TẠP CHÍ DTMN: XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ THEO HƯỚNG HÀNG HÓA
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi 10/10

(Chú trọng hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa; Hoạt động giao thương của cư dân biên giới gặp khó khăn do dịch bệnh; Đakrông Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về phòng, chống dịch Covid-19)

 

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang theo dõi Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị, trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn một số nội dung sau: Hoạt động giao thương hai bên biên giới Việt - Lào ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid- 19. Chú trọng hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa ở huyện miền núi Hướng Hóa. Thời lượng còn lại của chương trình là phóng sự về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy Quảng Trị về phòng chống Covid-19 tại huyện miền núi Đakrông. Sau đây là nội dung chương trình.

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn! Nhằm chủ động phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị và phía nước bạn Lào đã tạm dừng giao thương tại 4 cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới. Công tác chống dịch trên tuyến biên giới được các lực lượng chức năng siết chặt đồng nghĩa với việc nông dân ở các xã vùng biên không thể qua Lào để chăm sóc hay thu hoạch nông sản như: chuối, sắn. Ngoài ra, hoạt động trao đổi hàng hóa thiết yếu trên đất bạn Lào của các tiểu thương nhỏ lẽ không thể hoạt động. Việc giao thương hàng hóa, nông sản bị ngưng trệ khiến nhiều lao động giảm thu nhập, mất việc làm. Hiện nay, các ngân hàng thực hiện việc giãn nợ, giảm lãi hoặc khoanh nợ cho bà con là điều đáng mừng. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những giải pháp sát thực hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho cư dân biên giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và kéo dài.

Hoạt động giao thương của cư dân biên giới gặp khó khăn do Covid - 19

          Cũng như nhiều hộ dân tại xã Tân Long, huyện Hướng Hóa sang Lào để thuê đất trồng chuối, gần 2 năm nay gia đình ông Đỗ Văn Thành ở thôn Long Thành không thể sang nước bạn để chăm sóc vườn. Trước khi dịch Covid - 19 xảy ra ông có khoảng 11 hecta chuối tại bản A Xing huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, do dịch bùng phát ngành chức năng 2 nước siết chặt biên giới nên giờ đây ông đành chấp nhận đứng nhìn vườn chuối cỏ mọc ùm tùm, không ai chăm sóc. Không chỉ riêng gia đình ông Thành mà hàng trăm hộ dân ở các xã Thanh, Thuận, Lìa, Tân Thành, huyện Hướng Hóa  qua Lào thuê đất trồng chuối đều chịu cảnh tương tự.

 Ông Đỗ Văn Thành

Thôn Long Thành, Tân Long,  Hướng Hóa, Quảng Trị

Khoảng một năm trước, điều kiện đi lại còn thuận tiện, chưa dịch bệnh việc giao thương buôn bán thu nhập cũng ổn định. Nhưng thời điểm này, dịch bệnh phức tạp, bà con thất thu về nguồn thu từ chuối.

Ông Võ Hoành

Thôn Long Thành, Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đối với bà con các xã vùng biên, bà con đất đai sản xuất ít, phải qua Lào thuê đất trồng chuối, nhưng giờ dịch bệnh kéo dài, qua lại biên giới quá khó khăn, Nông sản làm ra không mang về được, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, điểm đặc biệt nữa là bà con chủ yếu độc canh cây chuối nên sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con.

Nhiều năm qua, vùng chuối Hướng Hóa xuất hàng ngàn tấn chuối đi Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc qua các cửa khẩu bị ngưng trệ khiến người dân trồng chuối ở Hướng Hóa lao đao vì giá chuối tụt dốc. Trong khi đó, lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm bởi các lễ hội trong nước tạm dừng tổ chức; nhà hàng, quán ăn đóng cửa.

 Chị Nguyễn Thị Thanh

Thôn Long Hợp, Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị

Thông thường sản phẩm của tôi đi Thái Lan, Trung Quốc, nội địa thì đi Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình nhưng đợt này do dịch bệnh Covid-19, sản phẩm không xuất bán được nên bà con nông dân, tiểu thương buôn bán ở Tân Long gặp rất nhiều khó khăn.

          Để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm chuối, xã Tân Long đang vận động doanh nghiệp, tiểu thương, người dân tìm các mối tiêu thụ nhỏ lẻ và chuyển đổi mô hình sản xuất. Theo đó, hoặc là người dân đưa chuối sang bán tại các tỉnh thành lân cận của Quảng Trị, hoặc liên hệ để xuất bán chuối vào các chuỗi siêu thị...

          Hơn 10 năm gắn bó với nghề buôn bán trao đổi hàng hóa trên đất bạn Lào đã giúp cho gia đình anh Hồ Thế Văn có tiền để xây nhà và lo cho các con ăn học. Từ lợi thế là người dân bản địa, biết nói tiếng Lào khiến cho việc buôn bán của anh rất thuận lợi. Tuy nhiên dịch Covid bùng phát, các cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới đóng cửa, anh Văn đành ở nhà phụ vợ chăn nuôi dù thù nhập chẳng đáng là bao. Từ Việt Nam anh nhận nhiều cuộc gọi đặt hàng của bà con bên Lào nhưng chẳng thể mang hàng qua buôn bán, trao đổi.

 Anh Hồ Thế Văn

Thôn Húc Thượng, xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị

Trước khi dịch bệnh xảy ra đi lại thuận tiện nên chúng tôi buôn bán cũng khá, chúng tôi lại có đông anh em, họ hàng bên kia bên giới nên giao thương dễ dàng, buôn bán thu nhập ổn định. Mỗi chuyến đi khoảng 10 ngày thu nhập khoảng 2, 3 triệu. Bữa nay dịch bệnh đi lại không được nữa, đành ở nhà thôi, mối hàng thì nhiều, từ hàng gia dụng, áo quần… nhưng không đi được.

Chợ Khe Sanh vốn là khu vực đông đúc, sầm uất nhất của huyện Hướng Hóa, các mặt hàng tại đây không chỉ phục vụ cho người dân tại địa phương mà các chủ lô quầy còn nhập cho các bạn hàng đi qua Lào. Hàng ngày có hàng chục chuyến xe thồ chở đủ các loạt đồ dùng sinh hoạt từ các loại kim khí đến máy phát điện hay áo quần, thực phẩm. Mỗi lô quầy thường bán một mặt hàng riêng vì vậy trên mỗi chuyến xe đưa hàng sang Lào thường có đến hàng chục mặt hàng khác nhau, đồng nghĩa với việc ai cũng có việc làm.  Khi bạn hàng nghỉ vì dịch Covid- 19, tiểu thương tại chợ phải mất đi nguồn thu rất lớn.

Ông Lê Ánh

Tiểu thương chợ Khe Sanh,  Hướng Hóa, Quảng Trị

Từ khi dịch bệnh xảy ra, đời sống của bà con tiểu thương ở chợ rất khó khăn, thứ nhất hàng hóa không lưu thông được, như bản thân tôi có buôn bán chài lưới, thông thường tiểu thương lấy hàng bán sang Lào cả trăm người, thế nhưng hai năm trở lại đây không ai đi được, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người.

Trước những kiến nghị của bà con tiểu thương Ban Quản lý chợ Khe Sanh đã kiến nghị, đề xuất lên cấp trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch

Phó trưởng ban quản lý chợ Khe Sanh,  Hướng Hóa, Quảng Trị

Trước những khó khăn của địa dịch Covid và tình hình kinh doanh khó khăn của bà con tiểu thương, Ban Quản lý chợ Khe Sanh đã tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cấp trên để hỗ trợ cho bà con như giãn tiền thuê lô quầy trong năm 2020, giảm tiền điện cho bà con tiểu thương theo chính sách hỗ trợ của chính phủ. Mong rằng trong thời các cấp, ban nghành cấp trên tiếp tục động viên, chia sẻ, đồng hành  và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho bà con để bà con yên tâm kinh doanh vượt qua đại dịch.

          Trong thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, đời sống của người dân ở những khu vực biên giới gặp rất nhiều khó khăn khi giao thương tại các cửa khẩu phụ tạm dừng, rất đông lao động tại nước bạn Lào trở về địa phương do không có việc làm. Thực tế này đòi hỏi địa phương cần có những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ tích cực cho người nông dân, tiểu thương vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch Covid 19.

Ông Lê Quang Thuận

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Trước thực trạng này, địa phương đã làm việc với các chủ dự án đầu tư trên địa bàn thu hút lao động phổ thông đối với những lao động thiếu việc làm, các dự án này cũng đã sắp xếp, bố trí được một số vị trí như bảo vệ, cấp dưỡng, nội trợ và cũng đã giải quyết được bước đầu tình trạng thiếu việc làm cho bà con. Huyện cũng đang rà soát lại các mô hình kinh tế nông nghiệp, qua đó nhân rộng một số mô hình hiệu quả và đề nghị các đơn vị chức năng tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn vay để bà con đầu tư phát triển sản xuất.

Đối với cư dân vùng biên giới, việc buôn bán, giao thương giữa 2 nước mang nhiều tính đặc thù như thuê đất để trồng chuối, trồng sắn; trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm là điều tất yếu. Hoạt động kinh tế này dù chỉ mang tính chất nhỏ lẽ nhưng đã giúp cho hàng nghìn người dân vùng biên có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống gia đình, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng quê hương, bản xứ. Trước những khó khăn của người dân vùng biên giới đòi hỏi các sở, ngành của tỉnh cần từng bước ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng để phục hồi hoạt động kinh tế tại địa bàn miền núi, vùng biên giới.

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và các bạn, trong thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng Nông thôn mới và nguồn vốn đối ứng của người dân, huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Chú trọng hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa

Với mong muốn phát huy lợi thế diện tích đất gò đồi trên địa bàn, đồng thời giúp bà con nông dân nâng cao được thu nhập, năm 2020 UBND huyện Hướng Hóa đã quyết định triển khai thí điểm mô hình nuôi hươu lấy nhung và sinh sản tại xã Hướng Phùng. Theo đó, mô hình được đặt tại gia trại của chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng với 20 cá thể hươu sao Hà Tĩnh. Tổng vốn kinh phí đầu tư của mô hình là 400 triệu đồng. Trong đó UBND huyện Hướng Hóa hỗ trợ 280 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình Nông thôn mới còn lại do gia đình tự đối ứng. Tham gia mô hình, gia đình chị đã được các chuyên gia tập huấn kỹ thuật nuôi hươu lấy nhung và sinh sản. Sau hơn 8 tháng nuôi thử nghiệm hiện nay gia đình chị đã cắt được 8 lứa nhung hươu đầu tiên với giá bán 15 triệu đồng /kg, cho thu nhập hơn 40.000.000đ. Thực hiện thành công thí điểm mô hình mới này đã thật sự giải quyết được bài toán phát triển kinh tế cho gia đình chị đồng thời cũng là tiền đề giúp cho người nông dân tại đây có nhận thức mới về việc mạnh dạn chuyển đổi  vật nuôi phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thanh

Thôn Đại Độ, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Lúc mới thực hiện thì khó khăn nhiều mặt, nhưng giờ đã làm quen được với mô hình mới và đã cho thu nhập mỗi lứa 5 triệu đồng, hiện đã thu hoạch được 8 lứa. Thức ăn cho vật nuôi đã có sẵn tại địa phương, gia đình trồng thêm để chủ động cung cấp thức ăn cho hươu, thức ăn chủ yếu cũng là cỏ, cám, chuối.

Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, huyện Hướng Hóa đã tiến hành khuyến khích, hướng dẫn người dân đưa những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và có hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2018 đến nay địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền cơ sở hỗ trợ gần 17 tỷ đồng xây dựng và phát triển hơn 20 mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng Nông thôn mới và các nguồn vốn lồng ghép khác. Một số mô hình đã bước đầu thành công và cho mang lại hiệu quả cho người dân như: mô hình gieo lúa sạ hàng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình hỗ trợ tái canh cây cà phê; mô hình nuôi bò vỗ béo; mô hình trồng và chăm sóc cây chanh leo, chuối mật mốc, mô hình trồng cây cao su tiều điền….

Trong đó mô hình nuôi bò vỗ béo mới được đưa vào thí điểm tại xã Tân Long là cũng một trong những mô hình đã đạt được hiệu quả ban đầu. Sau hơn một năm triển khai, đến nay mô hình nuôi bò vỗ béo này đã được nhân rộng với trên 40 mô hình, trong đó 9 mô hình có quy mô từ 20 - 23 con, còn lại là các mô hình có quy mô từ 5 - 10 con. Mô hình nuôi bò vỗ béo hiện có ở khắp các thôn của xã Tân Long, trong đó trên 50% tập trung ở thôn Long Quy. Con giống nuôi ở xã đa phần là giống bò cỏ và một số ít nhập từ Lào về có đặc điểm dễ nuôi, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương. Từ những điều kiện thuận lợi này, đa phần các mô hình nuôi bò vỗ béo tại Tân Long đều phát triển thuận lợi. Bò sau khi vỗ béo bình quân 2 tháng xuất chuồng 1 lứa, mỗi con sẽ đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 triệu đồng. Đầu ra của các mô hình này luôn được đảm bảo, thương lái đến thu mua tận nơi. Mặt khác, thông qua liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, bò vỗ béo ở đây luôn được xuất bán rất thuận lợi.

Anh Đỗ Quốc Hoài

Thôn Long Quy, Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài, không đi làm ăn xa được nên gia đình chuyển sang mô hình chăn nuôi bò vỗ béo để tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên của địa phương như đất đai, khí hậu, nguồn thức ăn. Mới đầu nuôi khoảng 5 đến 7 con, giờ đây đã mở rộng mô hình lên 35 con, qua việc xây dựng mô hình chúng tôi cảm thấy rất phù hợp, thời gian tới dự định mở rộng thêm 1 đến 2 chuồng nuôi nữa.

Ông Nguyễn Triệu Chung

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đối với mô hình này hình thức quay vòng vốn ngắn, nhưng đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới chúng tôi mong muốn các cấp các nghành cấp trên tìm hướng đầu ra cho sản phẩm của mô hình để địa phương vận động bà con chuyển đổi mô hình nông nghiệp quả thấp qua sang những mô hình như thế này.

Bên cạnh những khó khăn như đất đai có xu hướng bị thoái hóa, xói mòn; khan hiếm nước về mùa khô; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất đã từng bước được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; giá cả các mặt hàng nông sản biến động, giá vật tư nông nghiệp tăng cao… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực. Bước đầu nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi một số cây trồng, con nuôi có giá trị cao theo từng bước gắn sản xuất với thị trường. Chuyển tập quán canh tác theo lối truyền thống qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, nâng cao giá trị thu nhập gia tăng của từng sản phẩm hàng hóa làm ra. Xây dựng các luận cứ khoa học để rà soát bổ sung các giải pháp cho các đề án phát triển kinh tế nông nghiệp đã triển khai, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng đề án trong thời gian tới. Tạo nhiều việc làm mới, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Hướng Hóa tiếp tục tận dụng, phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có để tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp; phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa với hy vọng đạt được nhiều tín hiệu khả quan.​ Với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự chủ động của người dân, các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. 

Dẫn 3:

Thưa đồng bào và các bạn. Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid 19, đặc biệt sau khi phát hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng tại thành phố Đông Hà, huyện Đakrông đã đẩy mạnh  việc triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 27/8/2021 BTV của Tỉnh ủy về "Tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay”.

Đakrông Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về phòng, chống dịch Covid-19

        Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về phòng, chống dịch Covid-19 trên đại bàn tỉnh, các văn bản chỉ đạo của BTV huyện ủy Đakrông, xã Hướng Hiệp đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị trong xã biết nghiêm túc thực hiện. Cụ thể hóa Chỉ thị, xã Hướng Hiệp tiếp tục tăng cường về các thôn bản, từng hộ dân để tuyên truyền bà con đẩy mạnh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là thực hiện tốt “5 K” theo khuyến cáo của bộ Y tế.

 Bà Hồ Thị Hồng

Thôn Phú An, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

 Ông Phan Huy Liệu

Bí thư đảng ủy xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

    Tại  xã biên giới A Vao, chính quyền địa phương đã có nhiều phương pháp tuyên truyền hiệu quả đến người dân nhằm đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch một cách hiểu quả nhất. Việc sử dụng loa kéo được xem là công cụ tuyên truyền lưu động có hiệu quả và tiện lợi. Mấy tháng trở lại đây, cứ vào những buổi sớm và chiều, tiếng loa kéo của các cán bộ xã, đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên... đã trở thành âm thanh thân thuộc đối với các hộ gia đình, bản làng vùng sâu vùng xa.

Anh Hồ Văn Nghách

Thôn A Vao, A Vao, Đakrông, Quảng Trị

   A Vao là một xã biên giới, tình hình dịch bệnh có nhiều nguy cơ, đặc biệt là dân cư sống dọc biên giới thường di cư thăm thân và xuất nhập cảnh trái phép. Để nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho người dân, bên cạnh tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, pa nô áp phích, xã A Vao phân công công Hội, đoàn thể  trưng dụng các loa kéo lưu động, phối hợp với Trung tâm VHTT-TDTT huyện thu âm những  công văn hỏa tốc của UBND huyện, tỉnh, Chỉ thị chống dịch… rồi đi tuyên truyền. Mỗi ngày, các đoàn viên sẽ đi hai lần, mỗi lần khoảng 3-4 tiếng. Hầu hết các đường lớn nhỏ, bản làng xa xôi, đường sá khó khăn… họ đều cõng loa đi qua để cho người dân nghe những việc cần chấp hành. Cái hay từ việc tuyên truyền lưu động bằng loa kẹo kéo là bảo đảm thông tin kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Hồ Văn Hùng

Chủ tịch UBND xã A Vao, Đakrông, Quảng Trị

     Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách đó là: Tiếp tục hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời. Phát huy vai trò của lực lượng cơ sở, người dân trong giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện chủ động xây dựng kịch bản cao nhất khi dịch bệnh bùng phát, không để bị động bất ngờ.

Bà Hồ Thị Kim Cúc

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông, Quảng Trị

   Để thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả thiết thực, BTV huyện ủy Đakrông đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường thời lượng phát sóng tuyên truyền liên tục các nội dung liên quan về tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch bệnh. Các cấp ủy đảng quán triệt tinh thần và nội dung của Chỉ thị đến mỗi cán bộ, Đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 06/10/2021 15:40 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:36
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà