Người yêu thơ QT 7/12
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 7/12: -Qúy vị và các bạn thân mến! Mở đầu ct, mục điểm thơ hôm nay sẽ giới thiệu tác phẩm từng đăng tải trên trang TTĐT của Hội VHNT địa phương. Bài của Hiếu Giang. Chúng ta cùng nghe. -Thưa quý thính giả! Tiếp nối ct, chúng ta cùng đến với bài viết về một nữ nhà thơ nổ tiếng có duyên nợ thi ca với vùng đất gió Lào cát trắng, bài của An Thái. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Phần cuối ct là cuộc trò chuyện giữa pv với khách mời xung quanh chủ đề về thơ, chúng ta cùng theo dõi (băng) -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Chúng ta cùng đến với thơ của tác giả có bút danh “Trà Gừng Gừng” đăng tải trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị:

Bài thơ “ Câu thơ như nón rộng vành” như sau:

 

Nắng chiều rảo bước qua hiên
Tìm trong xao xác chút biền biệt anh

Câu thơ như nón rộng vành
Em chằm bằng tuổi thanh xuân của mình
Lá mềm sao buốt mũi kim
Chỉ lòng quên thắt, tuột...  im lặng. Chờ!

Từ anh giây phút tình cờ
Em nghe thổn thức trên bờ ngực nhau!

  Bài thơ lục bát chỉ có tám câu diễn tả một câu chuyện tình từ nguyên cớ chiếc nón rộng vành như là vật quen thuộc của người phụ nữ, như là một điều không thể thiếu và chẳng thể quên trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng mọi chuyện cũng có vẻ giản đơn kể cả khi người con gái phút giây lơ đễnh với chiếc nón chằm bằng cả tuổi thanh xuân của mình. Nhưng câu kết đã nói lên tất cả: Từ anh giây phút tình cờ/Em nghe thổn thức bên bờ ngực nhau. Đấy chính là sự rung động của hai trái tim, là sự thổn thức đích thực của tình yêu đích thực. Một phát hiện không hề mới nhưng cách nói lại không hề cũ, và đó là thơ.

Với bài thơ “Bắt chước” mang phong vị ca dao hương đồng gió nội thì câu chuyện lại như thể đồng dao. Nhà thơ khởi sự :

  Cua già 
cởi yếm tắm sông
Mơn man sóng vỗ lưng ong
mịn màng
Độc đinh 
một
ánh trăng vàng
Mà lan tỏa khắp thiên đàng ái mơ.

 Chuyện con cua, con tép ngỡ như chuyện bà còng đi chợ mua rau, nghe vu vơ, nghe nên thơ nhưng trong tứ thơ này lại không chỉ gợi nên như thế. Từ chuyện con cua đã nói sang chuyện khác nhưng lại không hề vu vơ:

 Tép về
bắt chước, tắm thơ
Mượn trang giấy trắng vẽ bờ sông xưa
Đâu ngờ hồn sóng 
vỗ thưa
Cạn bao nghiên mực vẫn chưa 
vỡ lòng

Khác là bởi vì cũng như tép khác cua, mỗi bên một khác có muốn giống nhau cũng không được mà không nên như thế. Vì vậy: cạn bao nghiêm mực vẫn chưa vỡ lòng.

Để rồi kết thúc là những câu chiêm nghiệm tưởng như dành cho trẻ em trong những bài thơ nhi đồng nhưng kỳ thực vẫn là thông điệp dành cho cả người lớn, dù vẫn nhẹ nhàng phong vị đồng dao:

Tép - cua ở giữa cánh đồng
Đều mang sắc thái phiêu phong riêng mình
Học nghe, học viết, học nhìn
Xin đừng bắt chước... quên hình bóng ta!

 

Một bài học với những lời khuyên bổ ích mang phong vị dân gian trong thơ hôm nay của tác giả “Trà Gừng Gừng” cũng rất dễ mến và đáng yêu.

 

 

 

  NỮ NHÀ THƠ NỔI TIẾNG VỚI QUẢNG TRỊ.

                                                                        (Xuân Dũng)

                                                                       

   Xuân Quỳnh (1942-1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam (1962-1964). Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ hàng đầu của nửa cuối thế kỷ 20.
  Chủ đề thơ Xuân Quỳnh thường là những vấn đề nội tâm: kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình... Hiện thực xã hội, sự kiện đời sống hiện diện như một bối cảnh cho tâm trạng. Do vậy thơ Xuân Quỳnh hướng nội, rất tâm trạng cá nhân nhưng không là thứ tháp ngà xa rời đời sống. Thơ chị là đời sống đích thực, đời sống của chị trong những năm đất nước còn chia cắt, còn chiến tranh, còn nghèo, còn gian khổ, là những lo toan con cái, cơm nước, cửa nhà của một người phụ nữ.

   Riêng với Quảng Trị  nhà thơ Xuân Quỳnh gắn bó trong những tháng năm chống Mỹ. Chị có nhiều cảm xúc được thăng hoa từ thực tế khắc nghiệt của thời tiết, đất đai và khói lửa được chưng cất thành tác phẩm. Bài thơ “Gió Lào cát trắng” được ra đời như thế. Nhà thơ đã viết:

     Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi
Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt

Trong gió nóng những trưa hè ngột ngạt
Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng
Vừa lớn khôn tôi đã biết đào hầm
Dưới bom đạn gió Lào vẫn thổi
Và trên cát lại thêm cồn cát mới

   Nhà thơ gọi tên miền đất này bằng từ khắc nghiệt. Thiên nhiên và đạn bom khắc nghiệt đến mức có những thay đổi bất ngờ, thay đổi như là một thử thách lòng quả cảm của con người: “Và trên cát lại thêm cồn cát mới”

   Nhà thơ bằng quan sát tự thân đã mô tả ngoại cảnh :

Cỏ mặt trời lăn như bánh xe
Cuộc đời tôi có cát chở che
Khi đánh giặc cát lại làm công sự
Máu đồng đội và máu tôi đã đổ
Trên cát này mà gió quạt vừa se
Cây tôi trồng chưa đủ bóng che
Bom giặc cắt lá cành tơi tả
Củ khoai ở đây nhỏ hơn củ khoai cánh đồng màu mỡ  

   Nhưng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên lại cho tam thêm một cảm nghiệm bất ngờ khi nhận ra nhờ có cát chở che con người mới tồn tại được trên mảnh đất này giữa những ngày đạn bom ác liệt nhất. Đe dọa cuộc sống cũng là cát và bao dung, bảo vệ con người lại cũng chính là cát. Một sự phát hiện đầy tính nhân văn đã làm dịu mát lại những vần thơ nóng bỏng trên gió Lào cát trắng. Và tác giả viết tiếp thêm những mô tả và trải nghiệm của chính mình:

   Trái mãng cầu rám vỏ - gió đi qua
Đọng nắng thôi, cát chẳng đọng mưa
Bàn chân lún bàn chân thêm bỏng rát
Giữa gió cát, giữa những ngày ác liệt
Tôi nghĩ về tha thiết một màu xanh
Một rừng cây trĩu quả trên cành
Tôi vun gốc và tay tôi sẽ hái
Nhà của tôi, tôi sẽ về dựng lại
Ánh ngói hồng những gương mặt mai sau

   Cát trắng sẽ hồi sinh, đó là cảm nhận đâm chồi hy vọng từ trong thực tế gian nan nhất. Một sự dự cảm đầy ước mơ và hy vọng, báo hiệu cho mộ tinh thần lạc quan sẽ đâm chồi nảy lộc, từ những gian khó, hiểm nguy trong cuộc sống hàng ngày:

   Em mới về em chưa thấy gì đâu
Chỉ có cát và gió Lào quạt lửa
Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ
Cát khô cằn ở mãi hoá yêu thương
Dẫu đôi khi tôi chẳng bằng lòng
Với cái cát làm bàn chân rát bỏng
Với cái gió làm chín lừ da mặt
Mảnh đất cằn khoai sắn ít sinh sôi
Tôi sẵn lòng đem hiến cả đời tôi
Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa.

   Khổ cuối là sự gắn bó chân thành bằng cả tấm lòng của nhà thơ với miền gió Lào cát trắng. Từ ngỡ ngàng, có phần e dè, lo lắng trước thiên nhiên khắc nghiệt cho đến lúc nhận ra và yêu mến mảnh đất này. Đó là bước phát triển trong nhận thức, và quan trọng hơn là trong tình cảm của một nhà thơ nữ nổi tiếng đối với quê hương gió Lào cát trắng.

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 04/12/2019 16:47 Nguyễn Việt Hà 09/12/2019 07:51

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà