SẮC MÀU VĂN HÓA - ĐỜI SỐNG
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Nhân vật lịch sử  Quảng Trị” được phát sóng vào lúc 10 h 30 , 17h  ngày 4  tháng 11 năm 2022 và 17 h ngày thứ ba 8/11/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 4/11/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 10 h 30, 17 h ngày thứ 6 và 17 h ngày thứ ba hàng tuần.

Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, Bên cạnh đó, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

 

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Nhân vật lịch sử  Quảng Trị” sẽ giới thiệu đến quý vị về các danh nhân lịch sử- văn hóa Quảng Trị: Ông Nguyễn Hữu Thận, quê ở huyện Triệu Phong, giữ những chức quan dưới triều đình Nhà Nguyễn. Trong cuộc đời sự nghiệp của mình ông đã có nhiều đóng góp lớn về thiên văn và toán học lúc bấy giờ., các tiểu mục tiếp theo của chương trình sẽ tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của Quảng Trị. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

                                                    Nhạc cắt

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Như chúng tôi đã giới thiệu từ đầu chương trình, Ông Nguyễn Hữu Thận, quê ở huyện Triệu Phong, đã giữ những chức quan dưới triều đình Nhà Nguyễn. Trong cuộc đời - sự nghiệp của mình ông đã có nhiều đóng góp lớn về thiên văn và toán học lúc bấy giờ. Trong chương trình hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về nhân vật lịch sử này.

Theo phổ hệ họ Nguyễn Hữu (trước là Nguyễn Phú) ông sinh vào tháng 3 năm Đinh Sửu, tức là tháng 4 năm 1757 đời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát. Quê ông làng Đại Hòa, lúc bấy giờ thuộc tổng An Dã, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, bây giờ thuộc xã Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Phú Điêu làm Huấn đạo ( một chức quan phụ trách việc học hành của huyện), nhưng lại là một người thích nghiên cứu về lịch và ngay từ khi ông còn nhỏ, đã dạy cho học cửu chương. Năm lên 8 tuổi, được nghe giảng về phép lịch Đại Thống, ông bắt đầu say mê về lịch. Từ đó, cái ham thích này cứ lớn dần lên theo tuổi tác.

Tháng 6 năm 1786, Nguyễn Huệ từ phía Nam kéo quân ra. Nhân dân khắp nơi nổi dậy hưởng ứng. Trong niềm phấn khởi chung, người thanh niên 29 tuổi Nguyễn Hữu Thận đã hăng hái ra phục vụ chế độ mới. Nguyễn Hữu Thận được điều vào Quy Nhơn làm việc 9 năm rồi trở ra Phú Xuân. Là người có chí và tài năng, ông được thăng đến chức Hữu thị lang bộ Hộ.

Năm 1801, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Phú Xuân. Cũng như nhiều vị quan khác của triều Tây Sơn, ông phải ra “hiệu thuận” tức là thuận theo triều đại mới và làm việc. Sau những năm giữ chân Chế cáo ở Viện Hàn lâm, làm thiên sự ở bộ Lại và tiếp đó, làm cai bạ ở Quảng Nghĩa, đầu năm Kỷ Tỵ (1809), ông được rút về làm Hữu tham tri bộ Lại rồi mấy tháng sau được cử làm Chánh sứ một phái bộ tuế cống sang Trung. Sau một thời gian dài. tháng 5 năm 1810 (Canh Ngọ) sứ bộ trở về nước.

Theo Đại Nam Chính biên liệt truyện, sau khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Hữu Thận đã tâu xin làm lịch Hiệp Kỷ thay cho lịch Vạn Toàn. Đến tháng chạp, triều đình ban bố lịch mới, được bắt đầu dùng từ năm Quý Dậu (1813).

Lịch Hiệp Kỷ, biên soạn dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Hữu Thận, so với lịch dùng trước đó, là cả một sự cải tiến lớn về nội dung. Những ngày tiết được báo chính xác hơn, đáp ứng mục đích giúp cho nông dân cày cấy kịp thời vụ.

Chính ông chứ không phải ai khác, sau khi là cha đẻ của lịch Hiệp Kỷ, còn tìm tòi nghiên cứu đem lại cho nó độ chính xác ngày càng cao, một sự tin cậy ngày càng rộng, khiến nó được giữ dùng mãi cho đến năm 1945.

Về tri thức thiên văn học của Nguyễn Hữu Thận, Liệt truyện và Thực lục chép rằng: “Năm Ất Hợi (1815), trong khi luận về thiên tượng, nhà vua quyết định ngày mồng một nào có nhật thực thì bãi lễ triều hạ và yến hương, để tỏ ý lo sợ và tu tỉnh”, ông đã báo cáo trước: “Hai năm nữa, tháng 4 và tháng 10 đều sẽ có nhật thực”. Ông đã tính đúng. Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (16 - 5 - 1817), nhật thực xảy ra. Lúc này ông đang ở Bắc thành phụ trách Hộ Tào, nhà vua và triều thần nhân đó, nhận xét về ông “Phép tính lịch rất tinh vi, chỉ có Nguyễn Hữu Thận đủ học thuật để biết được”. Liệt truyện cũng do đó cho ông là một nhà thiên văn “không có ai sánh kịp”27. Ngày 15 - 7 năm Tân Mão tức là ngày 12 - 8 - 1831, ông mất.

Khi nói đến Nguyễn Hữu Thận, dù phải nhận rằng trước sau ông vẫn là một nhà Nho, một gương mặt tiêu biểu của chế độ phong kiến, nhưng trong ông nhà Nho làm quan ấy, còn có một con người khác, lớn hơn nhiều lần, khiến ông không những như không hoàn toàn đứng trong mà còn vượt lên thời đại của mình. Đó là một con người say mê khoa học nhiều hơn sách vở thánh hiền, có tinh thần thực học nhiều hơn tâm học, có ý thức cách tân hơn là bằng lòng với những gì đã có, muốn đạt đến chân lý trong thực tại cuộc sống hơn là trong những giá trị đạo đức đơn thuần. Con người ấy, khi sống bình thường hay cả khi làm quan cũng vậy, tâm trí lúc nào cũng hướng về khoa học và vì thế, đã làm việc quên mình cho khoa học.

Sau này, những câu chuyện ông ứng đối với quan Tàu, những giai thoại về tài năng toán học, thiên văn học, những câu hò và ca dao toán của ông luôn được truyền miệng trong dân gian. Như các câu ca dao sau:

Anh đi thì lý chưa trồng

Anh về, lý đã đơm bông trăm ngành

Mỗi ngành mười tám bông xanh

Ba bông bốn trự đố anh mấy tiền?

Ông Nguyễn Hữu Thận hoàn toàn xứng đáng với lòng yêu mến, niềm cảm phục và nỗi luyến tiếc lâu dài ấy của nhân dân.

    Kỹ thuật bỏ Lời xướng tiểu mục “Nghệ thuật và cuộc sống”

                                                  Nhạc cắt

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Trong chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cuộc trao đổi nói chuyện của Biên tập viên Chương trình Việt Hà- Đài PTTH Quảng Trị với Tiến sĩ sử học Nguyễn Bình- Chủ tịch Hội Khoa học- Lịch sử Quảng Trị về nhân vật Nguyễn Hữu Thận. Mời quý vị cùng lắng nghe ( trích băng)

                                                   Nhạc cắt

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Nói về những đóng góp của ông Nguyễn Hữu Thận về khoa học. Bên cạnh những tác phẩm về thiên văn họa không thể không nhắc đến bộ sách “Ý trai toán pháp nhất đắc lục”. Nội dung của bộ sách nói về các thuật toán, cách tính toán để phân chia điền địa lúc bấy giờ cũng như cách tính phục vụ trong xây dựng công trình.

Bộ sách này gồm 8 quyển, Quyển 1: về việc đo lường, cân; Quyển 2: Phép phương điền (đo diện tích ruộng đất) Quyển 3; Phép sai phân (tính sai số); Quyển 4: Phép khai bình phương (tìm căn bậc hai); Quyển 5: Phép tính theo tương quan giữa các cạnh bên với cạnh huyền của tam giác vuông; Quyển 6: tính chu vị, diện tích các hình; Quyển 7: Giải 47 bài toán minh hoạ, liên quan đến phép phương trình (đại số học) và các nghiên cứu ma phương; Quyển 8: Phép lập phương (tìm thể tích và căn bậc 3).

Trong bộ sách này. ông nghiên cứu sâu thêm về một số môn loại trong toán pháp cửu chương 36 của phương Đông, như phép phương điền (phép đo diện tích ruộng đất tức là hình học phẳng), phép sai phân (phép lấy một tổng số chia ra nhiều phần khác nhau), phép khai bình phương (phép từ số vuông mà tìm căn số bậc hai), phép câu cổ (phép dùng hình tam giác vuông để tìm chiều đứng, chiều sâu, chiều nằm, quãng cách những vật ở xa), phép phương trình (đại số học)...

Khi nói về bộ sách này, Ông Hoàng Xuân Hãn, một nhà toán học Việt Nam cho rằng ông Nguyễn Hữu Thận đã “bàn tới ma phương”. Ma phương là một hình vuông, chia đều ra từng ô, trong đó đặt những con số nối tiếp nhau, nhưng tổng số mỗi hàng ô ngang, dọc và chéo đều bằng nhau.

Thực ra ông bàn đến vấn đề này, về nội dung thì là cách lập ma phương, còn về hình thức thực tế thì là chép trao đổi của các tam tam tứ tứ và bát bát đồ41. Tam tam đồ (hay ma phương bậc 3) chỉ có một loại (nếu xoay 900, 1800 và 2700 thì có đến tám loại nhưng tựu trung vẫn chỉ là một) nên trước sau các nhà toán học phương Đông hay phương Tây cũng chỉ để ra được một cách trao đổi với các con số. Vì vậy, Nguyễn Hữu Thận chỉ cụ thể hóa phép cũ. Nhưng từ tứ tứ đồ (hay ma phương bậc 4) trở đi thì mỗi bậc có không biết bao nhiêu loại mà kể, cho nên cần có phương pháp trao đổi đơn giản. Đối với tứ tứ đồ, sau khi ghi xong các con số nối tiếp vào 16 ô (12 ô chung quanh được gọi theo 12 chi, 4 ô giữa được gọi theo 4 duy), ông vạch 4 đường vạch gọi là tứ phương họa.

Nhìn chung, trong tình hình nước ta đầu thế kỷ 19, sự ra đời của bộ sách Ý trai toán pháp nhất đắc lục mang một ý nghĩa lớn. Nó biểu hiện tinh thần khoa học lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống của dân tộc. Riêng đối với nền toán học Việt Nam, nó là một sự tiếp nối và phát huy đẹp đẽ. Có thể nói, với nó, toán học nước ta lúc ấy đã vươn lên một trình độ khá cao, đã đi tới một bước khá dài.

     Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Điểm đến Quảng Trị”

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Triệu Đại là miền đất được nhiều người biết đến của huyện Triệu Phong. Từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hi sinh mất mát, người dân Triệu Đại một lòng đi theo cách mạng để giành lại mảnh đất quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Triệu Đại đã đồng lòng, đồng sức để xây dựng hương thôn ngày thêm đổi mới. Nơi đây cũng đã sinh ra những người con ưu tú đã làm rạng danh quê hương, trong đó có danh nhân Nguyễn Hữu Thận- một nhà Bác học có danh tiếng thời Nguyễn sơ.

Triệu Đại là một trong những xã vùng đông của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị,

Nằm trên giao lộ của nhiều tuyến đường, trong đó có quốc lộ 64 chạy theo trục Bắc Nam nên đến Triệu Đại chúng ta có thể đi theo nhiều đường khác nhau. Nếu xuất hành từ thành phố Đông Hà, rẽ ở ngã tư phường Đông lương chúng ta gặp cầu Đại Lộc bắc qua sông Thạch Hãn nhánh rẽ về Hiếu Giang xanh ngát, thanh bình, thuyền bè ngược xuôi…Qua khỏi xã Triệu Thuận chúng ta sẽ đến thôn Đại Hào, nơi có Chợ Thuận nỗi tiếng của Quảng Trị xưa và nay.

Ca dao từng có câu: “ “Chợ Thuận buôn bán suốt mùa/ Thuận mua thuận bán cho vừa lòng nhau”.

Sách Ô Châu Cận Lục của tác giả Dương Văn An có ghi:
"Chợ Thuận ở ranh giới huyện Hải Lăng và Vũ Xương. Ở đây lều quán bày la liệt. Nào huyện lỵ, nào thành trì hai phía đông tây đối mặt nhau. Cả thuỷ lẫn bộ, hai đường đều tiện lợi. Đây là nơi hội tụ đông nhất của Châu Thuận”. ông Nguyễn Văn Tương- Thôn Đại Hào- xã Triệu Đại cho biết ( băng 1)

  Liên quan đến Chợ Thuận xưa là câu chuyện về Thành Thuận Châu. Thuận Châu là ngôi thành cổ có từ thời Chăm, đến đời Trần, Lê thì trở thành thủ phủ Châu Thuận của người Việt. Khi Chúa Nguyễn Hoàng chọn Ái Tử làm dinh thự thì trở thành hoang phế.  Hiện còn một số cổ vật lưu giữ ở nơi đây.

ông Nguyễn Văn Tương- Thôn Đại Hào- xã Triệu Đại cho biết thêm ( Trích băng 2)

Cũng tại khu chợ Thuận xưa này có đình làng Đại Hào, đây là nơi trong những năm 1930-1945 các đội vũ trang của ta luyện tập và tổ chức nhiều cuộc mít tin của nhân dân vùng đông của Triệu Phong để chuẩn bị khởi nghĩa. Vào ngày 28/8/1945 nhân dân đã tập trung và nổi dậy giành chính quyền từ xã đến huyện. Chợ Thuận và thành Thuận Châu  đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh. Hiện chợ Thuận mới đã chuyển về khu trung tâm của xã, khá bề thế, rộng rãi với nhiều gian hàng. Chợ Thuận ngày nay cũng giữ vai trò quan trọng, là nơi trao đổi hàng hóa của nhân dân các xã vùng đông của huyện Triệu Phong.

Nói về Triệu Đại, chúng ta không thể không nói tới Làng Đại Hòa. Làng Đại Hòa có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, được hình thành vào đời Chúa Nguyễn khoảng vào năm 1510. Địa dư của làng tuy hạn hẹp nhưng từ ngày xưa đã được bố trí ăn ở ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ. Làng có một con đường mặt tiền ngay ngắn, nơi đẹp nhất được dùng để xây dựng một ngôi đình làng thờ các vị nhân thần, những người có công với nước với dân, tiếp theo là nhà thờ của các họ.

Đằng sau con đường mặt tiền ấy là các con đường chạy thẳng song song, chia ngôi làng thành những ô cân đối chẳng khác gì một bàn cờ, các con đường đều được bê tông hóa rất thuận lợi cho việc đi lại ở trong làng. Có một điều đặc biệt là phần lớn các Đình, Chùa, miếu mạo và các nhà dân đều quay về hướng Nam.

Cũng như các làng khác trong xã Triệu Đại, truyền thống hiếu học của Làng Đại Hòa luôn được phát huy và giữ gìn qua hàng thế kỷ. 

Ở dưới triều Gia Long – Minh Mạng có một danh nhân lịch sử nỗi tiếng vào thời kỳ bấy giờ là Ngài Nguyễn Hữu Thận. Ngài được xem như là nhà ngoại giao, toán học, soạn lịch và học thuật lúc bấy giờ, đã từng giữ các chức Thượng thư của 03 Bộ: Bộ Hộ, Bộ Lại, Bộ Hình. Khi vào chầu vua, được đặc cách cho ngồi. Sinh thời ngài được phong tước Hầu, phẩm hàm Hiệp biện Đại học sĩ.

 Cuộc đời của Ngài Nguyễn Hữu Thận- theo sử sách chép lại, hoặc được lưu truyền - đều là sự ngưỡng mộ của người đời với một tài năng xuất chúng. Trãi qua 02 triều đối nghịch: Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn nhưng  với tài năng và đức độ của mình nên Ngài được tin dùng.

Chép về Ngài Nguyễn Hữu Thận, sách Đại Nam liệt truyện ghi: “ Hữu Thận có học thuật, thạo việc làm quan, tính về lịch giỏi, nhà thiên văn học không ai hơn được”

Ông  Nguyễn Hữu Thắng- Trưởng phái họ tộc Nguyễn Hữu- Làng Đại Hòa chia sẽ ( băng 3)

Tại đình làng Đại Hòa đang bảo quản  một cái chuông tên gọi “Đại Hồng Chung” do Ngài Nguyễn Hữu Thận cúng làng với bài ký khắc chặm hoa văn trên chuông vẫn còn nguyên vẹn.

Lăng mộ của Ngài trầm mạc trên vùng Cồn Dưới của thôn Đại Hòa, giữa cánh đồng gió lộng, cạnh hồ sen thơm ngát vào hạ. Với những công lao của mình Ngài Nguyễn Hữu Thận xứng đáng nhận được sự ngưỡng vọng của hậu thế.

NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 02/11/2022 16:13 Lê Vĩnh Nhiên 03/11/2022 09:10
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà