Quảng Trị du kí
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Thưa QV&CB! Tại Quảng Trị, những năm trở lại đây, du lịch từ những sản phẩm nông nghiệp đang là một trong những xu hướng phát triển mới của địa phương. Tuy còn trong giai đoạn đầu thử nghiệm nhưng những mô hình như cánh đồng hoa hướng dương ở xã Gio An, huyện Gio Linh; vườn hoa tam giác mạch ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong hay vườn cúc họa mi, hoa dã quỳ ở huyện Hướng Hóa …đang vẽ nên những sắc màu tươi mới, gắn kết du lịch với sản phẩm nông nghiệp đặc thù mang bản sắc riêng, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Và vào thời điểm này, Quảng Trị du kí muốn giới thiệu đến quý vị và các bạn một điểm du lịch mới, đó là tham quan vườn dưa hấu leo giàn ở Triệu Độ, nơi mà có rất nhiều du khách tìm đến vào những dịp cuối tuần, trong tiết trời nóng bức của những ngày hè này. Hãy đồng hành cũng  PTV .......trong 10 phút của chương trình tuần này.

*****

Là một người có đam mê với đồng đất quê mình, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Nguyễn Mạnh Tuấn ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương để tang hiệu quả kinh tế trên từng diện tích đất trồng của mình. Đặc biệt, nhận thấy dưa hấu Triệu Độ xưa nay thơm ngon có tiếng, muốn xây dựng thương hiệu riêng cho dưa hấu trong vùng, anh Tuấn quyết định dành 3 sào đất để trồng giống dưa hấu Mỹ theo hình thức cho leo giàn.

Đây là hình thức trồng mới nên bước đầu cũng phải trãi qua nhiều lần trồng thử nghiệm, rút ra những kinh nghiệm để trồng đại trà. Quá trình trồng dưa hấu leo giàn cũng rất kì công, phải thường xuyên cung cấp đủ nước, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, bón phân, tỉa nhánh, định hướng dây cho cây leo, thụ phấn, chọn trái rất kỹ lưỡng. Khi vườn dưa chuẩn bị chín rộ, anh Tuấn tiến hành trang trí, tạo ấn tượng ở tất cả các luống dưa như xây dựng cổng chào vườn dưa, làm các tiểu cảnh, sử dụng những chiếc nón, chong chóng và bóng nhựa đủ màu sắc rực rỡ kết thành từng hàng dây treo khắp các luống dưa, dựng các lán trại nhỏ để khách ngồi nghỉ, thưởng thức dưa do chính tay mình thu hoạch… Thông qua mô hình này, anh Tuấn muốn quảng bá với du khách gần xa về dưa hấu Triệu Độ chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trích tiếng

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 100 lượt du khách đến tham quan vườn dưa và thưởng thức dưa tại vườn. Thông qua trang facebook, trang thông tin giới thiệu cảnh đẹp của Quảng Trị, vườn dưa hấu leo giàn ở Triệu Độ đã được du khách xa gần đón nhận và có những phản hồi tích cực. Chị Trương Thị Thuyên, du khách đến từ huyện Gio Linh cho biết: Thật là thú vị khi ở vùng nông thôn có một vườn dưa thoáng, đẹp mắt, sản phẩm chất lượng. Đến đây chúng tôi rất thích thú bởi không gian yên bình, được thỏa sức ngắm những trái dưa hấu treo lủng lẳng và thưởng thức trực tiếp loại quả này ngay tại vườn. Mô hình du lịch vườn dưa hấu của anh Tuấn bước đầu khả thi, tạo động lực cho anh duy trì và có kế hoạch thực hiện các dự án tiếp theo. Vào những ngày cuối tuần, lượt khách đến tham quan và thưởng thức vườn dưa ra vào tấp nập hơn, sau khi tham quan và thưởng thức dưa, mỗi người đều chọn cho mình một góc sống ảo, lưu giữ lại cho mình nhiều kỉ niệm với vườn dưa.

Trích tiếng

Mỗi địa phương đang chọn cho mình một cách làm mới để phát triển du lịch, trong đó, làm du lịch từ sản phẩm nông nghiệp đang được các địa phương chú trọng khai khác nhằm thực hiện có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng có của địa phương mình. Và vườn dưa hấu leo giàn của anh Tuấn đã tạo thêm nét đẹp cho vùng quê thuần nông Triệu Độ, góp phần làm phong phú loại hình du lịch cộng đồng ở Quảng Trị. Nếu chưa biết đi đâu trong dịp hè này, thì tham quan vườn dưa hấu leo giàn ở Triệu Độ là lựa chọn các bạn nên quan tâm, chúng tôi tin, khi đến đó, các bạn sẽ không phải nuối tiếc.

                                      *****

Thưa quý vị và các bạn! Đến với huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều vùng đất xanh buốt mắt, nhiều bến sông quê êm đềm khi chiều xuống, cảnh sắc và lòng mến khách của con người nơi đây, khiến cho du khách không muốn rời xa. Và một trong những điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến với huyện Hải Lăng đó là vùng đất 7 càng, những ốc đảo bình yên của vùng quê hồn hậu. Hãy cùng chúng tôi trãi nghiệm vùng đất này nhé

Dòng sông Ô Lâu thơ mộng là ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đất càng quanh con sông Ô Lâu từ lâu được mệnh danh là miền sông nước của vùng trũng Hải Lăng, vùng đất bảy Càng bao gồm Càng An Thơ, Cây Da, Hưng Nhơn, Hội Điền, Mỹ Chánh, Câu Nhi và Trung Đơn. Mỗi càng có trên dưới 30 hộ gia đình sinh sống, trong đó nhỏ nhất là càng Hưng Nhơn với gần 20 hộ gia đình. Càng là những rẻo đất xâm xấp nước hoặc chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục centimet, nằm trơ trọi giữa đồng, cách xa làng mạc… Vào mùa mưa, những vùng đất này được bao quanh bởi nước, chẳng khác gì một miền Tây Nam bộ thu nhỏ của Quảng Trị.

Anh Nguyễn Như Khoa, một người dân ở Hưng Nhơn lý giải về việc tại sao gọi những xóm nhỏ ấy là “Càng” mà không gọi là “Làng”? Tương truyền, cách nay hơn 500 năm về trước, để mở mang không gian sản xuất, sinh hoạt bà con thuộc các xã Hải Thọ, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Thành (Hải Lăng) đã đến phần đất ruộng thấp trũng phía sau làng, cạnh bờ sông Ô Lâu để sinh cơ lập nghiệp. “Càng là một nhóm nhỏ đại diện của làng để ra giữ đất cho làng”. Mường tượng nôm na, làng như thân con cua, còn càng vươn ra để bảo vệ thân.

Trích tiếng

Càng vào một ngày nắng hè chói chang, khi lúa vụ hè thu vẫn đang còn xanh mơn mởn. Màu xanh của lúa làm cái nắng chói chang giữa những ngày hè dịu đi phần nào. Nhìn từ xa, mỗi càng như một ốc đảo nổi lên trên nền xanh mượt mà của lúa. Đứng trên con đường ngăn lũ nhìn về Càng Cây Da sẽ thấy một cảnh tượng bình yên, thơ mộng hiện ra trước mắt. Nơi đó có cây cầu cong cong băng qua con sông nhỏ dẫn tới nhà thờ mái đỏ thấp thoáng sau rặng cây. Trên dòng sông, đàn vịt ung dung thả mình trôi theo dòng nước…

Cũng bởi Càng chỉ cách mặt ruộng vài chục centimet, nên chỉ một cơn mưa nặng hạt là đường đã bập bõm nước. Chưa kể mùa lụt, nước dâng vào nhà, bà con hoặc phải vào làng chính, hoặc trèo lên tra (làm bằng gỗ, sát mái nhà) để trú ẩn. Năm nào lụt cũng ghé thăm, nhưng bà con nơi đây dường như đã “quá quen” với lũ, và luôn sống hòa thuận với con nước bạc. Bởi nước lũ về mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng và bà con kiếm thêm thu nhập nhờ những con cá con tôm.

Xưa kia, làng cử người dân ra lập càng để giữ đất ruộng cho làng, chính vì thế càng nào cũng có một làng góc. Càng Hưng Nhơn, nơi có cậu chuyện lập làng, lập càng gắn với câu chuyện đá thiêng, ông Vũ Văn Ơn, một trong những người cao tuổi ở làng cho biết:

Trích tiếng

Ngày qua ngày, cuộc sống của người dân vùng Càng cứ thế trôi qua rất bình dị. Cái không tiện nghi như phố thị khiến co tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn luôn có nhau, như mọi người thường nói, Càng thiếu đủ thứ, duy chỉ có tình người là luôn đong đầy. Bà con luôn đùm bọc, bảo vệ nhau không kể là ngày thường hay khi mùa lụt tới. Trong Càng ai có sự vụ gì, bà con đều tới phụ việc, giúp đỡ như người trong một nhà. Ngẫm thấy rằng, cuộc sống dù thiếu thốn, và luôn chống chọi với nhiều rủi ro từ thiên nhiên, nhưng nếu con người học cách “chấp nhận”, “sống chung”, và “trân trọng” những điều đang có thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn rất nhiều. 

Quê hương - mỗi mảnh đất, mỗi mảnh hồn làng đều mang trong mình một ký ức, một dáng hình khác nhau, nhưng tựu chung lại, đó là nơi tất cả những ai đã đi xa đều luôn hướng về và muốn trở về để lánh đi cuộc sống vồn vã tấp nập ngoài kia. Đến Càng, dù không sinh ra và lớn lên ở nơi này, bạn vẫn có cảm giác muốn ở lại, muốn trở về - bởi Càng là những ốc đảo bình yên.

Chào kết.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 30/06/2021 09:16 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà