TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI: Hỗ trợ rừng cộng đồng quản lý đạt chứng nhân rừng FSC
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi

(Hỗ trợ rừng cộng đồng quản lý đạt chứng nhân rừng FSC; quản lý tốt điểm du lịch thác Chênh Vênh; Cán bộ trẻ đảm nhiệm chức vụ chủ chốt)

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang theo dõi Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin mời đồng bào và các bạn theo dõi một số nội dung sau: Mở đầu chương trình là phóng sự phản ánh về công tác hỗ trợ nhóm hộ quản lý rừng cộng đồng tại các xã Hướng Sơn, Hướng Phùng đạt chứng nhân rừng FSC; tiếp đó là phản ánh về việc làm thế nào để quản lý và khai thác bền vững điểm du lịch thác Chênh Vênh tại xã Hướng Phùng; Thời lượng còn lại của chương trình là ghi nhận của phóng viên chương trình về công tác cán bộ qua phóng sự khi cán bộ trẻ đảm nhiệm chức vụ chủ chốt ở các xã vùng cao.

Sau đây là nội dung chương trình.

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của Dự án y tế Hà Lan Việt Nam (MCNV) nhiều hộ dân và nhóm hộ ở các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn đã được giao quản lý rừng tự nhiên và khai thác lâm sản ngoài gỗ. Dưới sự quản lý của cộng đồng, rừng tự nhiên đã được bảo vệ ngiêm ngặt, giá trị tài nguyên rừng, giá trị bảo tồn, trữ lượng gỗ và lâm sản ngoài gỗ ngày một phát triển. Để chất lượng quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao, MCNV đã phối hợp với Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng, các chuyên gia tại Đại học Nông lâm, Đại học Khoa học Huế xây dựng kế hoạch hỗ trợ thực hiện đánh giá FSC đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng và hộ gia đình quản lý nhằm vừa cải thiện chất lượng công tác quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, vừa góp phần nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ để cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực vùng đệm.

Hỗ trợ rừng cộng đồng quản lý đạt chứng nhân rừng FSC

Năm 2005, thực hiện Đề án giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cộng đồng để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được giao trên 774ha và 20 hộ gia đình trong thôn được giao theo nhóm hộ  trên 280ha rừng tự nhiên. Từ khi được Nhà nước giao rừng tự nhiên đến nay, cùng với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động tuyên truyền, vận động của các ban, ngành chức năng của xã và Kiểm lâm địa bàn về lĩnh vực lâm nghiệp thường xuyên được thực hiện nên ý thức của bà con nhân dân ngày một nâng lên, đã nhận thức được vai trò, tác dụng to lớn của rừng mang lại nên các hoạt động như khai thác gỗ, săn bẫy động vật hoang dã, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác nương rẫy…đã giảm dần hằng năm. Cũng tương tự như thôn Chênh Vênh, cộng đồng thôn Hồ xã Hướng Sơn cũng được giao quản lý, bảo vệ gần 1000ha rừng tự nhiên, sau khi được giao công tác tuần tra, chăm sóc và bảo vệ rừng đã được hộ và nhóm hộ tích cực triển khai. Việc chặt phá, khai thác lâm sản trái phép được nghiêm túc xử lý và công khai trong cộng đồng. Đặc biệt, tuần tra định kỳ hàng tuần và cảnh giác phòng chống cháy rừng trong mùa đốt nương rẫy được các hộ chủ rừng đặc biệt quan tâm.  Diện tích rừng tự nhiên đã giao được quản lý, bảo vệ tốt. Trên diện tích rừng được giao, các nhóm hộ, hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng cây ngoài lâm sản trong sinh hoạt, chữa bệnh, chăn nuôi, về lâu dài người dân được quyền khai thác khi sản lượng gỗ vượt tiêu chuẩn đề ra. Cùng với đó, nhờ việc bảo vệ rừng, nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của địa phương luôn được đảm bảo. 

Anh Hồ Văn Liễu

Thôn Hồ, Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

Trong những năm qua, tổ bảo vệ rừng thôn Hồ đã làm tốt các nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, hình thức tuần tra là phân công thành hai tổ bảo vệ, một ban giám sát và một ban quản lý. Với sự kiện toàn bộ máy như vậy, công tác tuần tra rừng đã được thực hiện thường xuyên, một tháng thực hiện hai đến ba lần tuần tra, kiểm soát. Qua việc tuần tra kiểm tra như vậy rừng đã được bảo vệ tốt, người dân được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, được khai thác lâm sản ngoài gỗ như mây tre, các loại thực phẩm như măng, đoác từ rừng.

Nhằm tạo sinh kế cho người dân sinh sống trên địa bàn thôn, năm 2020 Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCMV), văn phòng tại Quảng Trị đã phối hợp với UBND xã Hướng Phùng, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả như: Xây dựng các tổ quần chúng bảo vệ rừng cộng đồng, hỗ trợ giếng khoan để cung cấp nước sạch, phát triển rừng bằng cách hỗ trợ 70 hộ gia đình trồng mới gần 120ha cây Trẩu và cây Lõi thọ. MCNV cũng mời chuyên gia tư vấn từ Trường Đại học Nông Lâm Huế và Trường Đại học Khoa học Huế, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng phối hợp với cộng đồng thôn để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Đồng thời, MCNV đã có kế hoạch hỗ trợ thực hiện đánh giá FSC đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng và hộ gia đình quản lý nhằm vừa cải thiện chất lượng công tác quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, vừa góp phần nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ để cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực vùng đệm.

Việc đầu tiên khi xây dựng phương án hỗ trợ thực hiện đánh giá FSC là việc đánh giá tác động môi trường, xã hội; đánh giá trữ lượng lâm sản ngoài gỗ, đánh giá giá trị bảo tồn của rừng. Sau khi xây dựng phương án đánh giá thì sẽ xây dựng phương án bảo vệ rừng, phương án sinh kế bền vững với các nội dung như tham vấn cộng đồng, xây dựng mục tiêu quản lý, khai thác lâm sản ngoài gỗ, nâng cao giá trị sinh kế, nâng cao vai trò bảo vệ môi trường của rừng tự nhiên.

Tiến sỹ Ngô Tùng Đức

Giảng viên Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm Huế

Mục đích của việc tham vấn cộng đồng trước khi thực hiện tư vấn đánh giá cấp chứng chỉ rừng là để thấy được vai trò của rừng cộng đồng đối với đời sống bà con. Trong quá trình sinh sống thì có tác động gì đến tài nguyên rừng, đặc biệt là vấn đề môi trường. Những tác động này có tích cực và tiêu cực, những yếu tố tích cực thì phát huy, động viên để bà con bảo vệ rừng tốt hơn và hỗ trợ phát triển sinh kế, những tác động tiêu cực thì hạn chế. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy rừng cộng đồng được bảo vệ tốt, người dân tham gia đầy đủ, nhận thức được rừng là tài sản nhà nước giao bảo vệ, họ có trách nhiệm quản lý bảo vệ mà không đòi hỏi nhiều về kinh phí thù lao chi trả. Thứ hai là việc tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện tốt, phân công trách nhiệm cụ thể, các tổ nhóm thực hiện đúng theo quy định và có thông tin cho nhau. Đặc biệt vai trò của người phụ nữ trong việc quản lý, bảo vệ rừng cũng được đề cao, tạo sự thay đôi nhận thức của bà con. Thứ ba là tài nguyên rừng, trữ lượng lâm sản ở đây được bảo vệ tốt, không bị xâm hại, nguồn lâm sản ngoài gỗ được sử dụng vào hoạt động đời sống rất nhiều.

Đây là lần đầu tiên, rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được xây dựng kế hoạch hỗ trợ đánh giá đạt tiêu chuẩn FSC, do vậy các bước để hình thành bộ tiêu chuẩn đánh giá phải được xây dựng dần dần. Đầu tiên là việc tăng cường truyền thông, tuyên truyền bằng tờ rơi, áp phích, tăng cường thông tin trong các buổi họp dân; tiếp đó là đẩy mạnh xây dựng và kiện toàn ban quản lý rừng cộng đồng, ban giám sát rừng cộng đồng và tổ bảo vệ rừng; Xây dựng quy chế hoạt động với các bộ tiêu chí riêng để việc vận hành và quản lý rừng tự nhiên đạt hiệu quả.

Với đặc thù là việc lần đầu tiên đánh giá rừng tự nhiên theo tiêu chuẩn FSC, nên ngoài việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cần phải đạt được các yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường thì các tiêu chí về giá trị bảo tồn, phương án sinh kế cho cư dân bản địa là những nội dung cần được tính đến khi xây dựng phương án đánh giá rừng tự nhiên đạt tiêu chuẩn FSC. Đặc biệt để việc đánh giá đạt hiệu quả thì các nội dung liên quan đến việc khai thác và sử dụng sản phẩm lâm sản ngoài gỗ là nội dung cần được quan tâm hàng đầu, vì nó liên quan mật thiết đến đời sống người dân, tạo sinh kế bền vững giúp người dân gắn bó bền vững với rừng. Do đó việc khai thác và phát triển mang tính bền vững đối với các lâm sản ngoài gỗ nhằm phát triển sinh kế ở địa phương cần có sự phát triển chuỗi liên kết thị trường bền vững, đảm bảo thị trường đầu ra cho các sản phẩm địa phương và có sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng và doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Đình Đại

MCNV khu vực Miền Trung

Tính đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị giao cho khoảng 100 cộng đồng quản lý với diện tích khoảng 13.500 ha. Theo đánh giá của chúng tôi thì việc giao rừng cho cộng đồng quản lý có nhiều tác động tích cực đó là giữ được diện tích rừng. Tuy nhiên việc tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo hiện nay rừng cộng đồng có tác động rất thấp, do đó việc giao rừng cho cộng đồng chưa hài hoà với lợi ích môi trường, kinh tế, xã hội, về lâu dài thì sẽ không bền vững. Vì vậy với vai trò của dự án, chúng tôi xác định cơ hội nào cho các rừng cộng đồng giúp người dân cân bằng được lợi ích về môi trường với kinh tế, xã hội. Qua quá trình làm việc chúng tôi nhận thấy tiềm năng của lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ hệ sinh thái, các dịch vụ cảnh quan trong rừng. Sau khi làm việc với các bên liên quan chúng tôi đề xuất đưa vào đánh giá quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC.

Hiện tại chính quyền địa phương, MCNV, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị và các chuyên gia đến từ Đại học Huế đang tích cực xây dựng phương án hỗ trợ để rừng tự nhiên tại thôn Chênh Vênh xã Hướng Phùng và thôn Hồ xã Hướng Sơn đạt tiêu chuẩn FSC. Việc đạt chuẩn FSC bên cạnh những lợi ích như giúp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng, chứng minh trách nhiệm giữa tổ chức và con người với xã hội; giúp giảm thiểu các lãng phí về sử dụng tài nguyên rừng, và các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn mác FSC có giá trị kinh tế cao cho người dân trồng rừng; giúp cho các sản phẩm có giá trị cao trên thị trường và được nâng cao các giá trị đó cạnh tranh với các sản phẩm khác, và có thể sử dụng nhãn FSC để quảng cáo các sản phảm của mình thì giá trị thiết thực nhất của việc đạt chuẩn FSC là các sản phẩm hình thành từ lâm sản ngoài gỗ mà các nhóm hộ đang sản xuất sẽ có những bước tiến mới, nâng cao giá trị trên thị trường, có thể vươn tầm quốc tế và từ đó sẽ nâng cao đời sống cho những nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Đình Đại

MCNV khu vực Miền Trung

Nếu đánh giá thành công chứng chỉ này thì đây sẽ là lần đầu tiên tại Việt Nam rừng cộng đồng được đánh giá chứng chỉ FSC cho lâm sản ngoài gỗ, và sẽ tạo ra cơ hội cho chuỗi cung ứng bền vững lâm sản ngoài gỗ, mà việc cung ứng này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua nguyên liệu có chứng chỉ FSC, điều đó sẽ giúp người dân tăng thêm giá trị gia tăng đối với lâm sản ngoài gỗ. Vì thực tế hiện tại việc thu nhập qua việc cung ứng lâm sản ngoài gỗ như tre, mây trong chuỗi cung ứng là rất nhỏ, trong khi thu nhập từ chuỗi rơi vào tay các tác nhân khác. Do vậy làm thế nào giúp người dân tăng giá trị gia tăng và tham gia chuỗi cung ứng bền vững, và đó là mục tiêu của dự án chúng tôi.

Để đạt được chứng nhận rừng đạt chuẩn FSC, cần rất nhiều bước thẩm định từ phía các cơ quan chuyên môn. Hiện tại chính quyền địa phương, MCNV, hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng và nhóm hộ quản lý rừng cộng đồng đang nỗ lực thực hiện các bước để tiến hành thẩm định trong thời gian tới. Lợi ích từ việc đạt chứng chỉ FSC là rất lớn, tuy nhiên điều được kỳ vọng và hiện hữu nhất khi đạt chứng nhận là những sản phẩm hình thành từ lâm sản ngoài gỗ như dầu trẩu, mỹ nghệ tre sẽ nâng cao giá trị trên thị trường, qua đó giúp cuộc sống của hộ và nhóm hộ quản lý rừng cộng đồng ổn định hơn và lâu dài đó chính là sinh kế để cộng đồng bảo vệ rừng bền vững hơn./.

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và các bạn, thác Chênh Vênh thuộc địa phận xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa là một điểm du lịch vừa mới được khai thác, và đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách khi khám phá tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Sau khi trở thành điểm du lịch được yêu thích, một vấn đề đang đặt ra là việc khai thác, bảo vệ môi trường xung quanh thác Chênh Vênh. Bên cạnh đó do nằm giữa vùng rừng do cộng đồng quản lý nên việc bảo vệ và khai thác du lịch cần tuân thủ những yêu cầu ngiêm ngặt. Nhằm bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh thác, nhóm quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đã thành lập tổ quản lý, bảo vệ cảnh quan thác Chênh Vênh, trách nhiệm của nhóm là thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cảnh quan nhằm khai thác du lịch một cách bền vững.

Khai thác bền vững điểm du lịch thác Chênh Vênh

Nằm khuất trong khu rừng tự nhiên do cồng đồng quản lý, thác Chênh Vênh là một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi khám phá du lịch vùng phía Bắc Hướng Hóa. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, ngược suối khoảng gần một km sẽ đến khu thác Chênh Vênh. Bên trong thác có một nơi được gọi là thác Mẹ. Đó mới chính là điểm dừng cần tới. Muốn đi vào thác Mẹ, có thể lựa chọn đi dọc 2 bên bờ suối, hoặc nhanh nhất là leo qua 1 tảng đá cực lớn nằm chắn ngang giữa dòng. Thác Mẹ hiện ra trước mắt là một thác nước cao khoảng 20m, đổ những dòng nước trắng xóa xuống hồ. Dưới chân thác Mẹ là một hồ nước rộng, sâu và xanh ngắt một màu. Bao quanh thác Mẹ là những bức tường đá, rải rác những khóm cây chằng chịt mang đến vẻ hoang sơ. Ngay sau khi được đưa vào khai thác, rất nhiều du khách chọn đây làm điểm dừng chân trong mùa hè. Số lượng du khách đến đây rất đa dạng, đi theo gia đình, theo nhóm hoặc du lịch riêng lẻ.

Tuy nhiên sau một thời gian đi vào hoạt động, một số vấn đề bắt đầu nảy sinh ảnh hưởng đến việc khai thác bền vững thác Chênh Vênh. Đầu tiên là khu thác nằm trong vùng rừng do cộng đồng quản lý nên khi đến tham quan, du lịch du khách cần tuân thủ ngiêm ngặt các yêu cầu về vấn đề quản lý rừng cộng đồng, không được đốt lửa, không phá hoại cây cối, đặc biệt là ngiêm cấm việc xả rác bừa bãi. Mặc dù quy định là vậy nhưng vấn có một bộ phận du khách không tuân thủ các yêu cầu của tổ bảo vệ rừng, vẫn tổ chức đốt lửa ăn uống bừa bãi, xả rác xuống lòng suối và ven rừng, việc này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan. Hiện tại các nhóm bảo vệ rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đang duy trì việc quản lý và vệ sinh môi trường khu vực thác.

Anh Hồ Văn Quyết

Tổ bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Thác nằm trong khu vực do ban quản lý rừng phụ trách do vậy việc dọn dẹp vệ sinh bảo vệ cảnh quan khi có khách tham quan được anh em trong tổ thay nhau thực hiện. Bên cạnh việc dọn dẹp vệ sinh chúng tôi cũng nhắc nhở du khách chú ý không có các hoạt động xâm hại rừng, tắm thác thì không xả rác bừa bãi để cùng bảo vệ cảnh quan chung.

Tuy nhiên việc quản lý có tính chất tự phát và thiếu bài bản nên môi trường cảnh quan khu vực thác còn bị ảnh hưởng, hiện tượng xả rác bừa bãi, đốt lửa trong rừng vấn diễn ra. Việc cần thiết là phải có sự hỗ trợ ban quản lý rừng cộng đồng có kiến thức về khai thác du lịch, có kỹ năng quản lý khu du lịch, biết cách xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện tại dưới sự hỗ trợ của Dự án Y tế Hà Lan Việt Nam (MCNV), ban quản lý rừng thôn Chênh Vênh khai thác dịch vụ du lịch thác Chênh Vênh, cụ thể đã tiến hành xây dựng một số chòi lá làm điểm dừng nghỉ, cắt cử nhau trực dọn dẹp vệ sinh, cảnh báo nguy hiểm, trực ứng cứu khi có tình huống nguy hiểm xảy ra và tiến hành thu phí quản lý đối với du khách.

Anh Nguyễn Thanh Tùng

Điều phối viên Dự án MCNV tại Quảng Trị

Thông qua hoạt động hỗ trợ chúng tôi mong muốn ban quản lý rừng cộng đồng có năng lực quản lý tốt hơn trong việc quản lý bền vững du lịch, đặc biệt là nâng cao nhận thức đối với du khách đến tham quan. Thứ hai thông qua hoạt đồng này ban quản lý rừng thôn Chênh Vênh có thêm điều kiện tăng thu nhập, vừa phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng vừa sử dụng chi trả cho người làm dịch vụ ở thác. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những phương án hỗ trợ tập huấn cho các thành viên ban quản lý rừng cộng đồng, ngoài ra đưa một số thành viên đi tham quan một số mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh để giúp cho bà con có thêm kiến thức quản lý, khai thác du lịch một cách bền vững.

Nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa được thiên nhiêu ưu ái ban tặng nhiều cảnh sắc, trong đó có những thác nước đẹp như: Xy La, Chênh Vênh, Tà Puồng, Tà Đủ, Rào Quán… Hầu hết thác nước này đều nằm hoang sơ giữa núi rừng, gần đây mới được biết đến rộng rãi. Chính điều đó đã khơi gợi thêm trí tò mò, mong muốn khám phá, trải nghiệm của cả người dân địa phương lẫn du khách gần xa. Tuy nhiên việc quản lý và khai thác các điểm du lịch này không thể tiến hành ngày một, ngày hai mà cần sự vào cuộc một cách tích cực của chính quyền các cấp, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đầu tư khai thác, tăng cường công tác xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho các địa điểm du lịch. Đặc biệt là phát huy vai trò của cư dân bản địa bằng cách hỗ trợ kiến thức, kỹ năng quản lý du lịch nhằm khai thác các điểm du lịch khám phá này một cách hiệu quả, bền vững và an toàn.

Dẫn 3:

Thưa đồng bào và các bạn! Một trong số nhiều Chương trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội XVII – nhiệm kỳ 2020 – 2021 Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cũng đã xác định là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã”, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và quyết định đến tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tại cơ sở. Thực tế tại huyện Hướng Hóa, cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị bỡi chính họ là những hạt nhân tiêu biểu và là người trực tiếp góp phần tổ chức đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

Khi cán bộ trẻ đảm nhận chức vụ chủ chốt cấp xã ở vùng cao

Sinh năm 1990, Anh Hồ Văn Ngoai hiện đã bước vào nhiệm kỳ công tác thứ hai trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã A Dơi. Ngoài tiêu chí  đảm bảo đáp ứng được các yếu tố của một cán bộ chủ chốt cấp xã về trình độ học vấn, lý luận chính trị, ở vị bí thư Đảng ủy xã trẻ nhất tỉnh Quảng Trị này luôn toát lên sự năng động, sáng tạo và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghèo khó của quê hương nên nỗ lực hết mình vì sự đổi thay của đời sống của bà con, của bản làng.

Anh Hồ Văn Oai

Bí thư Đảng ủy xã A Dơi, Hướng Hóa, Quảng Trị

Với cán bộ trẻ thì việc đầu tiên là phải sâu sát với đời sống bà con, có những có những sáng kiến cụ thể giúp bà con có thêm thông tin, kiến thức, nói bà con phải nghe và phải hiểu. bên cạnh đó mình cũng phải biết lắng nghe. Với bản thân tôi trong thời gian qua cũng có nhiều trăn trở vì đời sống bà con còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu do vậy trong thời gian tới bản thân phải làm sao giúp bà con xoá được đói, giảm được nghèo.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là một trong những nội dung trọng tâm mà Ðảng bộ huyện Hướng Hóa luôn chú trọng, trong đó trẻ hóa đội ngũ này là một tiêu chí ưu tiên. Có sức trẻ, có năng lực chuyên môn, am hiểu về phong tục, tập quán, thông thạo địa hình, ngôn ngữ đã giúp cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi của địa phương.

Anh Hồ Văn Chung

Chỉ tịch UBND xã Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị

Bản thân tôi cùng với đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn cùng nhau hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn tìm ra những giải pháp phát triển kinh tế. Tôi cũng rất tin tưởng đội ngũ cán bộ trẻ địa phương cùng với bản thân tôi tìm ra những giải pháp cụ thể giúp bà con xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Chúng tôi cũng tập trung vận động tuyên truyền để bà con nắm và hiểu những chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho địa phương.

Hiện 100% cán bộ chủ chốt là bí thư, Chủ tịch tại các xã thị trấn của huyện Hướng Hóa đạt trình độ đại học và trong số đó có hơn 60% cán bộ trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x. Mỗi cán bộ chủ chốt cấp xã luôn có chương trình hành động chi riêng mình vì sự đi lên của quê hương nhưng với mỗi cán bộ trẻ, họ luôn cho những bước đi sáng tạo, dự đinh táo bạo và thể hiện được sự đột phá trong quá trình công tác của mình với vai trò  “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Nỗ lực của những cán bộ trẻ ấy đã và đang góp phần mang lại đổi thay cho một vùng cao còn nhiều khó khăn.

Bà Hồ Thị Thu Hằng

Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Hướng Hóa

Khi mà tin tưởng và kỳ vọng trao nhiệm vụ cho đội ngũ trẻ chủ chốt này, Thường vụ huyện uỷ nhận thấy quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình của Đảng và chính quyền các cấp thì nhận thấy đội ngũ này thực hiện kịp thời và hiệu quả. Đội ngũ này cũng biết lắng nghe và kế thừa những kết quả của thế hệ đi trước cũng như thường xuyên biết tranh thủ ý kiến của các già làng, trưởng bản, người uy tín để từ đó rút ra những bài họ kinh ngiệm áp dụng hiệu quả vào thực tiễn địa phương.

Với Hướng Hóa thì trước đây có nhiều cái nhất: cao nhất, nhiều điểm xa nhất, khó đi nhất, nghèo nhất, chịu khó nhất và cũng  anh hùng nhất”.  Bây giờ, nhìn tổng quan, đã thấy được sự khó khăn không còn “ nhất nữa” mà nghèo đói nhiều nơi đã và đang được thay bằng cuộc sống no đủ. Sự đổi thay ấy có đóng góp không nhỏ từ những người con của bản – cán bộ chủ chốt của bản, nhất là khi những người con ấy luôn khát vọng và nỗ lực vì sự phát triển của quê hương./.

 

CHÀO CUỐI

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 08/07/2021 10:55 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:36
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà