Người yêu thơ QT
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 22/2 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, tác giả An Thái ghi nhận về thơ của một tác giả quê Quảng Trị có tác phẩm đăng tải trên tạp chí văn nghệ địa phương. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, tìm tòi, cảm thụ về một thi phẩm độc đáo được sinh thành từ Quảng Trị, Hiếu Giang có bài viết sau. Chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct là những đánh giá của thạc sĩ, nhà thơ Võ Văn Luyến về bài thơ "Kết nạp Đảng trên quê mẹ"của nhà thơ lớn Chế Lan Viên. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân áo chào tạm biệt.

Điểm thơ:

 

   Chúng ta cùng điểm qua thơ của nhà thơ Trần Trình Lãm, một người con Quảng Trị xa quê, hiện sống và công tác tại tp Đà Nẵng. Thơ trên tạp chí Cửa Việt.

   Trong bài thơ "Sông tôi", nhà thơ Trần Trình Lãm đã viết, như một lời giới thiệu về mình:

    Tuổi thơ tôi yêu sông qua sách vở

Làng tôi chỉ có cát với ruộng phèn

Những con sông xa

Như huyền thoại

Vẽ vào tôi chút hư ảo

Cánh buồm

Lớn lên tôi ra đi

rồi phiêu dạt

Qua bao miền, bao phố, bao làng

Bao dòng sông vừa mơ vừa thực

Cuộn xô tôi lúc ào ạt

   Có nghĩa là cho dù làng quê nhà thơ không gần sông thì đã có hẳn một dòng sông trong tâm thức của mình từ những trang gióa khoa, những mộng mơ từ thưở học trò.Điều đó cắt nghĩa vì sao dòng sông tâm tưởng cứ đi hết cả gần một đời người trong sáng tác của nhà thơ Trần Trình Lãm:

   Khi về sông gội tắm

Chợt nhận ra sông - lòng mẹ bao dung

Sông như em môi ngọt dịu mềm

Khoảng mát lành, giữa đường xa cơ cực

Và tôi hiểu sông

Là có thực

   Còn trong bài thơ "Anh sẽ trở về" Trần Trình Lãm đã thốt lên như một cachs biểu hiện bằng thi ca về mọt khát vọng về nguồn, dù đó chưa hẳn là làng quê chôn nhau cắt rốn mà cót hể là thành phố, quê hương thứ hai, nơi anh đang sống:

   Chắc mai anh sẽ trở về

Thăm phố cũ hoàng hôn phía núi

Nơi ngàn năm, anh vẽ lên mình vết tím

Lặng lẽ như con sâu róm buồn...

Chắc mai anh sẽ trở về

Kỷ niệm chuyền nhau bốn mùa sám hối

Em ngồi một mình bên ô cửa

Ru con tự thuở nào, lời ru cô đơn

   Để rồi miên man dòng chảy cảm xúc hướng vào tâm điểm trở về như một hối thúc nội tâm:

   Mai anh sẽ về, anh sẽ về

Em cứ ngồi hắt hiu lời ru bên ô cửa

À ơi! Muôn thuở

Gió se lòng viễn du.

   Chúng ta sẽ còn gặp nhà thơ vào những dịp thích hợp khác qua tác phẩm của anh.

            THƠ VỀ MỌT ĐÁM CƯỚI CÓ MỘT KHÔNG HAI.

                                                                                (Phạm Xuân Dũng)

   Ngày 20/7/1975 tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có một sự kiện văn nghệ, đó là việc khai sinh bài thơ "Đưa dâu qua cầu Bến Hải" của nhà thơ Cảnh Trà.

   Trong văn nghệ hiện đại Việt Nam, mà phổ biến trong thơ và nhạc, đề cập chuyện đám cưới không ít, nhưng hầu hết là nói đến chia ly, tan vỡ, ngậm ngùi...  Ngày trước Nguyễn Bính viết bài thơ "Lỡ bước sang ngang" thì ngay tên gọi cũng đã thấy một cuộc tình đổ vỡ. Hay như nhạc sĩ Phạm Duy có nhạc phẩm nổi tiếng "Chuyện tình buồn" (phổ nhạc bài thơ cùng tên của thi sĩ Phạm Văn Bình-một người Quảng Trị) cũng là những day dứt, xót xa :"Ngày nhà em pháo nổ/Anh cuộn mình trong chăn..."  Chỉ có thời miền Bắc trước năm 1975, Phan Thị Thanh Nhàn mới có một bài thơ vui vẻ, lạc quan "Đám cưới ngày mùa" với khổ kết khá ấn tượng : "Các cụ ông say thuốc/Các cụ bà say trầu/Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau".

   Vậy thì Cảnh Trà viết về đám cưới có gì khác và đáng nói ? Trước hết đây là bài thơ ra đời vào đúng ngày 20/7/1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng cách đó 21 năm ngày 20/7/1954 cũng là ngày ký hiệp định Geneve, chia cắt hai miền, tưởng là giới tuyến tạm thời, nhưng lại kéo dài hai thập kỷ với muôn trùng xa cách, nhớ thương và đớn đau. Bởi vậy khi diễn ra sự kiện đám cưới, nhất là đưa dâu qua cầu Bến Hải thì lập tức gây chấn động lớn tâm can nhà thơ và được sinh hạ nhanh chóng như giọt nước tràn ly.

   Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu

Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải

Cầu vừa bắc xong

Sơn còn tươi rói

Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng

   Một cảnh tượng thoạt trông có vẻ cũng bình thường: trời đẹp, một đám cưới diễn ra trong cảnh thanh bình như bao đám cưới khác. Nhưng trong đám cưới này còn có một "nhân vật" khác im lặng nhưng hết sức quan trọng, là điểm nhấn đặc biệt, tạo nên thần thái của cả bài thơ: "nhân vật chiếc cầu". Nó chính là xương sống sinh thành cấu tứ bài thơ, làm bùng nổ cảm xúc một cách đột phá. Đó là chiếc cầu không-bình-thường, chiếc-cầu-chia- cắt.

   Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt

rưng rưng

Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa,

Cam Lộ

Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau

Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu

   Lạ chưa, ngày vui, nhất là song hỷ lâm môn như xưa nay quan niệm về đám cưới, dân gian thường vẫn tránh nói chuyện buồn, càng kiêng kỵ chuyện khóc lóc nhưng đám cưới này thì nước mắt rưng rưng. Vì hạnh phúc và vui mừng quá đỗi, mọi người có thể vô tư bày tỏ tình cảm chân thực của mình một cách hồn nhiên, cho thỏa những dồn nén, ẩn ức bao năm. Chỉ những người sống hai bên giới tuyến, sống trong sự chia cắt đằng đẵng như đồng bào Vĩnh Linh, Gio Linh-Quảng Trị mới thấu cảm được hết những giọt nước mắt này.

   Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu

Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái

Bước chân Hiền Lương sao đường

nghẽn lại

Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên

   Đây quả thực là nỗi đau dai dẳng của dân tộc Việt Nam, hiện hữu đủ đầy tại tâm điểm là dòng sông Hiền Lương, chiếc cầu Bến Hải. Chiến tranh và những hậu quả nặng nề, trong đó có đoạn trường chia cắt thật không thể nào nói hết, vẫn đề lại di chứng dài lâu đối với con Lạc cháu Hồng. Lẽ ra một sự kiện phổ biến của nhân sinh như đám cưới là câu chuyện bình thường thì lại trở nên khác thường bởi chiến tranh, chia cắt, hận thù...Vì bản chất của tình yêu, hôn nhân, đám cưới đồng nghĩa với niềm vui, hạnh phúc, đoàn viên trái ngược hẳn với với những thống khổ mà chiến tranh gieo họa, trong đó có chia lìa như người xưa vẫn nói: sinh ly tử biệt.

   Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên

Như là hoa, là lá

Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ

Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao

   Lại thêm một hậu quả của chia cắt nhiều năm. Khi nước nhà chưa thống nhất, ai cũng mong chờ ngày đại đoàn viên, được tự do thoải mái đi lại trên chiếc câu lịch sử. Nhưng khi ngày ấy đến thì ai nấy không khỏi ngỡ ngàng, cứ tưởng trong mơ, đó chính là nghịch lý cảm xúc khi phải trải qua một trường kỳ ngăn cách.

   Chừng vui quá nên cô dâu bối rối

Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em

Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên

Mới nắng đó mà đỏ lừ đôi má

Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa

trong gió

Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ

Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.

    Đoạn kết là khúc hoan ca xúc động, đó thực sự là những cảnh tượng đẹp, thanh bình, an lành đến rơi nước mắt mà chỉ những ai trải qua chinh chiến triền miên, đợi chờ vời vợi mới đồng cảm tận cùng. Chiếc cầu đã trở thành biểu tượng sum họp, Nam-Bắc một nhà.

   Bài thơ thành công và lay động lòng người bởi nó đã phát hiện ra điều khác thường từ một điều bình thường và ngược lại, hai yếu tố này cứ xoắn xuýt vào nhau, tạp nên một trường liên tưởng vừa tương phản lại vừa đồng nhất, chọn được hình tượng đắc địa: đưa dâu qua chiếc cầu chia cắt bao năm. Lời thơ dung dị, chân mộc,  giàu cảm xúc, chạm đến sâu thẳm tâm tư của hàng triệu con người với mong muốn muôn đời về hòa bình, thống nhất, nói chuyện của đôi người mà thành chuyện của muôn người, chuyện thời sự mà cũng là chuyện của muôn đời. Mọi chiếc-cầu-chia-cắt trên đời này phải sớm hóa thành chiếc-cầu-đoàn-viên. Việc này muốn viên thành thì mọi người trong cuộc phải vượt qua những hố sâu ngăn cách, đồng tâm hiệp lực bằng cả tấm lòng.

 Không có tiếng bom rơi đạn lạc, chết chóc nhưng bài thơ vẫn vang lên lời tố cáo chiến tranh và khổ đau, chia cắt. Bởi chưng nó đi ngược lại mọi lại mọi giá trị nhân văn của con người, đe dọa đến hết thảy cuộc sống và hạnh phúc của mọi người.

   Bài thơ "Đưa dâu qua cầu Bến Hải" của nhà thơ Cảnh Trà cũng như nhạc phẩm "Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao đã chạm vào khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Những sáng tác như thế thường có sức sống bền lâu bởi vì nội lực thanh tân ít chịu ảnh hưởng những nếp nhăn tuổi tác.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 19/02/2020 16:09 Phạm Xuân Dũng 19/02/2020 16:09

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà