Về Sa Lung thưởng thức món nuốt sông
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Thưa QV&CB! Trong tình hình dịch bệnh covid 19 đang có những diển biến phức tạp thì việc đi đâu, ăn gì, tìm kiếm những điểm du lịch hấp dẫn để giới thiệu đến quý khán giả là rất khó, tuy nhiên, bằng nhiều cách thức khác nhau, chúng tôi mong quý vị khan giả sẽ lựa chọn cho mình những hình thức phù hợp.

Hãy cùng Quảng Trị du kí đến với những vùng đất và thưởng thức những món ăn trong tỉnh để làm hành trang bỏ túi cho mình, và đến khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, chúng ta lại có những chuyến tham quan, trải nghiệm để yêu mến hơn những cảnh đẹp của quê hương mình.  Hãy cùng đồng hành cùng Như Quỳnh và Đỗ Hằng trong 10 phút của chương trình nhé.

Mùa hoa trẩu: đong đầy niềm thương nỗi nhớ!

Tháng 4, tháng 5, khi nắng hè chiếu rọi khắp núi rừng, khi những đám mây trắng như bông ôm che những đỉnh núi, bồng bềnh trên những thung lũng, thì ở huyện miền núi Hướng Hoá mùa hoa trẩu bắt đầu bung nở giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Hàng ngàn chùm hoa trắng tinh với hương thơm ngan ngát đung đưa theo gió trong ánh nắng đầu hè chiếu rọi, làm bừng cả một vùng biên cương tổ quốc.

Ở miền biên cương này, không ai biết vì sao loài hoa trắng tinh với hương thơm đắm say lòng người này lại có tên là trẩu. Chỉ biết rằng, cứ đến độ tháng ba, tháng tư và kéo dài đến tháng năm hàng năm, loài hoa này sẽ bung nở sắc trắng điểm tô khắp núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Hoa trẩu có nét đẹp riêng, khác với hoa ban, hoa mận nở kiêu sa, lộng lẫy trên những cành cây trụi lá, thì trẩu lại e ấp dưới những tán lá xanh ươm. Hoa trẩu be bé, trắng xinh với những chiếc nhị vàng và cuống nhị đỏ hồng, cách xen màu của cánh hoa, của nhị hoa duyên dáng và hài hòa.

Hoa mọc thành chùm, lấp ló trong những chiếc lá to như bàn tay. Một chùm hoa trẩu có hàng trăm bông hoa nhỏ, xếp thành chùm tròn và to, được những chiếc lá ôm ấp lấy. Dưới làn gió mát, những tán lá, tán hoa rung rinh, lấp lánh một vài vệt nắng, duyên dáng, nhẹ nhàng.

Mỗi khi đến mùa hoa trẩu, có rất nhiều nhóm bạn, vượt hơn 100km đèo để từ thành phố Đông Hà đến với vùng cao Hướng Phùng, Hướng Sơn, đèo Sa Mù ở ngắm nhìn hoa trẩu. Chị Lan Phương cho biết: Chị thích cái màu trắng tinh khôi của loại hoa này, giữ núi rừng bao la, giữa màu xanh bạt ngàn thì những đóm trắng lấp lánh trong nắng chiều khiến chị mê mẩn.

Trích tiếng

Cây trẩu mọc tự nhiên ở vùng đất này, người dân thường để lấy gỗ, các bộ phận của cây trẩu được dùng làm thuốc chữa bệnh (vỏ trẩu dùng để chữa đau răng, sâu răng. Hạt dùng để chữa mụn nhọt, chốc lở), dầu hạt trẩu có thể chế làm dầu ăn...

Hoa trẩu là loài hoa mọc thành chùm, bung nở điểm xuyến trong những chiếc lá xanh tươi. Trên mỗi chùm hoa trẩu có hàng trăm bông hoa nhỏ, xếp thành chùm tròn được ôm ấp, bao bọc bởi những chiếc lá xung quanh. Khác với các loại hoa khác, hoa trẩu có sắc trắng dịu dàng, tinh khôi. Hoa trẩu với những cánh hoa trắng tinh, nhị hoa vàng có cuống nhị màu hồng đậm tạo nên sự hài hoà, thanh nhã cho loài hoa đặc trưng của núi rừng biên cương Tổ quốc.

Mọc nhiều ở miền biên cương Quảng Trị, cây trẩu vươn mình lên giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, bung nở những chùm hoa trắng tinh, rạng rỡ, làm sáng bừng cả một khoảng trời hoa nắng tháng tư. Mỗi khi có làn gió nhẹ khe khẽ thổi, những cánh hoa trẩu mỏng manh đu đưa theo làn gió quyện hương thơm vương vít, ngan ngát cứ thế mà bay xa, bay cao qua những triền đồi vạt núi.

Hoa trẩu vốn mộc mạc mà tinh khôi, đơn sơ mà thanh khiết, dưới ánh nắng đầu hè chan chát, cái tinh khôi và thanh khiết của những chùm hoa trẩu trắng dường như làm lòng ta dịu nhẹ hơn, tĩnh tại hơn, dường như làm xao xuyến cả những bước chân ta.

Ai đã đi đến miền Tây Quảng Trị đúng vào mùa hoa trẩu làm sao không khỏi xao xuyến, bâng khuâng bởi sắc trắng dịu dàng và hương thơm ngan ngát mà loài hoa đặc trưng của vùng biên cương mang lại.

Thưa quý vị và các bạn! Thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Quảng Trị đã tạo nên đặc sản có một không hai, chẳng những thơm ngon, hấp dẫn mà hương vị độc đáo của nó còn là phong vị của cả một vùng đất. Con nuốt là món ăn quê mùa mà sang cả của vùng song nước Sa Lung huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Cứ mỗi mùa hè nếu ai có dịp về với vùng quê ven sông Sa Lung thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thì rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng những tấm lưới chài cỡ lớn để bắt nuốt, một loài cùng họ với sứa nhưng sống ở nước lợ và chỉ xuất hiện nhiều vào khoảng thời gian từ tháng tư đến tháng tám trong năm.

Con nuốt sông thường nhỏ hơn sứa, kích cỡ chỉ khoảng bằng bàn tay. Khi ở dưới nước nuốt có màu trắng nhưng khi được vớt lên nó chuyển dần sang màu xanh nhạt da trời. Những năm trở lại đây, người dân vùng quê ven sông Sa Lung không chỉ chế biến nuốt thành món ăn hàng ngày mà còn biến món ăn này thành đặc sản thu hút thực khách gần xa đến thưởng thức mỗi khi hè về.

Sa Lung là một phụ lưu đổ ra sông Bến Hải và biển Đông, cho nên nước sông có vị lợ đặc trưng, vùng nước này là môi trường cho một loại nhuyễn thể sinh sôi, đó là con nuốt.

Nhiều năm gắn liền với khúc sông Sa Lung với nghề chài lưới, anh Nguyễn Văn Tân cho biết, những ngày này, nuốt sông có khá nhiều, đây cũng là thời điểm chín vụ trong thu hoạch nuốt. Mỗi ngày, gia đình anh thường đặt lưới để đánh bắt con nuốt, cho về nguồn thu đáng kể.

Đến nay, khi thấy hiệu quả từ con nuốt sông mang lại nên số người dân đánh bắt nuốt trên sông nhiều hơn, tuy nhiên, đã thành quy định đối với nghề, những con nuốt nhỏ khi bị đánh bắt sẽ được thả lại sông, để chờ cho mùa vụ kế tiếp.

Trích tiếng

Nhiều người sành ăn cho rằng, con nuốt ngon hơn con sứa và con nuốt ở vùng Sa Lung ngon hơn nhiều con nuốt sống ở vùng khác. Nuốt sau khi được vớt lên được tách phần chân với phần đầu rồi mang ra phơi nắng để cho chảy bớt nước và co nhỏ lại, sau đó rửa dưới vòi nước cho sạch cát rồi ngâm nuốt trong nước lạnh với lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn, vớt nuốt ra để ráo.

Cách thưởng thức nuốt ở Sa Lung tuy dân dã nhưng lại khá cầu kì, có con nuốt chất lượng nhưng nếu thiếu nguyên liệu ăn kèm thì không thể gọi là ngon. Để chế biến món nuốt sông đủ vị, người dân nơi đây thường thêm vào nguyên liệu ăn kèm là hoa bần. Hoa bần còn búp hoặc vừa hé nở thì được hái về, tách ra, lấy phần cánh, bỏ cùi và trái nhỏ bên trong, sau đó đem ngâm nước muối, để ráo rồi trộn chung với nuốt sông đã sơ chế. Ngoài ra, món ăn còn có thể đi kèm với rau thơm, vả, chuối chát để làm tăng hương vị món ăn và tạo được màu sắc bắt mắt.

Trong đợt hè này, chị Bùi Hoàng yến Nhi ở thành phố Đông Hà đã dẫn những người thân của mình ra đến Vĩnh Linh để thưởng thức món nuốt sông mà chị đã nghe bạn bè giới thiệu. Phải nói rằng, vượt qua cái nắng gió rát bỏng, bỏ qua ồn ào của phố thị thì miền quê nhỏ với những hàng quán ven sông, những làn gió mát từ bờ sông thổi vào khiến cho những người yêu thiên nhiên, thích khám phá như chị thật sự thư giản, thoải mái, những căn chòi nhỏ, những món quê dân dã khiến cho nhiều người bị thu hút bởi cảnh đẹp cũng như những món ngon mà vùng quê này mang lại. Chị Bùi Hoàng Yến Nhi chia sẻ:

Trích tiếng

Có rất nhiều du khách đến với xã Vĩnh Long trong đợt hè này, sau khi thưởng thức món nuốt sông ở đây đều cho rằng: “Đã từng thưởng thức món sứa, nuốt ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành trong nước nhưng nuốt ở sông Sa Lung thực sự khiến họ nhớ mãi, bởi món nuốt ở đây rất đặc biệt và không nơi nào ngon bằng được. Thích nhất là những nguyên liệu ăn kèm, là những cây trái quanh vườn và chính trên dòng sông này, giúp cho món ăn nhìn rất hấp dẫn, ăn ngon hơn.

Món nuốt sông ngon phải có nước chấm ngon. Nước chấm thường làm từ nước mắm nhĩ, bỏ thêm chút ớt, tỏi, gừng. Cũng có thể chấm nuốt với mắm ruốc pha chung với tỏi, ớt, tiêu xanh giã nhuyễn và nước cốt chanh rồi rắc thêm ít lạc rang giã nhỏ béo ngậy, thơm nồng đúng kiểu “ăn một lần nhớ mãi”. Khi ăn, thực khách kẹp nuốt sông tươi cùng hoa bần, lát chuối mỏng quẹt chút mắm ruốc, người thích ăn cay thì cắn thêm miếng ớt tươi. Vị thanh mát của nuốt sông quyện với mắm ruốc cùng các nguyên liệu đặc trưng đi kèm tạo nên một hương vị rất riêng và làm nên món ăn độc đáo của vùng đất Vĩnh Linh.

Gỏi nuốt, một món ăn không chỉ đầy hương vị qua đầu lưỡi mà còn là dấu ấn về một miền quê sinh đẹp, hiền hòa mà ai đã một lần đi qua Sa Lung đừng quên ghé lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 09/06/2021 09:55 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà