anh Tư Mã : "Người đời ai cũng phải chết; nhưng có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông chim hồng"...

   Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có hai bút ký đáng chú ý về nông thôn Quảng Trị: "Miếng trầu đỏ" và "Chế ngự cát". Tác phẩm đầu là câu chuyện chiến tranh và bài viết sau là khúc ca hòa bình.

   "Miếng trầu đỏ" kể chuyện làng Trà gần Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Nhà văn nhớ lại chân dung những đồng bào tản cư thời chiến ác liệt ở Quảng Trị với hình dong như những tráng sĩ vừa xông pha trận mạc gian nan thời hiện đại : "...và họ phải chờ đến đến bảy đêm mới qua nổi một cánh đồng rộng chừng năm trăm mét. Cứ như thế từ nam Hải Lăng về đến Hà Thượng, họ đã phải mất hơn hai chục ngày đường. Mệt lử nhưng phấn khởi vì đã đến nơi, họ tranh nhau kể cho dân làng nghe về cuộc mạo hiểm lớn nhất trong đời họ và luôn cười thật to. Ngồi dưới mái đình cổ, cát bụi dính đầy râu tóc, rách rưới và hào sảng; trông họ y hệt những hiệp sĩ samurai dưới thời phong kiến Nhật Bản. Tôi chỉ gặp họ trong chốc lát nhưng hình ảnh của họ in thật đậm nét trong trí nhớ của tôi như những người anh hùng vô danh..."

   Cảm hứng anh hùng ca với trường liên tưởng miên man của một tài danh bút ký tiếp tục được khai triển khi nói về một tấm gương xả thân chốn sa trường : "Anh Tùng à, anh Tùng. Còn gì thảnh thơi hơn giấc ngủ của anh bây giờ, giữa lòng đất của quê hương tự do, nơi mà anh đã đổ hết máu ra ngoài thân thể...Thảnh thơi vì trong quyết định sau cùng , anh đã không hề tính đến một sự bù đắp nào khác, và quả thực, ngoài khát vọng cống hiến, thì không có gì trên trái đất này có thể bù đắp nổi máu của một con người. Thảnh thơi không phải như sự giải thoát của linh hồn, mà như sự bay đi của ánh sáng.    "Chế ngự cát" kể chuyện này ở tiểu trường sa Hải Lăng ngay sau ngày nước nhà thống nhất để đem lại màu xanh no ấm, thanh bình. Bởi ám ảnh cát từng đi vào tận giấc ngủ sâu không chỉ của một người. Cát hiền lành mà cũng đầy bí hiểm như câu đố của con nhân sư trong truyền thuyết. Ngòi bút nhà văn chấm phá linh hoạt, nắm bắt và tái hiện sự biến ảo như thể mang màu sắc truyền kỳ của cát.

             QUẢNG TRỊ QUA THI CA

 

                                                                               (Xuân Dũng)

   Quảng Trị dù được mệnh danh là “Ô Châu ác địa” nhưng là địa danh khơi gợi cảm hứng cho thi ca.

Thử nhìn lại văn học dân gian, ở Kẻ Diên, Hải Lăng có bài ca dao về con gà thường được gọi là “Bài ca Kẻ Diên” hầu như ai cũng biết, với hai câu kết như một chiêm nghiệm sâu sắc về cách sống, về nghị lực làm người:

Đừng than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi xanh cây

Hay ở chợ phiên  Cam Lộ, nơi được mệnh danh là “Tiểu Trường An” có câu hò nhiều người vẫn nhớ:

Đò về Bến Đuồi, bùi ngùi nhớ cảnh

Chạnh tấm lòng, nhớ núi Lãnh, sông Hương.

Hoặc chợ Sòng nổi tiếng xưa nay với bún Sòng và các món ẩm thực thu hút mọi người thi được ngợi ca:

Vì răng mà bị chồng chê

Cũng vì bánh ướt cháo kê chợ Sòng.

Trong kháng chiến chống Pháp có một sự kiện đáng nhớ, đó là sự ra đời của một đơn vị quân đội đặc biệt, gọi là “Biệt động đội đường số 9” do nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình Hồng Chương người Quảng Trị tham gia chỉ huy. Đơn vị này đã đánh nhiều trận từ Khe Sanh, Rào Quán về Đầu Mầu rồi Đèo Đá, Cầu Đuồi (Cam Lộ). Vừa đánh giặc vừa sáng tác thơ văn, Hồng Chương cho ra đời một bài thơ dài với những câu thơ mang âm hưởng tráng ca hào sảng trong khói lửa đường 9 một thời kháng Pháp:

 “Thuở đất nước mịt mù khói đạn

 Thân nam nhi dày dạn phong sương

Tuốt gươm cắp súng lên đường

Âm thầm chính khí, hào hùng nước non

 Xót quốc biển gia vong lắm lúc

Tím bầm gan sùng sục uất đầy

Vứt đe, quẳng bút, xếp cày

 Đoàn quân biệt động từ nay ra đời

Người chiến sĩ ra nơi chiến đấu

 Gót rỗ nhăng in dấu hành binh

 Sẹo ghi từng trận chiến chinh

 Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…”

Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc nỗi đau gánh hai đầu chia cắt sau khi kháng chiến chống Pháp chấm dứt, đất nước chia làm hai nửa. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua hai mươi năm mới được chạm tay vào Hòa bình- Thống nhất, mới bắt đầu cho một cuộc đại đoàn viên. Dường như những tác phẩm văn chương nghệ thuật đặc sắc đều có khả năng chạm vào thẳm sâu gan ruột nhiều người, làm nên nhật ký tâm hồn của một thời, của cả dân tộc. Ấy là khi nói đến những bài hát như “Câu hò bên bến Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp hay những câu thơ như đốt cháy lòng người: “Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” (Tám năm nay mới gặp nhau, Thanh Hải) hay câu hỏi của Tế Hanh đau như đụng phải vết dao: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Cũng như sau này nhà thơ Cảnh Trà viết bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” hoan ca cảnh tượng thái hòa giản dị: Một đám cưới đưa dâu qua cầu Hiền Lương.

   Những câu thơ như nói hộ lòng người! Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay. Quảng Trị, từ khốc liệt chiến tranh, chia cắt đến khát vọng hòa bình, kiến tạo. Quảng Trị- đất kim cương như có người đã ví, đã từ lâu trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca, không chỉ với nhà thơ ở đây mà còn cho nhiều nhà thơ ở nơi khác, thậm chí cả những nhà thơ sinh sống ở nước ngoài. 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 22/09/2022 11:44 Lê Vĩnh Nhiên 28/09/2022 16:32
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà