Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và miền núi 

II. Phần 2

Dẫn:

Thưa đồng bào và và các bạn! Để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, trong những năm qua, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế với phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong đó, chanh leo là một mô hình tiêu biểu, phát huy được hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Nâng cao hiệu quả mô hình trồng chanh leo ở Hướng Phùng

Gia đình ông Hồ Văn Lộc ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng trồng thí điểm 50 gốc chanh leo từ năm ngoái, sau gần một năm, cây phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Bình quân mỗi gốc chanh leo cho thu hoạch gần 1 tạ quả/năm, với giá hiện nay từ 14 - 20 nghìn đồng/kg chanh leo tùy theo loại thì trừ chi phí, mô hình này đem lại nguồn thu khoảng 50 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Lộc

Thôn Đại Độ, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

 Gia đình tôi trước đây chủ yếu trồng cà phê nhưng từ năm ngoái, tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng chanh leo. Chanh leo rất phù hợp đất đai, khí hậu ở đây nên chăm sóc không khó, năng suất lại cao. Thu nhập từ vườn chanh leo cao hơn thu nhập từ cây cà phê. Từ kết quả này gia đình tôi sẽ dần mở rộng thêm diện tích.

 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của huyện, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50% kinh phí cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời liên kết với công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc để bao tiêu toàn bộ sản phẩm chanh leo tại địa phương. Sau gần 4 năm triển khai, kết quả bước đầu cho thấy chanh leo trồng ở Hướng Phùng phát triển tốt, năng suất khá cao, bình quân đạt 18 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Từ kết quả đó, Hướng Phùng đã liên tục nhân rộng diện tích, đến nay đã đạt 30 ha với hơn 50 hộ dân tham gia thực hiện mô hình.

Nhờ được tư vấn kỹ về chuyển đổi cây trồng phù hợp, mặt khác lại yên tâm về đầu ra sản phẩm, nên người trồng chanh leo rất phấn khởi, đầu tư chăm sóc mô hình điểm đã được xây dựng; tích cực tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, đồng thời tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ các mô hình ở địa phương khác, nghiên cứu qua sách báo và internet từ kỹ thuật làm giàn leo, hệ thống nước tưới đến phân bón và cách chăm sóc chanh leo.

 

Qua thời gian trồng thí điểm tại Hướng Hóa, kết quả cho thấy chanh leo rất phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cây phát triển tốt, năng suất ước đạt trên 18 tấn/ ha, có nơi đạt trên 20 tấn/ha. Chất lượng quả to, mọng, màu sắc và kích cỡ quả đồng đều. Lúc được giá, chanh leo đạt trên 23 nghìn đồng/kg, còn lại bình quân từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Với năng suất trung bình ước đạt từ 15 - 18 tấn/ha, mỗi năm cho thu 3 - 4 vụ thì các mô hình chanh leo tại Hướng Hóa đem lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định, tính bình quân 1 ha chanh leo đem lại nguồn thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm. Thấy hiệu quả nên nông dân Hướng Hóa đầu tư mở rộng mô hình. Nhờ vậy, diện tích chanh leo được mở rộng qua từng năm, nhất là tại xã Hướng Phùng. Đến nay, tổng diện tích chanh leo ở Hướng Hóa đã lên đến 42 ha.

Ông Hà Ngọc Dương

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

 Từ khi đưa vào trồng thí điểm đến nay, các mô hình chanh leo trên địa bàn phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, đầu ra thuận lợi nên địa phương xác định phát triển loại cây này thành một trong những cây trồng chủ lực. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu chất đất của các thôn khác để nhân rộng mô hình, đặc biệt là chuyển đổi các loại cây trồng kém năng suất sang trồng chanh leo, duy trì và nâng cao năng suất, chất lượng, dần xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

 

Từ những tín hiệu khả quan đầu tiên của chanh leo, xã Hướng Phùng tiếp tục đưa nhiệm vụ phát triển cây chanh leo vào kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp của xã hằng năm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân mở rộng mô hình, nhất là chuyển đổi những diện tích cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Diện tích chanh leo từ đó được nhân rộng, năng suất, chất lượng quả luôn được duy trì tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững ở xã miền núi.

Qua gần 4 năm triển khai thí điểm, kết quả bước đầu của mô hình chanh leo đã được khẳng định tại Hướng Hóa, đặc biệt là góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp để mở rộng mô hình chanh leo từ 42 ha lên 150 - 200 ha. Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho sản phẩm chanh leo ở địa phương

Dẫn:

Thưa đồng bào và quý vị khán giả! Sau 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 70/KH-UBND của UBND huyện Đakrông về xây dựng mô hình “3 quản” đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước kéo giảm số đối tượng liên quan đến ma túy. Qua đó, đã làm rõ địa bàn, nhóm đối tượng để tập trung tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh và xử lý.

MÔ HÌNH 3 QUẢN NÂNG CAO CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG MA TÚY

 

Xác định nhiệm vụ trong tâm của Kế hoạch 70 là tuyên truyền, vận động, phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy vì vậy lực lượng công an huyện Đakrông đã tập trung đổi mới các nội dung, biện pháp. Cụ thể kết hợp giữa quản lý, giáo dục, răn đe với giúp đỡ, định hướng nghề nghiệp, đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín thông qua hoạt động của các tổ cảm hóa, giáo dục cộng đồng tại thôn, bản.

Ông Hồ Xuân Hòa

Thôn Pire 1, A Bung, Đakrông, Quảng Trị

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong bà con nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh niên, đây là nhóm lao động đi làm ăn xa, tuổi trẻ hay bị bạn bè rủ rê. Do đó chúng tôi vận động tuyên truyền, nhờ người lớn tuổi động viên các cháu, dù cuộc sống khó khăn phải đi làm ăn xa nhưng phải biết giữ gìn, không sa vào con đường nghiện ngập ma túy và các tệ nạn xã hội, cố gắng làm ăn để đưa kinh tế gia đình đi lên.

Ông Hồ Văn Chiến

Phó chủ tịch UBND xã Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

ở Đakrông, đồng bào tôn giáo chiếm 95% do đó chúng tôi rất quan tâm đến công tác tôn giáo, vận động tất cả các chức sắc, chức việc tham gia vào quá trình tuyên truyền, động viên thanh thiếu niên sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, không sử dụng, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy.

 

Qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình “3 quản”, huyện Đakrông đã đưa vào diện quản lý, giáo dục 102 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đến nay, đã đưa ra khỏi diện quản lý 69 trường hợp, trong đó có 57 trường hợp tiến bộ, từ bỏ việc sử dụng ma túy. Bên cạnh đó công tác đấu tranh với tội phạm ma túy được đẩy mạnh, năm 2021 phát hiện, bắt giữ 10 vụ, 11 đối tượng, thu giữ 23.669 viên ma túy tổng hợp; 4 tháng đầu năm 2022 phát hiện, bắt giữ 7 vụ, 10 đối tượng.

Thượng tá Trần Vĩnh Phong

Phó trưởng công an huyện Đakrông, Quảng Trị

Công tác đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn Đakrông không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, mà đòi hỏi sự vào cuộc một cách tích cực của các tổ chức, đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương cơ sở, trong đó vai trò chủ đạo là của những người làm cha làm mẹ, của gia đình, dòng tộc. Vì vậy với sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt của toàn xã hội, chúng tôi tin tưởng công tác đấu tranh phòng chống ma túy sẽ có sự thay đổi tích cực trong thời gian tiếp theo. Đầu tiên phải làm tốt công tác phòng ngừa, lấy việc phòng ngừa làm nhiệm vụ trọng tâm, và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó nổi lên các hoạt động như tuyên truyền phong trào quần chúng, tuyên truyền về tác hại của ma túy ở trường học, trên các hệ thống loa phát thanh của cơ sở, gắn pa nô, áp phích tuyê truyền tác hại của ma túy, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức hội đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… trong việc quản lý, giáo dục con em mình tại địa bàn cơ sở. Phát huy tác dụng của mô hình “3 quản” đó là quản lý về phương tiện, quản lý về mối quan hệ, quản lý về thời gian của các đối tượng ngiện, từ đó loại bỏ được các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo con em người đồng bào thiếu số vào con đường phạm tội về ma túy.

 

Với mô hình “3 quản”, công tác đấu tranh làm giảm thiểu tệ nạn, tội phạm ma túy, đảm bảo tốt an ninh trật tự địa bàn của lực lượng Công an ngày càng hiệu quả, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt, góp phần nâng cao ý thức của người dân miền núi trong nuôi dạy con cái và tránh xa tệ nạn ma túy.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 20/07/2022 11:18 Lê Vĩnh Nhiên 21/07/2022 08:23
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà