Quảng Trị du kí - Mít thấu
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Trong những hành trình của Quảng Trị du kí tuần trước, chúng ta đã cùng nhau có những trãi nghiệm thú vị với hành trình khám phá những miền quê trên mãnh đất Quảng Trị thân thương, cùng với những trải nghiệm về sự độc đáo của ẩm thực quê nhà. Trong chương trình hôm nay, hãy cùng chúng tôi đến với những vùng đất mới và tìm hiểu những điều thú vị nơi đây.

Thưa QV&CB! Di tích Nhà tù Lao Bảo hay còn gọi là Nhà đày Lao bảo nằm ở phía Tây Nam Đường 9, cạnh sông Sê Pôn, thuộc thị trấn Lao Bảo; Cách thị trấn Khe Sanh - huyện ly huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị 22 km về hướng Tây. Di tích đã được xếp hạng Quốc gia năm 1991. Hãy cùng đồng hành với Quảng Trị du kí để tìm hiểu rõ hơn về di tích lịch sử này.

Nhà tù Lao Bảo tọa lạc ở thị trấn Lao Bảo. Nguyên xưa đây là vùng đất hoang vu, rừng núi chập chùng, khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhưng Lao Bảo có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Duới thời phong kiến Lao Bảo là đồn trấn ải biên thuỳ của Nhà Nguyễn dùng để trấn giữ một phần phên dậu phía Tây của Tổ quốc, vừa dùng làm nơi lưu đày các tội đồ có án phạt nặng.

Từ khi thực dân Pháp đặt quyền bảo hộ lên đất nước Việt Nam, cùng với việc khai thác thuộc địa, trấn áp các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cách mạng, chúng đã cho xây dựng một loạt nhà tù ở nhiều nơi để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản. Chính vì thế từ khi Pháp chính thức mở Đường 9 vào năm 1904, thì sau 4 năm, chính quyền thực dân bắt tay vào việc nâng cấp Bảo Trấn Lao thời nhà Nguyễn thành nhà tù Lao Bảo năm 1908.

Lúc mới lập, nhà tù Lao Bảo chỉ có hai dãy nhà giam bằng gỗ, lợp ngói, tường trét toóc xi, gọi là Lao A và Lao B; Mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 2m có thể giam giữ được 60 tù nhân.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp miền Trung, thực dân Pháp tăng cường săn lùng, bắt bớ đàn áp cách mạng. Để phục vụ cho việc giam giữ tù nhân là đảng viên Đảng Cộng sản. Cuối năm 1934, chúng cho xây dựng thêm hệ thống nhà lao kiên cố bằng bê tông, cốt thép là lao C, D, hầm E; Toàn bộ các công trình được bao quanh bởi hệ thống tường thành kiên cố cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng.

Nhà tù Lao Bảo là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương, đã giam cầm các nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản của vùng Trung Bộ. Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như: tra tấn dã man, lao dịch nặng nề; ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn… nhà tù Lao Bảo trở thành địa ngục trần gian đối với tù nhân. Tuy nhiên, bất chấp gông cùm, xiềng xích và sự tàn bạo của bọn cai ngục; biến nhà tù thành trường học cách mạng, tôi luyện ý chí; Các thế hệ tù nhân ở đây đã liên tục đấu tranh, nhiều tấm gương hy sinh hết sức oanh liệt khiến kẻ thù khiếp sợ, buộc chúng phải lùi bước, nới lỏng chế độ tù đày.

Gần 40 năm tồn tại, nhà tù Lao Bảo đã giam cầm hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản và yêu nước. Trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng chủ chốt, tiêu biểu như: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Lê Thế Hiếu, Đoàn Lân, Trần Công Ái, Tố Hữu, Lê Chưởng…

Trãi qua hai cuộc chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Nhà tù Lao Bảo đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, nhiều công trình chỉ còn lại một phần kiến trúc. Là một người trẻ, được đến tham quan di tích lịch sử nhà tù Lao Bảo, bạn Bảo Ngọc thực sự biết ơn sự hy sinh và những gian khổ mà thế hệ cha anh đã trãi qua, ý chí kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù là bài học còn mãi mà thế hệ trẻ hôm nay luôn trân trọng và phát huy.

Trích tiếng

Nhà tù Lao Bảo là bằng chứng sống động về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Đồng thời còn là nơi phản ánh tinh thần chịu đựng, kiên cường, ý chí cách mạng to lớn và quyết tâm chiến thắng kẻ thù trong mọi tình huống của những người yêu nước và chiến sĩ Cộng sản. Là bài học quý báu trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

*****

Thưa quý vị và các bạn! Trong các món ăn dân dã của vùng quê Quảng Trị, ngoài những món như bún hến, lòng xào nghệ, bánh đúc rau câu, bánh bột lọc…rất nhiều du khách khi kể về món ngon ở vùng đất này thường nhắc đến món ăn với cái tên mít thấu. Mít thấu nghe là lạ nhưng với ai thưởng thức một lần chắc chắn khó mà quên được hương vị đậm đà của nó.

Ẩm thực Quảng Trị không thể thiếu những món ăn từ trái mít, mít có thể nấu canh, kho, luộc trong đó có món mít thấu. Mít thấu được làm từ những quả mít non cùng một ít miến, một ít da heo, một ít đậu phộng, rau sống, đậu phụ ...

Theo chị Bắc, một quán bán mít thấu ngon ở tiếng sát chợ Đông Hà cho biết: Làm mít thấu trải qua rất nhiều công đoạn, phải tỉ mỉ từng khâu một, làm thế nào để sợi miến không bị nát, mít không bị dai, cứng để mọi người thưởng thức được trọn vị

Để làm được món mít thấu ngon, đầu tiên cần phải chọn quả mít non, đem gọt vỏ, cắt múi, rửa sạch mủ rồi cho vào nồi luộc cho mít chín mềm. Sau khi mít chín vớt ra để nguội, ráo nước thì xắt thành sợi nhỏ, tiếp theo cho mít này vào chảo dầu đã phi hành sẵn cùng gia vị ớt, nước mắm....xào trong vòng 5 phút cho đến khi nhìn mít óng vàng bắt mắt là được.

Tiếp đó, lấy miến dong đem đi luộc chín rồi nhúng qua nước sôi để nguội để miến được dai, tiếp tục cho miến vào chảo dầu đã phi hành cùng gia vị để xào cho đến khi sợi miến chuyển qua màu vàng óng bắt mắt. Trong lúc này thì làm da heo, nên chọn da heo đực để tránh da quá dai, từng miếng da heo luộc chín cắt mỏng cho vào chảo dầu xào chừng 2 phút, tiếp đó cho đậu phụ đã chiên vàng vào xào cùng da heo thêm 2 phút nữa.

Sau khi đã hoàn thành các công đoạn như sơ chế mít, miến, da heo, bước còn lại là chúng ta trộn đều những thứ này lại, cho thêm một ít đậu phộng giã dập, chuẩn bị một chén nước nắm ngọt, tương ớt, rau sống để thưởng thức. 

Ở Quảng Trị, món mít thấu được nhiều gia đình chế biến như món ăn chơi những ngày cuối tuần, tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người mà món mít thấu có sự biến tấu phù hợp. Nhiều nhà hàng đưa món mít thấu làm món khai vị trong các bữa tiệc. Rất nhiều du khách lần đầu thưởng thức món ăn này, tỏ ra thích thú, bởi quả mít gắn bó với tuổi thơ và đời sống của nhiều người, những món ăn dân dã của vùng quê để lại trong họ nhiều dư vị không chỉ qua vị giác mà là cả kí ức tuổi thơ. Anh Trọng Hoàng, một du khách sau khi thưởng thức món mít thấu chia sẻ:

Trích tiếng

Mít thấu là một món ăn chơi rất dân dã, nó mang vịt ngọt của mít non, vị dai của miến, cộng thêm vị béo, giòn của da heo, đậu phụ, lạc rang cùng rau sống, ớt cay, tương...nên ăn hoài không ngán. Món ăn này đã chinh phục rất nhiều du khách khi đến vùng đất Quảng Trị. Bên cạnh đó, nếu muốn lạ miệng hơn, du khách có thể ăn món mít thấu cùng bánh bột lọc, một thứ đặc sản khác để tăng thêm phần lạ miệng. Chị Như Huyền, một người yêu thích món ăn này chia sẽ:

Trích tiếng

Tại thành phố Đông Hà, món mít thấu được bán nhiều ở các chợ như chợ phường 5, chợ Đông Hà, tuy nhiên không phải hàng quán nào cũng ngon, mà chúng ta phải tìm đến những quán đã có tiếng, có lượng khách nhất định. Đối với các bạn trẻ, đây được xem là món ăn vặt khá thú vị và hợp túi tiền. Bạn Hoàng Vân cho biết:

Trích tiếng

 Mít thấu trở thành một món ăn đặc sản của ẩm thực Quảng Trị. Vùng đất nắng gió với những món ăn giản dị như mít thấu, luôn tạo một thiện cảm đặc biệt đến mọi người thưởng thức. Nếu bạn có dịp ghé mảnh đất này đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn ngon dân dã từ mít trong đó có món mít thấu thật đậm đà khó quên bạn nhé.

Chào kết

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 17/08/2022 16:46 Lê Vĩnh Nhiên 18/08/2022 08:12
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà