sắc màu văn hóa - Đời sống
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, Bên cạnh đó, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Danh nhân Quảng Trị: Nguyễn Văn Tường” được phát sóng vào lúc 17h ngày 23 tháng 9 năm 2022 và phát lại vào lúc 16 h ngày chủ nhật 25/9/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 23/9/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 17 h ngày thứ 6 và 16 h ngày chủ nhật hàng

tuần.

Thưa quý vị, và các bạn, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Trong chương trình hôm nay, nhân dịp 20 năm (2002-2922) Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Huế ( Đại học Huế) tổ chức Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia  “ Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường”, đi đến kết luận khẳng định Nguyễn Văn Tường là vị quan yêu nước, có công lao trong sự nghiệp đấu tranh chống Pháp vào thế kỷ 19. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị “Danh nhân lịch sử Quảng Trị: Nguyễn Văn Tường và quê hương của ông làng An Cư- huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

Kính thưa quý vị. Huyện Triệu Phong với tài nguyên thiên nhiên phong phú, bề dày văn hóa lịch sử kết hợp với con người thân thiện, gần gũi. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.

Đầu năm 2017, tour du lịch văn hóa lịch sử tâm linh trên địa bàn huyện Triệu Phong hình thành gồm các điểm đến: Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang ở thị trấn Ái Tử, Di tích Dinh chúa Nguyễn Hoàng, Bến Ghềnh Thương cảng cổ và Miếu thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Miếu Trảo Trảo phu nhân ở Triệu Giang, Di tích Quốc gia Thành Cổ Quảng Trị, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đặc biệt kết thúc hành trình bằng thưởng thức 9 món đặc sản địa phương tại chợ Sãi như nem, chả, cháo hến, bánh chưng, bánh bột lọc, bánh bèo...

Theo dòng lịch sử, Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang là một trong những ngôi chùa xưa nhất và cũng là ngôi Tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị, thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông, biểu tượng tâm linh của Phật giáo tỉnh Quảng Trị. Với giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật cùng những giá trị văn hóa, nhất là nơi đã khắc đậm đời sống tâm linh của dân chúng trong một quá trình lịch sử lâu dài nên ngày 15/ 11/1991, Tổ đình đã được nhà nước chính thức xếp hạng là di tích văn hóa- lịch sử cấp quốc gia hạng A1.

 

Một địa điểm quan trọng trong trang sử dân tộc là sự kiện Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi theo lời khuyên của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện nay quần thể di tích của Chúa Nguyễn Hoàng trên địa bàn huyện Triệu Phong được các nhà chuyên môn đánh giá cao về ý nghĩa lịch sử và tâm linh của dân tộc. Trong buổi ban sơ, Nguyễn Hoàng đã 3 lần dời dinh, lần thứ nhất dinh được xây dựng ở Ái Tử (1558-1570); lần thứ hai ở Trà Bát (1570-1600) và lần thứ 3 là ở Dinh Cát (1600-1626). Lỵ sở đầu tiên mà Nguyễn Hoàng đóng quân là Ái Tử. Thời điểm hình thành bắt đầu từ khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng giữ vai trò là trấn thủ Thuận Hoá cùng tuỳ tùng gần 1.000 người rời đất Bắc vào đến Quảng Trị theo sông Thạch Hãn cuối năm 1558. Ông cho đóng trại trên một cồn cát ven sông thuộc làng Ái Tử của huyện Võ Xương. Lỵ sở này tồn tại trong vòng 12 năm. Hiện nay địa điểm chỉ là phế tích.

 

Lỵ sở thứ hai là thủ phủ Trà Bát, thời điểm hình thành lỵ sở này bắt đầu từ khi Chúa Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hoá năm 1570, sau chuyến ra Bắc giúp vua Lê đánh dẹp nhà Mạc (1569), ông cho dời dinh sang làng Trà Bát (Trà Liên, Triệu Giang ngày nay), lỵ sở này tồn tại trong vòng 30 năm. Các nhà nghiên cứu sử học đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Đa số đều xác nhận cả hai địa điểm Dinh Trà Bát và Dinh Cát đều nằm trên địa phận làng Trà Liên. Hiện nay địa điểm này là khu nghĩa địa của nhân dân làng Trà Liên.

 

Lỵ sở thứ ba là Dinh Cát (hay Cát Dinh). Thời điểm hình thành lỵ sở này từ sau khi Nguyễn Hoàng ra Bắc lần thứ hai (1593) trở về vào năm 1600, ông cho dời phủ từ Trà Bát sang Dinh Cát. Lỵ sở này tồn tại trong thời gian 26 năm, trong đó có 13 năm dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng và 13 năm dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

 Cúng như nhiều vùng quê khác trên đất Quảng Trị, Triệu Phong chứa động trong mình trầm tích văn hóa của người Việt trong quá trình mở cõi, khai đất, lập làng. Đất và người Triệu phong trong tiến trình lịch sử đã ghi những dấu ấn đặc trưng, hồn cốt, cho các thế hệ mai sau luôn ngưỡng vọng về một vùng đất dấu yêu như thế

PHÁT MỘT ĐOẠN BÀI HÁT “ MiỀN QUÊ THƯƠNG NHỚ”- TRIỆU PHONG

 

MC: Kính thưa quý vị và các bạn, Hằng năm cứ đến tháng 7 chúng ta lại nhớ đến sự kiện lịch sử thất thủ kinh đô Huế 7.1885 và không thể nào quên vai trò của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường với những oan khiên kéo dài suốt cả trăm năm. Việc đánh giá nhìn nhận lại ông là quá ư cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng và điều kiện làm được việc này.

Gần đây, đã có những hội thảo, những nghiên cứu minh oan cho Nguyễn Văn Tường, tuy nhiên rõ ràng vẫn chưa đáp ứng đúng mong mỏi của nhiều độc giả. Vì vậy sự ra đời cuốn sách nói trên đã thổi một luồng gió mới thực sự vào không khí học thuật và vẽ lại thật chính xác, tỏ tường chân dung một nhân vật lịch sử, một trọng thần triều Nguyễn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều đại sự quốc gia.

Cũng cần điểm lại đôi nét chính trong hành trạng chính trị của Nguyễn Văn Tường trong thập niên 80 của thế kỷ XIX. Sau thất thủ kinh đô 1885, hai đại thần trụ cột của triều đình là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị). Nửa đường Nguyễn Văn Tường quay lại Huế, Tôn Thất Thuyết hay tin cho người về Kinh phóng hỏa đốt nhà ông Tường. Pháp cũng căm ghét ông Tường vì phá hỏng âm mưu của Pháp, nên bắt giam ông đày ở Côn Đảo (Côn Lôn), sau đó đưa sang giam cầm ở đảo Haiti trên biển Thái Bình Dương và chết trong lúc bị lưu đày. Ông bị sử sách và dư luận vùi dập rồi lên án là tội đồ lịch sử, bị quy là tính cách tráo trở, lúc khó khăn lại đầu hàng kẻ thù, tiếp tay cho giặc...

Sau biến động tại kinh thành Huế 1885, dư luận hầu như hoàn toàn bất lợi cho ông Nguyễn Văn Tường. Sử thuộc địa bôi nhọ ông, người Pháp cũng dựng chuyện lên án ông một cách đầy dụng ý, về sau sử trong nước cứ thế nói theo. Ngay cả dân gian cũng bất công với ông. Trong "Vè thất thủ kinh đô" đã hơn một lần gọi tên ông là chính danh thủ phạm phản trắc, nham hiểm và rủa sả Kỳ vĩ quận công, kể cả chuyện ông bị Pháp bắt ông tù Côn Lôn, như nhổ được một cái gai trong mắt dân chúng lúc bấy giờ: "Nguyễn Tường ăn ở hai lòng/Trời xui Tây lại đóng còng Côn Lôn". Danh tiết ông bị vây bủa trong ma trận sử sách và dư luận suốt một thế kỷ, đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước mới bắt đầu hé lộ tia sáng cuối đường hầm mịt mù, u tối.

Các hội thảo khoa học các cuốn sánh của các nhà sử học có uy tín không những giải oan các tội danh không có mà Nguyễn Văn Tường và Nhà Nguyễn phải gánh chịu hàm oan cả thế kỷ, cuốn sách bằng các luận điểm, luận cứ, luận chứng thuyết phục đã khẳng định Nguyễn Văn Tường còn có công, không những thế còn có công lớn trong sách lược chống đô hộ Pháp.

Tiếp đó chỉ ra hiệu quả của việc áp dụng chính sách "hòa để thủ dưới các triều vua kế vị" với các sách lược cụ thể: Thủ với hệ thống sơn phòng và tận dụng mâu thuẫn Trung-Pháp, tìm một thế hòa mới với hiệp ước Patenôtre, xúc tiến phong trào Cần Vương và hậu thuẫn cuối cùng: hệ thống sơn phòng và phòng trào Cần Vương. Tất cả các mảnh ghép chân dung rất đáng tin cậy này đã góp phần hoàn chỉnh hình ảnh chính xác con người yêu nước thương nòi đến tận cùng của Nguyễn Văn Tường, tầm nhìn chính trị và ngoại giao của một tài năng kinh bang tế thế trong bối cảnh vận nước đang cơn bĩ cực, thế sự rối ren, nhân tâm ly tán, tin đồn thất thiệt lộng giả thành chân.

Hình dung con người chính trị Nguyễn Văn Tường là một phức hợp hết sức rối rắm, mù mờ lại bị bao bọc bởi quá nhiều thông tin giả trá, hư ngụy được tạo dựng nên bởi những ý đồ độc ác và nham hiểm. Bởi vậy cả trăm năm qua, chân dung đích thực của ông như là một câu đố của nhân sư trong nền sử học nước nhà. Dù đi sau với một hành trình như mò kim đáy bể, GS Nguyễn Quốc Trị đã có một công trình khoa học và rất công phu để minh oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường và cũng là ông cố của mình, cũng như giải oan đối với Nhà Nguyễn. Như vậy, theo quan niệm truyền thống phương Đông, có thể coi trung hiếu vẹn toàn. Tâm huyết và công lênh ấy không thể không ghi nhận dù ở phương diện quốc gia hay là chuyện riêng họ tộc.

Hiện ông Nguyễn Văn Tường đã được chiêu tuyết và tôn vinh, ở Quảng Trị cũng đã có đường phố mang tên ông, tại làng quê ông ở An Cư đã có bia về đền thờ ông nhằm vinh danh công lao một người ái quốc đã hy sinh vì nước; tại Đền thờ vua Hàm Nghi tại Tân Sở, Cam lộ, Quảng Trị cũng đã có phối thờ 02 Đại chính phụ thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất thuyết. Dù muộn, nhưng vẫn là kết thúc rất có hậu đối với một công thần yêu nước và tận hiến, đã chịu đựng nhiều búa rìu dư luận và chấp nhận tù đày rồi bỏ xác xứ người.

 

    Nhạc cắt. Kỹ thuật bỏ Lời xướng tiểu mục “Nghệ thuật và cuộc sống”

MC: Thưa quý vị và các bạn. Trong phần đầu của  chương trình chúng tôi có giới thiệu về nhân vật  lịch sử  Nguyễn Văn Tường. Để quý vị và các bạn được rõ hơn về thân thế, sự ghiệp của ông,  Biên tập viên của Chương trình- Nguyễn Việt Hà đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Hoàn- Phó Giám đốc Sở thông tin- Truyền thông tỉnh Quảng Trị, người có nhiều năm nghiên cứu và có nhưng bài khảo cứu quan trọng về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. ( trích băng)        

Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Điểm đến Quảng Trị”

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Sắc màu văn hóa[ Đời sống của Đài PTTH Quảng Trị.

 MC: Kính thưa quý vị và các bạn, phần cuối của chuyên mục chúng tôi sẽ đưa các bạn đến làng An Cư của huyện Triệu Phong để tìm hiểu những truyền thống văn hóa trãi dài theo lịch sử hình thành và phát triển. Mảnh đất này còn là nơi sinh ra nhiều người con học hành đỗ đạt khoa cử, ra làm quan giúp ích cho nước cho dân. Tiêu biểu có nhân vật lịch sử: Quan Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường -mà cuộc đời và sự nghiệp thăng trầm của ông gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Mời quý vị đón nghe

Có ghép nhạc độc tấu đàn thập lục

“Làng An Cư- thuộc xã Triệu Phước- huyện Triệu Phong- Tỉnh Quảng Trị, được thành lập cách nay hơn 600 năm. Theo sách Ô Châu Cận lục của tác giả Dương Văn An thì làng An Cư là một trong 59 làng cổ nhất thuộc huyện Võ Xương. Đến thời nhà Nguyễn, An Cư là tên Tổng thuộc huyện Vũ Xương, đạo Quảng Trị. Tương truyền khai sáng hương hiệu ra làng là một vị tướng trong đoàn quân vào dẹp giặc Chiêm thành, mở mang bờ cõi. Theo lệnh của vua đã chiêu dụng dân binh, khẩn hoang lập làng. Sau khi hương thôn địa bộ đã được ổn định, Ngài xuôi về phía Bắc để lập nên một làng mới là làng Đại Hào thuộc xã Triệu Đại và mất ở trên làng mới đó. Ông Nguyễn Hữu Lực- Một hào lão trong làng An Cư cho biết ( trích băng)

MC: Địa thế của An Cư nằm về phía hữu ngạn con sông Thạch Hãn xuôi về Cửa Việt, phía bên kia sông là Cù lao Bắc Phước với các làng như Duy Viên, Dương Xuân, Hà La. Làng An Cư có 6 họ chính, là những họ đã có công cùng với Ngài tiền khai khẩn để tạo nên làng An Cư trù phú như ngày hôm nay, đó là Họ: Nguyễn , Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Tấn, Dương và Phan.

Cũng như các làng cổ khác của Quảng Trị, sau khi đã ổn định địa bộ đã chú tâm để xây dựng các công trình tâm linh, như đình chùa miếu vũ. Các công trình tâm linh này được xây dựng cổ kính, trang nghiêm theo kiểu dáng các đình chùa Bắc Bộ. Đặc biệt tại làng An Cư có xây dựng một cái Dinh để thờ Ngài tiền khai khẩn ra làng, Dinh ngài quay về hướng Đông Bắc, trước Dinh của Ngài có ao trồng sen nở hoa khoe sắc về mùa hè và khoảnh ruộng để làm lễ cấy lúa xuống đồng hàng năm. Vì là người khai khẩn ra 02 làng nên làng An Cư và làng Đại Hào đều chung ngày giỗ kỵ Ngài, Ông Nguyễn Hữu Lực- chia sẽ thêm  ( trích băng)

Làng An Cư có các di tích văn hóa lịch sử như Giếng Côi, tương truyền có từ thời Chăm, mạch nước trong và ngọt, không bao giờ cạn. Hiện nay người dân làng vẫn dùng sinh hoạt. Nằm cách đó không xa là vùng Cồn Đống- xưa kia là bến đò dọc, đò ngang gắn liền với những câu chuyện lịch sử và ký ức bao thế hệ. Ông Nguyễn Văn Hảo- Người làng An Cư cho biết ( trích băng)

Được tưới tắm bởi phù sa màu mỡ của  sông nước nên đất đai An Cư thấm đẩm tinh chất ngọt lành, cây trái quanh năm tốt tươi. Qua bao đời, người An Cư chăm chỉ cấy cày và chăm lo sự học cho con cái, lấy tấm gương học hành của các bậc tiền nhân để răn dạy, động viên con cái trong gia đình, dòng họ. Đã có nhiều người con trong các họ tộc trong làng đã vượt khó vươn lên học hành khoa bảng, thành tài, giúp dân, giúp nước. Tiêu biểu như Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường, Cử nhân Nguyễn Tuy, Cử Nhân Nguyễn Văn Phùng, Tiến sĩ Nguyễn Hàm. Giai đoạn sau này có các ông như: Bí thư huyện ủy Triệu Phong Dương Hạo, NSUT Nguyễn Hữu Ái, Nguyễn Hữu Quang.

Câu chuyện về Đất và người làng An Cư hòa quyện trong câu chuyện lịch sử chung của dân tộc, cũng lặng lẽ bình thản như dòng sông khi về đến miền xuôi, không còn sóng cồn hung dữ mà chỉ dâng cho người những hạt phù sa.

NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 20/09/2022 10:52 Lê Vĩnh Nhiên 20/09/2022 10:58
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà