Sức khỏe và đời sống 2 6 2019 – Chăm sóc sức khỏe răng miệng người cao tuổi
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Sức khỏe và đời sống, chương trình đang phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritiv.vn Thưa quý vị và các bạn! Răng miệng là cửa ngõ của bộ máy tiêu hóa, nếu chăm sóc không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng cao, việc chăm sóc răng miệng cần được chú ý. Đây là nội dung chính chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong chuyên mục Sức khỏe và đời sống hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Sức khỏe và đời sống 2 6 2019 – Chăm sóc sức khỏe răng miệng người cao tuổi

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Sức khỏe và đời sống, chương trình đang phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritiv.vn

Thưa quý vị và các bạn! Răng miệng là cửa ngõ của bộ máy tiêu hóa, nếu chăm sóc không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng cao, việc chăm sóc răng miệng cần được chú ý. Đây là nội dung chính chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong chuyên mục Sức khỏe và đời sống hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Bài 1: Bệnh răng miệng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người cao tuổi

Quý vị và các bạn thân mến! Chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi là vấn đề cần được quan tâm bởi vì không ít người cao tuổi quan niệm sai lầm rằng: Khi già thì răng phải rụng. Chính những quan niệm sai lầm và yếu tố tâm lí ngại đi khám răng, hoặc rất sợ các thủ thuật điều trị nha khoa nên các bệnh lí về nha khoa người cao tuổi gặp phải thường trầm trọng hơn so với người trẻ.

Những tình trạng về răng miệng thường gặp ở người già như: Mòn răng ở người cao tuổi do quá trình tích tuổi, hay do những nguyên nhân khác như chải răng không đúng cách, chải răng với lực quá mạnh, ăn thức ăn quá cứng, uống nhiều nước ngọt có ga,v.v…răng có thể bị ê buốt khi ăn nhai, hoặc khi ăn nóng, lạnh. Răng bị lung lay, nướu sưng, đỏ hoặc chảy máu, có thể đau khi ăn nhai. Tình trạng này là do vệ sinh răng miệng không tốt kèm theo yếu tố tâm lí ngại đi khám răng nên diễn tiến của bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Răng lung lay vẫn có thể điều trị được tuy nhiên thời gian điều trị kéo dài, bệnh nhân thường từ bỏ việc điều trị sau đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau buốt răng: do viêm nha chu, khớp thái dương hàm có vấn đề, do răng giả, mòn răng; sâu răng: sâu răng ở người cao tuổi thường do mắc chứng khô miệng. Hoặc đó có thể là do tác dụng của một số thuốc điều trị các bệnh khác, do vấn đề vệ sinh răng miệng chưa tốt, thức ăn bám vào gây sâu răng; mất răng; tụt nướu, trồi răng...Do vậy, người cao tuổi cần được chăm sóc chu đáo đối với răng miệng. Anh Lê Văn Hiếu, ở thành phố Đông Hà cho biết:

Trích băng:

Các bác sĩ đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh nha chu và bệnh tim. Một số nghiên cứu mới nhất cho thấy bệnh nướu răng thúc đẩy các vấn đề về tim. Nguyên nhân bởi bệnh nướu dẫn đến tình trạng viêm cấp thấp dai dẳng, có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Nguy cơ đột quỵ và viêm khớp cũng có thể tăng do bệnh răng miệng. Người cao tuổi phải đối mặt với hiện tượng giảm chức năng của tuyến nước bọt. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu hay chống động kinh. Suy giảm nước bọt khiến người già không chỉ gặp khó khăn trong việc nhai nuốt mà còn dễ đối diện với sâu răng, nướu răng.

Để có một sức khỏe răng miệng tốt, việc chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ rất quan trọng. Nếu người cao tuổi có đang mang hàm răng giả tháo lắp thì nên tháo ra khi ngủ, ngâm hàm giả trong nước, hoặc dung dịch sát khuẩn. Người cao tuổi nên lưu ý không ăn những thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh. Ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin, chất khoáng, như rau, quả. Đặc biệt là uống nhiều nước. Bác sĩ Hoàng Hữu Quốc, Phòng khám Răng- Hàm- Mặt, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải cho biết:

Trích băng:

Đối với người cao tuổi nên có một kế hoạch điều trị nha khoa một cách triệt để trước khi bước vào tuổi sáu mươi. Những răng bị sâu nên trám lại, nếu mất răng nên trồng lại răng giả mới. Vì càng lớn tuổi sức khỏe càng kém việc đi lại khó khăn, nên điều trị nha khoa triệt để là điều cần thiết ở giai đoạn này. Cũng nên lưu ý cho bác sĩ biết những bệnh người cao tuổi đang mắc phải để bác sĩ có kế hoạch điều trị một cách tốt nhất. Để có hàm răng khỏe mạnh, đơn giản chỉ với 2 phút đánh răng/lần, 2 lần một ngày và khám nha sĩ định kỳ. Nhưng những bước đơn giản này lại trở nên khó khăn ở những người cao tuổi./.

Nhạc cắt

Bài 2: Chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi

Răng miệng là bộ phận chịu ảnh hưởng rất lớn từ phía tuổi tác. Do đó, tuổi càng cao thì sức khỏe răng miệng càng yếu, càng dễ xuất hiện các bệnh lý về răng miệng. Vì vậy, việc tìm hiểu các bệnh răng miệng thường gặp và cách chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi hết sức quan trọng.

Bệnh nha chu là một bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng, hay gặp ở lứa tuổi trung niên, người già và là nguyên nhân thường gặp gây mất răng ở người cao tuổi. Bệnh nha chu là bệnh của tổ chức xung quanh răng. Nguyên nhân chính của bệnh là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ ở mảng bám xung quanh cổ răng, hình thành cao răng. Cao răng càng nhiều thì tình trạng viêm lợi càng nặng, tiến triển thành viêm nha chu có kèm theo viêm dây chằng quanh răng và tiêu xương. Bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, giảm sức đề kháng của cơ thể. Những triệu chứng thường gặp là chảy máu lợi (nướu) khi chải răng, lợi sưng đỏ dễ chảy máu, cao răng nhiều, hơi thở hôi, răng lung lay và có cảm giác không bình thường khi nhai, răng di chuyển dần và thưa ra. Mảng bám của vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh nha chu. Nếu không chải răng kỹ và dùng chỉ nha khoa, mảng bám sẽ dày dần và gây viêm nướu.

Triệu chứng ban đầu của bệnh nha chu là có vôi bám ở cổ răng, kích thích gây ra viêm nướu. Các mô quanh chân răng (như lợi, xương, men gốc răng, dây chằng) đã bị phá hủy. Răng mất điểm tựa vững chắc nên từ từ lung lay và thưa dần; lúc này răng biểu hiện sẽ là sưng lợi, lợi túi mủ chứa nhiều vi khuẩn, miệng hôi. Để phòng ngừa bệnh nha chu, cần giữ vệ sinh răng miệng, chải răng đúng cách, ăn những thức ăn mềm.

Đối với người cao tuổi các loại rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp nhiều sinh tố cho cơ thể nói chung, cho răng và lợi nói riêng và có tác dụng làm sạch răng sau khi ăn. Thời điểm ăn trái cây tươi tốt nhất là trước bữa ăn chính một tiếng đồng hồ vì chúng là đồ ăn sống. Người cao tuổi thường ăn ít và ăn làm nhiều bữa.Sau mỗi lần ăn phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men tạo ra chất Acid phá hủy men răng dẫn đến sâu răng.

Người lớn tuổi cần ăn uống bổ sung đầy đủ các chất như đạm có trong thịt, trứng, tôm, cua, sữa, đậu và các loại trái cây để bổ sung Vitamin và muối khoáng giúp cho răng khỏe mạnh. Đặc biệt, người lớn tuổi nên hạn chế tối đa ăn mỡ và nội tạng động vật.

Để phòng bệnh răng miệng, người bệnh cần chú ý bổ sung các loại rau và trái cây tươi bởi chúng là nguồn cung cấp vitamin cho cơ thể nói chung, cho răng và lợi nói riêng; chúng cũng có tác dụng làm sạch răng sau khi ăn. Nên ăn trái cây tươi thay cho các loại bánh kẹo ngọt vì chúng dẻo dính và là nguyên nhân gây sâu răng. Nếu ăn bánh ngọt chỉ nên ăn bánh ngọt vào bữa chính và đánh răng ngay sau đó; nên ăn đủ các chất: đạm (thịt, trứng, tôm, cua, sữa, đậu phụ), béo (dầu thực vật; hạn chế tối đa ăn mỡ và phủ tạng động vật). Nên chọn ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin, chất khoáng từ trái cây, rau tươi giúp răng chắc khỏe. Sau mỗi lần ăn, phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men, tạo ra chất axit phá hủy men răng, dẫn đến sâu răng; không nên dùng tăm quá nhiều vì dễ gây mòn cổ răng và khi xỉa tăm nên cẩn thận vì khi đâm vào lợi dễ gây viêm lợi, sưng đau.

Dù răng bị mất vì bất cứ lý do gì, thì người cao tuổi cũng nên đến nha sĩ để khám và phục hình răng sau đó 1 tháng. Nếu để lâu, các răng sẽ bị xô lệch, làm mất khoảng trống của răng đã mất, đồng thời gây xáo trộn khớp cắn, khó chải sạch răng. Khi đã có răng giả, nên chăm sóc chúng thật kỹ, chải răng hằng ngày như răng thật. Nếu dùng răng giả kiểu tháo lắp, nên tháo ra lúc nghỉ ngơi hoặc đi ngủ để niêm mạc ở hàm được thoáng, máu lưu thông dễ dàng. Hàm giả tháo ra nên được vệ sinh sạch sẽ, ngâm vào một ly nước nguội có nắp đậy, tốt nhất là ly thủy tinh. Bác sĩ Hoàng Hữu Quốc, Phòng khám Răng- Hàm- Mặt, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải đưa ra lời khuyên:

Trích băng:

Để có một sức khỏe răng miệng tốt, việc chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ rất quan trọng. Nếu người cao tuổi có đang mang hàm răng giả tháo lắp thì nên tháo ra khi ngủ, ngâm hàm giả trong nước, hoặc dung dịch sát khuẩn. Người cao tuổi nên lưu ý không ăn những thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh. Ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin, chất khoáng, như rau, quả. Đặc biệt là uống nhiều nước. Đối với người cao tuổi nên có một kế hoạch điều trị nha khoa một cách triệt để trước khi bước vào tuổi sáu mươi. Những răng bị sâu nên trám lại, nếu mất răng nên trồng lại răng giả mới. Vì càng lớn tuổi sức khỏe càng kém việc đi lại khó khăn, nên điều trị nha khoa triệt để là điều cần thiết ở giai đoạn này. Cũng nên lưu ý cho bác sĩ biết những bệnh người cao tuổi đang mắc phải để bác sĩ có kế hoạch điều trị một cách tốt nhất./.

Nhạc cắt

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thưa quý vị và các bạn! Để tiện cho việc theo dõi và biết cách phòng trị bệnh về phổi, trong chuyên mục sức khỏe và đời sống hàng tuần, chúng tôi sẽ giành thời lượng cuối cùng để chia sẻ cùng quý vị và các bạn các chứng bệnh về phổi. Trong tất cả các chứng bệnh về phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một loại bệnh khó điều trị và dễ gây ra tình trạng suy hô hấp, ảnh hưởng đến hoạt động và sinh hoạt hàng ngày. Vậy triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh như thế nào, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng nghe bài viết sau.

Trước hết chúng ta cần hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi COPD là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong chỉ đứng sau ung thư. Chia sẻ về triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ Trương Thị Hằng, bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi cho biết, phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra những tác động, dấu hiệu trực tiếp ở hệ thống hô hấp. Triệu chứng thường gặp là ho mãn tính, kéo dài, ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu,khó thở, thở gấp sức, thở gấp, ngực có cảm giác thắt chặt, đau, thở khò khè, mệt mỏi kéo dài, sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh. Tất cả đều là những triệu chứng ban đầu dễ bắt gặp ở cả trẻ em và người lớn khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những dấu hiệu này thường bị người bệnh chủ quan và không có định hướng khám và điều trị dứt điểm. Bác sĩ Trương Thị Hằng, bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi cho biết thêm:

Trích băng:

Nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng tổn thương hoặc tắc nghẽn tại các mô phổi gây ra tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính. Các tổn thương này xảy ra khi chúng ta thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài. Và bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh kể cả trẻ em hay người lớn. Trong đó, các chất kích thích là nguyên nhân tiềm ẩn gây phổi tắc nghẽn mãn tính. Một số chất kích thích chúng ta cần tránh như: hút thuốc, hít phải khói thuốc lâu dài gây nguy cơ cao 80-90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hít phải khói hóa chất, bụi bặm và ô nhiễm môi trường ngoài trời, ô nhiễm môi trường không khí trong nhà.

Bác sĩ Trương Thị Hằng, bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi cho biết thêm:

Trích băng:

Bên cạnh đó, nếu sống trong môi trường ô nhiễm môi trường không khí như hít phải khí đốt nhiên liệu, bụi nghề nghiệp, hóa chất cũng dễ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên, đặc biệt là với trẻ nhỏ cũng dễ gây bệnh này.  Có thể nói, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần điều trị tại bệnh viện ngay khi thấy có các triệu chứng nặng khó thở đến nỗi không thể nói chuyện, móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám- điều này chứng tỏ nồng độ oxy trong máu thấp. Một số người rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim nhanh, rất nhanh. Tốt hơn hết, khi đã thấy những triệu chứng về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà chúng tôi vừa chia sẻ, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi để được khám và điều trị kịp thời. Trong chương trình sức khỏe đời sống sau, chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn cách điều trị và những lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính, mời quý vị và các bạn chú ý đón nghe.

Bao/Phoi tac nghen man tinh

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 28/05/2019 21:14 Nguyễn Thị Bảo 28/05/2019 21:14
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà