Người yêu thơ QT 29/2
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 29/2 -Thưa quý thính giả ! Mở đầu ct, như thường lệ là mục điểm thơ trên tạp chí văn nghệ địa phương. Bài của An Thái. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, khi tìm hiểu về một nhà thơ nổi tiếng đã từng sống, chiến đấu và gắn bó với quê hương Quảng Trị, Hiếu Giang có bài viết sau, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct là cuộc trò chuyện giữa pv với một nhà thơ Quảng Trị, chúng ta cùng nghe (băng) -Qúy thính giả vừa nghe ct: người yêu thơ QT, ct do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ

                                                                  (Xuân Dũng)

-Chúng ta cùng đến với bài thơ “Lĩnh cũ” của Phan Thành Minh đăng trên tạp chí Cửa Việt.

Trong bài thơ này nổi lên tứ thơ “lính cũ và lĩnh mới”. Mở đầu bài thơ tác giả viết:

    Sao cứ gọi mình là lính cũ Trung đoàn

Còn các cậu có gì đâu đã mới

Che nắng che mưa vẫn là mũ cối

Khác chăng bộ quân phục rằn ri

 

Vẫn một thời trong trẻo chúng ta đi

Tăng võng ba lô căng tròn mơ ước

Vào trận địa tranh nhau tiến bước

Bạn còn mẹ già ráng bám trụ tuyến sau

   Lính cũ và lính mới, mỗi thời một khác, như quân trang quân dụng, như hoàn cảnh nhưng có một điều không bao giờ khác; đã là lính thì thời nào cũng lính. Đó là hồn vía, bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ, của dân tộc Việt Nam, của người lính Việt Nam, sinh ra từ dân vì dân mà chiến đấu và cống hiến, hy sinh.

   Nhà thơ viết tiếp rất hào sảng bằng tâm thế của người lính, dù lính cũ hay lính mới:

     Đói xót lòng củ khoai cũng nhường nhau

Nóng bỏng chiến trường cần chi chăn chiếu

Gối vai súng chỉ có đời lính hiểu

Nếm mật nằm gai mặc thế thái nhân tình

 

Ngang dọc dọc ngang khắp nẻo chiến chinh

Đâu Tổ quốc cần có Trung đoàn ta tới

Đâu có giặc thù có lời ta thăm hỏi

Chào đi B41, B40

 

Nghe tiếng chúng depart hồn vía giặc rụng rời

Chật cứng hầm hào lời cầu kinh khẩn thiết

Thánh cũng chịu giúp sao được kẻ cướp

Khôn thì bỏ thói xâm lăng

  Đã là người lính khi Tổ quốc lâm nguy thì cầm súng lên đường không tính toán thiệt hơn vì đó là nhiệm vụ của người lính, nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chiến đấu ngoan cường cho đến phút cuối cùng, cho đến giọt máu cuối cùng. Và đó là chất lính dù lính cũ hay lính mời. Nhà thơ kết thúc bài thơ như một lời tâm tình, nhắc nhở:

   Đừng gọi mình là lính cũ Trung đoàn

Đi hết thời trai vẫn chưa thành quan lớn

Vẫn xoong chảo vác vai ra trận

Cùng vết nhọ nồi trên má lao xao

    Bài thơ tự nhiên, chân thực không hề lên gân và tạo được sự thích thú, đồng cảm cho người cảm nhận. Đó là một bài thơ đáng đọc và đáng nhớ.

 

Phê bình thơ:

                       CHẤM PHÁ VỀ MỘT NHÀ THƠ NỔI TIẾNG.

                                                                             (Xuân Dũng)

   Phạm Ngọc Cảnh (1934-2014) là tên khai sinh, sinh ngày 20/7/1934 tại thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh,  sống ở Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1974). Ông còn có bút danh Vũ Ngàn Chi.
   Sinh trưởng trong một gia đình tiểu thị dân, Phạm Ngọc Cảnh được cha mẹ cho ăn học tử tế. Cách mạng Tháng Tám thành công, Phạm Ngọc Cảnh mới 12 tuổi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc viên, rồi tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của trung đoàn 103 Hà Tĩnh rồi trở thành diễn viên kịch nói. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông ở đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, từng biểu diễn giữa thành phố Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Về sau ông là diễn viên trụ cột của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.

   Nhưng rồi từ một diễn viên chuyên nghiệp, ông trở thành nhà thơ như một điều không thể khác. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã tâm sự rằng:

 Từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nếu tôi nghe theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ tôi trở thành người hoạt động ở ngành nhạc. Nhưng tôi ham thích sân khấu. Tôi theo anh Bửu Tiến. Tôi phải vượt qua nhiều khó khăn để đứng được trên sàn diễn hai mươi lăm năm. Diễn viên kịch là một nghề cao quý. Có thể gắn bó trọn đời người. Nhưng phía sau các vai diễn là lớp son phấn tạo sự hóa thân kỳ diệu… tôi vẫn là tôi. Vẫn muốn có tiếng nói riêng của mình. Một thứ tiếng nói có thể đối thoại tiếp với một người. Không cần hai cánh màn khép mở. Không cần cái khung kịch bản văn học, kịch bản đạo diễn. Không đợi lên đèn. Những bài thơ đầu tiên ra đời khi tôi đã là diễn viên thực thụ. Và thế là tôi phạm nhiều khuyết điểm trong những quy chế nghiêm ngặt của sân khấu. Tôi phân thân. Chỉ chực thoát ra như con chim bị nhốt chặt trong lồng. Chính những bài thơ thời chống Mỹ tôi viết để tự cứu mình.
   Rồi bầu trời thơ ca mênh mông, cánh rừng thơ ca thăm thẳm, cuộc tìm kiếm thơ ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc ấy là của tôi. Một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Hai người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi nâng sức tôi bay tiếp. Tôi đoán chắc rằng bài thơ sau cùng của cuộc hành trình đam mê và trắc ẩn cũng chỉ vì một trong hai người đó mà thôi.

   Bài thơ "Một tên làng Quảng Trị" là một sáng tác đáng nhớ về miền đất ông từng đi qua trong chiến tranh và gắn bó lúc hòa bình. Bài thơ như nhiều tác phẩm khác của những nhà thơ áo lính, bắt đầu là những hoài niệm đằm sâu:

   Qua rất nhiều tháng năm
hết sáng bình yên lại chiều binh lửa
lòng ta chốt giữ hai đầu
cái tên làng ở giữa

   Hình như không có điều gì to tát cả. Một tên đất, một tên làng, thậm chí có thể là một ngôi làng nhỏ như bao nhiêu ngôi làng khác mà người lính-người thơ đã đi qua. Nhưng, không hiểu sao nó vẫn hiện về ám ảnh, vẫn thao thức, thúc giục người ta nhớ về nó như là một hướng đi của cảm xúc không thể khác, từ những điều tưởng như quen thuộc và rất đỗi bình thường:

   Ùa vào sâu niềm tưởng nhớ
cái ta chưa để ý một lần
cái không có tên trên bản đồ chiến sự
ai hơi đâu mà chép thêm vào lịch sử
lối rẽ vào làng in dấu chân
mà chiều qua trong một thoáng phân vân
đã chợt về nâng đỡ

   Có vẻ như không thể cắt nghĩa theo kiểu số học về những cảm xúc khó quên và khó tả, nhưng nó hiện hữu cụ thể, rất cụ thể, và nói như tác giả, những điều có vẻ nhỏ nhặt, như không đáng kể, như không có ai để ý lại có một bí ẩn sâu xa đeo đẳng tâm tư nhà thơ, nâng đỡ nhà thơ vào những khi tâm hồn chống chếnh.

   Mẹ chẳng cố tình bắt ta lưu giữ
em không hề khuyên
không bát về dâng hương ngày giỗ kỵ
một tên làng Quảng Trị
suốt đời đâu dám quên

   Đúng vậy, tình cảm là một trạng thái tinh thần tự nhiên, không thể gò ép, miễn cưỡng, cả tên làng và nỗi nhớ về Quảng Trị cũng thế, nó hình thành tự nhiên và ăn sâu vào tiềm thức, thành nỗi nhớ thương da diết, sâu nặng, có khi theo suốt một đời người. Chính vì thế mà bài thơ kết thúc trong tâm cảm dạt dào.

    Ở với ta lúc vui lúc buồn
lúc suôn sẻ lúc cay đắng
không đòi trả ơn mà nghĩa nặng
không ràng buộc mà thân gần
không giao đãi ngọt ngào mà lặng thấu
làm vốn nuôi con làm quà tặng cháu
cái tên làng Quảng Trị ấy thôi
cái tên làng Quảng Trị đứng loi thoi
dọc bấy nhiêu trận mạc
trắng phau doi cát bồi.

   Một tên làng Quảng Trị với thi tứ và ngôn ngữ bình dị, cụ thể, chân thực đã khắc họa tình cảm của một nhà thơ tên tuổi với mảnh đất này.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 26/02/2020 15:19 Phạm Xuân Dũng 26/02/2020 15:19

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà