sắc màu văn hóa - Đời sống
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Thưa quý vị, Bài chòi một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, đã có từ lâu ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Bài Chòi đã đi vào lòng

người, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa tại Quảng Trị” được phát sóng vào lúc Chương trình được phát sóng vào lúc 16 h 30 ngày THỨ SÁU 23/12/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 23/12/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 16 h 30, ngày thứ 6 hàng tuần.

 

Kính thưa quý vị, Trong chương trình hôm nay, quý vị sẽ biết thêm về di sản văn hóa phi vật thể “ Bài chòi Quảng Trị” cùng các nét tiêu biểu về văn hóa khác của Quảng Trị. Phần sau của CT là mục giới thiệu  một kiến trúc cổ còn tồn tại sau các cuộc chiến tranh khốc liệt gồm Chùa Hồng Khê  và làng cổ Đại Hòa quê hương của danh nhân lịch sử văn hóa Quan Phụ chính Đại thần triều Nguyễn- ông Nguyễn Văn Tường

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

Phát file bài chòi Quảng Trị.

Mc: Kính thưa quý vị và các bạn. Bài chòi một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, đã có từ lâu ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Bài Chòi đã đi vào lòng

người, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài Chòi là một nhiệm vụ cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Trị.

 

Ngày 07/12/2017, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Tại Quảng Trị, Bài Chòi là một trò chơi dân gian ra đời từ rất lâu.Những năm1945 trở về trước, hầu hết các làng quê trên địa bàn tỉnh đều tồn tại một hình thức giải trí vào dịp Tết - đó là đánh bài tới. Về sau, các làng đã cho dựng chòi phía trước sân đình, sân chợ để tổ chức hội Bài Chòi, Cờ Chòi trong các dịp Xuân đến. Từ đây, Bài Chòi thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng làng và được dân gian gọi là hội Bài Chòi. Từ những năm 1990 đến nay, hội Bài Chòi mới được khôi phục trở lại tại một số làng quê như: làng Tùng Luật, làng Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang); làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa), thị trấn Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh). Tại làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, sau ngày giải phóng đến nay mặc dù hội Bài Chòi không được khôi phục trở lại nhưng cách thức tổ chức Bài Chòi vẫn còn in đậm trong ký ức của một số người cao niên trong làng.

Nghệ nhân sĩ ưu tú về lĩnh vực văn hóa dân gian ông Vũ Mạnh Thi hiện sinh sống tại thôn Mai Xá, Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị cho biết ( Trích Băng)

 

Nghệ thuật Bài Chòi ở Quảng Trị đã trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân ở các làng quê tham gia, hưởng ứng. Nghệ thuật Bài Chòi Quảng Trị mang đậm chất dân gian, thể hiện ở khía cạnh từ nội dung những điệu hò, câu vè, những người hô thai, cách trang trí các chòi chơi đều xuất  phát từ sự sáng tạo của người dân...

Tuy nhiên, Bài Chòi ở Quảng Trị đang được lưu giữ theo phương thức truyền khẩu, chưa được đầu tư đúng với giá trị vốn có; phần đông nghệ nhân nòng cốt nay đã tuổi cao, sức yếu; việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa đồng bộ nên Bài Chòi ở Quảng Trị có nguy cơ thất truyền, mai một.

Từ thực trạng nêu trên, việc xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài Chòi là một nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay. Bà Lê Thị Việt Hà- Giám đốcTrung tâm  Văn hóa thông tin Điện ảnh, Sở Văn hóa THể thao và Du lịch cho biết ( Trích băng)

Nhằm tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật to lớn của di sản Bài Chòi - một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vạt thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Quảng Trị đã xây dựng “Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2023” Với các mục tiêu cụ thể: Hoàn thành công tác sưu tầm, kiểm kê, phân loại phục vụ cho việc bảo vệ Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn toàn tỉnh.

Với sự chỉ đạo tích cực của Ủy ban Nhân dân tỉnh và sự triển khai thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Đề án về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi Quảng Trị không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ này mà còn góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nhân loại.

 

                                         NHẠC CẮT

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Sắc màu văn hóa- Đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Kinh thưa Quảng Trị, tại Quảng Trị có những ngôi chùa làng nằm sâu trong những làng quê, tĩnh mịch thẳm sâu. Nhưng ở đó chứa đựng những câu chuyện không chỉ giáo lý về nhà Phật mà còn là nơi gửi gắm những tình cảm, tâm linh của người dân quê hiền lành. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ đưa quý vị đến với một ngôi chùa làng như thế.

Nhạc Thiền Phật giáo

 Nằm giữa không gian thoáng đãng giao hòa của cỏ cây hương đồng gió nội, ngôi Hồng Khê Tự trầm mặc với thời gian, an nhiên một cõi vô thường. Tuy nhiên sau cái khiêm nhường mà trang nghiêm này là một cổ tự đã góp phần tạo nên mạch nguồn văn hóa, như tên gọi vốn đang có của không chỉ người dân nơi đây mà còn với Phật Giáo Quảng Trị

Ngôi Hồng Khê tọa lạc ở đầu làng Bích Khê, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ bao đời nay, ngôi chùa làng này gắn liền với đời sống bình dị và mặc nhiên đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân làng Bich Khê. Từ xa xưa cho đến ngày hôm nay, ngôi chùa ngoài lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật biểu trưng đường nét hoa văn dân tộc ra, nó còn có nhiều chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp sự hướng thánh thiện cho con người. Ấy vậy nên người dân Việt dù đi đâu về đâu, sau khi chọn vùng đất làm nơi sinh cơ lập nghiệp thì đều xây dựng cho mình một ngôi chùa.

"Chùa làng, phong cảnh Phật" thật sự đã trở thành nét đẹp văn hóa của làng xã, là nơi neo giữ tấm lòng mọi người Việt Nam. Tùy theo điều kiện khác nhau để phụng lập ngôi tự thiện lớn hay nhỏ. Ngôi chùa với tên gọi gắn liền với đổi thay hương hiệu và vận mệnh của người dân nơi ấy. Ngôi Hồng Khê này cũng vậy, trải qua bao cuộc bể dâu để hôm nay mặc khải với mây trời và an yên một chốn thiền định.

 Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê, cho biết ( trích băng 1)

Làng Bich Khê thuộc phủ Triệu Phong xưa kia ra đời trong bối cảnh gắn liền công cuộc mở mang bờ cõi, khai hoang, khẩn nghiệp của các dân binh người Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông. Gắn liền với quá trình tụ cư của làng Bích Khê, đã dần hiện hữu những cơ sở tín ngưỡng ban đầu, phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân. Chùa Hồng Khê cũng ra đời từ thời gian đó. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa do binh đao loạn lạc, ngôi Hồng Khê tự đã có vị thế của ngày hôm nay.

Hệ thống chùa mới được thiết trí như giống nhiều ngôi chùa khuôn hội khác trong vùng với dạng kiến trúc đặc trưng. Ngôi Chánh điện phía trước có một tiền điện cho các tín hữu hành lễ, phía sau chánh điện là nơi thờ Tổ sư gọi là Tổ đường.  Nhìn về phía trước ta thấy các mái đao chùa được thiết kế theo kiểu đầu rồng thời Lê. Riêng chính giữa mái thay vì hình rồng chầu mặt nguyệt như ở các đình làng thì ở đây là hình tượng bánh xe luân hồi trong đạo Phật kết hợp với đầu rồng. Có thể coi đây là sự giao thoa tín ngưỡng giữa các tôn giáo rất độc đáo.Bài Trí ở ngôi Chánh điện cơ bản giống các ngôi chùa ở Quảng Trị, Phía ngoài cửa 2 bên có các vị hộ Pháp, trong Chánh điện, trên cùng có tượng Tam Thế và các tượng Di đà Tam Tôn, Di Lặc, Quan Âm…Chữ Hồng Khê tự được ghi trang trọng khi chúng ta bước vào tiền điện chàu.

Với bề dày lịch sử văn hóa của một vùng quê thuần nông lâu đời, chùa Hồng Khê dẫu trải qua những khó khăn nhất định nhưng cho đến nay vẫn còn lưu giữ những pháp khí cổ cũng như những tấm bia đá được nhà chùa cũng như bà con dân làng Hồng Khê trân quý.

Trên tường trước chánh điện gần lầu chuông và lầu trống của chùa có 02 bức bia ký bằng đá thanh. Theo Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng trong một lần đi điền dã tại đây, khẳng định đây là một trong cổ vật mà ít các chùa Quảng Trị hiện đang có. Hai tấm bia là những tư liệu quý giá về những lần tái kiến, trùng tu sửa chữa chùa, qua đó chúng ta biết được lịch sử hình thành và phát triển của một ngôi chùa làng. Tấm bia thứ nhất được tạo lập vào năm Thiệu Trị thứ 3 ( 1843), bia đá thứ hai được tạo lập vào năm Thành Thái thứ 6 ( 1894), tuy nhiên tiêu đề của hai tấm bia đều ghi như nhau “ Nam Mô Phật”.

Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê, cho biết ( Trích băng 2)

Đặc biệt, hiện chùa Hồng Khê hiện còn lưu giữ một bảo vật pháp khí, đó là cổ chuông. Như chúng ta thấy đây thì chuông cổ này có ghi niên đại đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 23 ( tức là vào năm 1742).  Chuông được đúc rất tinh xảo và công phu, các Hán tự trên thân chuông được thợ đúc chạm khắc bằng tay khác với các chuông hiện tại là đúc chìm một lần. Đây là một điểm độc đáo của các chuông cổ xưa còn sót lại trong các chùa trên cả nước.                                             

 ( Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê. Chia sẽ ( Trích băng 3)

Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra những Nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Chùa Hồng Khê cùng với những di vật hiện đang có, cùng với lịch sử hình thành và phát triển đã tạo nên bức thủy mặc về một vùng đất thấm đẫm sự hòa quyện giữa đạo pháp và hồn dân tộc. Và như tên gọi rất đẹp của mình, mạch nguồn Hồng Khê sẽ không thôi ngừng nghỉ, chảy mãi đến ngàn năm sau.

 

Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Điểm đến Quảng Trị”

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Sắc màu văn hóa[ Đời sống của Đài PTTH Quảng Trị.

 MC: Kính thưa quý vị và các bạn, phần cuối của chuyên mục chúng tôi sẽ đưa các bạn đến làng An Cư của huyện Triệu Phong để tìm hiểu những truyền thống văn hóa trãi dài theo lịch sử hình thành và phát triển. Mảnh đất này còn là nơi sinh ra nhiều người con học hành đỗ đạt khoa cử, ra làm quan giúp ích cho nước cho dân. Tiêu biểu có nhân vật lịch sử: Quan Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường -mà cuộc đời và sự nghiệp thăng trầm của ông gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Mời quý vị đón nghe

Có ghép nhạc độc tấu đàn thập lục

“Làng An Cư- thuộc xã Triệu Phước- huyện Triệu Phong- Tỉnh Quảng Trị, được thành lập cách nay hơn 600 năm. Theo sách Ô Châu Cận lục của tác giả Dương Văn An thì làng An Cư là một trong 59 làng cổ nhất thuộc huyện Võ Xương. Đến thời nhà Nguyễn, An Cư là tên Tổng thuộc huyện Vũ Xương, đạo Quảng Trị. Tương truyền khai sáng hương hiệu ra làng là một vị tướng trong đoàn quân vào dẹp giặc Chiêm thành, mở mang bờ cõi. Theo lệnh của vua đã chiêu dụng dân binh, khẩn hoang lập làng. Sau khi hương thôn địa bộ đã được ổn định, Ngài xuôi về phía Bắc để lập nên một làng mới là làng Đại Hào thuộc xã Triệu Đại và mất ở trên làng mới đó. Ông Nguyễn Hữu Lực- Một hào lão trong làng An Cư cho biết ( trích băng)

MC: Địa thế của An Cư nằm về phía hữu ngạn con sông Thạch Hãn xuôi về Cửa Việt, phía bên kia sông là Cù lao Bắc Phước với các làng như Duy Viên, Dương Xuân, Hà La. Làng An Cư có 6 họ chính, là những họ đã có công cùng với Ngài tiền khai khẩn để tạo nên làng An Cư trù phú như ngày hôm nay, đó là Họ: Nguyễn , Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Tấn, Dương và Phan.

Cũng như các làng cổ khác của Quảng Trị, sau khi đã ổn định địa bộ đã chú tâm để xây dựng các công trình tâm linh, như đình chùa miếu vũ. Các công trình tâm linh này được xây dựng cổ kính, trang nghiêm theo kiểu dáng các đình chùa Bắc Bộ. Đặc biệt tại làng An Cư có xây dựng một cái Dinh để thờ Ngài tiền khai khẩn ra làng, Dinh ngài quay về hướng Đông Bắc, trước Dinh của Ngài có ao trồng sen nở hoa khoe sắc về mùa hè và khoảnh ruộng để làm lễ cấy lúa xuống đồng hàng năm. Vì là người khai khẩn ra 02 làng nên làng An Cư và làng Đại Hào đều chung ngày giỗ kỵ Ngài, Ông Nguyễn Hữu Lực- chia sẽ thêm  ( trích băng)

Làng An Cư có các di tích văn hóa lịch sử như Giếng Côi, tương truyền có từ thời Chăm, mạch nước trong và ngọt, không bao giờ cạn. Hiện nay người dân làng vẫn dùng sinh hoạt. Nằm cách đó không xa là vùng Cồn Đống- xưa kia là bến đò dọc, đò ngang gắn liền với những câu chuyện lịch sử và ký ức bao thế hệ. Ông Nguyễn Văn Hảo- Người làng An Cư cho biết ( trích băng)

Được tưới tắm bởi phù sa màu mỡ của  sông nước nên đất đai An Cư thấm đẩm tinh chất ngọt lành, cây trái quanh năm tốt tươi. Qua bao đời, người An Cư chăm chỉ cấy cày và chăm lo sự học cho con cái, lấy tấm gương học hành của các bậc tiền nhân để răn dạy, động viên con cái trong gia đình, dòng họ. Đã có nhiều người con trong các họ tộc trong làng đã vượt khó vươn lên học hành khoa bảng, thành tài, giúp dân, giúp nước. Tiêu biểu như Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường, Cử nhân Nguyễn Tuy, Cử Nhân Nguyễn Văn Phùng, Tiến sĩ Nguyễn Hàm. Giai đoạn sau này có các ông như: Bí thư huyện ủy Triệu Phong Dương Hạo, NSUT Nguyễn Hữu Ái, Nguyễn Hữu Quang.

Câu chuyện về Đất và người làng An Cư hòa quyện trong câu chuyện lịch sử chung của dân tộc, cũng lặng lẽ bình thản như dòng sông khi về đến miền xuôi, không còn sóng cồn hung dữ mà chỉ dâng cho người những hạt phù sa.

 

NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTHQuảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 23/12/2022 14:37 Lê Vĩnh Nhiên 23/12/2022 15:00
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà