sắc màu văn hóa - Đời sống
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó miền tây Quảng Trị là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc ít người Pako và Vân Kiều. Trong sự phát triển của mình, đồng bào Pako, Vân Kiều đã bảo tồn những bản sắc văn hóa đặc sắc.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Trang phục đồng bào vùng cao Quảng Trị” được phát sóng vào lúc 10 h 30 , 17h  ngày 18 tháng 11 năm 2022 và 17 h ngày thứ ba 22/11/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 18/11/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 10 h 30, 17 h ngày thứ 6 và 17 h ngày thứ ba hàng tuần.

Thưa quý vị, và các bạn, Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó miền tây Quảng Trị là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc ít người Pako và Vân Kiều. Trong sự phát triển của mình, đồng bào Pako, Vân Kiều đã bảo tồn những bản sắc văn hóa đặc sắc.

Trong chương trình hôm nay. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị về một số nét độc đáo về trang phục của đồng bào nơi đây.

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Trải dài theo dãy núi Trường sơn tỉnh Quảng Trị vùng đất miền Trung chịu nhiều nắng, gió và cũng giống như những dân tộc khác, mỗi dân tộc, mỗi dòng họ, đều có những phong tục, tập quán, khác nhau nó được kết nối và truyền thụ qua nhiều thế hệ, qua những mối liên hệ về tâm linh, tính ngưỡng của con người nói chung. Mỗi một dân tộc mang một nét bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần làm nên sự đa sắc trong vườn hoa 54 dân tộc. Trong các yếu tố tạo nên sắc thái văn hóa đó thì y phục, trang sức lại thể hiện khá rõ sự độc đáo, đa dạng, mang đặc trưng riêng của mỗi tộc người.Không sặc sỡ như trang phục Hà Nhì, Lô Lô phía Bắc, trang phục dân tộc của người Bru -Vân Kiều hài hoà với hai gam màu chủ đạo là đen và đỏ. Sắc màu tượng trưng cho âm dương, sự gắn bó và giao hoà với thiên nhiên, cây cỏ.

Kỷ thuật ghép file nhạc cụ dân tộc bru Vân Kiều, khèn bè của anh Hồ Văn Hồi

Đồng bào Vân Kiều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), là một trong 3 dân tộc địa phương cư trú ở miền núi Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. trước khi biết đến nghề trồng bông, đay để xe sợi dệt vải thì người Bru-Vân Kiều đã sử dụng những vỏ cây rừng đập lấy xơ để tạo ra trang phục. Những chiếc áo, khố bằng vỏ cây a mưng (theo tiếng gọi của người Bru-Vân Kiều) hiện vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Trị.

Người Bru-Vân Kiều sinh sống bằng cách săn bắn và trồng trọt nên nam giới thường ở trần và đóng khố để phù hợp với những sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, phụ nữ Bru-Vân Kiều thường mặc váy dài qua gối từ 20-25 cm. Có nhóm mặc áo chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc vuông. Có nhóm nữ đội khăn bằng vải quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, cổ đeo hạt cườm, mặc áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm cổ và hai nẹp trước áo có đính các "đồng tiền" bạc nhỏ màu sáng, nổi bật trên nền chàm đen tạo nên một cá tính về phong cách thẩm mỹ riêng trong diện mạo trang phục các dân tộc Việt Nam.

Nhắc đến trang phục của người dân Bru-Vân Kiều, người ta không khỏi nhắc đến một số “tài sản” vô giá như váy (xân), áo (ada), chiếc khăn đam. Khăn đam được dệt bằng vải có dải ngang, hai đầu có xúc tua, dài khoảng gần 1 mét, thường có màu sắc sặc sỡ, dùng quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy.

Phụ nữ Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị mặc áo xẻ ngực, màu chàm cổ. Người có kinh tế khá giả còn đính kim loại bạc tròn ở mép cổ và hai bên nẹp áo. Váy được trang trí theo mảng lớn có bố cục dải ngang.

Người Bru-Vân Kiều sử dụng váy, áo, khăn đam trong ngày lễ tết, ma chay, cưới xin. Nó còn hiện diện ngay cả trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hay khi tham gia lao động sản xuất.

Cùng với y phục, trang sức truyền thống góp phần tôn lên vẻ đẹp rực rỡ giữa màu xanh vô tận của núi rừng. Các vòng hạt cườm đeo cổ làm từ chất liệu đá quý được xâu thành chuỗi, có màu tím hồng, ghè theo hình ô van. Những chuỗi cườm là đồ trang sức mang trong cuộc sống đời thường, đặc biệt không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của gia đình, làng bản.

Ðồ trang sức thường đeo là các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai. Chính vì thế, những chuỗi cườm, khuyên tai, vòng đeo tay, vòng cổ… được truyền từ đời này sang đời khác, là vật kỷ niệm thiêng liêng của người Bru-Vân Kiều.Tập quán cổ truyền xưa kia của người Bru - Vân Kiều dù đàn ông hay đàn bà, đều búi tóc. Những cô gái chưa chồng thì búi tóc bên trái, khi đã có chồng tóc được búi trên đỉnh đầu.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa từ trang phục, khuyến khích đồng bào sử dụng trang phục của dân tộc mình trong các lễ hội, lễ tết… Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều nói riêng.  

Nhạc Khèn bè

                                                NHẠC CẮT

Kính thưa quý vị, hiện nay núi rừng miền tây Quảng Trị có 02 dân tộc đồng bào an hem sinh sống. Ta không thể nhắc đến công đồng dân tộc Pako. Tại Quảng Trị thì đồng bào Pako sinh sống chủ yếu ở huyện Đakrông và các xã thuộc bắc huyện Hướng Hóa. Tuy có những nét tương đồng nhưng trang phục của đồng bào Pako cũng có những nét riêng độc đáo. Từ ngàn xưa, sống giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng bào Pa Kô đã chọn cho mình những loại cây thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường để làm trang phục. Loại trang phục từ những buổi ban đầu này được đồng bào gọi với cái tên A mưng và được gìn giữ đến ngày hôm nay. 

Tiếng chiêng trống lễ hội A Rieuping của đồng bào Pako

Đồng bào Pako trước lúc vào rừng chọn cây làm áo, họ tiến hành nghi lễ Pa rôông với ý nguyện cầu có sức khỏe, may mắn tìm được cây tốt, chất liệu bền, đẹp; đồng thời cầu mong các Giàng, thần linh phù hộ, che chở trong hành trình đi chọn cây không gặp thú dữ, hiểm nguy. Sau khi chọn được cây, đồng bào tách vỏ ra khỏi thân, cắt thành từng đoạn theo ý muốn, phơi khô đập dập cho rụng hết lớp vỏ cứng bên ngoài và làm mềm lớp vỏ lụa bên trong, ngâm nước nhiều ngày cho xốp. Sau đó lại được phơi thật khô một lần nữa trước khi may thành áo. Hoặc sau khi đập lớp vỏ bên trong cho mềm, người Pa Kô đem phơi sương từ một đến hai đêm, rồi đem ra đập lại lần nữa. Lúc đó mới lấy lên, phơi khô, may vai và lườn lại để làm áo mặc. 

Theo lời của các già làng nơi đây, muốn làm một chiếc áo vỏ cây, người đàn ông Pa Kô phải rất vất vả đi hàng tháng trời trong rừng sâu mới tìm được cây A mưng về làm áo. Họ chọn những cây A mưng to bằng thùng đựng nước, không bị hư hại, chặt từng khúc dài khoảng 1,5m đến 2m, bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dùng dao lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ, bởi lụa của cây A mưng mềm mại, dai mới làm được áo và màu sắc áo mới đẹp. Tìm cây đã khó, nhưng công đoạn làm sợi chỉ lại khó hơn, chỉ lấy từ sợi cây A mưng kết lại mà thành, khâu xuyên qua từng lớp vỏ cây tạo thành áo. 

Ngoài cây A mưng, không phải loại cây nào cũng được dùng để làm trang phục mà đồng bào tự chọn cho mình loại cây nhất định, chất liệu tốt, nhẹ, tránh được mối, mọt, điều hòa được thân nhiệt. Áo làm bằng vỏ cây là loại trang phục giúp đồng bào bảo vệ cơ thể, chống lại nắng nóng, giá rét khi đi trong rừng rậm, săn bắt, hái lượm, lao động sản xuất, cũng như trong lễ hội. 

Trong lễ hội mừng lúa mới, cầu mùa, hoặc trong nghi lễ A Riêu Ping, mừng bản mới… đồng bào Pa Kô mang những chiếc áo A mưng thể hiện sự ngưỡng vọng với tổ tiên, thần linh… đã chỉ bảo cho đồng bào cách tạo ra trang phục, đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ, kỹ thuật trong chế tác trang phục. Chủ nhân của những chiếc áo đẹp được hội đồng tộc trưởng biểu dương, tặng thưởng trong lễ hội của bản. Đây cũng là dịp để đồng bào trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm trang phục, từ đó ngày càng có những bộ trang phục đạt đến độ tinh tế hơn về thẩm mỹ và chất lượng. 

Đồng bào còn dùng vỏ cây để làm chăn đắp. Cách làm tương tự như làm áo, nhưng miếng vỏ cây làm chăn có kích thước lớn hơn và không được gia công kỹ như làm áo. Sau khi nghề dệt vải thịnh hành, người dân vẫn duy trì công việc này và đến nay vẫn còn những tấm chăn được làm từ vỏ cây. 

Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, áo A mưng đã sưởi ấm cho đồng bào Pa Kô, theo bước chân bà con trên từng chặng đường gùi lương, tải đạn, chiến đấu với kẻ thù. Đó chính là loại trang phục đầu tiên của đồng bào, nhưng hiện nay chỉ còn lưu lại tương đối ít ở một số gia đình, do nghề dệt vải trở nên phổ biến. Đa số người Pa Kô từ lâu không còn làm và sử dụng áo vỏ cây nữa, nhưng những người lớn tuổi trong bản làng vẫn giữ gìn và trân trọng những cái áo từ ngày xưa ông cha để lại như những bảo vật. 

Anh Hồ Văn Phương- ở huyện Đa Krong, tỉnh Quảng Trị cho biết ( Trích băng 2)

Cùng với các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca tinh tế, sâu lắng, chiếc áo bằng vỏ cây A mưng mà đồng bào Pa Kô đang gìn giữ đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Nhạc cắt. BỎ Tiểu mục “Nghệ thuật và cuộc sống”

MC: Kính thưa quý vị và các bạn để hiểu rõ hơn về trang phục của đồng bào Vân Kiều. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị cuộc nói chuyện của Biên tập viên chương trình Việt Hà với anh Hồ Văn Hồi- đồng bào dân tộc Pako. Anh hồ Văn Hồi hiện nay sinh sống tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng trị. Anh Hồi tuy còn trẻ tuổi nhưng là người luôn tìm tòi và phục hồi lại các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Kính mời quý vị cùng nghe ( Trích băng)

Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Điểm đến Quảng Trị”

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Sắc màu văn hóa- Đời sống của Đài PTTH Quảng Trị.

 MC: Kính thưa quý vị và các bạn, phần cuối của chuyên mục chúng tôi sẽ đưa các bạn đến mộ bản làng tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị- thôn Thượng Văn. Bà con các dân tộc nơi đây vừa bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình  mình vừa chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.Mời quý vị đón nghe

Có ghép nhạc cụ đồng bào dân tộc cồng chiêng hay khèn, đàn ta lư ( Pako, Vân Kiều)

 Đầu thế kỷ XX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đời vua Duy Tân (1907 – 1916) trị vì, do xung đột với quan lại thực dân Pháp nên ông Nguyễn Hữu Châu, nguyên là quan tri huyện Tuy Phong , tỉnh Bình Thuận bị giáng chức và chuyển đến vùng núi rừng ở Hướng Hóa. Tại đây, ông cùng vợ là bà Chế Thị Xuân Vũ đứng đầu khởi xướng lập làng.

Những năm 1930 trở đi, nhiều người dân ở đồng bằng lên Hướng Hóa lập nghiệp và một số người định cư tại làng Thượng Văn, lúc bấy giờ trên tuyến quốc lộ 9 từ Khe Sanh đến Lao Bảo gồm có 3 làng: Thượng Văn, Trung Thuận và Nam Hòa. Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, 3 làng này thành lập thành 1 tổng gọi là tổng Hòa - Thuận - Văn, mỗi làng có 1 đình riêng. Ghi nhớ công lao khai khẩn của ông Nguyễn Hữu Châu, người dân làng Thượng Văn đã dựng bia tưởng niệm và thờ ông tại gian chính của nhà thờ làng.

Làng Thượng Văn còn được biết là cái nôi cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời kỳ chống thực dân Pháp, nhiều người dân của làng đã khơi dậy phong trào cu - li đấu tranh tại đồn điền cà phê Bà Rôm, một số người dân của làng đi theo cách mạng chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau ngày đất nước giải phóng, số người dân đi sơ tán trong chiến tranh trở về lại làng Thượng Văn và xây dựng cuộc sống mới, đoàn kết khôi phục, giữ gìn truyền thống văn hóa tâm linh của làng.

Như chúng ta thấy đây là đền thờ và đình làng tại Thượng Văn. Năm 1986, dân làng tái lập đền thờ và đến nay đình làng đã được xây dựng khang trang, đảm bảo cho việc bảo tồn, duy trì nét văn hóa tâm linh, nơi sinh hoạt thờ tự của cộng đồng dân cư trong làng. Ông Nguyễn Văn Nông - Trưởng làng Thượng Văn, Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị, cho biết ( Trích băn 1)

Theo hương ước, mỗi dịp lễ lớn của quê hương, đất nước Ban Trị sự làng Thượng Văn lại tổ chức cúng tế tại đình làng và tại nghĩa trang liệt sỹ huyện. Trước là cảm tạ người có công khai khẩn lập làng, sau là nghiêng mình trước anh linh của những anh hùng hy sinh vì tổ quốc.  Thông qua đó giáo dục cho mọi người, nhất là với thế hệ trẻ về lòng biết ơn, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trong các dịp hội làng, các lễ hội dân gian luôn được tổ chức cho các tầng lớp con dân tham gia như kéo co, nhảy bao bố...; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ thu hút đông đảo người dân. Điều này cũng gắn bó tình đoàn kết giữa người đồng bào các dân tộc. Ông Hồ Ta Đăng, làng Thượng Phước, Khe Sanh, Hướng Hóa chia sẽ ( Trích băng 2)

Về miền Thượng Văn, bên cạnh sự tươi mới phát triển của một miền quê về kinh tế- xa hội là một phong trào khuyến học- khuyến tài luôn được giữ gìn, phát huy. Phong trào xã hội học tập ở làng được đẩy mạnh, tỷ lệ gia đình học tập, gia đình tú tài, gia đình cử nhân tăng nhanh. Ông Hồ Xuân Phúc, TT Khe Sanh, Hướng Hóa, nói ( Trích băng 3)

Hiện nay, toàn làng Thượng Văn có hơn 1.000 hộ/hơn 5.000 khẩu, có 3 dân tộc chính: Kinh, Vân Kiều và Pa Kô sinh sống. Đi lên từ chiến tranh, bom đạn, trải qua 115 năm hình thành và phát triển Thượng Văn hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Bức tranh tươi mới, đa sắc ở nơi được mệnh danh là rừng thiêng nước độc năm nào đã dần hiện ra nơi miền tây Quảng Trị. Một phố núi đang dần hình thành và mở cửa ra với du khách gần xa.

Không đủ thời lượng phát bài hát Tình Em Gió hát của NS Xuân vũ- bài hát về miền tây Quảng Trị

 NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 18/11/2022 09:24 Lê Vĩnh Nhiên 18/11/2022 09:55
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà