sắc màu văn hóa - Đời sống
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, Bên cạnh đó, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Danh nhân Quảng Trị: Ông Lâm Hoằng” được phát sóng vào lúc 10 h 30 , 17h  ngày 11  tháng 11 năm 2022 và 17 h ngày thứ ba 15/11/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 11/11/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 10 h 30, 17 h ngày thứ 6 và 17 h ngày thứ ba hàng tuần.

Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, Bên cạnh đó, lịch sử văn hóa Quảng Trị là một câu chuyện xuyên suốt từ giai đoạn người Việt từ đàng Ngoài vào đàng Trong mở cõi, lập làng cho đến ngày hôm nay, để lại cho chúng ta những ngưỡng vọng không chỉ Đất mà còn Người Quảng Trị, với những danh nhân văn hóa lịch sử từ xưa cho đến nay.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị “ Danh nhân lịch sử Quảng Trị: Tướng quân Lâm Hoằng, các tiểu mục tiếp theo của chương trình sẽ tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của Quảng Trị. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

 

MC: Kính thưa quý vị và các bạn

Từ khi chính thức thuộc về quyền quản lý của nhà Trần, đất Quảng Trị xưa (tức Ô Châu, Hóa Châu thời xưa) đã nổi tiếng là đất dụng võ. Đã là địa linh tất có nhân kiệt. Dù nguồn tư liệu nghiên cứu hiện rất hiếm hoi, nhưng thời nào ta cũng tìm ra được những vị tướng bản lĩnh trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Trong những tháng quyết định của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã sai Trần Nguyễn Hãn và Lê Nỗ đem 1.000 quân vào giải phóng Quảng Trị để mở rộng hậu phương, sử chép sau khi lấy được thành trì, Trần Nguyễn Hãn đã mộ thêm được mấy vạn tinh binh đưa ra mặt Bắc. Trước đó, khi quân Minh mới sang  xâm lược, đất Hóa Châu đã từng làm cho chúng bạt vía kinh hồn bởi cha con danh tướng Đặng Tất - Đặng Dung. Hai vị tướng này được nghiên cứu và giới thiệu khá kỹ trên nhiều báo chí. Ở đây xin không giới thiệu thêm nữa.

Thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, xứ Thuận Hóa là thủ phủ của Đàng Trong, nhưng con người ở đây hẵn là chưa được họ Nguyễn tin cậy lắm nên ta thấy tướng lĩnh chủ yếu là người ở Đàng Ngoài theo vào. Tây Sơn nổi lên dứt được họ Trịnh, đuổi được họ Nguyễn nhưng tiếc là chẳng được lâu bền. Đó là lý do vì sao tư liệu (chính sử) về các danh tướng đời Tây Sơn người Quảng Trị như Hoàng Kim Hùng, Hoàng Kim Lan, Trần Văn Dùng … không còn gì nữa. Ngày nay, chúng ta chỉ biết được họ qua những trang gia phả hoặc qua một số bằng sắc có liên quan còn lưu giữ được.

Vào những ngày Cần Vương, người Quảng Trị lại nô nức hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Chỉ riêng ở đất Cam Lộ, nơi có căn cứ Tân Sở, đã có rất nhiều võ quan các cấp trổ tài giúp nước; Phó soái Đỗ Văn Chung, người đã chỉ huy nghĩa quân đánh thắng trận Trạng Mè ở Do Linh ngay khi chúng mới đặt chân đến đất Quảng Trị. Đó là Chánh Nghệ (Ngô Viết Nghệ) , đội Chước (Hồ Văn Chước) là những vị chỉ huy dũng cảm.

Nhưng nói đến các lãnh tụ Cần Vương ở Quảng Trị mà không nói đến Trương Đình Hội  và Nguyễn Tự Như thì thật là thiếu sót, Trương Đình Hội khi đi thi có tên là Trương Thiện Thuật, Hương khoa lục chỉ chép về ông rất sơ lược: Người xã Phù Lưu (nay thuộc Triệu Phong) làm quan đến chức tri huyện, bị nạn.

Con đường công danh của Trương Đình Hội chẳng có gì sáng sủa. Vì tính công bằng chính trực nên suốt sáu năm liền ông vẫn không vượt qua được cái chức tri hyện. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Trương Đình Hội cùng bạn đồng chí là Nguyễn Tự Như nhiệt liệt hưởng ứng. Họ đã tuyển mộ quân sỹ, chế tạo khí giới rồi đánh phá tỉnh thành Quảng Trị, phủ lý Triệu Phong làm chấn động cả một vùng. Sau hơn một năm cầm cự, mặc dù thế và lực giữa ta và địch quá chênh lệch và cuộc khởi nghĩa ngày càng thất bại nhưng Trương Đình Hội vẫn quyết tâm, kháng cự đến cùng. Sau khi phải rời bỏ căn cứ trốn vào Quảng Nam, cuối năm 1887, ông bị giặc bắt và năm sau bị đem ra hành quyết.

 

 Nói về giai đoạn Nhà Nguyễn Trung Hưng, số tướng lĩnh là người Quảng Trị theo phò cũng nhiều, công trạng của họ đều được ghi chép lại đầy đủ qua chính sử, nhưng nhìn chung chủ yếu là công lao nội chiến hoặc đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Việc đánh giá các nhân vật này phải dựa trên ý thức hệ phong kiến và bối cảnh đương thời. Theo quan điểm nho giáo họ chỉ biết “mệnh trời” thuộc về bên nào thì theo bên ấy, ai chống lại vua thì đều bị coi là giặc và họ tự thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ ngai vàng!

Cổ Ngữ nói nước loạn mới biết tôi trung, thật đúng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không ít tướng lĩnh thuộc phe chủ chiến của triều đình đã tỏ ra hết lòng vì nước. Tiêu biểu trong số đó phải kể hai nhân vật là người Quảng Trị: Trần Xuân Hòa và Lâm Hoằng.

Trần Xuân Hòa, theo Quốc triều hương khoa lục thì ông quê ở xã Thâm Khê, huyện Hải Lăng, đậu cử nhân khoa Mậu Thân 1848, được bổ làm quan ở tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), gặp khi quân Pháp kéo đến xâm lăng, mặc dù thế giặc mạnh và hơn hẳn về quân trang khí giới, ông vẫn dũng cảm đem toán quân bản bộ ra cự chiến. Bị địch bắt, ông cắn lưỡi tự tử. Triều đình cảm phục và tiếc tương, lệnh cho tỉnh thần Quảng Trị lập miếu thờ ông.

Lâm Hoằng người xã Gia Bình, huyện Do Linh, đậu cử nhân thứ hai khoa Đinh Mão 1867, năm sau lại đỗ Phó bảng, từng được sung Phó sứ sang Trung Quốc. Ông làm quan tới chức Tham tri (Thứ trưởng thứ nhất). Khi vua Hiệp Hòa lên ngôi (1884) ông  được giao trấn giữ cửa Thuận An. Thế giặc rất mạnh mà vua thì muốn đầu hàng, ông vẫn cùng các tướng sĩ chống giữ đến cùng. Thành vỡ, ông cùng các tướng lĩnh than cận tự vẫn, ông được triều đình truy tặng hàm Thượng thư.

Do những biến động lịch sử và do cả thiên tai khắc nghiệt mà nguồn tư liệu về các tướng lĩnh Quảng Trị xưa vốn đã hiếm lại càng hiếm hoi hơn. Một cuốn gia phả hay một bản sắc phong còn giữ được trong tay rất quý nhưng chưa thể là cơ sở tin cậy cho việc xây dựng lại chân dung một nhân vật lịch sử. Nhưng với chỉ bấy nhiêu gương mặt với những đường phác họa cơ bản cũng đủ cho ta thấy được truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của người Quảng Trị một thời cho đến ngày nay, mảnh đất Quảng Trị vẫn tiếp tục được coi là địa linh nhân kiệt. Nước non vẫn nước non nhà và những anh hùng hôm nay chính là kết tinh của những giá trị truyền thống đó.

 

 

Nhạc cắt

Kính thưa quý vị và các bạn. Ông Lâm Hoằng theo sử sách chép lại là người ở thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm Đinh Mão (1867) đời Tự Đức, ông thi đỗ cử nhân. Đến năm Tự Đức thứ 21 ( tức là năm Mậu Thìn1868), Lâm Hoằng thi đỗ phó bảng, lúc đó ông đã  44 tuổi.

Ban đầu, ông được bổ làm Tri huyện Kim Thành, thuộc phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; sau được cử làm Quốc tử giám Tu nghiệp (1872), rồi lần lượt trải các chức: Biện lý bộ Lại, Tham biện Nội các sự vụ, Án sát sứ Nghệ An. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), cử ông làm Phó sứ sang Yên Kinh (Bắc KinhTrung Quốc ngày nay); khi về nước, đổi ông làm Hộ lý Tuần phủ Nam Ngãi (tức Quảng Nam và Quảng Ngãi), rồi làm Bố chính sứ Quảng Ngãi. Ở đây, gặp lúc đời sống khó khăn, ông xin vua chẩn cấp, cứu sống được rất nhiều người dân. Được nhân dân ở đây tôn như thành hoàng sống

Năm Tự Đức thứ 34 (1881), cử ông làm Hữu thị lang bộ Công, rồi thăng Thự Hữu Tham tri ở bộ này. Đến năm Tự Đức thứ 36 (1883), sau khi nhà vua thấy rằng cửa biển Thuận An là cửa ngõ Kinh sư Huế, việc phòng bị rất là quan yếu và thấy tài năng cầm quân của ông nên đã bổ cử ông làm “Thuận An hải phòng Phó phòng luyện”.

Tháng 8 năm đó, lúc bấy giờ vua Tự Đức vừa mới mất, vua Hiệp Hòa lên nối ngôi, Hải quân Pháp cùng với Toàn quyền Hác- Măng đem tàu chiến vào đánh cửa Thuận An. Trong 03 ngày bắn phá dữ dội, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 8, thì Trấn Hải Thành vỡ. Theo Việt Nam sử lược thì ngay hôm ấy Lâm Hoằng cùng các tướng lĩnh đã gieo mình xuống sông tự tử.

Sử nhà Nguyễn là Đại Nam chính biên liệt truyện, chép lại rằng: “Mùa thu năm ấy, nước Pháp đem binh thuyền đến đánh, Lê Sỹ cùng Thống chế Lê Chuẩn và Phó phòng luyện Lâm Hoành chia quân ra chống giữ, cầm cự nhau trong 2 ngày, tiếng súng không ngớt. Quân Pháp bèn chia nhau xuống những chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ sam vào bờ, rồi theo lối đường Thái Dương ở phía sau Trấn Hải Thành đánh úp. Thành bị hãm, Lê Sỹ cùng Lê Chuẩn, Lâm Hoằng và Chưởng vệ Nguyễn Trung đều bị chết..”

Đến năm 1884 đời Kiến Phúc, truy tặng Lâm Hoành chức Công bộ Thượng thư, đồng thời cho con ông là Lâm Hoàn làm Thự Biên tu (sau làm đến Lang trung bộ Công.

Hiện ở các thành phố Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Lâm Hoằng. Hàng năm, vào ngày thất thủ Thuận An, thì người dân ở Thuận An, thành phố Huế đều tổ chức lễ lớn giỗ Ông Lâm Hoằng cùng các tướng lĩnh hy sinh để bảo về đất nước.

 Nhận định về sự nghiệp và hành trạng của Ông Lâm Hoằng, Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Trần Đại Quảng cho biết ( TRích Băng 1)

 

    Lời xướng tiểu mục “Nghệ thuật và cuộc sống”

                                                  Nhạc cắt

Kỷ thuật viên phát bài sáo trúc, nghệ sĩ Đức Tám thể hiện

Mc:Kính thưa quý vị. quý vị vừa nghe giai điệu sao trúc rất trữ tình, du dương qua sự thể của anh Đức Tám. Xin giới thiệu anh Đức Tám hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuy còn trẻ nhưng với lòng đam mê nghệ thuật anh đã luôn tìm tòi các loại nhạc cụ từ hiện đại đến cổ truyền, trong đó có sáo trúc.

Ở Việt Nam các loại sáo này được gọi chung thành một cái tên thân thuộc “Sáo Trúc". Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc chèo, hát văn, tiểu nhạc. Độ mạnh, nhẹ nhanh, chậm trong luồng hơi của người nghệ sĩ diễn tấu sẽ ảnh hưởng tới cao độ của nốt âm, vậy nên muốn thổi ra âm thanh xúc động lòng người, cần phải nắm vững cách khống chế âm lượng, học được cách khống chế khẩu hình môi, luồng hơi.

Sáo còn là một loại phương tiện giúp bạn có thể thổ lộ tấm lòng của mình. Niềm vui, nỗi buồn đều có thể truyền tải qua một cây sáo trúc nhỏ. Sáo trúc có lẽ là loại sáo xuất hiện rất nhiều trong đời sống sinh hoạt và trong nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây sáo có mặt cùng với những đứa trẻ chăn trâu, những chàng trai si tình hay những cụ già muốn dành thời gian thảnh thơi, thư giãn cùng với tiếng sáo trúc.

Khi nói về quá trình đam mê và học hỏi về cây sáo trúc, anh Nguyên Đức Sinh chia sẽ như sau ( Trích băng 1)

 Như đã giới thiệu trên thì cây sáo trúc ở Việt Nam ngoài là một nhạc cụ đã dung biểu diễn và giải trí tâm hồn, thì còn được xem như là một nét văn hóa của dân tộc được truyền lại qua bao đời nay. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy nét đẹp này.

Kỷ thuật viên phát bài sáo trúc, nghệ sĩ Đức Tám thể hiện

 

Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Điểm đến Quảng Trị”

 

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Sắc màu văn hóa- Đời sống của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị. Gio An, Gio Linh, Quảng Trị là mảnh đất với nhiều di tích, địa danh đã đi vào lịch sử. Từ những giá trị đặc biệt đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio An đang nỗ lực tận dụng lợi thế để từng bước khai thác, phát triển bền vững những tiềm năng du lịch gắn với với bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử, chiến tranh cách mạng. Mời quý vị đến nơi đây qua bút ký “  Gio An- Mảnh đất hội tụ những giá trị lịch sử văn hóa” của tác giả Nguyễn Việt

Hành trình đến thăm các cứ điểm Cồn Tiên - Dốc Miếu, nơi từng là “mắt thần” của hàng rào điện tử McNamara, rồi đi dọc lên các xã miền Tây Gio Linh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của vùng đất một thời từng bị đạn bom, chất độc hóa học cày xới. Hình ảnh nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố; đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa; cùng với đó là màu xanh của những cánh rừng trồng, của cây cao su đã cho những dòng nhựa trắng… là minh chứng cho sự hồi sinh mãnh liệt của những vùng quê cách mạng.

Gio An, một xã ở phía Tây huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) nơi đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng với địa danh vàng chói lọi, tiếng trống trận Gio An đã đi vào những ca khúc của Quảng Trị. Đây là quê hương của một vị tướng dưới thời Nhà Nguyễn đã xã thân vì nước- Ông Lâm Hoằng. Những dấu tích miếu thờ Chúa tiên Nguyễn Hoàng vẫn còn hiện diện nơi đây. Miền quê Gio An này còn được thừa hưởng hệ thống công trình kiến trúc khai thác nguồn nước ngầm rất độc đáo của người Chăm Pa xưa với hơn 30 giếng cổ khác nhau mà người dân địa phương quen gọi là “giếng cổ Gio An”.

 Những năm gần đây, miền Tây Gio Linh còn được nhắc đến trên “bản đồ du lịch” Quảng Trị bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những thảm rau liệt trồng trên đá và hệ thống giếng cổ… có sức thu hút đối với du khách gần xa. Hệ thống giếng cổ này cơ bản được chia thành 3 loại: Giếng được xây dựng dựa trên mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và nguồn nước cần khai thác. Mỗi loại giếng mang một nét độc đáo riêng, song tất cả đều có chung một đặc điểm là hàng ngàn năm qua, nguồn nước vẫn luôn trong mát và chưa bao giờ cạn, được dùng cho sinh hoạt và tưới mát đồng ruộng.

Theo đó, hệ thống “dẫn thủy nhập điền” ở xã Gio An, biểu trưng sâu sắc cho nền văn hóa Chăm Pa vốn rất phong phú và đa dạng đã được Bộ VH - TT&DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001 và đang được xem xét đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là “Di sản Lịch sử - Văn hóa thế giới”. Từ những lợi thế đặc trưng đó, một số địa phương như xã Gio An đã bước đầu xây dựng mô hình du lịch sinh thái để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Ông  Lê Phước Hiếu -  Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết ( Trích băng 2)

Nhờ có nguồn nước ngầm mát lành từ giếng cổ mà người dân xã Gio An đã trồng được loại rau liệt đặc sản nức tiếng khắp trong huyện, ngoài tỉnh về độ sạch.Rau liệt (còn có tên phổ thông là rau xà lách xoong) chỉ bám nhẹ trên đá, chất dinh dưỡng chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy tự nhiên, không chịu sống chung với bùn đất hay nước bẩn. Loại rau “sợ bẩn” này không cần phân bón, không dùng thuốc trừ sâu và cũng không tốn công chăm sóc.

Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây rau liệt Gio An mang lại, nhiều người ngoài vùng đã mua giống đưa về trồng, cũng bơm nước giếng vào đồng ruộng nhưng lạ lùng thay, loại “dị thảo” này trở nên cằn cỗi, héo úa rồi chết dần chết mòn.

Người dân địa phương khẳng định: “Ngoài vùng đất Gio An thì không có một nơi nào ở Quảng Trị có thể trồng được loại rau “tuyệt đối sạch” này”,

Từ nguồn nguyên liệu rau liệt đặc sản, người Gio An đã khéo léo chế biến thành những món ăn khoái khẩu mà nhất định bạn nên thử một lần trong đời, trong đó có những món “bao ngon” như: Rau liệt xào thịt bò, rau liệt sốt thịt bò, rau liệt trộn thịt bò, rau liệt trộn trứng gà, rau liệt trộn bánh lọc, salad rau liệt dâu tây, salad rau liệt ngũ sắc, canh rau liệt nấu tôm tươi, rau liệt luộc chấm với ruốc, rau liệt xào tỏi.Vì thế, người Quảng Trị rỉ tai nhau rằng: “Muốn ăn chắt chắt thì về Mai Xá, muốn ăn tôm cá thì xuống Cửa Việt, muốn ăn rau liệt thì lên Gio An”.

Chị Lê Thị Trang người dân địa phương chia sẽ rằng ( Trích băng 3)

Bên cạnh sản phẩm Du lịch vùng phi quân sự (tour DMZ) độc đáo và nổi tiếng, Gio An là một điểm đến vô cùng hấp dẫn khác ở Quảng Trị, hối thúc, mời gọi các nhà khoa học, các nhà sử học, cũng như du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và khám phá.

Bài hát  “ Bến bờ yêu thương” của Trương Hằng Nga

NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và h
File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 10/11/2022 09:34 Lê Vĩnh Nhiên 10/11/2022 10:56
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà