CTPT CÙNG NÔNG DÂN BÀN CÁCH LÀM GIÀU
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

 

Cùng nông dân bàn cách làm giàu

Thứ 5 ngày 23/11/2017

 

Chào quý vị và bà con!Rất vui được gặp quý vị và bà con trong 15 phút của chuyên mục CNDBCLG. Chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con  một số mô hình nuôi ếch đem lại hiệu quả cao tại tỉnh ta. Tiếp đó là một số quy trình kỹ thuật nuôi ếch cần thiết. Nhưng trước hết là bài ghi nhận về những tín hiệu vui từ nghề đóng thuyền ở các vùng biển bãi ngang tại tỉnh ta.  Sau đây là phần nội dung chi tiết. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

 

Nhạc cắt

NGHỀ ĐÓNG THUYỀN Ở VÙNG BIỂN BÃI NGANG – NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Thưa quý vị và bà con! Từ sau sự cố môi trường biển đến nay, nghề đánh bắt hải sản ven bờ của ngư dân trong tỉnh Quảng Trị đã được phục hồi. Cùng với đó, số lượng thuyền đánh bắt gần bờ đóng mới tại các xã biển bãi ngang trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng tăng trở lại. Ghi nhận của Pv Thái Hiền, mời bà con và các bạn cùng tìm hiểu.

 

 

Tại huyện Hải Lăng, cơ sở đóng thuyền gỗ của anh Mai Văn Bảo thôn Đông Tân An, xã Hải An được xem là cơ sở đóng thuyền lớn nhất ở vùng biển bãi ngang trên địa bàn huyện. Thuyền do cơ sở của anh Bảo làm ra được khách hàng ưa chuộng vì có độ bền cao, sử dụng từ 5-10 năm, thích ứng tốt với diễn biến thời tiết bất lợi trên biển. Những ngày này, dù bắt đầu bước vào mùa mưa nhưng cơ sở của anh vẫn luôn nhộn nhịp khách hàng vào đặt đóng thuyền. Anh , một ngư dân địa phương đã đặt đóng chiếc thuyền công suất 12CV ở cơ sở của anh Bảo cho biết:

Phỏng vấn:

“Sau một thời gian gặp khó khăn do sự cố môi trường biển, mấy tháng nay tôi đã trở lại biển đánh bắt bằng chiếc thuyền mới khá chắc chắn. Nói chung tình hình sản lượng đánh bắt, giá cả của hải sản đã dần hồi phục như những năm trước nên gia đình tôi cũng có thu nhập khá ổn định”

 

Theo anh Mai Văn Bảo, kể cả so với trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển thì hiện nay số lượng thuyền do cơ sở của anh đảm nhận đóng mới đã tăng cao hơn nhiều. Từ đầu năm 2017 đến nay, cơ sở của anh đã đóng hoàn thành và bàn giao cho khách hàng được khoảng 100 chiếc, với giá thấp khoảng 20 triệu đồng/chiếc, thuyền lớn thì 45 triệu đồng (công suất phổ biến từ 12-24 CV). Sau khi có thuyền, ngư dân đã triển khai đánh bắt trở lại. Khách hàng không chỉ ở trong xã mà còn các xã lân cận và các huyện như Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện tại cơ sở của anh đang còn đóng mới hàng chục thuyền nữa….Anh Bảo cho biết thêm:

Phỏng vấn:

Không chỉ tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình, cơ sở của anh Bảo còn tạo việc làm thường xuyên cho 9-10 lao động địa phương với mức tiền công bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cơ sở đóng thuyền composite đầu tiên ở Quảng Trị của anh Nguyễn Duy Thủ cũng nhộn nhịp không kém khi ngày càng có nhiều ngư dân lựa chọn để đặt hàng. Anh Thủ cho biết, anh có thâm niên làm nghề đóng thuyền nan đã 10 năm. Tuy nhiên từ sau sự cố môi trường biển vào năm 2016, anh đã vào các tỉnh miền Nam học nghề và chuyển sang đóng thuyền bằng chất liệu composite. “Thay vì phết hắc ín lên vỏ thuyền nan tre như truyền thống thì nay tôi chuyển qua bọc thuyền bằng chất liệu mới là composite. Thuyền bọc bằng chất liệu mới này ngư dân ở các tỉnh phía Nam đã sử dụng từ lâu nhưng ở Quảng Trị thì vẫn còn mới mẽ. Qua thực tế sử dụng, thuyền composite có tuổi thọ cao hơn, sau 10-15 năm mới phải tu bổ, sửa chữa, trọng lượng nhẹ vì không thấm nước, khi gắn máy cũng có tốc độ cao hơn. Thuyền có công suất phổ biến từ 10-20 CV. Ngoài ra, giá thành thuyền composite tương đương hoặc cao hơn không đáng kể so với thuyền nan truyền thống, hiệu quả đánh bắt cao hơn. Bởi những ưu điểm như vậy nên ngày càng có nhiều ngư dân lựa chọn dùng thuyền composite để hành nghề.

 

Ngoài cơ sở của anh Thủ, hiện ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái còn có cơ sở đóng thuyền composite mới hình thành của anh Nguyễn Văn Lưu. Cả hai cơ sở đóng thuyền mới này hiện đang làm ăn hiệu quả, khách hàng tìm đến ngày càng đông. Anh Nguyễn Thế Khương khách hàng đóng thuyền cho biết:

Phỏng vấn:

Được biết, tính từ tháng 8/2016 đến nay, hai cơ sở đóng thuyền composite ở xã Vĩnh Thái đã đóng được trên 200 chiếc cho ngư dân, trừ chi phí mỗi cơ sở cũng lãi ròng từ 500-700 triệu đồng. Từ những chiếc thuyền bằng chất liệu mới này, mùa biển năm 2017 nhiều ngư dân ở Quảng Trị đã đánh bắt hiệu quả với sản lượng hải sản ước đạt từ 5-10 tấn hải sản/thuyền, thu lãi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

 

 

 

Nhạc cắt

LÀM GIÀU TỪ NUÔI ẾCH

Thưa quý vị và các bạn! Để tìm hướng phát triển tốt hơn cho mình, những năm qua, bà con nông dân luôn tìm kiếm cho mình những loại cây trồng, vật nuôi mới. Cũng từ mong muốn phát triển kinh tế, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nhiều bà con ở tỉnh ta  đã quyết định đầu tư vốn liếng, xây dựng chuồng nuôi quy mô để triển khai mô hình nuôi ếch, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Mời quý vị và các bạn cùng đón nghe bài tổng hợp của PV Thái Hiền.

Bà  Hà Thị Lự ở khu phố 5, phường 3, thị xã Quảng Trị đã có gần 10 năm gắn bó với mô hình nuôi ếch lấy thịt. Hàng ngày bà vẫn cần mẫn dọn dẹp vệ sinh ao chuồng cho đàn ếch nuôi của mình. Đến nay có thể khẳng định mô hình nuôi ếch đã thực sự đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình bà Lự.Nói về quá trình nuôi ếch của gia đình mình, bà Lự cho biết:

 

Phỏng vấn:  ( Nói về kỹ thuật nuôi ếch của mình)

 

        Cũng theo ba Lự , nuôi ếch không tốn nhiều công lao động, không dịch bệnh như nuôi các con vật khác...nhưng thu nhập cao hơn và thời gian sinh trưởng cũng ngắn, lại rất thích hợp với  khí hậu ở Quảng Trị. Hiện vụ nuôi năm nay bà Lự nuôi hơn 5.000 con ếch thịt và 100 cặp ếch bố mẹ sinh sản và trong vòng chừng 75 ngày là sẽ thu hoạch. Theo tính toán của bà Lự, với giá thành 1kg ếch thịt từ 50- 60 ngàn đồng, thì mỗi vụ nuôi sẽ cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Đó là chưa kể có năm thuận lợi bà nuôi lên đến 30.000 con ếch thì thu nhập cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện mô hình nuôi ếch đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình bà trong gần 10 năm nay.

 

Còn với anh Trần Nhật Mỹ, ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ thì  quyết định đầu tư vốn liếng, xây dựng chuồng nuôi quy mô để triển khai mô hình nuôi ếch là hướng đi hoàn toàn đúng và đây cũng chính là con đường làm giàu của gia đình anh. Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2012 với chưa đến 500 con ếch giống, đến nay hàng năm anh Trần Nhật Mỹ ở tại thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ xuất bán ra thị trường từ 3 – 4 tấn ếch thịt và gần 10.000 con ếch giống, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên anh luôn ấp ủ khát vọng vượt qua hoàn cảnh để làm giàu chính đáng trên quê hương. Với quyết tâm đó, anh đã dành thời gian tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh. Qua tìm hiểu anh Mỹ thấy mô hình nuôi ếch có chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao, lại rất phù hợp với điều kiện đất đai hiện có nên anh quyết định khởi nghiệp bằng mô hình nuôi ếch trong lồng lưới. Tận dụng địa hình trũng có nhiều mạch nước ngầm, anh đã đào ao rộng hơn 1.500m2. Bên dưới anh thả nuôi các loài cá nước ngọt như trắm cỏ, rô phi, diêu hồng…  Trên mặt ao anh dùng lưới làm thành các lồng để nuôi ếch. Theo anh Mỹ, mục đích của việc kết hợp giữa nuôi ếch với nuôi cá là để tiết kiệm công vệ sinh cho ếch. Theo đó, thức ăn dư thừa và chất thải của ếch được cá ăn, từ đó môi trường lồng ếch luôn được vệ sinh sạch sẽ. Anh Mỹ cho biết

 

 Phỏng vấn:

 

 

Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên anh chỉ thả nuôi thử nghiệm 500 con ếch giống. Sau 3 tháng thả nuôi, đàn ếch phát triển tốt, lớn nhanh, không bị dịch bệnh. Thấy mô hình nuôi ếch đầy triển vọng, ếch thương phẩm trên thị trường có giá tương đối cao nên anh quyết định mở rộng mô hình. Từ 1 lồng nuôi ban đầu, đến nay lúc nào trên ao nuôi của anh cũng có từ 6 – 7 lồng nuôi ếch thương phẩm với khoảng 1.000 con/lồng. Không chỉ nuôi ếch thịt, để chủ động nguồn ếch giống có chất lượng, anh Mỹ còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật qua sách báo, tài liệu để cho ếch sinh sản nhân tạo. Đến nay anh đã hoàn toàn làm chủ việc cho ếch sinh sản. Mô hình khép kín này giúp anh vừa có thêm thu nhập, vừa chủ động được nguồn ếch giống tại chỗ.

Theo anh Mỹ, ếch dễ nuôi hơn những con vật khác, có thể nuôi được số lượng nhiều. Mật độ bình quân khoảng 100 con/m2. Tuy nhiên ếch giống thả nuôi phải cùng kích cỡ, không được bỏ con lớn và nhỏ trong cùng một lồng vì ếch sẽ ăn lẫn nhau. Với ếch nuôi lấy thịt từ khi sinh sản đến khi xuất bán mất khoảng 3,5 - 4 tháng. Còn nuôi từ ếch  giống thì trong vòng 2,5 - 3 tháng là có thể xuất bán. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên từ vài trăm con ếch giống ban đầu, đến nay trong lồng nuôi của anh lúc nào cũng có từ 5.000 – 6.000 con ếch thương phẩm, 30 – 50 cặp ếch bố mẹ. Hàng năm xuất bán ra thị trường từ 3 – 4 tấn ếch thịt và 6.000 – 10.000 ếch giống, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Mỹ chia sẻ thêm:

 

Phỏng vấn:

 

 

Điểm đặc biệt trong mô hình nuôi ếch của anh Mỹ là cùng với men tiêu hóa, thì tỏi là thứ không thể thiếu mỗi khi anh cho ếch ăn để tăng sức đề kháng cho ếch. Nhờ vào việc dùng tỏi này anh hầu như không phải sử thuốc kháng sinh cho ếch. Ngoài ra, anh Mỹ còn tiến hành khử trùng cho ếch hàng tuần. Nhờ vậy, ếch được anh Mỹ nuôi có sức khỏe rất tốt, không mắc các bệnh về da hay tiêu hóa. Không chỉ “mát tay” trong việc chăn nuôi, anh Mỹ còn rất nhiệt tình với việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu nuôi ếch trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh còn là một đoàn viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên.

 

Nuôi ếch- mô hình kinh tế không mới, nhưng lại không phải dễ làm hiện nay ở Quảng trị, bởi ít người nghĩ đến và cũng không mấy người nắm được kỹ thuật nuôi. Mong rằng, với thành công của mô hình nuôi ếch các cấp, các ngành chuyên môn cần khuyến khích hướng dẫn đến với người nông dân để nhân rộng.

 

 

Nhạc cắt

KỸ THUẬT NUÔI ẾCH

Thưa quý vị và bà con! Để giúp bà con có thêm một số thông tin về quy trình kỹ thuât nuôi ếch đạt hiệu quả cao. Phần cuối Cm tuần này xin chia sẻ cùng bà con một số lưu ý sau đây:

Ao đất: Ao nuôi có diện tích từ 50 - 300 m2 trở lên, độ sâu ao 0,5- 1 m. Tường hoặc lưới rào phải cách bờ ao một khoảng từ 1 - 1,5 m. Ao nuôi chủ động cấp tháo nước trong quá trình nuôi.Tháo nước bắt hết cá tạp, cá dữ, vét bù đáy ao. Bón vôi liều lượng 7 - 10kg/100 m2, phơi nắng từ 2 - 4 ngày sau đó tiến hành cấp nước vào ao.

 

Một số điểm cần lưu ý trong quá trình cải tạo ao nuôi: Ao không nhiễm phèn hoặc mức độ nhiễm rất thấp; Chất lượng nước phải thật tốt, sạch và không nhiễm độc chất từ bên ngoài; Đăng lưới bảo vệ phía trên và xung quanh ao; Hạn chế ánh sáng trực tiếp.

 

Trong bể xi măng hay bể lót bạt: Bể có diện tích trung bình 6 - 30 m2 (2x3, 2x5, 3x5, 4x6, 5x6m), độ cao 1,2 - 1,5m để tránh ếch nhảy ra. Đáy ao nên có độ nghiêng để dễ thay nước. Nên che lưới nylon trên bể để tránh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ (có thể sử dụng lưới lan). Không nên che mát hoàn toàn bể nuôi. Mực nước trong ao khống chế ngập 1/2 - 2/3 thân ếch. Nên thường xuyên phun nước tưới ếch nhất là vào lúc trưa nắng.

 

Cách xử lý bể nước mới xây: bơm nước vào đầy bể, dùng thuốc tím 5 g/m3 cho vào bể ngâm nhằm khử nước xi măng trong thời gian khoảng 15 - 20 ngày, sau đó xả hết nước trong bể, chùi rửa sạch sẽ, tiếp tục bơm nước vào bể khoảng 40 - 50 cm chiều cao, dùng muối ăn theo tỷ lệ 20 - 30g/1m2 nước. Sau 2 ngày thải nước đó, cho nước sạch vào để thả ếch giống vào bể nuôi.

 

Chuẩn bị giá thể: Các giá thể thường dùng trong nuôi ếch: Lục bình, rau muống (nuôi ao), tấm nhựa nổi, bè tre, tấm nylon đục lỗ….nhằm giúp ếch lên bờ cư trú và tìm thức ăn. Giá thể không vượt quá 1/3 - 1/2 hệ thống nuôi.

 

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng

 

Điều kiện nuôi ếch đẻ là, vườn hoặc ao có diện tích >50m2; có nguồn nước sạch, chủ động cấp, thoát; xây tường gạch cao 1,5-1,7m bao kín xung quanh, chống ếch nhảy ra ngoài; làm hang nhân tạo cho ếch trú ẩn; trồng nhiều cây xanh xung quanh nơi nuôi ếch để tạo bóng mát cho ếch trú nắng.

 

Nếu nuôi ếch bằng ao thì thả bèo tây hoặc trồng rau muống 2/3 diện tích mặt nước. Trong vườn thắp nhiều ánh sáng vào buổi tối và trồng nhiều cây hoa (hấp dẫn côn trùng ban ngày, côn trùng hướng quang bay đến ban tối làm thức ăn bổ xung cho ếch).

 

Ếch là loài ăn động vật sống, con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc, cá con, tép... Trong điều kiện nuôi sử dụng được thức ăn công nghiệp.

 

Ếch đồng: nuôi từ cỡ ếch giống 3-5g/con, sau 1 tháng có thể đạt 25-30g/con, 3-4 tháng thành ếch thương phẩm cỡ 80 – 100g/con. Sống ngoài tự nhiên ếch 1 tuổi, con cái nặng 60g, con đực nặng 50g.

 

Cách chọn giống và thả giống: Chọn ếch giống to khoẻ, đều cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng và sắc nét, không bị dị tật, dị hình.Để thả giống cần chọn ngày trời mát, nhiệt độ không khí dưới 300C, ếch giống vận chuyển bằng sọt, rổ tre, lồng (có lót nylon) hoặc thùng, chậu, túi vải trong có 1 ít rong, bèo.Thả ếch giống được tắm nước nuối 3%, trong khoảng l - 2 phút. Trước khi thả phải qua giai đoạn thuần nhiệt như sau: Thả túi chứa ếch xuống ao 15 - 20 phút, cho nước vào từ từ và thả ra ao. Nên thả ở đầu gió.Mật độ thả: Ếch giống kích cỡ 100 - 200 con/kg.

 

Tháng thứ 1: Nuôi ếch trong các ao đất: 60 - 80 con/m2; Nuôi ếch trong giai, lồng bè: 150 - 200 con/m2; Nuôi ếch trong các bể xi măng: 150 - 200 con/m2.

 

Tháng thứ 2: 100 - 150 con/m2.

 

Tháng thứ 3: 80 - 100 con/m2

 

Phòng bệnh hại ếch: Khi môi trường nuôi dưỡng bị ô nhiễm do nguồn nước bẩn, thức ăn thừa thối rữa,... Đầu tiên ếch bị bệnh ngoài da, sau đó bị nhiễm trùng, ếch bị trướng bụng hoặc trên da bị lở loét, không ăn, sau vài ngày sẽ chết.

Cần phải thường xuyên thay nước (5-7ngày/lần) sạch cho ếch. Vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực nuôi ếch sau khi thu hoạch và trước khi thả ếch giống bằng các loại thuốc khử trùng mới như: Virkon; Oxidan-tca; Han-Iodine; Benkocid... Các loại thuốc này cần phải luân phiên nhau khi dùng để tránh hiện tượng quen thuốc của vi trùng. Loại bỏ những con bị chết ra khỏi khu vực nuôi. Tránh tiếng động, tiếng ồn to, đột ngột làm ếch bị ăn kém và dần dần bị bệnh. Đề phòng chuột, rắn hại ếch.

 

Thái Hiền tổng hợp và biên tập từ: nongnghiepnongthon, nongnghiepvietnam

Chào cuối!

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 21/11/2017 09:17 Võ Nguyên Thủy 22/11/2017 07:19
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà