Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

 

Tạp chí dân tộc ngày 25.12.2022

PS1: Đồng lòng bảo vệ đường biên cột mốc

PTV: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang đón xem Tạp chí Dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Trong 30 phút ngày hôm nay, mời đồng bào và các bạn cùng đến với một số nội dung sau: Đồng lòng bảo vệ đường biên, cột mốc. Tiếp đó là phóng sự: Làm giàu từ mô hình vườn ao chuồng. 2 phóng sự cuối cùng chúng tôi mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi các hoạt động: Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng. Đổi mới phương pháp dạy học ở vùng miền núi Đakrông. Sau đây mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết của chuyên mục.

PS1: Thưa đồng bào và các bạn. Với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ đường biên, cột mốc” và “bám chính quyền, bám đường lối chính sách, bám dân, bám địa bàn”, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh huyện Hướng Hóa phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn.

Đồn Biên phòng Thanh huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 31,192 km đường biên giới, 1 cột mốc 607 và 5 cọc dấu. Hằng năm, thường xuyên phối hợp với lực lượng dân quân và nhân dân địa phương tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc quốc giới. Phát động phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc; đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo và xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với chính quyền xã Thanh huyện Hướng Hóa giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì và thành lập thêm các tổ tự quản về an ninh, trật tự tại các xóm, bản khu vực biên giới, xây dựng hòm thư tố giác tội phạm...Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn nắm thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Qua đó góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ các nguồn tin có giá trị do nhân dân cung cấp, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Được Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, bà con nhận thấy rõ trách nhiệm và đều hăng hái tham gia các tổ tự quản với mong muốn được góp sức cùng các lực lượng bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Điểm nhấn trong thực hiện nhiệm vụ của Đồn biên phòng Thanh là cùng với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới, những người lính quân hàm xanh đã luôn đồng hành, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc vùng biên. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lực lượng BĐBP toàn tỉnh đã vừa hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe người dân…

Anh Hồ Văn Phiết

Bí thư Chi đoàn xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Hằng năm, nhất là vào gần dịp Tết Nguyên Đán thì Đoàn xã Thanh phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh luôn đề ra các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, bảo vệ cột mốc biên giới. Chúng tôi tuyên truyền cho các đoàn viên trách nhiệm của mỗi Đoàn viên trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới và cột mốc biên giới.

Có thể khẳng định, nhờ sự tích cực bám sát địa bàn, bám dân, bám địa bàn của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh, những năm qua, vai trò của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, hải đảo trên địa bàn toàn tỉnh đã được phát huy có hiệu quả trong bảo vệ đường biên, cột mốc; thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân không ngừng được củng cố rộng khắp. Và mỗi người dân khu vực biên giới đã thực sự trở thành những “cột mốc” sống nơi biên cương, đan kết thành “phên giậu” bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày thêm ổn định, phát triển. Gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh đã và đang phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc.

Đồng chí Ma Phương Trình

Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Theo kế hoạch công tác Biên phòng và nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, lực lượng Biên phòng phải thường xuyên tăng cường không những lực lượng của Đồn mà còn xây dựng kế hoạch cụ thể về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, bảo vệ tuần tra đường biên, cột mốc. Đảm bảo an ninh, an toàn trong dịp cận Tết. Chúng tôi phối hợp với Đoàn các xã, lực lượng dân quân, công an để tuần tra địa bàn, nhằm bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội.

Xác định tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cần bắt đầu từ học sinh, những công dân tương lai có trách nhiệm bảo vệ biên giới. Những giờ học ngoại khóa do các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng luôn được các thầy cô, học sinh hào hứng đón nhận. Khác với những tiết học hằng ngày, hôm nay các bạn học sinh trường Trung học cơ sở Thanh, huyện Hướng Hóa có tiết học đặc biệt. Thầy giáo đứng lớp là các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Thanh. Mở đầu tiết học như thường lệ, các em học sinh được nghe lực lượng biên phòng tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đâu là đường biên, cột mốc. Với những bài giáo án đã được chuẩn bị sẵn, cách dạy cuốn hút, các em học sinh chăm chú lắng nghe.

Có rất nhiều hoạt động khi triển khai mô hình “Tiết học biên giới” để truyền đạt những kiến thức cho học sinh. Ví dụ giảng bài ở lớp học thông qua phương tiện thông tin trực tuyến và trực tiếp; đưa học sinh ra thực địa tham quan cột mốc, cọc dấu, thậm chí bố trí cho các em đi tuần tra cùng với bộ đội trên những đoạn đường biên thuận lợi. Khi có tiết học biên giới ngoài thực địa cột mốc, cọc dấu, cán bộ biên phòng thường chuẩn bị chương trình, giáo án kỹ càng. Với những nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý, phải trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật cần thiết để giảng giải cho các em với nội dung chính xác theo các quy định của pháp luật với mong muốn truyền đạt cho các em một cách nhẹ nhàng và dễ dàng tiếp thu. Các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Thanh phải chuẩn bị rất công phu thông qua những bài giảng thực tế, giáo án điện tử, hình ảnh trực quan sinh động.  

Em Hồ Văn Đinh

Trường Tiểu học

Đọc dịch: Hôm nay em thấy rất vui và tự hào vì được tham gia tiết học biên giới. Em hi vọng sẽ được học nhiều tiết như thế này nữa.

 

Trung úy Nguyễn Văn Hoàng

Đội trưởng Đội VĐQC, Đồn Biên phòng Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Đọc dịch: Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biên giới quốc gia là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chúng tôi cũng thường xuyên chú trọng chăm lo cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hằng năm, đơn vị phối hợp với nhà trường đứng chân trên địa bàn thường xuyên tổ chức các tiết học biên giới, từ đó giúp các em hiểu biết hơn về hệ thống đường biên, cột móc quốc giới và các quy định về biên giới quốc gia cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Nhiều năm nay, mô hình “Tiết học biên giới” đã đồn biên phòng Thanh phối hợp với nhà trường trên địa bàn thực hiện có hiệu quả. Thông qua cách làm sáng tạo này, những người lính biên phòng đã trực tiếp tuyên truyền cho các em học sinh kiến thức cơ bản về chủ quyền, an ninh biên giới, từ đó, xây dựng ý thức trách nhiệm cho các em biết trân trọng, bảo vệ sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

PS2: Thưa đồng bào và các bạn. Không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu  trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Nguyễn Ngọc Dũng (sinh 1967), ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa đã vượt qua khó khăn, trở thành nông dân điển hình làm kinh tế giỏi từ mô hình vườn ao chuồng (VAC).

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp. Từ nhỏ, anh Nguyễn Ngọc Dũng đã tham gia lao động, tăng gia sản xuất cùng gia đình. Có sự định hướng, hướng dẫn, chỉ bảo của bố mẹ, cùng với niềm đam mê làm nông nghiệp nên anh Dũng đã sớm tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi.Sở hữu diện  tích đất manh mún nên việc phát triển kinh tế không hiệu quả. Vừa làm vừa tích cóp, vợ chồng anh mua thêm đất để phát triển mô hình kinh tế VAC. Đến nay, trên diện tích đất hơn 01ha xa khu dân cư, anh Dũng đào ao nuôi cá, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn. Xung quanh khu trang trại vợ chồng anh trồng rau màu, cà phê mít cùng một số loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế.

 

Anh Nguyễn Ngọc Dũng

Thôn Tân Hào, Tân Liên, Hướng Hóa

Đọc dịch: Thời gian đầu phát triển kinh tế mục đích là trồng cà phê, sau đó cà phê xuống giá, mất giá nên quay về lại đào ao, nuôi lợn. Ba đầu chúng tôi chưa có kinh nghiệm, vất vả sau đó chúng tôi vừa làm, vừa học hỏi. Giờ đây kinh tế ổn định. Trong thời gian tới cố gắng để phát triển kinh tế hơn nữa.

Lấy ngắn nuôi dài, vừa làm, vợ chồng anh Dũng vừa tích góp vốn để mở rộng thêm quy mô trang trại. Đến nay, sau hơn 15 năm gây dựng, vợ chồng anh có hồ cá với diện tích hơn 2.000m2.. Ngoài cá Diêu hồng là loại cá được nuôi chính, anh còn thả thêm các loại cá được thị trường ưa chuộng như rô phi, cá trắm cỏ, cá trê.

Từ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ, trang trại được xây dựng tạm bợ, đến nay, anh  Dũng đã xây dựng được khu trang trại chăn nuôi lợn quy mô. Trang trại của anh Dũng luôn duy trì ổn định 15 con lợn nái, 70 lợn thịt, trong đó bình quân mỗi tháng, anh xuất bán từ 25 – 30 con lợn thịt, Trung bình mỗi năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí, mô hình VAC mang lại cho gia đìnhanh nguồn thu đạt từ 300 – 400 triệu đồng.

Ông Phan Văn Diễn

Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Liên, Hướng Hóa

Đọc dịch: Trong quá trình, Hội đã theo dõi và thấy mô hình của anh Dũng phát triển kinh tế cao, đặc biệt là mô hình ở xa khu dân cư nên không gây ô nhiễm cho bà con. Hội nông dân sẽ nhân rộng để các hội viên khascnoi theo và phát triển kinh tế gia đình, giúp ít cho xã hội.

Cùng với làm kinh tế giỏi, thành công với mô hình kinh tế VAC, anh Nguyễn Ngọc Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội nông dân tại địa phương. Anh luôn được đánh giá là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tích cực tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cho các hộ nông dân khác trên địa bàn. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của nông dân Nguyễn Ngọc Dũng trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận, và quan trọng hơn là anh Dũng đã gây dựng được cơ ngơi kinh tế vững vàng, đem đến cuộc sống gia đình sung túc, ấm no.

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn. Với tổng diện tích rừng toàn tỉnh gần 246.000 ha, bao gồm rừng tự nhiên trên 126.600 ha, rừng trồng 119.400 ha. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) được xem là bước đi đột phá, đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng

Hơn 1 năm nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiện (BQL KBTTN) Đakrông rất thuận lợi trong việc tuần tra rừng. Thay vì phải di chuyển nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trong rừng, mang theo nhiều công cụ hỗ trợ như bản đồ, la bàn, máy định vị… thì bây giờ chỉ cần từ 20 – 30 phút là đã có thể bao quát toàn bộ diện tích cần tuần tra rộng nhiều kilomet vuông bằng thiết bị bay flycam. Nếu phát hiện có cháy rừng, lấn chiếm rừng hoặc nghi ngờ có lâm tặc đang phá hoại rừng chỉ cần điều khiển flycam bay thấp xuống kiểm tra và chụp ảnh. Sau đó phân tích xác định vị trí thông qua các thông số GPS và đến thẳng chỗ đó kiểm tra để khắc phục sự cố hoặc bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi lấn chiếm rừng, phá hoại rừng. Ngoài việc bay kiểm tra, giám sát rừng, thiết bị bay flycam còn giúp giám sát và theo dõi vị trí các loài động, thực vật.

Anh Lê Xuân Tuyên

Cán bộ BQL KBTTN Đakrông, Quảng Trị

BQL KBTTN Đakrông được giao quản lý diện tích hơn 37.600 ha, bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích gần 23.500 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 13.500 ha và phân khu dịch vụ - hành chính khoảng 640 ha. Phân bố trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung, huyện Đakrông. Trước đây, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực trọng yếu, trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng nên một số thông tin diễn biến về rừng như cháy rừng, sạt lở, lấn chiếm đất rừng… chưa được cập nhật kịp thời. Để khắc phục tình trạng này, BQL KBTTN Đakrông đã đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào QLBVR như sử dụng ảnh viễn thám, thiết bị bay không người lái, các phần mềm Vtool, GPS… để quan sát, theo dõi nắm bắt những diện tích rừng có biến động, thay đổi để từ có có biện pháp ngăn chặn sớm và hiệu quả hơn, giúp cho lực lượng bảo vệ rừng tiết kiệm được thời gian, công sức khi thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Anh Lê Xuân Tuyên

Cán bộ BQL KBTTN Đakrông

Ông Hồ Viết Thắng

 Phó Giám đốc BQL KBTTN Đakrông

Nếu như trước đây, việc quản lý bảo vệ, theo dõi diễn biến, hiện trạng rừng chủ yếu dựa vào bản đồ giấy, sử dụng biểu mẫu trên giấy in truyền thống, bằng các dụng cụ thô sơ như địa bàn cầm tay, thước dây, địa bàn 3 chân… nên rất khó khăn vất vả và sai số lớn, phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kỹ năng của người sử dụng cũng như  mất nhiều thời gian, kết quả thiếu chính xác. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trong vào công tác QLBVR và đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, trong công tác quản lý rừng, các đơn vị đã chú trọng ứng dụng thiết bị bay flycam, các phần mềm theo dõi diễn biến rừng như FRMS, Mapinfo, Microstation, QGIS; các thiết bị để khảo sát, kiểm tra, đo vẽ thực địa như GPS, máy tính bảng, điện thoại di động được cài đặt phần mềm FMRS mobile, Vtool; các ứng dụng bản đồ, ảnh vệ tinh để cập nhật diễn biến rừng, khảo sát thực địa, kiểm tra, đo vẽ, cập nhật thông tin hiện trường. Thông qua các phần mềm trên, dữ liệu rừng, đất lâm nghiệp được lưu trữ, cập nhập liên tục giúp cho việc quản lý, giám sát các biến động rừng, quản lý dữ liệu, biên tập, in ấn bản đồ lâm nghiệp... phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành được kịp thời. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám mà việc theo dõi tài nguyên rừng được triển khai thuận lợi và có độ chính xác cao, không tốn nhiều thời gian, công sức. Với công nghệ này, người thực hiện không phải đo đạc thủ công tại hiện trường mà chỉ cần thông qua ảnh giải đoán cập nhật sự thay đổi, sau đó, kiểm chứng một số điểm trên thực địa. Góp phần làm tốt công tác quản lý tài nguyên rừng cũng như lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương được chính xác, đúng thực tế.

Đối với công tác bảo vệ rừng, đã ứng dụng hệ thống quản lý, giám sát sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp; hệ thống cảnh báo cháy rừng, hệ thống dự báo cấp dự báo cháy rừng để quản lý, giám sát sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp; cảnh báo sớm các thông tin có khả năng về các vụ cháy rừng và dự báo cháy rừng. Những thiết bị được sử dụng trong các ứng dụng này được kết nối qua mạng internet, được điều khiển bằng phần mềm thông minh cài đặt trên máy chủ. Qua đó, giúp quản lý hiệu quả diện tích rừng trên địa bàn rộng lớn với nhân lực và chi phí thấp.

Ông Nguyễn Phú Quốc

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị

Có thể nói, việc ứng dụng KHCN thời gian qua đã góp phần giúp cho ngành Nông nghiệp quản lý, nắm bắt được thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác phục vụ công tác QLBVR. Từ việc ứng dụng KHCN đã giúp lực lượng chức năng và các địa phương phát hiện sớm các vụ vi phạm xâm hại rừng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng. Với đặc thù địa bàn rộng, diện tích rừng lớn, địa hình hiểm trở, lực lượng mỏng thì việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào quản lý, bảo vệ rừng là hết sức cần thiết.

Dẫn 2:

Với một địa phương học sinh chiếm hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số như Đakrông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, các thầy cô giáo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều trăn trở khi tiếp cận phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. P/s được thực hiện tại trường tiểu học A Bung huyện Đakrông.

Đổi mới phương pháp dạy học ở vùng miền núi Đakrông

 

Đây là điểm trường lẻ thôn Pire thuộc Trường tiểu học và THCS A Bung huyện Đakrông, các góc lớp đều có tủ thư viện với các đầu sách, truyện phù hợp cho từng lứa tuổi học sinh. Đưa thư viện vào góc lớp là một trong những sáng kiến của các thầy cô giáoTrường TH và THCS A Bung nhằm tạo cho các em sở thích đọc sách, phát triển kỹ năng đọc và cũng là một trong những giải pháp thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp.

 

Cô giáo Phạm Thị Ngọc Huyền

Trường TH và THCS A Bung, Đakrông, Quảng Trị

 

Có dịp được tham gia một tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 trường tiểu học và THCS A Bung huyện Đakrông. Ngoài viêc lồng ghép dạy - nhìn - đọc - hiểu, cô giáo còn trang trí lớp học với những đồ dùng trực quan sinh động xây dựng khung cảnh, môi trường học tập tiếng Việt, điều chỉnh phương thức dạy học hợp lý. Các nội dung đưa vào giảng dạy phải đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để các em dễ tiếp nhận kiến thức. Giáo viên đứng lớp phải thành thạo 2 thứ tiếng là Tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của học sinh để giao tiếp dễ dàng và giúp các em tiếp cận và nhớ kiến thức dễ dàng hơn.

 

Cô giáo Hồ Tị Bí

Trường TH và THCS A Bung, Đakrông, Quảng Trị

Thầy giáo Phan Khắc Phú

Phó hiệu trưởng Trường TH và THCS A Bung, Đakrông, Quảng Trị

 

Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục Đakrông chỉ đạo các trường triển khai thực hiện. Vì vậy các đơn vị trường học trên địa bàn đã chủ động bám sát đối tượng học, xây dựng kế hoạch bài giảng theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học tập để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 23/12/2022 06:38 Trần Thị Mỹ Nhị 23/12/2022 06:38
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà