Tạp chí DT&MN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DTMN ngày 7.5.2023

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau:

-        Thiếu nước sinh hoạt ở miền núi Quảng Trị

-        Điểm tựa vững chắc cho nông dân

-        Ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Thiếu nước sinh hoạt ở miền núi Quảng Trị

 

Thưa đồng bào và các bạn! Thời điểm nắng nóng này, nhiều xã miền núi ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt nghiêm trọng. Để giải quyết thực trạng này, các địa  đang khẩn trương tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Lâu nay thực trạng người dân thiếu nước sinh hoạt luôn là vấn đề nan giải không chỉ riêng xã  Hướng Sơn mà là thực trạng chung của rất nhiều xã như A Dơi, Ba Tầng, xã Lìa của huyện Hướng Hóa. Về mùa hè, các khe suối phía thượng nguồn khô cạn, nguồn nước về công trình nước tự chảy nhỏ giọt nên người dân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Người dân phải lấy nước từ ao, hồ, sông suối không đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn.

Bà  Hồ Thị Lòng

Xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Mưa lũ làm hư hết rồi, bây giờ không có nước sạch để sử dụng, chúng tôi mong được sửa chữa hoặc làm mới để đời sống người dân ở đây bớt vất vả)

Sau đợt mưa lũ lớn năm 2020, nhiều công trình cầu cống cũng như công trình nước tự chảy ở Hướng Sơn bị hư hỏng nặng, một số công trình nay đã xuống cấp, nguồn nước không ổn định và chỉ phục vụ cho việc tắm, giặt; về mùa mưa nước đục không thể sử dụng được. Công trình nước tự chảy ở một số thôn có quy mô nhỏ nên không thể cung cấp đủ nước cho người dân trong vùng sử dụng.

Ông Hồ Văn Hanh

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Đối với địa phương thì chúng tôi mong được tạo điều kiện như hỗ trợ giếng khoan, còn nơi nào có bể nước bị hư hỏng mà có thể khắc phục được thì sửa chữa cho bà con vì hiện tại bà con đang dùng nước suối, không an toàn và không đảm vệ sinh cho người dân trong vùng )

Thực tế, các công trình cấp nước ở các xã vùng Lìa như xã A Dơi có quy mô nhỏ, manh mún, phần lớn là công trình nước tự chảy; nhiều công trình cấp nước hiện đã hư hỏng, xuống cấp do qua thời gian dài sử dụng, bị bồi lắng do thiên tai nên khó đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng thì huyện Hướng Hóa có số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ hơn 60% và nước sạch đạt quy chuẩn là 5.601/15.670 hộ dân (chiếm 35,74%). Còn khoảng 6.000 hộ dân chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng. Thời gian qua huyện Hướng Hóa đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư kinh phí khắc phục, sửa chữa những công trình cấp nước tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ bị hư hỏng để kịp thời cung cấp nước cho người dân sử dụng; tổ chức kiểm tra, khôi phục hiện trạng các đoạn ống bị gãy để dẫn nước sinh hoạt về thôn, bản tránh lãng phí trong đầu tư, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng với chính quyền cơ sở bảo vệ hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt tại địa bàn…

Nằm ở khu vực miền núi, đất đai cằn cỗi và địa hình dốc, nên người dân ở thôn La Lay xã A Ngo huyện Đakrông thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô. Qua khảo sát cho thấy, toàn huyện có hơn 9.000 hộ dân nhưng đến nay có khoảng  4.000 hộ dân sử dụng nước từ công trình nước tập trung; số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 1000 hộ. Số còn lại người dân sử dụng nước tự chảy bằng nguồn dẫn nước cá nhân dùng đường ống hoặc tận dụng các nguồn nước từ ao hồ, sông suối. Hàng ngày, rất nhiều hộ dân người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ra dọc đường hoặc các kênh mương, cống rãnh để lấy nước sinh hoạt. Với các trường học và giáo viên bán trú thì nguồn nước sạch càng khan hiếm hơn, nước được tận dụng một cách tối đa cho các việc thật cần thiết như ăn, uống, các sinh hoạt khác gặp rất nhiều khó khăn

Cô giáo Phan Thị Diệu

Giáo viên Trường TH&THCS A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

(Nguồn nước hiện tại, nước ở đây bị nhiễm vôi rất nặng, các bể nước thường xuyên đống váng và bị cặn rất nhiều. Giáo viên ở khu tập thể sử dụng nước nấu ăn, sinh hoạt chủ yếu đặt nước bình ở ngoài về, còn nước ở giếng dùng để rửa chén bát và những sinh hoạt khác)

Ông Hồ Văn Lập

PCT UBND xã A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

(Chúng tôi ghi nhận các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện đã hỗ trợ cho xã 4 cái giếng khoan, tuy nhiên giếng khoan hiện tại để phục vụ cho bà con là không đủ, với lại đa số giếng nước đã bị vôi rất nặng, nên hầu như bà con sử dụng nước từ suối Đakrông. Hiện tai bên công ty than PH đang hoạt động nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, nhất là môi trường nước. Nhà trường đang gặp khó khăn về vấn đề nước sạch, mùa nắng các giếng khoan khô nước nên sinh hoạt của cả cô và trò gặp rất nhiều khó khăn)

Chia sẻ trước khó khăn của người dân nơi đây, chính quyền địa phương 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa đã chú trọng việc hỗ trợ người dân giếng khoan, giếng đào ở những vùng dân cư thưa thớt, nơi có điều kiện địa chất thủy văn thuận lợi; khắc phục, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung hiện có tại những khu vực có đông dân cư, nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nước.. Bên cạnh đó, cũng sẽ chú trọng việc xây dựng cơ chế quản lý, vận hành sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa; ưu tiên bố trí vốn để tăng cường công tác quản lý vận hành sau đầu tư các công trình cấp nước tập trung để sử dụng có hiệu quả.

Bà Hồ Thị Nghe

Thôn La Lay, A Ngo,  Đakrông, Quảng Trị.

(Cảm ơn Đảng, cảm ơn  Nhà nước đã quan tâm cho chúng tôi có nguồn nước sạch. Từ nay chúng tôi không phải đi lấy nước cách nhà mấy cây số nữa, cũng không còn lo lắng về nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, có thể gây dịch bệnh. Chúng tôi thực sự cm ơn sự quan tâm và chia sẻ của mọi người rất nhiều)

Ông Hồ Văn Thủy

Trưởng thôn La Lay, A Ngo, Đakrông, Quảng Trị.

( Trước đây thì cuộc sống của bà con ở thôn La Lay rất khó khăn. Địa hình đồi cao, đất đá nhiều, rất khó để lấy nước phục vụ sinh hoạt nên ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều. Hôm nay, được Tỉnh đoàn và các mạnh thường quân hỗ trợ việc khoan giếng, bà con rất mừng. Điều này sẽ giúp bà con trong việc ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nhất là vấn đề đảm bo sức khỏe cho bà con)

Khan hiếm nguồn nước sạch là câu chuyện trở nên quen thuộc ở hai huyện vùng cao Đakrông và Hướng Hóa, nhất là vào mùa hè. Hằng ngày người dân phải sử dụng nguồn nước từ ao hồ, sông suối, không đảm bảo an toàn để ăn uống, tắm giặt hàng ngày, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao. Vì vậy nhu cầu sử dụng nước sạch tại khu vực miền núi là rất lớn, tuy nhiên nguồn lực để đầu tư còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, hàng trăm công trình nước sạch đã xuống cấp và không còn sử dụng được do mưa bão làm hư hỏng và chưa thể khắc phục. Không chỉ kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ nước sạch cho người dân, thời gian qua, tỉnh đoàn đã kêu gọi các tổ chức, đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ giếng khoan và tuyên truyền về bảo vệ môi trường nước, cũng như nâng cao năng lực cho cộng đồng trong quản lý, vận hành các công trình cấp nước.

Đồng chí Trần Thị như Quỳnh

Trưởng ban Phong trào thanh niên, Tỉnh đoàn Quảng Trị.

( Để hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt như nước sạch cho bà con ở vùng núi thì tỉnh đoàn cũng đã kết nối kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trên toàn quốc để cố gắng hỗ trợ nguồn nước cho bà con trong sinh hoạt cũng như phục vụ đời sống của nhân dân trên các địa phương. Tỉnh đoàn cũng mong muốn bà con sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình và sử dụng nguồn nước giếng này lâu dài hơn)

Hiện nay tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm như: Đầu tư kinh phí, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình dự án, kêu gọi tài trợ để xây dựng công trình cấp nước cho vùng đồng bào thiểu số. Nỗ lực đó đã mang lại nguồn nước sinh hoạt, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng sâu, vùng xa.

 

 

Điểm tựa vững chắc cho nông dân

 

     Thưa đồng bào và các bạn! Nhiệm kỳ 2018-2023, cán bộ, hội viên nông dân huyện Đakrông đã đoàn kết, nỗ lực “ Đổi mới mạnh mẽ hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, nâng cao vai trò trách nhiệm của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới” Hội Nông dân huyện đã và đang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động. Qua đó, nâng cao vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, thông qua nhiều hoạt động, chương trình cụ thể, thiết thực với hội viên,  Hội Nông dân  huyện Đakrông đã trở thành điểm tựa vững chắc của  nông dân trên địa bàn huyện.

       Hội Nông dân huyện Đakrông  gồm có 13 cơ sở hội với 78 chi hội , gần 6.800 hội viên. Xác định công tác xây dựng hội và phát triển hội viên là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 05 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng hội viên gắn với phát triển hội viên mới; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phối hợp lồng ghép nhiều mặt hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân với phương châm “Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”, lấy lợi ích của hội viên nông dân làm động lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thông qua các chương trình, đề án, xây dựng các mô hình, các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ để tập hợp nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lượng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông, Quảng Trị

(13/13 xã thị trấn thì cơ bản xã nào cũng xây dựng được mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, mặc dù rất khó khăn nhưng các hộ nông dân bằng sức lực của mình và các nguồn hỗ trợ từ ngân hàng, các gia đình đã xây dựng các mô hình tuy nhiên với địa bàn rất khó, đặc biệt về khí hậu nắng nóng, mưa, rét khiến cho việc phát triển cây, con gặp khó khăn. Hội Nông dân cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền để bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường cũng như vấn đề chăm sóc cây con được an toàn hơn)

      Với quan điểm để người nông dân trong thời đại mới không chỉ mạnh về làm kinh tế mà còn mạnh về ý thức chính trị, kiến thức về văn hóa, xã hội, các cấp HND trong huyện đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khích lệ, động viên hội viên nông dân phát triển tư duy, trí tuệ, thể chất. Hội Nông dân  huyện Đakrông đã tổ chức Hội thi  “ Vui cùng nhà nông” qua các năm, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho hội viên, nông dân. Việc phát triển và nâng cao chất lượng hội viên ngày càng được chú trọng ngay từ khâu kết nạp đến theo dõi quá trình sinh hoạt và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho hội viên. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân các cấp kết nạp được thêm 858 hội viên mới đạt 90,31% kế hoạch, 100% hội viên được cấp phát thẻ. Các phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn minh đã và đang được triển khai rộng khắp nhằm đưa đời sống tinh thần của người dân nông thôn ngày một nâng lên.

Một trong những hoạt động nổi bật trong phong trào hội đó là việc thành lập và đưa các chi tổ, hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, nề nếp đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên cùng giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Điển hình như hộ anh Hồ Ước - hội viên Tổ hội phát triển chăn nuôi, trồng trọt của thị trấn Krông Klang có diện tích vườn, đồi khá rộng  nhưng trước đây chỉ là vườn tạp. Năm 2021, được sự vận động của Hội Nông dân thị trấn, anh Ước đăng ký tham gia Tổ hội nghề nghiệp phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả của địa phương. Từ khi tham gia tổ, anh và nhiều hội viên đã được các cấp hội hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để phát triển trồng rừng, nuôi dê và gà và được vay vốn để mua giống, vật tư, phân bón. Từ đó đến nay, sản phẩm có đầu ra ổn định, mỗi năm thu nhập từ vườn đạt khá cao. Sau gần 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, Tổ hội phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả đã cho thấy  hiệu quả rõ rệt. Các hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập bình quân từ  100 đến 200 triệu đồng/năm.

Anh Hồ Ước

Thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Khi tham gia tổ nghề nghiệp tôi thấy mang lại cho mình rất nhiều lợi ích, trong chăn nuôi hay trồng trọt có vấn đề gì không hiểu thì các hội viên có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, từ đó biết được những cách làm hay, những mô hình hiệu quả để mình áp dụng làm theo. Các vấn đề như phòng bệnh cho vật nuôi, đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi hơn)

Với mong muốn hỗ trợ người trên địa bàn nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm mình làm ra, Hội Nông dân huyện Đakrông vừa khai trương gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản an toàn. Đây là mô hình mới, cách làm hay, góp phần mở lối cho những sản phẩm được làm ra từ bàn tay yêu lao động của người dân vùng cao đến với thị trường và người tiêu dùng. Tại các gian hàng, Hội nông dân mỗi xã bày bán những sản phẩm được làm ra từ bàn tay yêu lao động của những người nông dân vùng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm được xem là đặc sản vùng cao như: nếp than, gà bản, lợn rừng, cá mát, tôm suối, rau rừng… Để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, các quầy hàng có chế biến sẵn nhiều sản phẩm thành món ăn, thức uống thơm ngon, lạ miệng như: rượu nếp cẩm, cheo cá mát, cá mát nướng, gà nướng, cơm lam… Các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, giá thành phải chăng. Những nông sản của vùng cao đã được kết nối, quảng bá để tìm kiếm thị trường xa hơn, nhiều hơn. Từ đây, bên cạnh làm nương, làm rẫy, cán bộ, hội viên nông dân có thêm cơ hội kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế.

Anh Hồ Văn Hêm

Chủ tịch Hội Nông dân xã A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế,nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, Hội nông dân huyện Đakrông tích cực vận động nông dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Đặc biệt chú trọng đến việc định hình, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế của từng địa phương; đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và giá trị sản phẩm.

Chị Hồ Thị Vân ở xã Tà Rụt là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế vườn nhà, Chị Vân đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư chăn nuôi lợn, gà, phát triển trồng rừng. Vượt qua những khó khăn ban đầu, nhờ chăm chỉ làm ăn và được sự quan tâm,  đồng hành của cán bộ, hội viên Hội nông dân trong huyện, mô hình của gia đình chị đến nay đã cho thu nhập khá, làm giàu cho gia đình cũng như sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Chị Hồ Thị Vân

Xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

(Trước đây kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ chuyển đổi nghề của cán bộ Hội Nông dân, tôi đã mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, từ quy mô gia đình rồi mở rộng ra với nhiều cây con cho thu nhập ổn định. Tôi cũng mong được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về chăn nuôi và trồng trọt để tiện cho việc chăm sóc, quản lí đàn vật nuôi của mình có hiệu quả)

Song song với công tác phát triển và xây dựng tổ chức hội, Hội Nông dân huyện cũng chú trọng phát động và động viên nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới. Các phong trào này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Nổi bật là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" như: " Mô hình trồng đậu xanh và mô hình trồng lạc, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, mô hình chuối lùn bản địa, mô hình trồng lúa nếp than, mô hình trồng dứa...  hàng năm có hàng chục  hội viên đạt danh hiệu sản xuất giỏi . Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, ngày càng có nhiều triệu phú  nông dân xuất hiện, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.  Phong trào thi đua sản xuất giỏi, giúp đỡ nhau thoát nghèo không những mang lại kinh tế ngày càng cao, ổn định cuộc sống của gia đình mà còn giúp nông dân thay đổi suy nghĩ, cách làm, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm; giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn vươn lên làm giàu; biết sử dụng lao động một cách hợp lý; sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, quen dần việc hạch toán sản xuất kinh doanh; sáng tạo vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giàu cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội.

Ông Trần Văn Bến

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị

( Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững là một phong trào trọng tâm, trọng điểm của các cấp hội, trong đó gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thì các cấp hội đã triển khai với các hội viên và hộ gia đình, phải nói rằng phong trào này trong thời gian vừa qua đã được thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả, đặc biệt ở đồng bào miền núi thì chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết nâng cao nhận thức của hội viên nông dân trong vấn đề tiếp cận cách làm hay, cách sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình cây con phù hợp với đặc tính từng địa phương để người dân nhận thức và vào cuộc, từ đó xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập tốt, góp phần vào công cuộc xóa nghèo ở vùng cao)

Qua các phong trào đã ngày càng khẳng định sự lớn mạnh và vai trò quan trọng của HND trong tham gia phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; đồng thời, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Thời gian tới, HND huyện Đakrông sẽ tập trung nhiều hơn cho việc củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tích cực đổi mới phương thức hoạt động cũng như nội dung tuyên truyền, vận động, đặc biệt là cùng với việc tổ chức thực hiện tốt 3 phong trào thi đua của Trung ương. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên phát triển về kinh tế và nâng cao vị thế của người nông dân trong tình hình mới.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách

Thưa đồng bào và các bạn! Trong vài năm trở lại đây, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn lực phát triển hoàn thiện hệ thống các nền tảng công nghệ số hiện đại, tiện ích, hướng đến tối ưu trải nghiệm khách hàng, giao dịch tiền mặt do đó đã giảm hẳn. Đặc biệt đối với tín dụng chính sách dành cho người nghèo, các đối tượng yếu thế, việc ứng dụng các phần mềm quản lý đã hỗ trợ để họ nắm được các thông tin một cách minh bạch, rõ ràng và thuận tiện hơn.

Nếu như trước đây, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tại huyện Đakrông nhận uỷ thác vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội phải mất nhiều thời gian đi đến từng nhà ở các vùng xa trung tâm để thu vốn tiết kiệm, các khoản tiền lãi vay, thì từ tháng 11/2022, các cán bộ hội đã được cài đặt phần mềm quản lý tín dụng chính sách để bao quát thông tin cũng như giao dịch nhận tiền thông qua điện thoại di động.

Chị Hồ Thị Ngư

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm Khe Xong, TT.Krông Klang,  Đakông, Quảng Trị

( Sau khi chuyển từ tin nhắn SMS chuyển qua Mobile – banking tôi thấy rất nhanh và tiện lợi hơn, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian để nhập và gửi lên cho ngân hàng tiền lãi, nếu không có tiền mặt thì mình có thể bỏ tiết kiệm vào đó để chuyển tiền tiết kiệm hoặc tiền lãi cho ngân hàng, cho tổ trưởng)

Thực tế cho thấy, mô hình ứng dụng phần mềm qua điện thoại di động sử dụng thuận tiện, không chỉ giúp người dân rất ngắn thời gian trong công việc mà còn giúp cán bộ ngân hàng chính sách xã hội có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác trong tổ chức họp giao ban diễn ra thuận lợi hơn ngay tại phiên giao dịch xã; số liệu hoạt động của các tổ chức hội và xã đều được cập nhật kịp thời trên ứng dụng, giúp các Tổ trưởng, Hội đoàn thể nhận ủy thác nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng tại đơn vị.

Chị Trần Thị Lý

Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Khi được tiếp cận các ứng dụng về chính sách trước tiên là chúng ta mở tài khoản và đăng ký ứng dụng trên Mobile, trên cơ sở Hội triển khai trước rồi quán triệt cho tất cả các thành viên là tổ trưởng vay vốn và các thành viên sẽ tiến hành làm quen với các ứng dụng và cài đặt nó trên máy. Hiện tại tất cả các tổ và các thành viên của Hội đều sử dụng ứng dụng này nên cập nhật được số liệu dư nợ vay vốn, giao dịch hàng tháng, hàng ngày thì biết được số động biến dư, tiền lãi tiết kiệm để quản lý chất lượng tổ của mình, giao dịch ngày càng đi lên)

Tại tỉnh Quảng Trị, mặc dù việc triển khai ứng dụng Mobile – banking và quản lý tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội đi sau trong hệ thống các ngân hàng, song đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4000 khách hàng thuộc các đối tượng hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ này, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng cũng như hỗ trợ các khách hàng.

Ông Phan Văn Pháp

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị

 ( Chúng tôi cũng quan tâm đầu tư cũng như chuẩn bị về năng lực, con người cũng như các điều kiện về hạ tầng để triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình ứng dụng của trung ương triển khai. Ngoài ra, trên cơ sở thực tiễn hoạt động tại chi nhánh thì chúng tôi cũng phát triển thêm các phần mềm để đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành cũng như trong công tác khai thác số liệu cũng như sử dụng của các đối tượng mà ngân hàng phục vụ. Thông qua cái này sẽ giúp cho khách hàng tiếp cận được thông tin nhanh hơn, nguồn vốn tín dụng chính sách, các chương trình tín dụng chính sách đến với bà con thuận lợi hơn,  qua đó nguồn vốn chính sách sẽ sớm đến với bà con để phát huy được hiệu quả đồng vốn, góp phần giảm nghèo cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn)

Để tín dụng chính sách đồng hành cùng người nghèo đạt hiệu quả, việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ thông tin, cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế là hết sức cần thiết, qua đó góp phần thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và phát triển tài chính của địa phương đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Chào kết

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 05/05/2023 06:55 Đỗ Hoài Đức 05/05/2023 06:55
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà